Tác Giả: Huy Phương (NV) | ||
| ||
Dù chúng tôi không chiến đấu bằng vũ trang nữa, nhưng mầu cờ sắc áo của QLVNCH vẫn còn thì cũng là điều khiến CSVN lúng túng, vì còn mầu cờ sắc áo của quân lực VNCH thì tình quân dân cá nước của người ty nạn CS vẫn còn sôi sục. Phỏng vấn GS Nguyễn Xuân Vinh Nhân dịp đại hội bất thường TTCSVNCH-HN vừa được tổ chức tại Little Saigon Nam Califonia trong hai ngày 17,18 tháng 3, 2012, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh đã được toàn thể cựu quân nhân tham dự tái tín nhiệm vào chức vụ chủ tịch Hội Ðồng Ðại Diện Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, phóng viên Huy Phương báo Người Việt đã có cuộc phỏng vấn GS Nguyễn Xuân Vinh sau đây: Huy Phương (NV): Xin giáo sư cho biết những lý do, trước đây vào năm 2009, giáo sư đã từ nhiệm chức vụ chủ tịch HÐÐD, và hôm nay theo lời mời của anh em cựu chiến sĩ của TT, giáo sư đã nhận lời trở lại nhận nhiệm vụ này?
GS Nguyễn Xuân Vinh: Như mọi người đều biết thì chúng tôi đã đảm nhận chức vụ chủ tịch Hội Ðồng Ðại Diện từ Ðại Hội Toàn Quân vào tháng 9, năm 2003, và tôi đã cùng các chiến hữu cố gắng để tập hợp mọi lực lượng trong tinh thần đoàn kết để cùng cộng đồng người Việt hải ngoại có những hoạt động nhằm mục tiêu: Bảo vệ làn ranh Quốc Cộng nghĩa là không hòa hợp hòa giải với CS, chống lại nghị quyết 36, tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên trong một trận chiến nào thì cũng có những thương tổn do kẻ thù gây nên, và Tập Thể Chiến Sĩ VNCH-HN cũng giống như các tổ chức chống Cộng quyết liệt khác, cũng từng bị những thương tổn do những sự tấn công và đánh phá của kẻ thù nhằm triệt hạ uy tín của hàng ngũ lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ và tạo những áp lực tâm lý cho một số chiến hữu không có đủ lòng tin, kiên định lập trường vào những hoạt động của Tập Thể cùng sự điều hợp của HÐÐD. Do đó cá nhân chúng tôi, vì không muốn tạo những rạn nứt để thành sự phân hóa trong nội bộ từ những điều tiêu cực xảy ra chỉ làm lợi cho CS và tay sai muốn tiêu diệt Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, và cùng lúc đó sức khỏe của tôi cũng không được khả quan cho nên tôi đã chủ động từ nhiệm với hy vọng một chiến hữu khác có nhiều sức khỏe và có khả năng thay thế chúng tôi để lập lại niềm tin và tạo nên sự đoàn kết mới trong nội bộ. Tôi không định trở lại vai trò này, dù rằng chưa bao giờ tôi rời bỏ hàng ngũ, và vì vậy tôi vẫn đứng trong Tập Thể như là một thành viên trong Hội Ðồng Tư Vấn của TTCSVNCH-HN. Còn câu hỏi vì sao tôi quyết định trở lại vai trò chủ tịch HÐÐD này, thì đó là vì sự từ nhiệm của chiến hữu Hồ Văn Kỳ Thoại, người thay thế tôi một năm trước đây, cũng như do sự yêu cầu của Hội Ðồng Tư Vấn và do các chiến hữu trong hai ngày đại hội đã tín nhiệm và muốn tôi trở lại vai trò chủ tịch HÐÐD. Riêng cá nhân chúng tôi xét thấy vì phải cần thiết bảo vệ và duy trì hoạt động của TTCSVNCH-HN trong giai đoạn mới của cuộc vận động tranh đấu cho Nhân Quyền, và đòi Dân Chủ cho VN, cho nên tôi quyết định đảm nhận trở lại vai trò CTHÐÐD để sát cánh cùng