Wednesday, June 25, 2014
Bãi bỏ điều khoản buộc người Việt hải ngoại ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam
SBTN_Theo báo Quân đội Nhân dân, sáng ngày 24 tháng 6, Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi đã được kỳ họp của quốc hội Cộng sản Việt Nam thông qua với đa số tuyệt đối, 95.98%.
Luật Quốc tịch vừa được thông qua lần này không có điều khoản buộc người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam để không bị mất quốc tịch Việt Nam.
Nội dung Luật này xác định rằng, quốc tịch là một quyền dân sự, đã được pháp luật ghi nhận, cho nên luật không buộc một người bị mất quốc tịch nếu không ghi danh giữ quốc tịch như luật hiện hành.
Cũng theo Luật này, việc buộc người Việt Nam hải ngoại ghi danh giữ quốc tịch sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà…
Theo luật Quốc tịch hiện hành được ban hành năm 2008, người Việt ở hải ngoại bị buộc phải ghi danh giữ quốc tịch trước ngày 1 tháng 7, 2014. Sau đó, thời hạn này được kéo dài thêm 5 năm nữa, tức là 1 tháng 7, 2019 là hạn cuối để người Việt Nam hải ngoại ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam.
Thống kê của Bộ Tư pháp Cộng sản Việt Nam thừa nhận rằng hiện nay chỉ có khoảng 6,000 trong tổng số gần 4.5 triệu người Việt Nam định cư ở ngoại quốc ghi danh giữ quốc tịch Việt Nam, chiếm tỉ lệ khoảng 0.13% mà thôi.
Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nhìn nhận rằng các con số này cho thấy, sẽ có hơn 4 triệu người từ chối quốc tịch Việt Nam sau ngày 1 tháng 7, 2014. Tỉ lệ chắc chắn sẽ không thay đổi cho đến sau ngày 1 tháng 7, 2019 vì người Việt Nam định cư ở ngoại quốc không tha thiết đến việc xin giữ quốc tịch Việt Nam, vì giữ hay không giữ, có hay không có quốc tịch Việt Nam cũng chẳng có gì khác biệt.
Hiện nay, “quyền lợi trước mắt” của người Việt Nam hải ngoại có quốc tịch Việt Nam là được làm sổ thông hành, để khi trở về Việt Nam thăm quê không bị mất tiền xin chiếu khán nhập cảnh. Giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam, không khác một tờ giấy lộn, theo nhận định của hầu hết người Việt Nam ở hải ngoại. (S. Châu)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment