HÀ NỘI (NV) -Mua bằng giả đủ mọi loại, từ trung học tới đại học có thể ví dễ như mua rau ở chợ tại Việt Nam. Báo Thanh Niên ngày 13 tháng 3, 2012 đã phải kêu lên rằng nhiều nhóm, tổ chức hay cá nhân “công khai... làm bằng giả.”
Tờ báo Thanh Niên kể chuyện phóng viên của họ đi “thực tế” đã gặp người “đầu mối làm bằng giả” ở Hà Nội thì được hỏi ở “tỉnh nào để giới thiệu đồng nghiệp tiếp nhận đơn đặt hàng; không hạn chế số lượng và loại bằng cấp 'kể cả bằng của ngành công an.' Biết chúng tôi ở Sài Gòn, người này cho số điện thoại (016525935xx), nói của Nguyễn Minh Hoàng.”
Theo nguồn tin, tùy loại bằng và của trường nào cấp mà giá dịch vụ có thể từ 2.5 triệu đồng đến 10 triệu đồng một cái bằng giả.
Những lời “chào hàng” dịch vụ làm bằng giả tại Việt Nam có thể tìm thấy rất nhiều trên Internet. Gõ nhóm từ “bằng giả” có thể thấy hiện ra tới 35 triệu địa chỉ hay trang thông tin về bằng giả, trong đó không ít những “đầu mối” nhận cung cấp bằng giả đủ mọi loại với các số điện thoại liên lạc.
Bản tin ký sự của báo Thanh Niên thuật lại cuộc hẹn của phóng viên với một “đầu mối” của nhóm làm bằng giả có tên Nguyễn Minh Hoàng và được cho xem một số mẫu bằng giả “có đóng dấu tròn đỏ tươi, chữ ký của hiệu trưởng hẳn hoi” và còn được bảo đảm máy móc in ấn hiện đại và kẻ làm bằng giả đã “mua phôi, tem của Bộ Giáo Dục, làm giống như thật, không dễ gì phát hiện ra được!”
Mới ngày 11 tháng 2, 2012, báo Quảng Ninh loan tin Nguyễn Thị Hạ, 51 tuổi và Bùi Tiến Hùng, 71 tuổi, ở huyện Vân Ðồn đã bị kết án mỗi người một năm tù vì cung cấp bằng tốt nghiệp trung học “hệ bổ túc” cho một người cần bằng để đi học “thợ lò.”
Phần lớn các người có nhu cầu bằng cấp giả là đám quan chức đảng viên của đảng CSVN cần thăng quan tiến chức. Ðây là chuyện rất phổ biến tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
“Hàng trăm bằng tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông và giấy chứng nhận tốt nghiệp bổ túc ở Ðồng Bằng Sông Cửu Long vừa được Sở Giáo Dục-Ðào Tạo thành phố Cần Thơ xác định là giả. Rất nhiều chủ nhân của các bằng cấp giả này là cán bộ cơ sở.” báo Người Lao Ðộng ngày 22 tháng 8, 2010 đưa tin. Theo nguồn tin này, ít nhất là 10 quan chức thành phố Cần Thơ đã dùng bằng cấp giả để tiến thân, hầu hết không thấy nêu tên là những ai.
Ngày 3 tháng 7, 2011, báo điện tử VNExpress cho biết “hơn 40 cán bộ sử dụng bằng giả bị phát hiện ở các huyện An Phú và Thoại Sơn tỉnh An Giang.” Trước đó không lâu, cũng VNExpress ngày 8 tháng 4, 2011 nói rằng “280 cán bộ, giáo viên ở Sóc Trăng xài bằng giả.”
Bằng giả rao bán trên Internet. (Hình: Thanh Niên) |
Cho tới nay, người ta chỉ thấy có một số ít những kẻ làm bằng cấp giả tại Việt Nam là bị bỏ tù. Ðám quan chức đảng viên xài bằng giả, bằng dỏm thì thường chỉ bị “cảnh cáo,” ít khi bị mất chức.
Vũ Viết Ngoạn được ông Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng cử làm “Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia” cấp bậc hàng bộ trưởng hồi tháng 7, 2011 đã xài bằng tiến sĩ dỏm mua của một xưởng in bằng dỏm ở tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ðến nay, ông ta vẫn tại chức, không hề bị ai “khiến trách” hay bị mất chức.
Mới ngày Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012, “Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương” đảng CSVN chỉ ra quyết định “cảnh cáo” đối với Thứ Trưởng Bộ Y Tế Cao Minh Quang dù ông này đã bị cáo buộc khai gian bằng tiến sĩ và “vi phạm tiêu chuẩn đảng viên và quy định về những điều đảng viên không được làm, gây ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ, làm cho uy tín của cá nhân giảm sút.” (TN)
------
Gần 200 cán bộ thuê người thi hộ
TT - Công an tỉnh Đồng Nai đang phá đường dây thi thuê tại Trường ĐH Lạc Hồng (TP Biên Hòa) và phát hiện gần 200 cán bộ, quan chức đã được một “đội quân” hùng hậu thi hộ để lấy bằng TOEFL, TOEIC bổ túc hồ sơ học cao học.
