Wednesday, March 28, 2012

Vươn tầm thế giới: Hãng hàng không và gánh hàng rong

Trịnh Kim Tiến

Tôi là một công dân Việt Nam. Và tôi luôn tự hào về điều đó. Hai chữ Việt Nam luôn thiêng liêng trong lòng những người con đất Việt cho dù có ở đâu trên trái đất này. Khái niệm về dân tộc và đất nước với tôi là một khái niệm độc lập với tất cả những điều khác. Ai cũng có nguồn cội và không ai có thể chối bỏ cũng như không kiêu hãnh về nguồn gốc dân tộc mình. Người ta thường đánh giá đất nước theo cung bậc của nền văn minh. Cho dù thước đo của đất nước dài ngắn ra sao tôi vẫn cảm thấy hãnh diện vì là người con Việt Nam.

Chắc chắn rằng không chỉ mình tôi mà tất cả mọi người, ai cũng đều mong mỏi đất nước của mình một ngày nào đó “sánh vai cường quốc năm châu”, vươn đôi vai ngang tầm thế giới.

Nhưng một điều thật đáng buồn, những vấn nạn xã hội, kinh tế, văn hóa đã khiến hình ảnh của đất nước, dân tộc Việt Nam xấu đi quá nhiều trong mắt bạn bè Quốc tế. Khi người Việt cầm visa, hay hộ chiếu của mình qua các nước du lịch, đi học cũng như định cư, họ thường bắt gặp những ánh mắt kì lạ nhìn về phía họ.

Phải chăng do nhiều yếu tố khiến chúng ta thua kém bạn bè. Người Việt ta vốn dòng máu Lạc Hồng, truyền thống ngàn năm văn hiến, tôi tin rằng chúng ta không bao giờ bằng lòng và chấp nhận điều đó.

Từ những thứ nhỏ bé nhất như gánh hàng rong ở Việt Nam cho đến những hãng hàng không cũng có những chênh lệch với nước bạn.

Đặt vé máy bay của hãng Jetstar Pacific và tôi trên đường vào Sài Gòn chuẩn bị bắt đầu cho hành trình tương lai và cuộc sống của bản thân sau hơn một năm nghỉ làm thêm. Bắt đầu trải nghiệm công việc mới ở một thành phố xa xôi là cả một sự quyết tâm lớn đối với tôi. Tôi muốn học cho mình đức tính tự lập và thử đi làm, bắt đầu kinh doanh. Tôi có thể học tiếp để lấy thêm chiếc bằng, nhưng bằng cấp bây giờ ở Việt Nam khó kiếm được công việc quá nên tôi đã lựa chọn cho mình một hướng đi khác.

Tôi dậy từ rất sớm và bắt xe ra sân bay trước giờ bay một tiếng. Đó là thủ tục yêu cầu cho mỗi chuyến bay. Ai cũng đi rất sớm, mọi người đều tôn trọng nội quy của hãng hàng không.

Mọi người chờ đợi đã lâu để được bước vào cửa máy bay nhưng đến giờ lên máy bay mà vẫn không thấy nhân viên sân bay cho vào trong. Máy bay sẽ cất cánh khởi hành lúc 10h 5 phút mà nhưng 10h kém 5, hành khách vẫn ngồi đợi bên ngoài. Sau đó nghe có thông báo của hãng, vì nguyên nhân gì đó mà những người ngoài nghề, bình thường như chúng tôi không hiểu rõ nên may bay cất cánh chậm mất 30 phút.

Tôi thì không sao, chỉ hơi khó chịu một chút vì phải chờ đợi thêm, nhưng với một số hành khách khác thì việc chậm trễ này có lẽ ảnh hưởng nhiều đến họ. Cũng không biết các hãng bay Quốc tế thì sao nhưng hãng bay nội địa hay hoãn và chậm chuyến quá. Bác gái ngồi kế bên tôi, giọng nói không giấu nổi sự bực tức “Chẳng hiểu chúng nó ra làm sao nữa, đi lần nào cũng bị hoãn thế này, mất thời gian quá đi mất, hẹn khách hàng lần đầu mà đến chậm thì không biết nói với người ta thế nào? Đợt trước đi vào chơi cũng bị vậy, chờ mất cả tiếng đồng hồ bao giờ không!”.

