Hôm thứ Ba (20 tháng Ba, 2012), trên đường lái xe đến một phiên họp ở Walnut Creek, tôi tình cở nghe chương trình Diễn Đàn/Forum trên đài phát thanh KQED 88.5 (San Francisco) do ông Michael Krasny phỏng vấn nhà văn, kiêm giáo sư Adam Johnson (hiện dạy các lớp Luận văn cao học tại Stanford University) về quyển tiểu thuyết The Orphan Master’s Son/Người Con trai Mồ côi của Lãnh tụ mới xuất bản ở Mỹ. Đây là một trường thiên tiểu thuyết dày 443 trang nói về một nhân vật lớn lên từ một trại mồ côi, được huấn luyện để trở thành một chỉ huy trưởng trong guồng máy quân phiệt cao cấp của Cộng Sản Bắc Hàn, một xã hội có thể nói đen tối nhất hành tinh.
Bắc Hàn là một nước bí hiểm, hoàn toàn cách biệt và che chắn với thế giới bên ngoài. Động cơ nào đã thúc đẩy ông Adam Johnson, một người Mỹ da trắng, miệt mài tâm huyết hơn 5 năm trời để tìm hiểu, tra cứu, xin du lịch đến Bắc Hàn nhằm thu thập đủ tài liệu để phóng tác một quyển tiểu thuyết vĩ đại trong sự nghiệp văn chương của mình? Ông Johnson cho biết trong cuộc sống ông đã nghe qua nhiều mẩu tin tức, những giai thoại về: các vụ biệt kích quân Bắc Hàn đi tàu qua Nam Hàn, qua Nhật bắt cóc những công dân đem về phục vụ hay mua vui cho lãnh tụ (sách có kể những tật thói quái đản của Kim Il Sung, Kim Yong Il, lãnh tụ cha truyền con nối Bắc Hàn), kể cả nghe các người dân trốn khỏi chế độ tiết lộ về xã hội u tối, đói khát và khắc nghiệt này; và từ đó đã tạo dựng, hư cấu nên một quyển tiểu thuyết có một bộ mặt người như vậy.
Là người Việt, tôi không khỏi bị kích thích và mê mải khi nghe hai người đàn ông hiểu biết nói chuyện về một xã hội Cộng Sản bưng bít, mà hiện nay Bắc Hàn phải chính thức được gọi là Bức Màn Sắt trong các nước Cộng Sản còn tồn tại trên thế giới (Trong một bài diễn văn khai mào giai đoạn Chiến tranh Lạnh, thủ tướng Anh Winstons Churchill mệnh danh thế giới Cộng Sản do Nga sô kiểm soát là Bức Màn Sắt (1), sau đó không hiểu ai là người đầu tiên đã gọi Trung quốc, VIệt Nam, Bắc Hàn, Lào là Bức Màn Tre). Hôm đó, nghe chương trình phỏng vấn gần 30 phút tôi định bụng khi diễn đàn mở ra cho thính giả đặt câu hỏi và góp ý, tôi sẽ hỏi ý kiến tác giả Adam Johnson về những điểm chung và khác biệt như sự cởi mở và đóng kín giữa hai nước ngày nay.
Việt Nam trước 75, và trước 86, mở màn cho những năm Đổi mới về sau – có lẽ cũng có một xã hội bế quan tỏa cảng không khác gì mấy với Bắc Hàn. Cho nên khi đến nơi, an tọa ở bãi đậu xe, còn hơn 15 phút mới đến buổi họp chờ đến phiên mình vào dịch, tôi gọi điện và ngồi nán ở xe chờ đến lượt mình đặt câu hỏi, góp ý. Những giây phút dài trôi qua, tôi được dặn theo dõi nghe radio và chờ phone. Chỉ còn 4 phút nữa tôi phải vào bên trong phiên dịch cho một buổi deposition/Luật sư và thân chủ lấy cung. Tôi đã thấy bên bị cáo bước vào tòa nhà, mà tổng đài KQED cũng chưa gọi, nên chờ hay vào làm việc? Còn lưỡng lự tiến thoái lưỡng nan, thì tiếng nói ở bên kia cell báo hiệu: “Thai, you’re on.”
“Good morning Thái,” giọng ông Michael Krasny trổi lên chờ đợi. Tôi hồi hộp cất tiếng: “Good morning,…”
Đại ý tôi hỏi giáo sư Adam Johnson có thể so sánh cho biết mối tương quan (sự song hành) giữa hai xã hội Việt Nam và Bắc Hàn, nhất là trước 75, tuy rằng có thể Bắc Việt không như Bắc Hàn, đa dạng hơn sau ‘đổi mới’, và tôi cũng mong rằng những nhà văn Tây phương sẽ viết thêm về VN vì những cây bút Việt Nam không được bình tĩnh khi họ viết về Cộng Sản Việt Nam… Sau khi đặt câu hỏi thì chỉ còn nửa phút đến giờ làm việc, tôi chỉ kịp nán lại để loáng thoáng nghe ông Johnson trả lời ‘đã có nhiều nhà văn Việt-Mỹ viết về Việt Nam’ trước khi rời xe vào phiên họp.
Sau hôm đó khi về nhà lên mạng tôi tìm ra địa chỉ e-mail giáo sư Adam Johnson và viết lại mạch lạc hơn ý nghĩ của mình, đại ý cho ông biết tại sao người Việt lại khó viết cho thông suốt được câu chuyện Việt Nam của họ. Của đáng tội, cái khó (và éo le) của người Việt khi viết về vấn đề Việt-Nam cho người ngoại quốc/ngoại cuộc thường nằm ở hai vế đối chọi:
1) Những người sống qua những cuộc đổi đời, có đủ thẩm quyền để viết về Việt Nam thì lại không hội đủ chữ nghĩa Anh văn lưu loát để viết tiểu luận, nói gì đến tiểu thuyết, hoặc giả nếu hội đủ điều kiện thì họ đã quá gần gũi với chuyện tang thương của mình để có thể trình bày hay lập chuyện một cách hấp dẫn, ôn tồn và minh bạch. Đó là chưa kể những tư duy và góc nhìn thấm nhuần chính trị xã hội của 2 miền Nam Bắc.
2) Những người có đủ thời gian học vấn và văn chương Anh văn để viết, phần đông thuộc lứa tuổi trẻ, sống xa rời quê hương, không rành tiếng Việt và lịch sử nước nhà để có thể hiểu và viết lên câu chuyện Việt Nam một cách chính xác và rành mạch, chưa kể một số những người trẻ ở hải ngoại do bị thế hệ cha anh chụp mũ và cho là mất gốc nên đã xa lánh cộng đồng và câu chuyện Việt Nam. Nếu có viết đến thì cũng là những câu chuyện Việt Nam vô thưởng vô phạt, thiếu tầm vóc lịch sử và chiều sâu.
Thú thật, nhiều lúc tự tin vào khả năng Anh ngữ và tính trung chính của mình để ứng xử, nhưng hôm thứ Ba đó không hiểu vì vấn đề Bắc Hàn gần gũi với chuyện quê hương thế nào, hay vì bị chia trí vì sắp tới giờ buổi họp quan trọng, tôi đã không đủ bình thản và trầm tĩnh để hỏi và nói hết ý dữ kiện hỗ tương cũng như khác biệt giữa Việt Nam và Bắc Hàn. Rõ ràng tôi đã lâm vào hội chứng Việt Nam như nhiều người Việt hải ngoại.
Làm thế nào để nói lên tiếng nói lương tri của người Việt trong vòng 15, 20 giây mà không tiểu-tiết-hóa, làm rẻ rúng vấn đề? Không được may mắn như trường hợp kiến nghị We The People ở Nhà Trắng vì không hân hạnh có mặt hay có tên trong số những người được mời phát biểu hôm 5 tháng Ba trước các quan viên Hoa kỳ, trường hợp cá nhân tôi đã phản ảnh những cơ hội hiếm có của người Việt trước những vận hành hay biến cố mấu chốt lịch sử để gióng lên tiếng nói nhược tiểu của mình.
Bất kể những sơ suất kỹ thuật, thiếu dự bị tổ chức trong chuyến Thỉnh Nguyện Thư vừa qua, người Việt hôm nay, nhất là cộng đồng hải ngoại, đã tạo được cho mình tiếng vang với 150 ngàn chữ ký, sắp sửa có tiếng nói. Như vậy có khác với chuyện bác Hồ ngày xưa phải chật vật đi mướn áo vét đuôi tôm, mượn văn bút của nhóm Ngũ Long, Le Patriot: Phan chu Trinh, Phan văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyến Tất Thành, đặt yêu sách của dân Việt “Revendications du Peuple Annamite” và tìm cách yết kiến với Tổng thống Woodrow Wilson năm 1919 không?
Xin để cho những học giả nặng ký trả lời. Hôm nay tôi không dám lạm bàn đến công cán của người chấp bút thỉnh nguyện thư ở Hội nghị Hoà Bình Versailles 93 năm trước đây, cũng như tính chính danh của Nhóm Ngũ Long Le Patriot (Nguyễn Ái Quốc) hay của bác Hồ vào thời đó mà chỉ nhắc lại sự vận động của người Việt Nam xưa và nay, hy vọng sẽ gióng lên được tiếng chuông suy tư và lẽ phải (chưa dám nói đến yêu nước) để luận bàn một cách bình thản, không nóng máu về cách vận động và tranh đấu của người Việt hải ngoại cho người oan khuất trong vòng gần 40 năm trở lại đây.