Cơ quan công an nhận định một vài người có trách nhiệm ở Trường đại học Lạc Hồng đã móc nối với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức thi lấy bằng TOEFL, TOEIC. Bước đầu đã có năm người bị khởi tố.
Thủ thuật thi kèm, thi hộ
Tháng 9-2011, tại một buổi thi TOEIC ở Trường đại học Lạc Hồng, ông Lê Đức Thịnh - phó khoa ngoại ngữ - đang làm giám thị bất ngờ phát hiện một số sinh viên của khoa mình đang ngồi thi hộ. Các sinh viên này lập tức bị tạm giữ, chuyển giao cơ quan công an.
Tiếp đó, cơ quan công an đã bắt Đỗ Trần Lê Sơn (28 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP Biên Hòa) - người tổ chức đường dây thi thuê này - về hành vi “làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Sơn là cựu sinh viên khoa ngoại ngữ Trường đại học Lạc Hồng.
Qua lời khai của Sơn, cơ quan điều tra đã xác định trong năm 2011 có khoảng 20 sinh viên giỏi ngoại ngữ được nhóm của Sơn và một số người khác liên kết, hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức thi kèm, thi hộ cho sinh viên và cán bộ, công chức muốn lấy bằng TOEFL, TOEIC.
Để có bằng TOEFL, TOEIC, khoảng 200 cán bộ, công chức (nhiều người trong số họ nằm trong diện quy hoạch, muốn có bằng ngoại ngữ để khỏi thi đầu vào khi học cao học hoặc bổ túc hồ sơ cho việc học hành - PV) đã bỏ ra 4-7 triệu đồng/người để tham gia các kỳ thi tại Trường đại học Lạc Hồng và Trung tâm ngoại ngữ Đông Á ở TP Biên Hòa.
Khi vào phòng thi, những người này sẽ được sinh viên giỏi ngoại ngữ do nhóm của Sơn thuê “cài” vào làm bài giúp hoặc hướng dẫn cách nhận dạng tín hiệu, ám hiệu để làm bài thi trắc nghiệm. Mỗi cán bộ thi đậu, nhóm của Sơn sẽ trả công cho người đi thi thuê 1 triệu đồng.
Khi “khách hàng” đi thi, Sơn bố trí người giỏi tiếng Anh đăng ký cùng đợt thi để... kèm. Táo bạo hơn, Sơn còn tổ chức một đội hình thi thuê. Sơn đã làm giả giấy tờ liên quan đến đợt thi, kể cả lấy chứng minh nhân dân thật và tráo hình ảnh. Để trót lọt, Sơn còn móc nối với người của Trung tâm quan hệ quốc tế Trường đại học Lạc Hồng.
Trung tâm ngoại ngữ Đông Á - nơi đã tổ chức nhiều đợt thi thuê, thi kèm TOEFL, TOEIC cho cán bộ - Ảnh: Sơn Định |
“Khách hàng” là ai?
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, từ vụ án thi thuê ở Trường đại học Lạc Hồng, hiện cơ quan an ninh điều tra đang đề nghị tách thành một vụ án riêng để điều tra mở rộng, làm rõ thêm vai trò của một số người có trách nhiệm tại Trường đại học Lạc Hồng và Trung tâm ngoại ngữ Đông Á.
Cũng theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, gần 200 cán bộ, công chức thi TOEFL, TOEIC chỉ là con số mới được cập nhật ở 3/8 đợt thi mà Trung tâm ngoại ngữ Đông Á đã tổ chức trong năm 2011. Đáng chú ý, trong danh sách cán bộ được thi kèm có nhiều người đang làm việc, cán bộ quản lý ở nhiều sở ngành của tỉnh Đồng Nai. Thậm chí trong danh sách này còn có một số cán bộ, công chức đang làm việc ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan truyền thông. Đa số cán bộ này nằm trong diện quy hoạch, đề bạt và có nhiều người đang học các lớp cao học tại Đồng Nai, TP.HCM.
Ngoài ra, liên quan trong vụ án này, một mắt xích khá quan trọng trong vụ án bị bắt giữ là cựu sinh viên Trường đại học Lạc Hồng Trần Quang Hưng (27 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP Biên Hòa). Theo đó, Sơn có nhiệm vụ tìm kiếm, giới thiệu người có nhu cầu cho Hưng làm giả bằng cấp, chứng chỉ cho họ.
Sau khi Hưng bị bắt, cơ quan công an đã thu hồi nhiều giấy tờ giả có tên của gần 100 sinh viên Trường đại học Lạc Hồng. Bước đầu xác định Hưng đã làm giả giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học với giá 1 triệu đồng/giấy, bằng tốt nghiệp đại học 7 triệu đồng/bằng và bảng điểm TOEIC, TOEFL có giá 10 triệu đồng/bằng cho gần 30 người.
0 comments:
Post a Comment