Thursday, June 26, 2014

Túc Cầu Việt Nam Cộng hòa

Nguyễn Ngọc Chính

I. Hồi ức học trò 
Học sinh Trần Hưng Đạo (Dầ Lạt) cằn trại năm 1967, gần Tết Đinh Mùi. Nguồn Facebook.
Học sinh Trần Hưng Đạo (Đà Lạt) cắm trại năm 1967, gần Tết Đinh Mùi. Nguồn Facebook.
[...] Trường Trần Hưng Đạo tọa lạc trên một ngọn đồi nhìn xuống hồ Vạn Kiếp, một cái hồ nhân tạo nhỏ hơn hồ Xuân Hương rất nhiều. Phía bên kia hồ là vườn rau trồng bắp xú, artichaud, dâu tây và xu xu. Vào thời chúng tôi còn đi học, hồ Vạn Kiếp rất đẹp và thơ mộng nhưng thời gian sau 1975 hồ đã bị gần như biến mất vì dân nhập cư lấn chiếm, xây nhà, mở đất.
Gần bên hồ Vạn Kiếp là một sân bóng nhỏ, chiều dài độ 30m, được ủi bằng phẳng nên là một sân banh lý tưởng cho bọn học sinh chúng tôi. Nơi đây, chúng tôi thường có các trận thi đấu vào giấc trưa khi ở lại trường. Các đội bóng thường chia theo khu vực dân cư sinh sống.
Hồi đó, nhóm học sinh nhà ở khu Địa dư, gần trường Lycée Yersin, có đội bóng hay nhất trong số các học sinh ở lại trường vào buổi trưa. Nhà tôi ở được xếp vào khu Địa dư dù cách đó hơi xa nhưng vẫn nằm trong khu Saint Benois hay còn gọi là Chi Lăng, gần trường Võ bị Đà Lạt.
Chúng tôi đá bóng chân đất và sau mỗi trận đấu thường xuống hồ rửa ráy để chuẩn bị vào lớp buổi chiều. Sân bóng gần hồ rất tiện lợi cho việc tắm rửa nhưng cũng có điều bất lợi mỗi khi đá mạnh quá bóng có thể lăn theo triền dốc xuống hồ, mất công lội xuống nước để nhặt bóng.
Đá bóng là môn thể thao ưa thích của tôi ngay từ hồi còn nhỏ. Tôi thường chơi trong vai trò trung phong với những đường lừa bóng và sút bóng… có hạng. Tôi nhớ mãi đã có lần sút bóng mạnh đến nỗi thủ môn của phe đối phương phải chảy máu mũi vì bóng trúng mặt. Bản thân tôi lúc đó cũng thấy sợ phát khiếp.
Điều lý thú là người giữ khung thành, Nguyễn Thanh Hà, sau này gia đình cũng chuyển qua Ban Mê Thuột học lớp Đệ Ngũ tại trường trung học BMT. Hà về sau trở thành một cầu thủ có hạng còn tôi thì lại không còn chọn con đường đá bóng.
Thỉnh thoảng tôi vẫn nhắc lại với Hà chuyện ‘lỗ mũi ăn trầu’ khi còn học ở trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt nhưng có vẻ như Hà cố tình quên chuyện đó có lẽ vì tự ái. Hơn nữa, từ khi về BMT, như tôi đã nói, Hà là một trong những cầu thủ sáng giá nhất trường và rồi đá cho đội bóng của thị xã!
Ký giả Huyền Vũ
Đối với hầu hết những người Việt Nam, nhất là những người hâm mộ bóng tròn kể từ năm 1975 trở về trước, không ai là không biết hoặc không nghe giọng nói của Huyền Vũ, một ký giả kiêm bình luận viên trực tiếp truyền thanh các trận bóng đá trong suốt một phần tư thế kỷ vừa qua.
Ký giả thể thao Huyền Vũ. Nguồn: OntheNet
Ký giả thể thao Huyền Vũ Nguyễn Ngọc Nhung. Nguồn: OntheNet
Trong những buổi tường thuật trực tiếp truyền thanh, ký giả Huyền Vũ, tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, đã khiến cho người nghe, dù ở thành thị hay vùng thôn quê xa xôi hẻo lánh, đều có cảm tưởng như mình đang hiện diện ngay tại sân cỏ để chứng kiến những pha gay cấn trong cuộc tranh tài.
Giọng nói miền Nam của ông có sức thu hút lạ lùng, khi thì ung dung như quả bóng đang lăn chậm chạp trên sân cỏ, khi thì dồn dập như mưa sa bão táp cuốn hút người nghe vào những pha công phá đang diễn ra sôi nổi trước khung thành. Cứ sau mỗi pha đầy gay cấn như vậy thì người ta lại nghe ông kể lại cách sắp xếp của hàng tấn công và hàng phòng thủ của 2 đội, chẳng khác nào một cuốn phim được quay chậm trở lại trên màn ảnh để khán giả có thể biết được một cách rõ ràng hơn.