các chiến hữu của tôi, những người luôn tin vào sự thành công của cuộc vận động cho nhân quyền và tự do mà Tập Thể Chiến Sĩ đã và đang theo đuổi, những chiến hữu luôn biết sống và tự hào với sáu chữ “Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm.” NV: Trong 9 năm thành lập, TTCSVNCH đã làm được gì và những gì chưa làm được cho đất nước và cộng đồng người Việt hải ngoại trong tình thế hiện nay. Ðiều quan tâm nhất hiện nay trong cương vị chủ tịch HÐÐD của giáo sư là gì? GS Nguyễn Xuân Vinh: Trong 9 năm qua Tập Thể Chiến Sĩ VNCH đã rất hãnh diện là cùng với người Việt ở khắp nơi chúng tôi đã bảo vệ được mầu cờ tổ quốc, mầu cờ quân binh chủng, và hàng ngày, đứng hiên ngang trong quân phục của người lính VNCH chúng tôi vẫn và luôn luôn sát cánh với đồng bào trong những cuộc tranh đấu chống cộng sản của Cộng Ðồng Việt Nam ở hải ngoại. Bằng chứng rõ ràng là dù cho đôi khi có phân hóa trong hàng ngũ, có thể làm nản lòng người, nhưng người lính VNCH trong Tập Thể vẫn không cởi bỏ quân phục và có thể nói là dường như hiện nay các chiến hữu của chúng tôi đã mặc quân phục nhiều hơn. Dù chúng tôi không chiến đấu bằng vũ trang nữa, nhưng mầu cờ sắc áo của QLVNCH vẫn còn thì cũng là điều khiến CSVN lúng túng, vì còn mầu cờ sắc áo của quân lực VNCH thì tình quân dân cá nước của người ty nạn CS vẫn còn sôi sục. Ðó là niềm tin mà người Việt Quốc Gia dành cho người lính VNCH, và đó cũng là làn ranh Quốc-Cộng mà thế hệ hậu duệ sẽ tiếp tục phát huy. Mặt khác, chúng tôi đã cùng cộng đồng sát cánh trong những cuộc biểu tình chống văn hóa vận, chống những xâm nhập của CS trong những hoạt động giao thương lề trái, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc quan tâm đến hoàn cảnh của các thương binh VNCH và TTCS ngoài việc ủng hộ chương trình “Cám Ơn Anh” gây quỹ cho TBVNCH hằng năm do đài SBTN và Hội HO và Cô Nhi Quả Phụ tổ chức, chúng tôi cũng đã tổ chức hai lần gây quỹ tại San Jose-Californnia và Detroit-Michigan và chúng tôi cũng đã phát động phong trào nuôi heo đất cho TPBVNCH, phong trào nầy chưa tổng kết do những thay đổi phần tổ chức mà thôi. Ðó là những hoạt động thường xuyên và trường kỳ ở các địa phương. Trên bình diện trung ương, thì về công tác bảo vệ đất biển, ban Truyền Thông Báo Chí cũng đã thực hiện một chương trình hội thảo mở rộng bắt đầu tại Nam Cali trong năm 2006, và dịp nầy chúng tôi đã in hàng ngàn bumper sticker “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam,” bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, thực hiện 500 poster cho ngày 30-4 trong dịp kỷ niệm 40 năm tội ác CS trong Tết Mậu Thân, những poster và những sticker nầy phân phối cho các trung tâm Âu Châu, Úc Châu, Canada, Hoa Kỳ, để phổ biến miễn phí cho mọi người. Ngoài ra, để giới thiệu Tập Thể như là một tổ chức cựu quân nhân toàn cầu có tầm vóc, nên ở mọi địa phương, ở Canada, Úc Châu hay các tiểu bang ở Hoa Kỳ, bao giờ chúng tôi cũng gửi thư chúc mừng tới các vị thủ tướng, thống đốc mỗi khi họ làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Cho những vấn đề thiết thực hơn, như