Thursday, March 15, 2012

Nhân quyền cho Việt Nam: Vài ghi nhận bên lề ngày 05 & 06/3/2012


Người Việt tị nạn tại Mỹ, trong hai ngày 05 & 06/3/2012, lần đầu tiên đã mở một cuộc “xuống đường” lịch sử tiến về Tòa Bạch Ốc và tràn vào Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ. Các đài truyền thanh, truyền hình (nhất là SBTN) và báo chí Việt Nam tại hải ngoại (báo in & báo điện tử) đã tường thuật chi tiết cuộc vận động cho nhân quyền này.

Tôi đến Washington DC với tư cách một người đã ký tên vào thỉnh nguyện thư, nhưng không nắm vững diễn tiến của hai ngày 05 &06/3/2012, chỉ xin ghi nhận đôi điều mình thấy bên lề cùng vài cảm nghĩ rất chủ quan, phiến diện.

Bên ngoài Tòa Bạch Ốc: Khí thế bừng bừng
Không nản chí trước gíó lùa và lạnh giá

Thật vô cùng cảm kích trước hình ảnh các cụ già nam cũng như nữ từ 80 tới hơn 90 tuổi (có vị tới 93 tuổi) và cả những người tàn tật ngồi xe lăn hay chống gậy lụ khụ vui vẻ hòa vào dòng người đứng giữa trời dưới cơn lạnh như cắt của nhiệt độ trên dưới 30 độ F (tức dưới 0 độ C) nơi côngviên Lafayette ở một mặt Tòa Bạch Ốc. Thỉnh thoảng những luồng gió mạnh thổi tới càng làm tăng độ lạnh, nhưng ai nấy đều vui vẻ chịu đựng để hỗ trợ cuộc vận động Nhân quyền cho Việt Nam đang diễn ra bên trong Tòa Bạch Ốc.

Ngoài ra, sự hiện diện của đông đảo giới trẻ cũng là một dấu ấn ghi đậm nét sinh hoạt hiếm hoi bất thường này của 2 ngày 05&06/3/2012, nếu chúng ta nhận ra đó là ngày đầu tuần của trường học và sở làm khắp nước Mỹ.

Biểu ngữ và cờ vàng ba sọc đỏ với làn sóng hàng ngàn người Việt chiếm trọn quảng trường khiến nhóm người Do Thái cũng đang biểu tình hôm ấy trở nên lu mờ phần nào! Tiếng nói, tiếng cười, lời chia sẻ hòa vào tiếng hô vang dội “Nhân quyền cho Việt Nam – Human Rights for Vietnam” làm ấm lòng mọi người.

Thỉnh thoảng, những khúc ca ái quốc trổi lên, đặc biệt là hai bài hát của Việt Khang “Anh là ai” “Việt Nam tôi đâu” làm rung động những con tim đang háo hức trông chờ tin mới từ phái đoàn gần 200 nhân vật đang tiếp xúc với các giới chức hành pháp Mỹ bên trong Tòa Bạch Ốc. Một bà cụ tâm sự: “Mình chịu lạnh thế này chẳng thấm vào đâu so với bà con mình trong nước đang chịu đánh đập, nhục mạ, bắt bớ, tù đày chỉ vì bày tỏ lòng yêu nước…”

Một ông cụ tuổi trên 90 hăng hái nói: “Chúng ta phải giơ cao tay lên, phất cao ngọn cờ chính nghĩa đòi Công lý và Tự do cho dân tộc Việt Nam. Chẳng phải chỉ Hoa Kỳ, mà cả thế giới tự do có trách nhiệm đứng về phía lẽ phải buộc nhà cầm quyền CSVN phải tôn trọng Công ước quốc tế về Nhân quyền, buộc CSVN phải thả hết tù nhân lương tâm…”

Nhiều vị cao niên xem ra rả rệu và run lẩy bẩy vì lạnh giá và mỏi mệt, nhưng không thấy ai có ý bỏ cuộc, rời khỏi vị trí!