Huyền Vũ dùng những cụm từ mà những người theo dõi qua radio không thể nào quên: khi trận đấu chưa có bàn thắng, ông dùng cụm từ ‘màng lưới đôi bên vẫn còn trinh bạch’, khi cầu thủ sút bóng không vào gôn, ông bình luận thêm ‘vượt cầu môn trong gang tấc’ hoặc ‘bỏ lỡ cơ hội bằng vàng’
Hồi xưa chưa có truyền hình, được nghe Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh qua radio là một niềm say mê đối với những người ghiền túc cầu…
Ngầu đang lừa banh… qua rồi… truyền lại cho Há… Liêm đã sẵn sàng ở phiá sau… cú sút như trái phá… nhưng ‘quả da’ đụng khung thành bật ra trong gang tấc…
Ngay cả trong lúc dự những trận đấu tại sân Tao Đàn hoặc trên sân Cộng Hòa (ngày nay là sân Thống Nhật) thì ngoài việc coi trực tiếp những trận banh diễn ra trên sân cỏ, một số người còn mang thêm radio transistor để nghe Huyền Vũ mô tả tên cầu thủ, những đường banh lắt léo, và những lời bình luận độc đáo của ông. Huyền Vũ mất ngày 24/8/2005 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi.
Ngày xưa, bóng đá được người Sài Gòn gọi nôm na là đá banh hay văn hoa hơn là túc cầu. VNCH thời 1966 đã từng đoạt cúp Merdeka của Malaysia, khi đó đội tuyển được đặt dưới sự dìu dắt của huấn luyện viên Weigang, người Đức. Đội hình ra sân có thủ môn Lâm Hồng Châu, hậu vệ gồm Phan Dương Cẩm (tự Hiển), Nguyễn Văn Có, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lại Văn Ngôn (II), giữ vị trí tiền vệ có Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh và hàng tiền đạo gồm Nguyễn Văn Ngôn (I), Nguyễn Văn Chiêu, Lê Văn Đức, Trần Chánh.
Trận chung kết giải Merdeka có khoảng 40,000 khán giả ngồi kín Sân Vận động Quốc gia với sự chủ tọa của Quốc vương Mã Lai và Thủ tướng Abdulraman. Đội tuyển VNCH ra sân trong màu áo vàng, quần trắng, vớ vàng, được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả Malaysia, nhất là tiền vệ Đỗ Thới Vinh, người dễ nhận ra nhất trong đội hình Việt Nam với cái đầu hói và những pha lừa bóng điệu nghệ cùng những cử chỉ pha trò có duyên của anh trên sân cỏ đã thu được cảm tình của khán giả và báo chí nước chủ nhà.
Với ý chí quyết tâm, toàn đội Việt Nam đã ‘ăn miếng trả miếng’ trong trận chung kết với đội Miến Điện (ngày nay gọi là Myanmar) một cách xuất sắc. Tuy nhiên, hiệp một chấm dứt mà không bên nào mở được tỉ số.
Đội tuyển VNCH, huy chương vàng SEA GAMES 1959. Hàng trước: Nhung, Vinh, Hà Tam, Thách, Tư; Hàng giữa: Thanh, Hiếu, Myo; Hàng sau: Tỷ, Rạng, Cự. Nguoogn blog Nguyễn Ngọc Chính.
Đội tuyển VNCH, huy chương vàng SEAP GAMES 1959. Hàng trước: Nhung, Vinh, Hà Tam, Thách, Tư; Hàng giữa: Thanh, Hiếu, Myo; Hàng sau: Tỷ, Rạng, Cự. Nguồn: blog Nguyễn Ngọc Chính.
Sang đến hiệp hai, cơ hội bằng vàng đến với đội tuyển VNCH ở phút 72. Từ đường chuyền của thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang, Nhà Ảo Thuật Đỗ Thới Vinh khéo léo dẫn banh qua hai cầu thủ Miến Điện, mở bóng xuống vừa đúng tầm để trung phong Nguyễn Văn Chiêu băng xuống.
Chiêu dùng ngực hứng bóng, xoay người, tung quả sút hiểm hóc từ xa 25 mét bằng chân trái, bóng đi như ánh chớp vào góc thượng của khung thành Miến Điện trước sự ngỡ ngàng của Đệ nhất Thủ môn Á Châu thời bấy giờ là Tin Tin An, mở tỷ số 1-0 cho Đội tuyển Việt Nam. Bàn thắng này cũng là tỷ số chung cuộc của trận đấu và là bàn thắng đáng giá ngàn vàng đưa đội tuyển VNCH lên ngôi Vô địch Giải Túc cầu Merdeka 1966 tại Mã Lai.
Trung phong Nguyễn Văn Chiêu và tiền vệ Đỗ Thới Vinh là đôi bạn thân thiết cùng chung màu áo từ đội Quan Thuế rồi khi vào quân ngũ cả hai đá cho Đội Tổng tham mưu. Giải ngũ, cả hai trở về đội Quan Thuế và cùng đá trong đội tuyển quốc gia. Cuộc đời hai anh gắn liền cả chục năm trời bên nhau trên sân cỏ.
Tại Giải Merdeka năm 1966, Vinh và Chiêu là hai người lập công trạng lớn nhất đem vinh quang về cho Việt Nam. Giờ đây, hai anh kẻ trước người sau ra đi trong âm thầm, thiếu vắng đồng đội tiễn đưa, không một lời ai điếu nhắc lại thời huy hoàng của trên sân cỏ.
