Wednesday, March 28, 2012

Cục to, cục nhỏ, cục vừa vừa

Mây Trắng

“… phải lấy đại cục làm TRỌNG…”

Cục to (đại cục), cục nhỏ (tiểu cục), thôi thì đều là cục cả, có khác chăng là khác nhau về chất (Cục gì?) và khác nhau về kích thước (to, nhỏ). Ai mà chả thích cái cục to. Chả thế mà trong chuyến đi thăm anh bạn vàng Trung Quốc của thầy trò Tổng bí nhà ta, người ta đã cùng nhau tuyên bố rằng trong quan hệ bang giao với nhau, Cộng sản Việt Nam phải lấy cái cục to làm trọng, phải chọn cái cục to mà ăn. Thật chí lý, chí lý!!!

Hơn ai hết, đảng cộng sản Việt Nam tự biết rằng mình đã hết cái thời quang vinh (nói cho đúng là chưa từng quang vinh mà chỉ là lừa đảo người ta và tự lừa mình rằng mình quang vinh mà thôi). Ngày nay cái đảng từng cho mình là quang vinh ấy đang phải đứng trước hai sự lựa chọn (không thể không chọn) giữa hai con đường: Một là gắng gượng duy trì quyền lực, duy trì sự lãnh đạo để kéo dài thời gian bòn rút của cải của nhân dân, tận dụng tối đa thời gian tồn tại ít ỏi còn lại để bán tài nguyên và bán luôn cả cái đất nước này đặng làm giàu cho cá nhân và gia đình theo kiểu sống gấp. Hai là chấp nhận một xã hội dân sự, một thể chế đa nguyên, cho phép đa đảng và tổ chức bầu cử tự do, hội nhập cùng thế giới văn minh.

Trong hai lựa chọn ấy, cái cục to đối với họ là sự tồn vong của đảng, của chế độ cộng sản và thế là họ đã chọn. Để tồn tại, cộng sản Việt Nam không thể không dựa vào cộng sản Trung Quốc. Biết dựa vào ai đây? Trong nước thì người dân oán ghét, căm thù. Quốc tế thì người ta xa lánh như xa lánh bệnh hủi. Muốn dựa được vào tên hàng xóm hung tợn, đầy mưu đồ, và đầy tham vọng này không thể không chấp nhận cắt đất, không thể không hiến biển đảo, không thể không chấp nhận thân phận tôi đòi. Và thế là chuyện mất núi Lão Sơn, mất Ải Nam Quan, hiến thác bản Giốc đều trở thành những cục nhỏ. Những cái cục nhỏ này đảng bỏ qua, không thèm ăn. Trên đất liền thì như vậy, còn trên biển thì sao? Lần lượt Hoàng Sa, đến một phần Trường Sa rồi đến đường lưỡi bò chín đoạn ôm gọn biển Đông của Trung Quốc đều dần dần được cộng sản Việt Nam công nhận. Khi thì công khai thừa nhận như công hàm năm 1958, lúc thì ngấm ngầm thừa nhận như ngày nay. Cái cục này lại cũng là cái cục bé tí bé ty, ăn mà làm gì?