Thành quả ở sự đồng tâm

Khi nhạc sĩ Trúc Hồ từ Tòa Bạch Ốc đi ra, nhập vào đoàn người, đám đông háo hức muốn biết tin tức bên trong. Trúc Hồ nói anh và Việt Dzũng bỏ phòng họp vì không hài lòng với một vài trục trặc ngoài ý muốn về hình thức lẫn nội dung chương trình nghị sự.

Trúc Hồ chảy nước mắt. Có thể anh ấm ức về mấy sự việc diễn ra bên trong. Cũng có thể anh xúc động khi thấy từ người già đến các bạn trẻ đang đương đầu với thời tiết khắc nghiệt để hỗ trợ Thỉnh nguyện thư, vận động cho Nhân quyền tại Việt Nam. Nhiều người xung quanh anh khóc theo. Nhưng một vài vị trong số đông người Việt đứng bên ngoài lạc quan cho rằng chỉ mỗi cái sự hiện diện của phái đoàn Việt Nam bên trong Tòa Bạch Ốc đã là một thành công đầy khích lệ rồi.

Một vị phát biểu: “Vạn sự khởi đầu nan. Cái khó nhất là huy động trên 130,000 chữ ký, rồi tập hợp hàng ngàn người tiến về Tòa Bạch Ốc trong ngày giá lạnh và nhằm ngày đi làm đầu tuần, chúng ta đều vượt qua. Những thứ khác sẽ từ từ đến sau. Đừng vội, ‘dục tốc bất đạt’”.

Vị khác nói: “Con số trên 130,000 chữ ký trên Thỉnh nguyện thư là con số lý tưởng. Nếu trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc Hội Mỹ sau này, chúng ta duy trì con số 130 ngàn này hay cao hơn trực tiếp tham gia bầu cử, đi bỏ phiếu, chúng ta sẽ có hàng vạn viên gạch xây lên Tòa nhà Nhân quyền kiên cố cho VN”.

Thật vậy, con số hàng chục vạn lá phiếu sẽ là những con số biết nói, để nói với các chính trị gia người Mỹ rằng họ cần chúng ta và họ phải đáp lại nguyện vọng chính đáng của chúng ta, và chắc chắn họ phải nể chúng ta.

Nếu việc ký tên cần đến một chiến dịch vận động mạnh mẽ và quyết liệt thì cuộc vận động bỏ phiếu sẽ quyết liệt hơn thế nhiều. Cho nên, sứ mạng của SBNT và Trúc Hồ và những người tâm huyết khác có lẽ sẽ còn tiếp tục và sẽ không nhỏ. Từ trước đến nay, chưa chính trị gia người Việt nào huy động quần chúng lên tới cái mức gần 150 ngàn chữ ký chỉ trong vòng một tháng. Sự hứng khởi này khôn nên dừng lại!

Một vị khác trong đám đông tập hợp trướcToà Bạch Ốc ngày 05/3/2012 nhận định: “Cuộc tiếp xúc hôm nay chỉ là khởi đầu của một thứ nghi thức ‘chào cờ! Nghiêm’… Lòng kiên nhẫn và ý chí đoàn kết sẽ là những nhân tố tích cực dẫn dắt chúng ta sải những bước dài đi tới thành công.”

Với nhà văn Huy Phương và nhà báo Dương Phục

Hai ngày 05 & 06/3/2012 cho tôi cơ hội gặp gỡ, mạn đàm với một vài nhân sĩ trong đó có giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Giáo sư Đỗ Thông Minh, nhà văn Huy Phương, Ts Nguyễn Đình Thắng, nhạc sĩ Trúc Hồ, các nhà báo Vũ Ánh, Dương Phục, Đỗ Dũng, ông Đỗ Hồng Anh, Chủ tịch CĐ Người Việt Hoa Thịnh Đốn… Mỗi vị có những suy nghĩ riêng, tâm tư riêng, nhận định riêng, xin mạn phép đúc kết như sau:

- Lần đầu tiên Cộng đồng người Việt hải ngoại có được sự đồng thuận cao.