Nguyễn Văn Chiêu đã vĩnh viễn ra đi năm 1987 tại Long Thành trong hoàn cảnh thương tâm, chỉ có người vợ cùng mấy người con khóc nghẹn trước thân xác lạnh lẽo của chồng và cha trong căn chòi lá nằm sâu trong một góc vắng của thị xã Long Thành. Đám tang anh vội vã, không kèn không trống. Mộ phần không tiền xây cất, đắp đất sơ sài.
Tiền vệ Đỗ Thới Vinh cũng mất tại Việt Nam năm 1995 vì bệnh tiểu đường. Anh là nhân vật tên tuổi trong giới túc cầu được nhiều người ái mộ từ trong nước ra tới hải ngoại nhưng anh cũng âm thầm ra đi trong hoàn cảnh đơn chiếc, túng thiếu.
Lão tướng Quách Hội, 73 tuổi, kể về chiếc Cúp Merdeka năm 1966 như sau: “Năm 1995, một sáng tôi đi ngang một tiệm bán đồ lạc-xon trên đường Hải Thượng Lãn Ông, tình cờ tôi nhìn thấy, bày trong số đồ bán của tiệm, chiếc Cúp Vô Địch Giải Túc Cầu Merdeka mà Đội Tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hoà, trong đội có tôi, đoạt được năm 1966 tại Malaysia.
Người chủ tiệm nói chắc giá 5 triệu đồng. Không có tiền, tôi đứng trước tiệm lạc-xon ấy từ sáng đến trưa với hi vọng có bạn đồng đội cũ nào đi ngang thì báo tin để kêu gọi anh em góp tiền mua lại chiếc Cúp. Chờ mãi không gặp được ai, tôi đi về mà nước mắt ứa ra vì tiếc cho kỷ vật ghi lại chiến tích một thời của anh em chúng tôi. Không biết giờ này chiếc Cúp Merdeka của anh em chúng tôi lưu lạc về đâu.”
Cũng phải nói thêm về thủ môn Phạm Văn Rạng đã một thời nổi tiếng với danh hiệu Lưỡng thủ vạn năng vẫn sống mãi trong ký ức của những người hâm mộ bóng đá thuộc lứa tuổi U-60 và U-70. Năm 1949, từ vai trò trung phong của trường Việt Nam Học đường ông bất ngờ trở thành người giữ khung thành khi thủ môn chính thức không thể ra sân.
Năm 1951 Phạm Văn Rạng được đội Ngôi sao Bà Chiểu của ông bầu Võ Văn Ứng mời về giữ khung thành, rồi chỉ hai năm sau được chọn làm thủ môn cho đội tuyển Thanh Niên. Năm 1953 bị động viên, ông trở thành người trấn giữ khung thành cho đội Tổng Tham mưu. Cùng năm đó, ông được tuyển vào đội tuyển VNCH, khi mới 19 tuổi và khoác áo đội tuyển cho đến năm 1964 thì giải nghệ.
Năm 1966, dù đã 31 tuổi, ông vẫn được mời vào đội tuyển Ngôi sao châu Á (All Stars Team of Asia), bởi vị trí thủ môn chưa có cầu thủ nào của châu Á có thể cạnh tranh được. Đội Ngôi sao châu Á do cựu danh thủ Lý Huệ Đường làm HLV trưởng, trợ lý HLV là ông Peter Velappan (hiện nay là Tổng Thư ký LĐBĐ châu Á).
Sau khi được các đồng đội như Tam Lang, Dương Văn Thà, Võ Thành Sơn, Tư Lê, Hồ Thanh Cang cùng nhiều người hâm mộ đã giúp đỡ xây dựng cho một ngôi nhà cấp 4 tại sân bóng Thuận Kiều, thủ môn huyền thoại Phạm Văn Rạng đã qua đời vào tháng 11 năm 2008. Tôi còn nhớ, ngày xưa mỗi khi họp nhau đá bóng, bọn trẻ chúng tôi luôn luôn bàn cãi trong việc chọn lựa ai sẽ là… Gôn Rạng! Hai chữ Gôn Rạng đã đi vào đầu óc non trẻ của chúng tôi trong ngôn ngữ hàng ngày.
Thủ môn Phạm Văn Rạng. Nguồn ảnh: Quỳnh Nga.
Thủ môn Phạm Văn Rạng và những người ái mộ Nhật Bản. Nguồn ảnh: Quỳnh Nga.
Tại sân vận động Cộng Hòa vào giữa tháng 12/1967 có Giải Túc cầu Thân hữu Việt-Mỹ. Từ Mỹ sang là đội Dallas Tornado, họ đấu 2 trận, trận thứ nhất gặp Hội tuyển Thanh niên ngày 14/12/1967 và trận thứ nhì ngày 16/12/1967 gặp Hội tuyển Sài Gòn. Trận gặp đội tuyển có tới 20.000 khán giả đến chật kín sân vận động và kết quả 2 đội hòa nhau 1-1.
Đặc biệt vào thời xưa, trước các trận đấu chính luôn luôn có các trận mở màn để các đội bóng thanh thiếu niên hoặc lão tướng có dịp ra sân trình diễn trước khán giả. Tôi nghĩ, đây là một việc làm rất tốt của Tổng cục Túc cầu Việt Nam thời đó, một mặt khuyến khích các đội trẻ mặt khác phục vụ khán giả một cách tận tình bằng những ‘bữa tiệc’ túc cầu có nhiều món khác nhau. Điều này, bóng đá sau năm 1975 không hề có.