Ngồi đối diện tôi là một anh chừng 30 tuổi, trông dáng vẻ lam lũ, gương mặt hiện hữu sự lo lắng, buồn phiền, đang nói chuyện điện thoại với ai đó. Tại ngồi chờ buồn quá nên tôi không bỏ được tật xấu hóng hớt chuyện người ta. Nghe được loáng thoáng anh than vãn qua điện thoại “Máy bay bị chậm, em bảo má cố đợi anh về với, má đừng bỏ đi trước mà tội cho anh. Anh mà không kịp gặp má lần cuối thì ân hận cả đời”, tôi đoán rằng chắc mẹ anh đang hấp hối chờ con về. Vậy mà giờ anh còn phải chờ đợi chuyến bay. Ở sân bay cũng có rất nhiều hành khách nước ngoài ngồi đợi, tôi kém tiếng Anh vì vậy không có hiểu rõ họ nói gì, chỉ thấy họ lắc đầu và nhìn về phía các nhân viên sân bay.

Nếu vì thời tiết xấu hay do một số nguyên nhân hy hữu nào đó mà chuyến bay bị hoãn thì các hành khách cũng phải thông cảm cho hãng hàng không. Nhưng có vẻ như sự việc này diễn ra khá thường xuyên và như một chuyện bình thường của hãng bay nội địa. Hai người ngồi cùng chuyến bay của tôi trò chuyện trên máy bay, công việc của họ đòi hỏi họ đi lại bằng máy bay nhiều nên họ khá rành. Họ nói chuyện chậm chuyến, hoãn bay như cơm bữa, các chuyến bay trong nước không hiểu vì nguyên nhân nào mà thường xuyên chậm trễ, hành khách ngoài việc chờ đợi ra thì còn có thể làm gì nữa.

Đúng là như vậy, cách đây không lâu, hàng trăm hành khách VietNam-airlines bức xúc vì bị trễ chuyến, bỏ đói Chuyện cũ của năm trước vẫn còn dư âm bức xúc cho hành khách, khách bức xúc vì máy bay Jestar vòng vèo, cánh có khói. Hay gần đây nhất, vụ máy bay VietNam-airlines bay tại chỗ 55 phút, cạn nhiên liệu, hạ cánh giữa đường. Dừng ngay tại Trung Quốc, không rõ là lý do gì?

Tôi nhớ đến lần đi Thailand cách đây mấy tháng để tìm hiểu thị trường, tôi đi máy bay của hãng Qantas Airways Boeing 777, đến giờ nghĩ lại vẫn thấy thích. Máy bay to khiến cho không gian trên máy bay thoải mái và thoáng đãng hơn rất nhiều so với các hãng nội địa. Bạn bè tôi nghe đến việc tôi đi nước ngoài ai cũng xuýt xoa trong sự thòm thèm. Đó cũng là cảm giác của tôi trước đây khi nhìn ai đó được đi nước ngoài chơi, vì trong tư tưởng của người Việt, đi ra nước ngòai sẽ tốn kém lắm. Nhưng sự thật thì ngược lại hoàn toàn, cả chuyến đi Thailand của tôi chỉ tốn hơn giá tiền của một vé máy bay Vietnam irlines đi Hà Nội- Sài Gòn một chút. Vé máy bay rẻ đến choáng váng, cả chiều đi lẫn về, giá chỉ có 938 ngàn đồng, vậy mà chất lượng dịch vụ của họ thì thật sự không thể chê được điểm nào. Cái cách mà các tiếp viên hàng không tiếp đón hành khách của họ rất nhã nhặn và lễ độ. Nó hoàn toàn khác với thái độ của các tiếp viên Jetstar trong một chuyến bay từ lâu rồi của tôi vào Sài Gòn cư xử với hành khách trên chuyến bay. Khi máy bay đã đáp xuống sân bay và chuẩn bị dừng lại, một hành khách bắt đầu mở nguồn điện thoại, thay bằng lời lịch sự nhắc nhở đến các “thượng đế” thì một nữ tiếp viên buông lời quát nạt “ai mở điện thoại đấy, có muốn lập biên bản không?”.

Đồ ăn, vật dụng ở Thái cũng không hề đắt đỏ như người ta nghĩ. Giấc mơ Việt nhìn từ Thái, một quốc gia phát triển sau Việt Nam nhiều năm nhưng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, đời sống của người dân Thái hiện nay đã vượt xa Việt Nam. Điều đó được thể hiện rõ ràng qua nét mặt thanh thản tươi vui, nụ cười đầy thiện cảm của những con người dân bán hàng rong Thái.