- Lần đầu tiên, tiếng nói của khối đông người Việt thâm nhập vào các cơ quan Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ.

- Ý thức về tự do, dân chủ và Nhân quyền của người Việt Nam cho đất nước Việt Nam được nhân lên gấp bội khiến thế giới lưu tâm tới hoàn cảnh đất nước ta hơn.

- Sự tập hợp ý chí của người Việt hải ngoại là sức mạnh gây phấn chấn tinh thần và ý chí đấu tranh cho các tầng lớp người dân trong nước đang can đảm chống lại bạo quyền CS, giành lại Công lý và Nhân quyền cho Việt Nam.

- Một quả đấm nặng cân giáng thẳng vào tập đoàn CSVN bán nước, buộc họ thả tức khắc hết các tù nhân lương tâm và dừng ngay những cuộc bắt bớ, tù đày, đánh đập người dân chỉ sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình bênh vực lẽ phải, bênh vực quyền làm người, quyền bảo vệ đất nước.

- Nói cho CSVN biết: Ở hải noại, không phải chỉ có một “nhúm” nhỏ người “chống cộng cực đoan hô hào lạc lỏng” như họ tuyên truyền, mà là một tập thể hàng chục vạn người Việt ở Mỹ nhất tề đứng lên đấu tranh cho quyền lợi dân tộc và vận mạng đất nước Việt Nam.

A. Ngày 06/3/2012: Tòa Nhà Quốc Hội

Vận động hành lang Quốc hội Mỹ?

Ngày 06/3/2012 đối với tôi là một ngày kỷ niệm khó quên. Có lẽ từ trước đến nay, chưa bao giờ có một lực lượng đông đảo người Việt trên 500 người tràn ngập bên trong Tòa nhà Quốc Hội Mỹ. Từ tầng hầm nơi có Phòng ăn uống (Cafeteria) rộng lớn có sức chứa hàng ngàn người cho đến các tầng cao hơn (1, 2, 3, 4, 5, 6…) và khắp các hành lang trong Tòa nhà đều có mặt từng nhóm, từng nhóm người Việt.

Bước vào đây và đi dọc các hành lang, tôi đoán rằng, hợp ngữ “vận động hành lang – lobbying/lobbyist” xuất phát từ đó. Lobby: hành lang hay phòng khách đợi. Phải chăng vì văn phòng các vị dân cử Mỹ nằm dọc các hành lang Tòa nhà nguy nga đồ sộ của ngành Lập pháp Hoa Kỳ mà những người đi vận động vị dân cử Mỹ cho một dự luật nào đó được gọi là lobbyists chăng? Chúng tôi không dám chắc, vì trong chính trị, ngoài “vận động hành lang”, người ta còn nói tới “vận động hậu trường” . Người Việt ở Mỹ đang làm một cuộc vận động thuộc dạng nào, chúng tôi không rõ. Nhưng cụ thể là chúng tôi đi trên các hành lang Quốc Hội Mỹ, 50 toán phân tán đi gõ cửa văn phòng các vị dân cử Hoa Kỳ. Chẳng phải là “vận động hành lang” sao, hiểu theo nghĩa hẹp?

Trên các nẻo hành lang tòa nhà Quốc Hội Mỹ ngày 06/2012, các nhóm người Việt liên tục “đụng đầu” nhiều nhóm sắc dân khác. Có lẽ họ cũng đi “vận động hành lang”? Nhưng lực lượng người Việt hùng hậu hơn cả, thậm chí rất sôi nổi hào hứng trong tiếng nói, tiếng cười mặc dù quy định của QH không cho phép lớn tiếng ồn ào trên hành lang QH.