Bích chương Giải Túc cầu Thân hữu Việt-Mỹ năm 1967. Nguồn: Blog Nguyễn Ngọc Chính.
Bích chương Giải Túc cầu Thân hữu Việt-Mỹ năm 1967. Nguồn: Blog Nguyễn Ngọc Chính.
Trở lại chuyện mê đá bóng của tôi hồi còn đi học. Túc cầu cũng mang lại cho tôi nhiều rắc rối. Đá bóng vào giờ nghỉ trưa thì không sao nhưng những trận đấu sau giờ học chiều mới có chuyện vì khi đó chắc chắn sẽ về nhà muộn.
Tàn trận bóng mới bắt đầu lo vì đường từ trường Trần Hưng Đạo về đến khu Hòa Bình quá xa mà lại còn phải đi bộ. Đến bến xe đò đi Trại Hầm trước 6 giờ thì may còn kịp chuyến xe chót về nhà và nếu không còn xe thì đành cuốc bộ.
Như vậy, cuốc bộ suốt con đường từ trường về nhà, tròm trèm 6km, cũng mất độ gần 2 tiếng. Về đến nhà còn phải nghĩ ra lý do để giải thích: có việc đột xuất ở trường nên thầy giáo cho về trễ hoặc không hiểu sao xe đò lại nghỉ sớm, nhưng hoàn toàn không bao giờ có lý do… mê đá bóng.
Bây giờ tuổi đã già, niềm say mê bóng đá vẫn còn đó nhưng chỉ thể hiện qua việc xem bóng đá trên TV vào những ngày cuối tuần. Bóng đá Việt Nam vẫn chưa đi vào chuyên nghiệp, cầu thủ đa số là những người có chút ít kỹ thuật nhưng lại không được đào tạo về văn hóa còn khán giả phần đông là những người trẻ, họ đến sân với một tinh thần ‘cay cú, ăn thua’. Những khán giả chân chính chỉ còn biết ngồi nhà xem TV để không phải ‘tai nghe, mắt thấy’ những hành động thiếu văn hóa diễn ra trên sân cỏ!
(Trích Nguyễn Ngọc Chính, Hồi Ức Một Đời Người – Chương 2: Thời niên thiếu)
 ***
Đội tuyển Bóng tròn Quốc Gia VNCH tham dự vòng dự tuyển tranh giải  World Cup 1974. Nguồn: OntheNet.
Đội tuyển Bóng tròn Quốc Gia VNCH tham dự vòng dự tuyển tranh giải World Cup 1974. Nguồn ảnh: Trần Quốc Bảo.

II. Tam Lang và hào quang của Túc Cầu VNCH

Vũ Tứ Lang

Phạm Huỳnh Tam Lang và Merdeka Cup . Nguồn: OntheNet
Thủ quân Tam Lang và Merdeka Cup 1966 . Nguồn: OntheNet
Danh thủ Tam Lang đã qua đời chỉ vài tuần trước khi World Cup mở màn.
Tên thật là Phạm Huỳnh Tam Lang, ông sinh năm 1942 ở Gò Công, năm 1955 lên Sài Gòn và thi đậu vào trường Petrus Ký, được một người đồng hương là Nguyễn Văn Tư cưu mang.
Duyên may, người đồng hương này là cầu thủ nổi tiếng của làng bóng Sài Gòn với biệt danh “mũi tên vàng đội AJS”. Nguyễn Văn Tư đưa Tam Lang về nhà ở và dìu dắt vào nghiệp cầu thủ: buổi sáng đi học, buổi chiều cùng ông đến tập luyện với đội bóng.
Sau khi vừa học chữ vừa luyện bóng năm năm, năm 1949 Tam Lang được nhận vào đội tuyển thiếu niên Nam Việt Nam cùng với Võ Bá Hùng, Phạm Văn Lắm, Nguyễn Văn Ngôn, Quan Kim Phụng…. Từ đội tuyển thiến niên, năm 1960 Tam Lang được nhận vào đội tuyển VNCH, tức lúc chỉ có 19 tuổi. Đến năm 1966 khi chuẩn bị đi Malaysia dự Merdeka Cup, Tam Lang được HLV Waigang chọn làm thủ quân.
Tuy nhiên đội tuyển chỉ tập trung trong các dịp thi đấu quốc tế và phần lớn thời gian Tam Lang đứng trong đội hình chính thức của đội bóng Cảnh sát Quốc gia: ngoài những phụ cấp cho một cầu thủ, trong sổ lương ông ăn lương trung sĩ cảnh sát.
Trận chung kết Merdeka 1966 đội VNCH gặp đội Miến Điện, mà lúc đó VNCH lại có cái “huông” thua Miến Điện giống như VN thường thua Thái Lan mấy năm nay. Theo hồi ức của người dự trận thì Tam Lang đã đá trận này không chỉ bằng chân mà bằng miệng: từ vị trí hậu vệ, Tam Lang đã hò hét khản cổ để điều quân chống trả những đợt tấn công sấm sét của đội Miến, đặc biệt khi VNCH chuyển từ thế công ở đội hình 1-4-2-4 sang thế thủ 1-4-3-2-1 sau khi ghi được một bàn thắng.