Ở Thái họ có một chính sách rất hay, họ khuyến khích người dân của họ buôn bán trên vỉa hè. Công an Thái làm nhiệm vụ lưu thông đường phố để công việc buôn bán của người dân được thuận lợi nhất. Hoàn toàn trái ngược với những hình ảnh xua đuổi, bắt giữ đồ đối với những người dân nghèo tần tảo buôn gánh bán rong ở Việt Nam.

Hình ảnh những con người khuôn mặt khắc khổ rong ruổi ì ạch với những gánh hàng trên vai in khắc trên từng con phố, từng ngõ chợ. Dù nắng chay da cháy thịt, hay mưa gió bão bùng, hay những ngày đông lạnh thấu da thịt họ vẫn gánh hàng đó bươn trải, tầo tảo vì cuộc sống gia đinh. Đa số những người dân nghèo lao động, họ kiếm ăn sinh sống trên lề đường, trong những chợ cóc. Không bị cấm thì hoàn cảnh của họ cũng đã vất vả, điêu đứng lắm rồi vậy mà họ còn bị xua đuổi, thu dẹp. Chỉ vài phút tạm gác quang gánh bán hàng là họ có thể đi luôn, đâu có mất diện tích đâu có xấu đi hình ảnh của đất nước, trái lại còn rất thuận tiện và phù hợp với lối sống dân giã của con người Việt từ xưa.

Dân Việt vốn có truyền thống lao động cần cù, chân chất, xây dựng xã hội mà tại sao phải cấm đoán, dồn nén những cảnh đời bấp bênh? Một câu hỏi lớn không dễ trả lời. “Cơn mưa trái mùa khá nặng hạt, bên hông chợ Tân Định, một chị phụ nữ vừa khóc vừa than: “Có ba ký táo, mà cũng bị tịch thu thì biết sống sao đây!”. Chị kêu trời nhưng trời cứ đổ mưa, còn mấy anh trật tự đô thị phường Tân Định thì đã thu rổ táo của chị về trụ sở mất rồi”.” Lau nước mắt, chị nói với tôi: “Tôi tên là Lê Quang Mỹ Uyên. Vẫn biết buôn bán ở lòng lề đường là sai, nhưng tôi đã đứng nép sát vào bãi giữ xe rồi, nào có lấn chiếm tí nào đâu. Vậy mà mấy ảnh canh, bắt cho bằng được thì người nghèo chúng em biết làm sao!” (phận nghèo quang gánh hàng rong.)

Không chỉ đọc, mà thực sự tôi còn chứng kiến nhiều lần những cảnh tượng nhức nhối xót thương. Mỗi buổi chiều tôi thường cùng mẹ sang bên ngõ chợ mua đồ ăn, nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ gày gò, đen xạm , ôm chặt quang gánh chạy thật nhanh mỗi khi thấy chiếc xe đồn của phường đi đến dẹp chợ, đến mức rơi cả một chiêc dép bên chân lại. Cứ như thể họ đang đi chạy nạn, tránh bom đạn hay đang bị cướp giật. Những dân phòng, công an phường tay cầm dùi cui, vẻ mặt dữ dằn nhìn những người phụ nữ đang thi nhau chạy hàng. Có đôi khi có những sự giằng co, van xin kịch liệt diễn ra giữa đôi bên nếu những người phụ nữ đó không kịp chạy. Những giọt nước mắt tức tưởi, cay đắng, ngậm ngùi đôi gánh hàng rong nuôi lớn con từng ngày.

Không biết đến bao giờ đất nước tôi có thể vươn lên tầm cỡ thế giới, nhưng tôi thực sự mong có một ngày, một ngày như thế. Một ngày trên khuôn mặt của những người dân tôi không phải là những nét măt u sầu, ủ rũ mà là những nụ cười hạnh phúc, yên vui. Con người được tôn trọng cùng với nghề nghiệp mà họ đã bỏ sức ra lao động chính đáng kiếm tiền lương thiện.

Hãy cho tôi, thế hệ của tôi còn được sống trong niềm hãnh diện về dân tộc và đất nước thân yêu của chúng tôi.

Trịnh Kim Tiến

0 comments:

Powered By Blogger