Chỉ buồn một nỗi là người ta không lại không nói toạc móng lợn ra rằng biển Đông xưa kia giờ đã là biển Nam Trung Hoa. Ngư dân không được ra đó mà đánh bắt cá nữa để người dân biết mà tránh đi, mà bỏ cái nghề cá đi. Đằng này họ cứ nói ngoài miệng rằng chủ quyền trên biển của Việt Nam là không thể tranh cãi khiến cho ngư dân cứ tin là thật, cứ ra đó bắt con cá, mò con tôm để đến nỗi bị đánh, bị giết, bị bắt đòi tiền chuộc… Họ đang và không biết là sẽ lừa dối nhân dân đến bao giờ nữa đây? Điều này khiến cho trên một số tờ báo mạng (trong đó có Danlambao), đặt ra một nghi vấn là: Phải chăng có một thỏa thuận đen giữa nhà cầm quyền Hà Nội và Bắc Kinh? Theo thỏa thuận này thì chính quyền Hà Nội lừa dân ra biển cho Trung Quốc bắt, đòi tiền chuộc và việc chấp nhận trả tiền chuộc chính là để tạo bằng chứng “ không thể chối cãi “ về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông? Cũng đúng thôi, không phải biển của tôi, tại sao anh chịu nộp tiền phạt? Mà thôi thì tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Các bác ngư dân nhà ta cũng đáng trách ở chỗ không chịu theo dõi các diễn biến thời cuộc và không chịu suy đoán. Nếu chịu khó để ý một chút về chuyện người biểu tình chống Trung Quốc, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp dã man như thế nào, hay như gần đây nhất cuốn Atlat Địa lý bày bán ở Việt Nam cho trẻ con học, người ta đã ghi rõ mười mươi rằng là Hoàng Sa là của Trung Quốc thì họ sẽ phải hiểu ngầm rằng Việt Nam không còn biển nữa. Nghề cá của họ truyền từ tổ tiên lại không còn đất dụng võ nữa. Cha con phải đổi nghề khác mà sống thì đâu đến nỗi bị đánh, bị bắt, bị giết!!!

Đại cục của đảng cộng sản còn là tấm áo “xã hội chủ nghĩa” đã cũ rích, vá chằng vá đụp bởi các miếng vá: Miếng thì Mác, miếng thì Lê, miếng thì Mao, miếng thì Hồ. Năm 1945, thế chiến II kết thúc, toàn thế giới điêu tàn như nhau (trừ Mỹ). Thế giới hình thành hai phe: Tư bản chủ nghĩa – Xã hội chủ nghĩa và cuộc đấu tranh “Ai thắng ai” bắt đầu. Hãy thử nhìn lại mà xem ai đã thắng ai. Trải 46 năm (tính đến năm 1991- khi Liên Xô sụp đổ và kéo theo sự sụp đổ tan tành của cả cái hệ thống XHCN) thì ai làm ra nhiều của cải vật chất? Ai chỉ tồn tại dựa trên lọc lừa, dối trá? Người dân ở chế độ nào có cuộc sống sung sướng, dân chúng ở đâu phải sống mãi trong đói nghèo? Nhớ cái ngày còn đi học, người ta dạy chúng tôi rằng: Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết, rằng chủ nghĩa xã hội đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Hóa ra là vì quá căm thù bọn tư bản thối nát, bóc lột nên họ cứ hùng hục mà đào. Đến lúc ngẩng đầu lên thì ôi thôi! sâu quá rồi, không lên được nữa, đành ở luôn dưới đó.

Mà kể cũng lạ, họ cứ xưng xưng rằng cái mà họ đang thực hiện ở đây là chủ nghĩa Mác. Trong khi Mác chủ trương đoàn kết giai cấp, xóa bỏ vô sản, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, làm cho tất cả mọi người trở thành hữu sản thì họ đã làm gì? Họ đã tiêu diệt giai cấp tư sản (Lực lượng sản xuất tiên tiến của xã hội, lực lượng quyết định năng suất lao động) làm cho tất cả mọi người đều trở thành vô sản, tất cả mọi người đều nghèo đói như nhau. Ngay cả ngôn từ cũng khác: Mác không gọi là những người cộng sản mà gọi là những người dân chủ xã hội, đảng của Mác là đảng dân chủ xã hội hay Công đảng chứ không phải là đảng cộng sản. Mác không chủ trương độc đảng lãnh đạo mà đảng dân chủ xã hội phải tồn tại trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh cùng các chính đảng khác. Còn cái chủ nghĩa xã hội bạo lực này là tác phẩm của Lênin mà khi vận dụng “sáng tạo” vào Trung Quốc, Mao đã khiến cho 57, 55 triệu người chết đói, Hồ đem vận dụng “sáng tạo” vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam đã đưa cả nước xuống hố.

Hãy cứ cố ôm chặt cái cục to này mà gặm đi nhé, hỡi đảng quang vinh!

0 comments:

Powered By Blogger