Thời đó Tam Lang nổi tiếng nhờ lối đá mà báo chí Sài Gòn gọi là “mạnh mẽ, quyết liệt nhưng hào hoa, lịch thiệp” với những pha bật tường nhỏ và rất nhuyễn. Đặc biệt Tam Lang có một kỹ thuật độc chiêu là miếng xỉa từ phía sau để cướp bóng mà báo chí thời đó gọi là miếng “bọ cạp nước”.
Xỉa người chuồi chân để cướp bóng từ phía sau là động tác nguy hiểm vì dễ gây lỗi khi đụng chân đối thủ, dễ bị trọng tài nhìn nhầm và do đó dễ ăn thẻ vàng hay thậm chí thẻ đỏ. Tuy nhiên theo người thời đó thì dù chạy sau đối phương ở khoảng cách từ 2 tới 3 mét, Tam Lang vẫn có thể phóng người bay lên rồi chuồi chân để cướp bóng rất chính xác. Họ cho biết thời đó người Nhật đã quay đi quay lại “ngón” này của Tam Lang để mang về làm tài liệu luyện tập cho cầu thủ của mình.
Sau ngày 30-4-1975, Tam Lang chơi trong đội Cảng Sài Gòn và đã tham gia trận ra mắt trong trận đấu giao hữu với Hải Quan (hậu thân của đội Quan Thuế) trên sân Thống Nhất. Năm 1980, Tam Lang giã từ đời cầu thủ, thăng lên làm HLV phó cho đội Cảng Sài Gòn rồi được đưa sang Đông Đức để theo học một khóa huấn luyện viên.
Tại sao một “trung sĩ cảnh sát” lại được ưu ái cho đi du học trong thời điểm này?
Điều này có nhiều lý do. Một phần, chính sách của Sài Gòn dưới thời ông Võ Văn Kiệt có phần cởi mở hơn là bộ sậu trung ương ở Hà Nội, bằng cách “xử đẹp” với người nổi tiếng của VNCH như Tam Lang, ông sẽ có thể giữ lại được nhiều nhân tài đang nhấp nhổm vượt biên. Mặt khác, dù sao thì lúc này Tam Lang cũng “kiếm” được một lý lịch khá tốt: bố là “liệt sĩ” chống Pháp.
Năm 1981 Tam Lang trở về nắm chức HLV trưởng đội Cảng Sài Gòn và giúp đội này đoạt bốn danh hiệu vô địch quốc gia (1986, 1993-1994, 1997, 2001-2002), ba lần đoạt cúp quốc gia và hàng loạt cúp vô địch Sài Gòn, vô địch giải bóng đá các tỉnh thành phía Nam.
Cũng xin nói thêm: năm 1993 “cựu trung sĩ cảnh sát quốc gia” Phạm Huỳnh Tam Lang được kết nạp, trở thành đảng viên ĐCSVN.
Năm 1997 Tam Lang chính thức giữ vai trò HLV phó đội tuyển quốc gia dưới quyền HLV trưởng Colin Murphy (HCĐ SEA Games 1997), Alfred Riedl (HCB Tiger Cup 1998, HCB SEA Games 1999, Tiger Cup 2000, Dido SEA Games 2001).
Tháng 9-1982 chính thức làm HLV đội Cảng Sài Gòn cho đến nay với bốn lần đội đoạt chức vô địch quốc gia: 1986, 1994, 1997, 2002
Năm 2003, đội Cảng Sài Gòn rớt hạng và ngày 1-9-2003 ông nhận quyết định nghỉ hưu. Sau đó ông chuyển sang làm việc tại Trung tâm thể thao Thành Long, chuyên về công tác đào tạo tài năng trẻ.
[...]
Nay nhân sự ra đi của cầu thủ lừng lẫy một thời và cũng nhân mùa bóng World Cup sắp diễn ra, tưởng cũng nên nói lại danh tiếng một thời của nền túc cầu Việt Nam cộng hòa và lý do tại sao túc cầu Việt Nam tàn lụi.
Túc cầu VNCH
Nói về túc cầu VNCH, người ta nhắc tới ba ngôi sao sáng: Phạm Văn Rạng, Đỗ Thới Vinh và Tam Lang.
Ngày xưa còn nhỏ những ai đã từng mê truyện Duyên Anh cũng đã nhiều lần nghe tác giả nhắc tới trong tác phẩm của mình. Trong các nhân vật của Duyên Anh có chú bé “Bồn Lừa” với tài lừa banh và “Chương Còm” với tài “bắt gôn”, xuất hiện trong nhiều tác phẩm như Dzũng Đa Kao, Thuở mơ làm Quang Trung, Gấu Rừng và đặc biệt là Bồn Lừa, tác phẩm mang tên nhân vật chính. Bồn Lừa có khi được tác giả gọi là “Vinh em”, còn “Chương Còm” được gọi là “Rạng em”, ý muốn nói đó là những thế hệ tiếp nối, hậu duệ của hai bậc đàn anh.