Có phải ở Mỹ đại đa số người Việt lâu nay đã không màng, không có cơ hội, không đủ mức (đủ sức) vận động, tranh thủ bằng tiếng Anh với chính giới Hoa Kỳ?
Ngược lại hàng ngày chúng ta bị tràn ngập bởi những thông tin xấu ở Việt Nam, nhiều lúc làm cho mình hầu như quên sống cho bản thân, cho gia đình, cho công việc hàng ngày, để trở nên bất bình thường, mất cân bằng trong cuộc sống vì bị ám ảnh bởi những tin tức bất cập khiến mình nửa điên nửa ngộ, vừa điên tiết vừa lộn ruột. Cho tôi sống với! Cá nhân mỗi người phải tự hỏi mình làm điều gì thiết thực nhất trong phạm vi hữu hạn của mình. Nhiều khi chuyện quan trọng của cộng đồng chưa chắc đã là mối quan tâm của người Mỹ.
Chả trách khi nộp bài cho một nhật báo lớn của Mỹ, bà phó tổng biên tập mà tôi quen đã thoái thác khuyên: “I don’t know Thai, how many people in the mainstream know about the Vietnamese petition’s We The People? Why don’t you write something about how your community think about the Republican primary election! (Tôi cũng không biết nữa (về bài TNT tôi nộp ) có bao người trong dòng chính để ý đến chiến dịch chữ ký We The People của cộng đồng Việt? Sao anh không viết về cuộc tuyển chọn ứng cử viên Cộng hòa trong cộng đồng Việt?) Hơn 90% các bài bình luận của tôi được báo Mỹ đăng nói đến vấn đề Việt Nam.(2)
Đó là chưa nói đến một thiểu số ồn ào, thích khoác cho mình sắc áo và màu cờ Vàng, giành chính nghĩa cho mình? Một số khác túc trực hàng ngày trên các trang mạng Việt ngữ, truy cập, nghe ngóng tin tức và viết những lời thóa mạ, chửi bới, báng bổ, khích bác tràn ngập. Trong khi tiếng nói trung thực cho cộng đồng, cho Việt Nam hầu như chưa bao giờ được chính khách và dòng chính Hoa Kỳ nghe cho tường. Trái lại như tại San José qua các cuộc bầu cử địa phương vừa qua, chuyện quốc gia-cộng sản – một mặt của thực tế cộng đồng – đã làm át đi tiếng nói thiết thực hơn của địa phương, khiến cho nhiều người dân và chính giới Hoa kỳ ngán ngẩm chuyện Việt Nam.
Có lẽ nhiều lúc hình như (một số) người Việt hải ngoại quên rằng họ đang tranh đấu với ai, và cho ai?
Trong khi tranh đấu ở nước nhà bị cấm đoán, ở Mỹ, luật pháp và hiến chương ủng hộ các cuộc biểu tình, chống đối chính phủ (không ai lạ gì các tổ chức như Tea Party, Chiếm đóng/Occupy Wall Street, v.v.). Phần lớn những chuyện tranh đấu dữ dội của người Việt ở hải ngoại, người Mỹ gọi là “Tempest in a Teacup”/”Bão táp trong một tách trà” (để nói lên những sự việc hung hăng nhưng bị giới hạn/gói gọn trong một môi trường nhỏ bé, không gây ảnh hưởng) lại xảy ra, xâu xé nhau trong cộng đồng Việt (nhiều người gọi là vũng lầy của chúng ta) thay vì tranh đấu, thu phục cảm tình của dân Mỹ và các dòng chính, họ lại đánh phá chính mình: Ngay trong cộng đồng Việt, trên báo chí Việt.
Người Mỹ thường không biết người Việt tranh đấu cho ai, vì ai!
Xin lặp lại câu hỏi: người Việt hải ngoại đang tranh đấu với ai, và cho ai?
- Với người Việt trong cộng đồng Việt (trừ giới trẻ) Đúng! Với Mỹ, với thế giới? Không đúng, chưa đủ!
Tranh đấu cho ai! Cho họ ư?
- Không đúng, mấy ai ở Mỹ tranh đấu cho chuyện nhà cửa ấm êm, cho xã hội cờ Hoa của mình được an sinh lại mang cờ Vàng xuống đường đả đảo Cộng sản thiếu nhân quyền? Xa xôi quá!
Tranh đấu cho Việt Nam ư?
- Cũng không đúng, chúng ta là dân Mỹ, mấy ai lại từ bỏ thiên đường tư bản để về Việt Nam sống?
Tranh đấu cho dân Việt Nam ư?
- Tôi cũng không chắc, có phải vì chúng ta quá khắng khít với màu cờ Vàng xa xưa mà quên đi rằng hơn 70% dân số Việt Nam hiện nay dưới tuổi 30 và chưa hề sống dưới lá cờ Vàng nên không mấy ai thắm thiết với lá cờ xa lạ này? Ở trong nước nhìn ra có phải là đa số sẽ cảm thấy xa lạ và không chắc ủng hộ hình ảnh cờ Vàng này. Thật ra, cho đến nay, chưa có một thống kê hay trưng cầu dân ý quy mô nào trong nước cho thấy đại đa số chấp nhận lá cờ Vàng thay cho lá cờ Máu, đương nhiên dưới chế độ hiện nay đó là một chuyện bất khả thi. Tuy nhiên một số người đối kháng trong nước tâm sự cho biết họ cảm thấy ‘ngỡ ngàng’ dưới lá cờ Vàng. Đối với họ:
Khi chúng ta trương cờ Vàng xuống đường có phải là chúng ta muốn khôi phục lại chế độ Việt Nam Cộng hòa? Tôi không biết trả lời họ sao cho ổn. Dù sao nếu thật sự đúng như vậy thì cũng không hợp tình, hợp lý lắm! Vì chỉ cần hình dung ra viễn tượng ai xung phong về nước, ai khởi nghĩa, ai ủng hộ, ai lãnh đạo ai, cũng đã thấy phức tạp lắm rồi… khó có thể thực hiện, nếu không nói là hoang tưởng.
Như vậy khi tranh đấu cho nhân quyền, tự do, (dân chủ) và công bằng bác ái thì người ta dùng lá cờ nào? Khó ạ, đúng là nan giải. Một ngày kia nếu Việt Nam có bầu cử dân chủ, phải để cho người dân quyết định chọn cho mình một lá cờ mới. Gần đây, tôi có nghe được một cao kiến: Hãy dùng là cờ Máu chung với lá cờ Vàng, và tất nhiên có nhiều người không cần đến cờ quạt khi tranh đấu cho Việt Nam và những lý tưởng cao xa đó! Chuyện đa nguyên này sẽ cho thấy sự kết hợp trong và ngoài nước, khoan nói đến chuyện chính danh hay chính nghĩa của là cờ Việt Nam hiện nay!
Rốt cuộc, điều còn lại thiết tưởng người Việt cần thực hành là chăm chú nói lên tiếng nói của mình một cách từ tốn và minh bạch cho thế giới biết. Câu chuyện Việt Nam do đó vẫn chưa được kể hết và nó cần được thuật lại sau cùng bằng Anh ngữ, một cách trung thực, và thuyết phục. Nếu chúng ta, nhất là những ai là chứng nhân của lịch sử hãy để cho tâm tư lắng xuống vì “nước khuấy thì bùn vấy”, bớt đi sự hô hào, sôi động và hàm hồ của bầu máu nóng, sự thật sẽ tự nó lộ diện, trong sáng như một viên ngọc trong một áng văn chương, một tác phẩm quốc tế tuyệt tác nào đó.
© Nguyễn Khoa Thái Anh
© Đàn Chim Việt
____________________________
(1) Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ của tôi, mong trình bày với quý vị một số sự kiện nhất định về tình thế hiện tại ở châu Âu. Từ Stettin trong các vùng biển Baltic đến Trieste ở Adriatic một bức màn sắt đã hạ xuống trên khắp Lục địa Âu châu. Phía sau bức màn sắt đó tất cả các thủ đô của các quốc gia cổ đại của miền Trung và Đông Âu tọa lạc. Warsaw, Berlin, Prague, Vienna, Budapest, Belgrade, Bucharest và Sofia, tất cả các thành phố nổi tiếng và dân số xung quanh họ nằm trong những gì tôi phải gọi lĩnh vực Liên Xô, và tất cả khách thể bị trị, ở dạng này hay dạng khác, không chỉ nằm dưới ảnh hưởng của Liên Xô nhưng một mức độ rất cao và trong một số trường hợp chịu kiểm soát của Moscow. (Trích diễn văn của WInston Churchill tại Westminster College ở thành phố Fulton, bang Missouri, Hoa Kỳ, 5 tháng Ba, 1946)
It is my duty, however, to place before you certain facts about the present position in Europe. From Stettin in the Baltic to Trieste in the Adriatic an iron curtain has descended across the Continent. Behind that line lie all the capitals of the ancient states of Central and Eastern Europe. Warsaw, Berlin, Prague, Vienna, Budapest, Belgrade, Bucharest and Sofia; all these famous cities and the populations around them lie in what I must call the Soviet sphere, and all are subject, in one form or another, not only to Soviet influence but to a very high and in some cases increasing measure of control from Moscow.
(2) Tuy nhiên bài bình luận Anh văn đã được rút ngắn và đăng lại trên ấn bản Anh ngữ của NV 2:
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=145944
0 comments:
Post a Comment