Trong khi chờ đợi tới giờ tiếp xúc với một vị dân cử, các nhóm người Việt (mỗi nhóm từ 10 đến 15 người) chiếm chật hành lang, gây khó khăn cho kẻ qua người lại. Nhưng dường như cả chủ nhà lẫn khách lạ đều thông cảm, dễ dãi vui cười cám ơn (ít ra là bề ngoài) chúng ta nhường lối cho họ đi qua.

Phần tôi vào giờ chót, mất liên lạc với nhóm đã xếp, người trong BTC đề nghị tôi nhập vào nhóm do cựu dân biểu Cao Quang Ánh dẫn đầu. Nhưng vì có ý tò mò, tôi từ chối, để cùng đi với nhóm mà người dẫn đầu là một cậu thiếu niên chỉ 15 tuổi, (sau kỳ nghỉ hè này mới vào lớp 10). Giáo sư Đỗ Thông Minh từ Nhật cũng góp mặt vào nhóm này.

Những nhà lãnh đạo trẻ tương lai

Nhóm chúng tôi có đến 21 người, đông nhất so với các nhóm khác chỉ từ 10 tới 15. Chúng tôi tiếp xúc được với hai vị dân cử (Alabama và New York). Văn phòng của họ không đủ chỗ và đủ ghế để tiếp chúng tôi. Chủ nhà xin lỗi và đề nghị chúng tôi cùng quây quần bên họ để chia sẻ tâm tình, nguyện vọng ngay tại hành lang ngay trước cửa văn phòng của các vị.

Cậu Peter Võ (mang mắt kiếng) cùng bạn đối thoại với viên chức Lập pháp Mỹ. Xa xa là Gs Đỗ Thông Minh (đến từ Nhật).

Tôi cảm thấy thích thú được tham gia nhóm của cậu thiếu niên 15 tuổi tên Peter Vo này. Cậu sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, sống với cha mẹ tại Dallas, tiểu bang Texas. Cậu cùng thân mẫu bay từ Texas đến Washington DC để dự vào cuộc vận động Nhân quyền cho VN.

Cậu Peter nói tiếng Việt bập bẹ, nhưng nghe và hiểu tiếng Việt khá hơn. Vài người trong nhóm trình bày bằng tiếng Việt tình hình vi phạm nhân quyền tại VN. Cậu Peter chăm chú nghe và phiên dịch bằng tiếng Anh lưu loát, mạch lạc, giọng dõng dạc và đầy tự tin. Bên cạnh Peter có một”phụ tá” cũng là một thanh niên hăng say, khoảng trên 20 tuổi. Các vị dân cử tỏ ra kính nể cậu và lắng nghe hai cậu, trao đổi với hai cậu để hai cậu thông dịch lại cho cả nhóm. Thỉnh thoảng đụng phải một từ ngữ lạ của tiếng Việt, như “mại dâm”, “xuất khẩu lao động”, “bạo quyền”… cậu Peter liếc mắt cầu cứu người mẹ đứng kế bên, lập tức nắm được vấn đề để nhiệm vụ thông dịch không bị gián đoạn. Nơi cậu Peter và anh bạn của cậu xuất hiện dấu hiệu bản lãnh lãnh đạo của nhà lãnh đạo trẻ người Việt trong tương lai rất gần. Nơi các cô cậu thanh thiếu niên khác, chúng tôi cũng nhận thấy bản lãnh ấy đang đâm chồi.

Vị dân cử Hoa Kỳ

Chúng tôi không nhận từ các vị dân cử một lời hứa hẹn nào cụ thể. Họ có sự cẩn trọng cố hữu của người làm chính trị? Có thể như vậy.Vâng! Họ còn tìm hiểu, khảo sát, điều nghiên, vận động. Lại nữa, họ có cả một nhóm cố vấn, một ban tham mưu bên cạnh. Dầu vậy, chúng tôi cũng nhận được từ họ những lời chia sẻ thân tình và những danh thiếp giao tế với địa chỉ, email và số điện thoại cá nhân của họ để chúng tôi có thể giao tiếp với họ bất cứ lúc nào.

Chúng tôi cảm thấy không thất vọng khi trực tiếp với vị dân cử, vì ít ra mình có dịp tìm hiểu họ và tìm hiểu phần nào cách thức họ làm việc, cung cách họ tiếp dân.

Khi gọi các vị Thượng Nghị sĩ hay Dân biểu Hạ Viện Hoa kỳ là DÂN CỬ, chúng ta hiểu ngay họ là những người do dân CỬ ra để phục vụ quyền lợi của dân, vì dân và cho dân. Chúng tôi liên tưởng tới các “đại biểu quốc hội” hay “đại biểu hội đồng” này hội đồng nọ tại Việt Nam hiện nay mà đau buồn cho dân mình: Ở Việt Nam, có Đảng Hội chứ không có Quốc Hội. Các Hội đồng cũng đều là Hội đồng Đảng, do ĐẢNG CỬ chứ không hề bởi DÂN CỬ. Tại Việt Nam cái hình thức bầu bán theo sau đảng cử chỉ là một trò hề “dân bầu” chứ không phải là thực chất.

Người Do Thái “vận động hành lang”

Cùng với đoàn người Việt Nam, có lẽ nhiều sắc dân khác cũng có mặt trong tòa nhà Quốc hội Mỹ. Riêng chúng tôi nhận thấy sau đoàn người Việt, đông nhất là đoàn của người Do Thái. Hôm đó nhằm ngày vị Thủ tướng Do Thái đang có mặt tại Mỹ, đang hội đàm cùng Tổng Thống Obama và các viên chức hành pháp/lập pháp Hoa Kỳ.

Người Do Thái cần có những vận động hành lang cho sự sống còn đất nước quê hương của họ. Họ ăn mặc trịnh trọng đúng phong cách nghi lễ. Có cả những vị mang đầy huy chương huân chương Mỹ trên ngực hoặc có người uy nghi trong bộ quân phục đại lễ của Quân đội Hoa Kỳ. Họ định cư ở Mỹ trải qua nhiều thế hệ. Họ là công dân Mỹ gốc Do Thái. Sự đóng góp của họ cho nước Mỹ không nhỏ cả về nhân lực lẫn vật lực và tài lực trên mọi lãnh vực.

Trong Tòa nhà Quốc Hội, chúng tôi quan sát thấy người Do Thái chứng tỏ tinh thần kỷ luật cao, nghiêm túc. Các vị dân cử xem ra “nể trọng” họ. Các nhà phân tích thời cuộc quốc tế dường như đều đồng ý với nhau rằng, chính lá phiếu của của người Mỹ gốc DoThái có giá trị định đoạt cho sự sống còn của đất nước Israel, quê hương họ. Bên cạnh đó, các cuộc “vận động hành lang” của họ với các vị dân cử Mỹ cũng góp phần không nhỏ vào những thành quả họ đạt được từ Quốc Hội Mỹ. Vả lại, nước Israel đang ở thề đối đầu với thế lực tôn giáo quá khích vùng Trung Đông nơi có nguy cơ nổ ra cuộc chiến nguyên tử thảm khốc bất cứ lúc nào nếu Mỹ không can thiệp hay can thiệp không phù hợp để bảo đảm sự cân bằng lực lượng giữa Do Thái với các quốc gia Hồi giáo cực đoan.

Người Việt chúng ta dĩ nhiên chưa đủ khả năng bắt kịp người Do Thái vốn có gốc rễ lâu đời trên đất nước Hoa Kỳ, nhưng không vì thế mà chúng ta không vươn lên tận dụng những khả năng mình có thể có, nhất là sức mạnh của lá phiếu cho các mục tiêu chính đáng của mình, mà mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là bênh vực quyền làm người và quyền sống tự do trên quê hương Việt Nam cũng như quyền biểu thị lòng yêu nước chống quân Tàu xâm lược.