Trong tác phẩm trên Duyên Anh tưởng tượng ngày Đội tuyển VNCH chiếm giải quán quân World Cup ngay trên đất Ba Tây, sự kiện khiến nước Pháp phải xấu hổ và xin lỗi về 80 năm thực dân hóa nước ta. Duyên Anh tưởng tượng cảnh “Vinh em” lừa bóng “chiến” đến độ Pelé đổ quạu chơi xấu còn “Rạng em” chinh phục thế giới với cú bay người như chim để bắt cú sút điểm trúng góc vuông khung thành: một tay bắt bóng và một tay ôm xà ngang đu người trên không.
Với điều này, tác giả như có ý nói rằng nếu những thế hệ sau có thể tiếp tục ngọn lửa của những Rạng và Vinh thời ấy thì ngày Việt Nam đến với World Cup cũng chẳng có gì là xa vời.
Quả đúng, ngày đó người Việt ai cũng tin tưởng như vậy. Sau trận VNCH đá thắng đội Nhật vào năm 1966, các ký giả Nhật đặt câu hỏi là bao giờ VN sẽ tham dự vòng chung kết World Cup. Lúc đó nguyên thủ quân đội tuyển VNCH Tam Lang nhẩm tính 20 năm nhưng khiêm tốn trả lời: “Khoảng chừng 30 năm nữa”.
Thế nhưng hơn gần 50 năm sau thì thực tế trái hẳn: Nhật từng vào vòng II World Cup, đã từng vô địch Asian Cup trong khi đó thì may lắm Việt Nam mới lọt vào tứ kết Asian Cup và tuyệt đối không dám mơ tuởng đến World Cup.
Nói lại nền túc cầu VNCH, ở đây chúng ta đề cập đến các tuyển thủ lừng lẫy một thời: ngòai Tam Lang đã nói ở trên, còn hai bậc đàn anh là Phạm Văn Rạng và Đỗ Thới Vinh.
Phạm Văn Rạng
Thủ môn “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, 1959.
Thủ môn “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn Rạng, 1959.
Với đôi tay bắt bóng như nam châm hút sắt hay “bắt dính như nhựa Mít-xờ-lanh”, thủ môn Phạm Văn Rạng được ký giả thể thao Thiệu Võ gọi là “Lưỡng thủ vạn năng” và từ đó ông đã “chết” cái tên này. Trong khi đó thì báo chí Á châu gọi Phạm Văn Rạng là “Đệ nhất thủ môn Á châu”.
Phạm Văn Rạng sinh ngày 8 tháng giêng, 1934 tại Mỹ Tho và chiến tranh đã xô đẩy gia đình lên Sài Gòn và tại đây ông theo học tại trường tư thục “Việt Nam Học Đường”. Thời ấy phong trào túc cầu ở Sài Gòn rất sôi nổi và Phạm Văn Rạng được giữ chân trung phong trong đội bóng Việt Nam Học Đường. Năm 1949 khi đội Việt Nam Học Đường so chân với đội bóng trường Huỳnh Khương Ninh vào năm 1949, thủ môn của đội nhà vắng mặt vào giờ chót vì chuyện gia đình nên Phạm Văn Rạng xung phong thay thế.
Được giáo viên thể dục chấp nhận, Phạm Văn Rạng đã vĩnh viễn gắn bó với vị trí này và càng ngày càng nổi tiếng. Năm 1951 Phạm Văn Rạng được ông bầu Võ Văn Ứng của đội bóng Ngôi sao Bà Chiểu của mời về làm thủ môn. Đến năm 1953 ông được đưa vào đội hình Đội tuyển Thanh Niên, thay cho thủ môn sáng giá nhất thời đó là Lâm Kinh.
Theo lệnh quân dịch, năm 1953 Phạm Văn Rạng gia nhập quân đội và được điều về làm thủ môn cho đội bóng Bộ Tổng tham mưu. Sau đó, khi hết hạn quân dịch Phạm Văn Rạng chuyển qua đá cho đội Quan Thuế với vai trò cầu thủ kiêm HLV.
Trong thời gian từ năm 1952 đến 1964 ông là thủ môn chính của đội tuyển VNCH và đã tham dự các đại hội thể thao SEAP Games 1959, 1963, 1965; các giải Á vận hội 1958 và 1962, Cúp Merdeka từ năm 1958 đến năm 1962. Chính Phạm Văn Rạng đã góp phần đem về cho đội tuyển VNCH một huy chương vàng, hai huy chương đồng SEAP và hai giải tư Á châu.
Năm 1964 Phạm Văn Rạng giải nghệ, chuyển ngạch sang làm công chức ngành quan thuế nhưng năm 1966, sau khi đã giải nghệ 2 năm, anh được HLV Lý Huệ Đường năn nỉ để mời anh đứng vào đội hình đội tuyển All Stars Team of Asia, quy tụ toàn những ngôi sao lừng lẫy nhất của bóng đá Á châu.
Thực sự thì khi Phạm Văn Rạng giải nghệ thì cả Á châu chưa sinh sản được một thủ môn xứng với tầm vóc của anh, người được báo chí Á châu và cả AFC bình chọn là “Đệ nhất thủ môn Á châu”. Cũng mở ngoặc để nói thêm rằng trong thập niên 50 và 60 phong trào túc cầu ở Hồng Công rất sôi nổi với trung phong Lý Huệ Đường nổi danh là “vua bóng đá Á châu”, một thứ “Pelé da vàng”. Khi đó AFC mời Lý Huệ Đường làm HLV trưởng Đội tuyển Á châu, còn phụ tá HLV là Peter Velappan, người nắm chức Tổng Thư ký AFC, tức LĐBĐ Á châu từ 1987 đến 2007.