việc xin can thiệp để cho chính phủ Thái trả tự do cho chiến hữu Lý Tông, chúng tôi cũng từng gửi thỉnh nguyện thư lên cho Bộ Trưởng Ngoại Giao Condoleezza Rice, cho thủ tướng và ngay cả cho Quốc Vương Thái Lan. Nếu chỉ nhận xét một cách phiếm diện thì người đồng hương có thể nghĩ rằng những việc làm này chỉ có tính cách bề ngoài. Nhưng đôi khi cùng với những vận động khác, phối hợp quân và dân cũng có thể đi đến kết quả mong muốn. Ngày chiến hữu Lý Tống trở về, người đầu tiên đón anh ở phi trường quốc tế San Francisco là chiến hữu tổng thư ký của Tập Thể, để trao ngay cho anh thư chúc mừng của chúng tôi. Thường ngày những báo chí và các cơ quan truyền thông chỉ loan tải những tin tức hoạt động của Tập Thể ở các địa phương. Vì vậy chúng ta ít biết về những hoạt ở cấp trung ương. Có những việc chúng tôi đã làm, dù cho có ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài trên bình diện quốc gia, nhưng đứng trong thành phần lãnh đạo của Tập Thể chúng tôi chỉ nghĩ đó là nhiệm vụ đòi hỏi mình phải làm và trước đây đã thấy không cần phải phô trương ra ngoài. Lấy một vài thí dụ như vào ngày Quốc Hận, 30 tháng 4 năm 2005, chúng tôi đã mời được ông cựu bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ là ông James Webb cùng đứng nghiêng mình tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ cho miền Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng của cộng sản phương Bắc. Bàn thờ tử sĩ đã làm ở ngoài trời, trên một khoảng trường trống ở giữa thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, và trong một khung cảnh mưa gió ngày hôm ấy, lắng nghe tiếng kèn bi ai từ trên một chỏm đồi vọng xuống, mọi người đã cúi đầu tưởng niệm. Sau nghi thức này chúng tôi lại tới bức tường đá đen gần đó để đặt vòng hoa tiếc thương 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam. Ông Jim Webb, thuộc đảng Dân Chủ, nay là một thượng nghị sĩ có quyền hạn rộng lớn ở Quốc Hội Hoa Kỳ, và điều quan trọng hơn cả, ông là một người bạn của chúng ta, luôn luôn ủng hộ những đạo luật đòi hỏi cho Tự Do và Nhân Quyền ở Việt Nam, nói chung là những ước vọng của người Việt tỵ nạn cộng sản. Một thí dụ nữa tôi nhắc lại đây là đạo luật HB 55 “Heritage and Freedom Flag of the Former Republic of Vietnam Day” được Quốc Hội Lưỡng Viện tiểu bang Ohio biểu quyết thông qua và tiểu bang Ohio đã trở thành một trong 14 tiểu bang, 7 quận và 88 thành phố trên toàn nước Mỹ chính thức công nhận Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa là biểu tượng cho dân chủ và tự do của người Mỹ gốc Việt. Ðây là một niềm tự hào không những của đồng hương tại Ohio mà là của mọi Người Việt Tự Do trên khắp thế giới. Và điều đáng làm chúng ta vui mừng hơn nữa, là tuy nguồn gốc của sự vận động là do cộng đồng người Việt ở Ohio, đặc biệt là do người Việt tỵ nạn ở thủ đô Columbus, nhưng vào ngày đầu tiên áp dụng đạo luật thượng kỳ là ngày 29 tháng 4 năm 2009, tại tiền đình Quốc Hội, ban tổ chức gồm đại diện của ba thành phố lớn của tiểu bang là Colombus, Cincinnati và Dayton đã mời chủ tịch HÐÐD của Tập Thể đến chủ lễ và sau đó tại bữa ăn trưa tại phòng Atrium ngay tại Quốc Hội chúng tôi đã có dịp cảm tạ ông thống đốc và những vị nghị sĩ và dân biểu đã làm cho đạo luật trở thành vĩnh viễn. Ðây thật là một sự quân dân nhất trí kết hợp, và dân chúng đã tham dự đông đảo, ghi tên ăn trưa chật hết chỗ của phòng ăn. Những người tham dự Ðại Lễ Thượng Kỳ cờ Vàng lần đầu tiên ở tiểu bang Ohio, không những đã đến từ khắp các nơi trong tiểu bang nhưng còn đến cả từ các tiểu bang lân cận như Michigan và Indiana, và nhiều người đã từ Canada sang để được tham dự ngày lịch sử này. Riêng việc chưa làm được thì còn nhiều vì những vấn đề tiêu cực kể trên cũng giới hạn phần nào thành quả đạt được. Ðiều ưu tư nhiều nhất hiện nay của chúng tôi là chưa thể phát triển được hàng ngũ hậu duệ, cũng như ước muốn thực hiện mạng lưới Net vận trên báo điện tử vẫn còn gặp trở ngại. Chúng tôi có hai tờ báo điện tử Tin Luận và Hướng Dương , nhưng nay đã ngưng hoạt động vì không có đủ nhân lực điều hợp. Nhận lãnh trách vụ lần này, điều quan tâm nhất của tôi hiện nay là làm sao giữ vững được ý chí quyết tâm và đoàn kết của Tập Thể để cùng hành động, đáp ứng những yêu cầu điều hành của ban tham mưu. Tôi mong ước các chiến hữu đã rời hàng ngũ, dù đã lớn tuổi cũng nên quay trở lại để cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ chức này, một tổ chức mà cho đến nay chúng tôi luôn hãnh diện và tự hào là một cơ chế mà CSVN luôn muốn tiêu diệt, mà không được. Nếu chúng ta không bảo vệ được Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, để cho hoạt động rời rạc, thì đó cũng như chúng ta buông súng tan hàng lần thứ hai sau ngày 30 tháng 4, năm 1975. NV: Theo đường lối của TTCSVNCH, chủ tịch HÐÐD chỉ nhận vai trò nghi lễ, ngoại giao, đại diện cho Tập Thể hay là người quyết định đường lối và hành động của Tập Thể? Về tổ chức có đến ba cơ chế, Hội Ðồng Ðại Diện, Hội Ðồng Giám Sát và Hội Ðồng Ðiều Hành, việc phối hợp làm việc như thế nào? GS Nguyễn Xuân Vinh: Theo bản điều lệ của Tập Thể, và qua hai ngày đại hội bàn thảo sôi nổi và đề nghị những thành viên vào hai trách vụ quan trọng của Tập Thể là chủ tịch Hội Ðồng Ðại Diện và chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành, tôi không hề nghe thấy một chiến hữu nào nói đến vai trò nghi lễ hay ngoại giao cho Tập Thể. Ðã dấn thân làm việc thì phải làm tích cực cho hết khà năng của mình. Ngoài ba cơ chế mà nhà báo Huy Phương vừa nói đến, chúng tôi còn có Hội Ðồng Tư Vấn cũng rất quan trọng và mới được tăng cường bằng nhiều vị có kiến thức, có khả năng và nhiệt huyết. Ðiều đặc biệt về hai Hội Ðồng Tư Vấn và Giám Sát là có thành viên ở khắp nơi. Vì vậy sự góp ý kiến và phê bình qua những nhận xét và những báo cáo về hoạt động và điều hành của Tập Thể sẽ được đưa ra ở mọi tầng lớp, từ hướng đi của Tập Thể cho đến sự việc xẩy ra ở địa phương. Tôi nghĩ những người có trách nhiệm điều hành trong Tập Thể sẽ lắng nghe và tu chỉnh nếu thấy cần thiết. Tuy lập trường của Tập Thể rất rõ ràng và luôn luôn được nhắc lại mỗi lần có dịp như trong thông cáo báo chỉ được đưa ra sau hai