Dù sao, trước mắt đã có một sự trùng hợp ngoạn mục: Chỉ một ngày sau cuộc tiến quân của người Việt vào Tòa nhà Quốc Hội Hoa Kỳ, Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện Mỹ đã thảo luận và thông qua dự thảo Đạo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam

Hiện tượng Trúc Hồ

Trúc Hồ chỉ là một nhạc sĩ. Anh đã từng sáng tác những bản hùng ca yêu nước bất hủ, như bài “Đáp Lời Sông Núi” được cả người dân trong nước hâm mộ và hát vang trong các cuộc biểu tình chống giặc Tàu cộng xâm lăng. Nhưng anh đã biết dừng lại trên lãnh vực chuyên môn và năng khiếu của mình.

Cho đến khi hai bài hát “Anh Là Ai?” và “Việt Nam Tôi Đâu?” của Việt Khang từ trong nước xuất hiện ở hải ngoại đánh động anh, Trúc Hồ tự mình xướng lên bài ca “Anh Là Ai” hòa chung tiếng hát với vài ca sĩ SBTN. Có lẽ từ đó, Trúc Hồ cảm nhận một động lực thiêng liêng thối thúc anh làm một cái gì mà anh chẳng hề nghĩ tới ngoài cái “kiếp cầm ca” của mình. Bất chợt anh hát bài hát yêu nước của Việt Khang. Bất chợt anh lên tiếng và rồi bất chợt anh dấn thân. Có lẽ giống như mọi người Việt ở hải ngoại, chúng tôi không suy diễn rằng Trúc Hồ có “hậu ý”, mưu toan lợi lộc cá nhân. Vì vậy chúng tôi hăm hở ghi danh ký tên thỉnh nguyện thư, rồi cùng “xuống đường” với nhiều người.

Thỉnh nguyện thư chắc chắn không phải là sáng kiến của Trúc Hồ. Nhưng cách thức vận động chữ ký và giúp mọi người sử dụng kỹ thuật điện tử tối tân để cho thỉnh nguyện thư đi thẳng vào Tòa Bạch Ốc với thời gian nhanh nhất cùng với số người tham gia ký tên kỷ lục, ai cũng nhìn nhận đó là nhờ tâm huyết của Trúc Hồ và những người ủng hộ anh, cộng tác với anh cho việc chung.

Nếu thỉnh nguyện thư không đạt số chữ ký quyđịnh chỉ trong vòng mấy tuần lễ, nếu không có những người thiện tâm cộng tác với Trúc Hồ, thì dễ gì có hàng ngàn người Việt hiện diện trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc ngày 05/3/2012, dễ gì có tới gần 200 người được mời vào bên trong Tòa Bạch Ốc, rồi dễ gì ngày 06/3/2012 có trên 500 người Việt bao gồm cả “chính khách”, trí thức lẫn dân dã xuất hiện khắp các nẻo hành lang bên trong Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, để gặp gỡ đối thoại với các vị dân cử Liên bang và trao Thỉnh nguyện thư cho họ?

Dám quả quyết từ trước tới nay, chưa một chính trị gia người Việt nào dẫn dắt đông đảo dân mình tiếp cận các cơ quan Hành pháp và Lập pháp Mỹ một cách ồ ạt như vậy.

Ở Mỹ gần đây xảy ra những cuộc biểu tình “Chiếm cứ” (Occupy). Người ta “chiếm cứ” Wall Street ở New York, người ta “chiếm cứ” Washington, DC, nhưng chỉ “tạm chiếm” những nơi thờ phượng của tôn giáo (London, Anh quốc) hay các công viên xa các cơ quan Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ! Còn người Việt hải ngoại rõ ràng đã thật sự “chiếm cứ” Tòa nhà Quốc Hội trọn ngày 06/3/2012, ngày lịch sử của người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ!