Và quả Lý Huệ Đường đã không chọn lầm người. Trong trận đấu trên sân Malaysia năm đó Đội tuyển Á châu đã hạ gục CLB Chelsea 2 –1 trong đó công đầu phải thuộc về Phạm Văn Rạng: bất chấp những đợt tấn công sấm sét của hàng tiền đạo Chelsea, khung thành đội tuyển Á châu vẫn vững vàng với đôi tay Việt Nam.
Sau năm 1975 Phạm Văn Rạng được đội Tổng cục Vật tư mời làm HLV cho đến năm 1978 và từ đó ông bắt đầu cuộc mưu sinh chật vật với rất nhiều nghề, tới nhiều địa phương, trường học huấn luyện các đội bóng con con. Năm 1985, ông được công ty Cao su Bình Long mời về làm HLV và sau đó là đội bóng Cao su Lộc Ninh.
Cho đến khi qua đời vào ngày 7 tháng 11 năm 2008 thì cuộc sống của Phạm Văn Rạng khá chật vật, không có nhà phải ở nhà thuê và không có xe để đi lại. Năm 2005, các cựu tuyển thủ thuộc thế hệ sau ông như Tam Lang, Dương Văn Thà, Võ Thành Sơn, Tư Lê, Hồ Thanh Cang… và người hâm mộ tổ chức trận đấu giao hữu để quyên tiền giúp ông mua một căn nhà nhỏ để ở. Sau đó thầy trò trường Lê Hồng Phong đã tổ chức quyên góp để giúp ông tiền mua một chiếc Chaly (xe máy phân khối nhỏ) để chạy: trước kia ông từng huấn luyện cho đội bóng của trường!
Đỗ Thới Vinh
Đỗ Thới Vinh (trái). Nguồn OntheNet.
Trung phong Đỗ Thới Vinh (trái). Nguồn OntheNet.
Ðỗ Thới Vinh sinh khoảng năm 1940 quê ở Phan Thiết và đến tuổi trưởng thành vào Sài Gòn và đầu tiên chơi trong đội bóng Quân Cụ. Sau hơn hai năm ở đầy, Ðỗ Thới Vinh giã từ Quân Cụ để đầu quân cho đội Quan Thuế.
Với lối đi banh lắc léo khiến hậu vệ đối phương khó truy cản cùng với những đường banh chuyền chính xác, tài nghệ của Ðỗ Thới Vinh đã được Tổng Cuộc Túc Cầu VNCH để ý đến và có chân trong đội tuyển VNCH từ năm 1956 cho đến 1969.
Đỗ Thới Vinh – có biệt danh Vinh Sói – được xem là tuyển thủ tiêu biểu của nền túc cầu VNCH với phong cách thi đấu “hào hoa và hiệu quả”, từng đứng vào đội hình đội tuyển Á châu cùng với Phạm Văn Rạng.
Trong đội tuyển VNCH Đỗ Thới Vinh thi đấu ở vị trí tiếp ứng, tức cầu thủ mang danh vị “trung phong”, người thực sự nắm giữ linh hồn của trận dấu với vai trò liên lạc giữa tuyến dưới và tuyến trên. Trong trận đấu với Miến Điện ở giải Merdeca 1966, Đỗ Thới Vinh thi đấu ở một trong hai vị trí liên lạc của đội hình 4-2-4.
Sau năm 1966, với chiếc cúp vô địch Merdeka trở về, Đỗ Thới Vinh đầu quân trong đội bóng Tổng Tham Mưu. Sau này, khi được biệt phái lại ngành cũ, Ðỗ Thới Vinh lại thi đấu trong đội hình Quan Thuế.
Ông là cầu thủ tiền vệ tạo được nhiều kỷ lục nhất:
  • 13 năm liên tục là tiền vệ của đội tuyển VNCH với 118 trận đấu quốc tế.
  • Một lần được vinh hạnh chọn đá trong thành phần đội tuyển Châu Á.
  • 11 lần tham dự giải Merdeka từ 1957 đến 1969.
  • 6 lần dự giải Ðông Nam Á Vận Hội (SEAP Games).
  • 6 lần có mặt ở giải King’s Cup của Thái Lan.
  • 2 lần dự Á Vận Hội.
Những dấu ấn mà tiền vệ Ðỗ Thới Vinh tạo ra trên sân cỏ nhiều lắm nhưng đáng kể nhất là SEAP Games 1959 và giải Merdeka 1966.
Trận chung kết đem chiếc huy chương vàng đầu tiên về cho VNCH của giải bóng tròn SEAP Games 1959 sau khi đá bại đội tuyển Thái Lan 3-1 đã in đậm công lao và tài năng của Vinh “đầu sói”, đặc biệt với cú bay người đánh đầu đưa banh làm thủng lưới Thái Lan.