ngày Ðại Hội, cho chương trình hoạt động của Tập Thể, bên cạnh Hội Ðồng Ðại Diện, chúng tôi cần có một Ban Tham Mưu gồm có những vị phụ tá về truyền thông, về phát triển hậu duệ và về xã hội. Công việc điều hành thì đã có chủ tịch Hội Ðồng Ðiều Hành đảm nhiệm có hai vị phó chủ tịch phụ giúp. Công việc này rất phức tạp vì chủ tịch Ðiều Hành liên lạc thẳng với các trung tâm, các tổng hội và liên hội và các hội đoàn biệt lập. Mỗi quân binh chủng hay quân trường lại có tổ chức và điều lệ hoạt động riêng của mình. Vì vậy, như tôi đã nói ở trên, chỉ dựa vào sáu chữ vàng son là Tổ Quốc-Danh Dự- Trách Nhiệm mà chúng tôi, vì cùng chung một chí hướng, một tâm niệm, mà còn được tồn tại và cùng nhau hoạt động cho đến ngày nay. NV: Những gì mà giáo sư thấy cần cải tổ về cơ chế và đường lối của TT cho phù hợp với tình hình và các diễn biến hiện nay trong công cuộc đấu của toàn dân quốc nội. GS Nguyễn Xuân Vinh: Tập Thể CSVNCH-HN đã được xây dựng trên nền tảng pháp lý ở một quốc gia dân chủ với những thành viên là những người đang đóng góp vào công cuộc xây dựng một cộng đồng người Việt lớn mạnh ở hải ngoại, và quyết tâm tranh đấu cho một nước Việt thoát được ách cộng sản để người dân có tự do, dân chủ và nhân quyền. Tổ chức của Tập Thể đã được quy định rõ ràng trong Bản Ðiều Lệ. Về việc điều hành và đưa ra những chương trình cho thích hợp với tình hình hiện tại thì chúng tôi cần có những buổi họp tham mưu để bàn thảo. Tinh thần dấn thân làm việc cho lợi ích chung và tình huynh đệ chi binh sẽ hướng dẫn chúng tôi trong việc điều hành để mọi sự mỗi ngày một tốt đẹp. NV: Về hoạt động của Trung Tâm trong thời gian qua, trong đêm dạ tiệc kết thúc đại hội tại nhà hàng Regent West tối ngày 18 tháng 3, giáo sư có nói “dù tập thể chưa có chủ tịch, nhưng các trung tâm của Tập Thể ở khắp nơi đã tự động kéo nhau tổ chức, vận động đồng hương cùng ký Thỉnh Nguyện Thư cùng với anh chị em cựu chiến sĩ VNCH gây nên một phong trào khá sôi nổi trong chính trường Hoa Kỳ.” Xin giáo sư cho biết những hoạt động cụ thể ngày, giờ và con số ghi danh thỉnh nguyện thư do tổ chức của các trung tâm. GS Nguyễn Xuân Vinh: Cám ơn nhà báo Huy Phương đã đặt câu hỏi này để tôi có dịp giải thích hầu tránh những ngộ nhận đáng tiếc. Tôi có nói trong sự hãnh diện của cá nhân tôi là “Tập Thể Chiến Sĩ đã phát triển nhanh và điển hình là trong ‘Phong trào ký thỉnh nguyện thư’ vừa qua” nghĩa là khi nói đến điều nầy thì ai cũng phải hiểu là phong trào ký thỉnh nguyện thư của đài truyền hình SBTN, dù tập thể đang không có người đại diện nhưng tinh thần hành động vẫn phát triển nhanh, ai cũng ý thức việc làm chính đáng và cùng cộng đồng đoàn kết, vận động nhau cùng ký vào thỉnh nguyện thư, trong đó bản thân tôi và gia đình tôi là điển hình. Chúng tôi đã ký tên và kêu gọi bạn bè, gia đình cùng hành động, và trong đại đa số đó là các chiến hữu của chúng tôi. Vì thế mà tôi nói rằng trong số 140 ngàn chữ ký cũng có rất nhiều anh em cựu quân nhân đã tự nguyện tập hợp cùng với cộng đồng thành một phong trào sôi nổi trong chính trường. Ðó không phải là