Công lao này, theo tôi, thuộc về Trúc Hồ là người khởi xướng và thuộc về những tấm lòng vì nước xung quanh anh, vượt qua mọi tổ chức chính trị người Việt trước đây!

Thiết nghĩ, các chính trị gia người Việt Nam nên thán phục Trúc Hồ hơn là vạch lá tìm sâu, dù vẫn còn ai đó chưa hài lòng với Trúc Hồ. Có lẽ đã đến lúc các chính khách nên nhường chỗ cho “hậu sanh” những kẻ “hậu sanh” vừa “khả úy” vừa đáng khâm phục.

Chính ngày 06/3/2012 đã cho chúng tôi cơ hội học hỏi sự khiêm tốn cao thượng của một số thức giả hải ngoại, như giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, giáo sư Đỗ Thông Minh, cựu dân biểu Cao Quang Ánh… Có vị chỉ đóng vai trưởng nhóm 10 tới 15 người, nhưng phần đông chấp nhận làm toán viên dưới sự dẫn dắt của mấy cô cậu tuổi còn non.

Trong khi đó có mấy “chính khách” không tham gia “xuống đường” với nhiều người mà lại ngồi nhà nặng lời chỉ trích bất công. Đó là chưa kể một số bài trên net mạt sát cá nhân… giọng điệu ganh tị hơn là nhằm mục đích chung!

Bản chất bộc trực

Tôi có nghe mấy lời thách thức của Việt Dzũng cũng như của Trúc Hồ đối với Tổng thống Obama.

Nhân cuộc gặp mặt 700 người Việt tại Nhà hàng Thần Tài, Virginia, ca sĩ Việt Dzũng cảnh báo Obama sẽ có thể mất phiếu từ những công dân Mỹ gốc Việt trong số 130 ngàn người ký tên trong Thỉnh nguyện thư nếu ông Obama xem nhẹ nguyện vọng chính đáng của họ.

Còn Trúc Hồ, trong một dịp khác, lại “mạnh miệng” nhắc nhở rằng những người ký tên trong Thỉnh nguyện thư sẽ đứng về phía Obama, đi với Obama, bỏ phiếu cho Obama nếu ông Ông Obama biết tranh thủ lòng tin của họ, đáp ứng nguyện vọng của họ.

Chúng tôi tin rằng cả hai anh Việt Dzũng lẫn Trúc Hồ đều không có ý đóng vai lãnh tụ. Hai anh chỉ bộc trực nói lên điều hai anh cảm nhận: Người Việt nào ký tên cũng mong muốn “thỉnh nguyện” của mình được đáp ứng. Việt Dzũng có lẽ ăn nói khéo léo hơn. Còn Trúc Hồ thì nghĩ sao nói vậy. Ruột ngựa! Nhiều nghệ sĩ tính hơn là lối “lập ngôn” của một chính khách.

Có lẽ còn lâu Trúc Hồ mới là chính trị gia. Nhưng giả sử dân chúng tin tưởng anh, giao cho anh trách nhiệm lãnh đạo họ, thì ai có thể ngăn cản? Lịch sử Việt Nam với những Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi, Quang Trung… chứng minh điều đó. Mong đừng ai nặng lời với con người nghệ sĩ Trúc Hồ mà gán cho anh cái nhãn “lãnh tụ” – gọi anh là “Lãnh tụ ‘không người lái’ hải ngoại”.

Chúng tôi đã đọc bài viết có nhan đề “Trúc Hồ – lãnh tụ ‘không người lái’ hải ngoại” của TMH. Giọng điệu và lối hành văn của bài báo này nghe na ná (nếu tránh nói là y hệt) mấy bài báo trên An Ninh Thủ Đô, Hà Nội Mới, CAND, CATP trong nước…. chuyên quy kết, chụp mũ, bịa chuyện để thóa mạ người bất đồng chính kiến, thậm chí lôi ra cả cái quá khứ “nhà quê” bần cùng của “đối tượng” ra để chế giễu cười cợt trong khi chính những tác giả của mấy bài báo đó lại cố tình phóng đại cái lý lịch “bần cố nông”của mình ra để chạy chọt chia chác đặc quyền đặc lợi!

Trở lại chuyện Trúc Hồ, chúng tôi còn nhớ, tại Nhà hàng Thần Tài đêm 05/3/2012, Việt Dzũng chưa kịp dứt lời cảnh báo rằng số người Việt ký thỉnh nguyện thư sẽ không bỏ phiếu cho Obama nếu Obama… tức thì tiếng vỗ tay của 700 người có mặt rào rào vang lên ủng hộ ý kiến anh! Trúc Hồ cũng phát biểu một ý như Việt Dzũng. Chỉ khác là Việt Dzũng nói nếu Obama không… thì…., còn Trúc Hồ nói nếu Obama đáp ứng, thì… . Giá mà Trúc Hồ nói lên cái ý mình trước đám đông như Việt Dzũng, chắc anh cũng được đám đông vỗ tay tán thưởng giống như họ đã bày tỏ đồng tình với Việt Dzũng.

Trúc Hồ lên ngôi “lãnh tụ”? Chưa có dấu hiệu nào cho thấy như vậy! Ngược lại, phải nhìn nhận rằng vẫn còn đó nóng bỏng lòng yêu nước và ý chí bất khuất của Việt Khang. Vẫn còn đó nóng bỏng tinh thần xả thân và bầu nhiệt huyết của Trúc Hồ!

Trong nước, bên cạnh Việt Khang, biết bao người nam cũng như nữ thuộc mọi tôn giáo, mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi dám liều thân cho đại nghĩa dân tộc, lẽ nào người trẻ ở hải ngoại lại hửng hờ? Ở hải ngoại, dấn thân như Trúc Hồ là một tấm gương, sao lại đàm tiếu chê bai, đó chẳng phải là âm mưu làm nhụt chí nhiều người thiện tâm sao?!

Gương can trường của những người trẻ trong nước sáng chói, đang có mãnh lực tạo thành một cuộc hợp đồng đấu tranh quyết liệt trong thành phần trẻ quốc nội và hải ngoại. Chính thành phần trẻ sẽ làm nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc và Tổ quốc Việt Nam! Cộng sản VN sẽ ngậm đắng nuốt cay dưới sức mạnh đấu tranh kiên cường của tuổi trẻ Việt Nam anh hùng giàu lòng yêu nuớc! Chúng ta có thể phê phán những gì chưa được và chỉ ra những phương thức khả thi hơn là chơitrò phá thối vô trách nhiệm!

Đôi lời kết

Việt Khang làm nên chiến thắng, chúng tôi công kênh Việt Khang! Trúc Hồ làm nên chiến thắng, chúng tôi hoan nghênh Trúc Hồ! Bất cứ ai, già, trẻ, lớn, bé, nam hay nữ dám liều thân vì dân, vì nước, nhắm vào bạo quyền Cộng sản bán nước, hầu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mang lại tự do, dân chủ cho Việt Nam, chúng tôi đều kính phục và tôn vinh!

Cộng sản Tàu-Việt hoảng hốt trước hai bài ca của Việt Khang “Anh là ai” “Việt Nam tôi đâu”. Chúng càng điên cuồng trước con số gần 150 ngàn người Việt hải ngoại ký tên vào thỉnh nguyện thư Nhân quyền cho Việt Nam. Trong nước, chúng gia tăng sách nhiễu tù đày. Ở hải ngoại chúng tăng cường len lỏi xâm nhập đánh phá làm nhụt khí giới trẻ!

Chúng ta phải hết sức cảnh giác!

Lê Thiên ghi nhận
Union, New Jersey, ngày 10/3/2012

0 comments:

Powered By Blogger