Một dấu ấn khác cũng được nhắc đến với Ðỗ Thới Vinh, với tài năng chói sáng của Vinh, đã khiến cho chính vị thủ tướng cũng như dân chúng Malaysia thời bấy giờ rất ngưỡng mộ và chính vị thủ tướng Malaysia vào năm 1968, Abdul Rahman, vừa là Chủ Tịch Liên Ðoàn Bóng Tròn Á Châu thời bấy giờ, đã đích thân viết thư mời Ðỗ Thới Vinh sang Malaysia đá cho đội tuyển Á Châu.
Ngoài ra Vinh còn có phong cách thi đấu hòa nhã và mã thượng. Trong trận mở màn Merdeka Cup với đội Malaysia trên sân Kuala Lumpur năm 1966, Đỗ Thới Vinh đã để lại những ấn tượng tuyệt vời với khán giả nước ngoài: Sau khi bị một hậu vệ Malaysia hất té lăn tròn mấy vòng, Đỗ Thới Vinh đã bật dậy và xăm xăm chạy lại khiến ai cũng lo ngại, những tưởng rằng anh sẽ chạy lại để gây gỗ, đánh lộn. Thế nhưng hóa ra Vinh chỉ chạy lại để chìa tay ra bắt tay hậu vệ Malaysia và hành động mã thượng này đã khiến hàng vạn khán giả vỗ tay hoan hô, tán thưởng. Nhờ vậy nên khi đội tuyển VNCH đấu trận chung kết với Miến Điện, khán giả Malaysia đã trở thành những cổ động viên nhiệt tình nhất của họ.
Sau năm 1975 cuộc sống của Ðỗ Thới Vinh trở nên bần hàn, không được sung túc, thiếu trước hụt sau. Sau năm 1975 đội Quan Thuế này chuyển thành đội Hải Quan và Đỗ Thới Vinh có mặt trong đội hình của Hải Quan trong trận gặp đội Ngân Hàng ngày 2.9.1975.
Xin nói thêm rằng đội Ngân Hàng cũng lấy từ đội Việt Nam Thương Tín trước năm 1975, bởi thế trận đấu này quy tụ nhiều cầu thủ VNCH như Hồ Thanh Chinh, Trần Thanh Long, Đỗ Minh Khá, Nguyễn Văn Ngôn, Trần Tiết Anh, Hồ Thanh Cang, Võ Thành Sơn, Quang Đức Vĩnh, Dương Văn Thà.
Đến năm 1976 tỉnh Sông Bé thành lập hai đội bóng và mời ông về làm HLV trưởng. Chỉ hai năm sau tỉnh Sông Bé cử cả hai đội bóng tỉnh tham dự giải bóng đá hạng A toàn quốc và đội thứ hai đoạt chức vô địch khu vực phía Nam. Sau thành công này tỉnh Sông Bé sáp nhập hai đội lại thành một đội tuyển và đuổi việc Đỗ Thới Vinh, giao cho ông Nguyễn Kim Phụng làm HLV trưởng. Về sau tay cơ hội chủ nghĩa này trở thành Phó Giám đốc sở TDTT tỉnh Bình Dương.
Điều này cho thấy khi đã thành công thì họ gạt Đỗ Thới Vinh ra ngoài và sau đó không thấy báo chí trong nước nhắc gì tới ông nữa.
Một số tài liệu cho biết trong khoảng năm 1989-1990 Đỗ Thới Vinh lâm cảnh bần cùng, phải tìm đến một người anh em quen biết đang trông coi sân Kỵ Mã, Tao Ðàn và sống trên chiếc giường nhỏ cho qua ngày tháng. Sau đó ông mất bên sân cỏ vì bệnh tiểu đường nhưng không nói rõ mất năm nào. Chỉ được biết rằng từ năm 2002 các cựu đồng đội và hậu duệ vẫn đều đặn tổ chức các “trận đấu tưởng niệm Đỗ Thời Vinh”.
Cứ đến ngày giỗ tiền đạo tài hoa này thì các thế hệ đàn em ông và cả những học trò từng sống với Đỗ Thới Vinh trong những ngày cuối đời của ông trên sân Kỵ Mã đều tổ chức giỗ. “Đám giỗ” có khi chỉ là một trận bóng và sau đó tất cả quây quần bên những ly trà đá hoặc nếu khá giả thì thì có thêm thêm vài chai bia.
Trong những ngày giỗ này không ít những cựu tuyển thủ chống gậy đến sân, trong đó có Tam Lang. Cũng có những cựu tuyển thủ nghèo khó, tuổi già sức yếu lại sống nhờ con cái vốn không khá giả, nhưng tất cả đều có một chữ tình. Thí dụ trận đấu giỗ ngày 18.5.2013, trên sân Tao Đàn (quận 1, Sài Gòn) với trận bóng đá giữa cựu tuyển thủ Sông Bé (cũ) và cựu tuyển thủ Sài Gòn.
Cờ lưu niệm Tổng cục Túc cầu Việt Nam Cộng hòa. Nguồn: OntheNet
Cờ lưu niệm Tổng cục Túc cầu Việt Nam Cộng hòa. Nguồn: OntheNet
Trích Vũ Tứ Lang, Tam Lang và hào quang của Túc Cầu VNCH. Việt Luận.

0 comments:

Powered By Blogger