một sức mạnh đoàn kết có quân và dân như đã thường xẩy ra hay sao? Trở lại những hoạt động trong năm vừa qua ở Nam Cali, nếu trong những ngày Hội Chợ Tết, những cuộc diễn hành hay biểu tình, những đại nhạc hội giúp TB, nếu bỏ đi sự tham gia của anh em cựu chiến sĩ và gia đình thì tôi chắc là con số sẽ giảm đi rất nhiều. Tôi là một người làm công tác giáo dục và là một người có cuộc sống gắn liền với khoa học cho nên tôi không hay nói thừa những điều mà ai cũng rõ. Vì vậy tôi không cần phải nêu lên thời gian và số chữ ký, vì ngay chính đài SBTN cũng không thể phân loại được có bao nhiêu khán giả của SBTN đã ký vào thỉnh nguyện thư, bởi vì sự thành công này của SBTN là đã kết hợp lòng người vượt qua những dị biệt. NV: Trong diễn văn đọc tại đại hội toàn quân trong ngày khai mạc năm 2003 tại Anaheim Convention Center, giáo sư có đặt vấn đề chúng ta sẽ “giải thể” chế độ CS ở quê nhà. Vừa rồi trong đêm dạ tiệc bế mạc ÐH bất thường, giáo sư cũng có nhắc lại: “Trong tư cách tân chủ tịch Hội Ðồng Ðại Diện chúng tôi nguyện sẽ làm việc hăng say hơn nữa để thúc đẩy anh em cùng nhau đấu tranh quyết liệt để giải thể chế độ cộng sản, đưa đất nước sớm có được tự do, nhân quyền.” Xin giáo sư cho biết cụ thể những hành động của Tập Thể CSVNCH nhắm đến mục đích có thể giải thể chế độ CS hiện nay tại Việt Nam? GS Nguyễn Xuân Vinh: Sau đại hội bất thường của Tập Thể Chiến Sĩ VNCHHN ngày 17 và 18 tháng 3, chúng tôi đã nêu lên mục tiêu chính là tăng cường những hoạt động đoàn kết giữa các lực lượng chống cộng và tranh đấu cho Dân Chủ-Nhân Quyền ở VN trong cộng đồng tỵ nạn, bằng những phương thức tham gia ủng hộ, tăng cường cảnh giác với những hoạt động lũng đoạn và chia rẽ của nghị quyết 36, nhất là phát huy tinh thần yêu nước trong giới trẻ sắp tới trong những buổi hội thảo chính trị, giúp đỡ các ứng viên Việt Nam có cơ hội tham gia chính trị dòng chính bằng những cuộc vận động bầu cử. Ngoài ra chúng tôi còn những hoạt động mà vì yêu cầu chiến lược cho nên cá nhân của tôi không thể thay mặt Tập Thể để đưa ra. Tuy nhiên như đã nói ở trên, mặt trận tiên quyết vẫn là gây ảnh hưởng lòng yêu nước trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới chống thù trong, giặc ngoài, để từ trong ý thức mạnh mẽ sẽ tiếp tục quốc tế hóa những cuộc vận động chính trị như vừa qua đài SBTN đã làm. Chúng tôi cũng cần nói thêm là chúng tôi là thế hệ thứ nhất, thứ hai nếu không có sự tiếp sức của truyền thông thì trận chiến nầy sẽ không phát triển tới các thế hệ 2.5 hay thế hệ thứ ba để tiếp sức. Ðường tranh đấu còn dài và có nhiều chông gai. Ngoài sự quyết tâm của những người lính đã có tuổi đời chồng chất, chúng tôi vẫn ôm hoài bão nhìn thấy ngày quê hương hưng thịnh trong tự do, dân chủ, và nhân quyền. Do đó TTCSVNCH-NH hay các tổ chức tranh đấu khác cũng cần sự tiếp tục ủng hộ của các cơ quan truyền thông vì đây quả là sức mạnh của thế trận hôm nay. |
Tuesday, March 27, 2012
Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Hải Ngoại từng bị kẻ thù đánh phá
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment