1975, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Tiền đồn chống Cộng của thế giới tự do sụp đổ, để lại một khung cảnh hoang tàn, đổ nát và bao hệ lụy, cay đắng cho người bạn đồng minh miền Nam.
1995, Tổng thống Hoa kỳ Bill Clinton thăm viếng Việt Nam. Sau đó, ký duyệt sắc lệnh bang giao, mở đầu một kỷ nguyên mới, bắt tay người bạn Cộng sản đồng minh .
2012, HÀNH PHÁP HOA KỲ VÀ VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM:
Hoa Kỳ là cường quốc đứng đầu trên nhiều lãnh vực và theo đuổi lý tưởng truyền bá, phổ biến tự do, dân chủ trên toàn thế giới. Nhân quyền tại Việt Nam cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới lúc nào cũng được chính phủ Hoa Kỳ quan tâm. Trong tiến trình quan hệ, hợp tác về kinh tế, thương mại với Việt Nam sau năm 1975 cho đến nay, các nước Tây phương như Anh quốc, Pháp, Đức, Hòa lan, Na uy,… đứng đầu là Hoa kỳ, không ngừng kêu gọi, thúc đẩy, khuyến cáo đảng CSVN thực thi nhân quyền. Theo tài liệu của bộ ngoại giao Hoa kỳ, bà ngoại trưởng Hillary Clinton, đã nhiều lần lên tiếng nhắc nhở, khuyến cáo, phê bình và lưu ý về vấn đề nhân quyền qua những lần thăm viếng, hội họp với các giới chức cầm quyền đảng CSVN.
Điển hình là trong chuyến viếng thăm ngày 23/07/2010 để đánh dấu 15 năm trong việc quan hệ, bang giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, bà đã tuyên bố trong buổi hội nghị là chính phủ Việt Nam vẫn còn bắt bớ, đàn áp, bức hiếp các người lên tiếng đòi hỏi tự do, các nhà lãnh đạo tôn giáo, các sắc dân thiểu số… Đáp lại, Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Phạm gia Khiêm, cho là nhân quyền tùy thuộc theo nền văn hóa, chính trị và hoàn cảnh đặc biệt của mỗi quốc gia. Do đó, chính phủ Việt Nam sẽ có đường hướng riêng để áp dụng và phát triển về nhân quyền cho dân chúng trong nước. Ông cũng nhấn mạnh là nhân quyền không thể bị áp đặt từ bên ngoài và Việt Nam có đủ khả năng hoàn tất vấn đề nầy.
Tiếp đến, ngày 26 tháng 9 năm 2011, tại Hoa thịnh Đốn, trong cuộc gặp gở ông Phạm bình Minh, bộ trưởng bộ ngoại giao Việt Nam, bà ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đề cập tới vấn đề nhân quyền. Bà phê bình gay gắt, chỉ trích kịch liệt về tình trạng nhân quyền và nêu rõ là chính phủ Việt Nam vẫn ra sức bắt bớ, trù dập, đe dọa các người dân, các tổ chức tôn giáo, các sắc dân thiểu số lên tiếng đòi hỏi công bằng, tự do. Vẫn với lập trường cố hữu, ông Phạm bình Minh cho biết là có những tin tức, báo cáo không được chính xác, trung thực về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ông nói thêm là nhân quyền tại Việt Nam đang trên đà cải thiện, cởi mở và chính phủ đang tìm mọi cách để hoàn chỉnh .
Ngày 11 tháng 10 năm 2011, bà Hillary Clinton đã gặp ông Trương tấn Sang, chủ tịch nước Việt Nam trong phiên họp tại Hawai, vấn đề nhân quyền lại được thảo luận và kết quả tương tự như những lần trước. Một điều khó hiểu là trong lúc buổi họp hai bên đang diển tiến, có thêm 2 người dân đối lập bị bắt giữ tại Việt Nam, không biết đây là sự trùng hợp hay là “thông điệp” của đảng CSVN muốn gởi đến chính phủ Hoa Kỳ?
Điểm đặc biệt đáng được lưu ý là trong bất cứ bài diển văn nào có liên quan đến nhân quyền được trình bày trong các buổi hội nghị tại Việt Nam, với ngôn ngữ ngoại giao, bà Hillary Clinton đã thành công, giữ được tình hữu nghị trong việc bang giao, hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nếu chú ý, chúng ta sẽ thấy hầu hết phần mở đầu là khuyến cáo, kêu gọi, đốc thúc, phê bình, chỉ trích, nhấn mạnh đến tình hình nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam. Phần kế tiếp là : dù sao, tuy nhiên, mặc dầu vậy… Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn là đồng minh, quên hết quá khứ để hướng về tương lai, một tương lai tươi sáng đang đón chào dân chúng Hoa Kỳ và Việt Nam, duy trì và bảo vệ nền an ninh trong vùng châu Á là một vinh dư và trọng trách của Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung… Phần chót là Hoa Kỳ sẽ tăng cường, phát triển hợp tác về kinh tế, chính trị, giáo dục, kỷ thuật và sẽ nâng cao kinh phí viện trợ cho Việt Nam qua nhiều chương trình nhân đạo khác.
Bên cạnh những hoạt động của bà ngoại trưởng Hillary Clinton, các vị đại sứ Hoa Kỳ tiền nhiệm và đương nhiệm cũng thường lưu tâm, quan sát, đòi hỏi, khuyến cáo chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền, chưa kể đến các cơ quan quốc tế như tổ chức Quan sát nhân quyền ( Human Rights Watch ), Phóng viên không biên giới (Reporters without borders)… cũng tham dự, theo dõi tình hình nhân quyền tại Việt Nam lâu nay.
Một sự việc đáng ghi nhận là một viên chức tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Christian Marchant, đã bị ngược đãi. Trong chuyến viếng thăm tại Huế ngày 5 tháng 1 năm 2011, ông đã bị cảnh sát, an ninh Việt Nam khống chế bằng vũ lực, tống xuất ông khỏi vùng, không cho gặp mặt Linh Mục Nguyễn văn Lý. Sự việc này đã được bộ ngoại giao Hoa Kỳ kháng cáo đến chính phủ và tòa đại sứ Việt Nam nhưng đến nay, dường như chìm vào quên lãng.
QUỐC HỘI HOA KỲ VÀ VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM:
Ngày 19 tháng 7 năm 2004, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật HR 1587 Vietnam Human Rights Act nhưng bị bác bỏ tại Thượng viện. Tiếp theo, hàng năm đều có thảo luận, nghiên cứu, cân nhắc vấn đề nhân quyền tại Việt Nam do phân ủy ban đối ngoại về nhân quyền ( Foreign Affair Human Rights sub-committee) đệ trình nhưng vẫn còn nằm trong giai đoạn giới thiệu (introduced).
Dân biểu Ed Royce (R-CA) cùng các dân biểu Christ Smith (R-NJ), Zoe Lofgren (D-CA) và Loretta Sanchez (D-CA) đã gởi thơ đến bà Hillary Clinton, bộ trưởng ngoại giao để đòi hỏi chính phủ Hoa kỳ phải đốc thúc mạnh mẽ hơn về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Ông cho rằng hiện nay, chính phủ Việt Nam vẫn không ngừng đàn áp, bắt bớ, giam cầm, trấn áp tiếng nói của dân chúng, của tôn giáo đòi hỏi tự do, dân chủ. Ông cũng quyết liệt yêu cầu đưa nước Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần được lưu ý đặc biệt (Country of particular concern CPC).
Gần đây, ngày 7 tháng 3 năm 2012 dự luật HR 1410 do dân biểu Christ Smith (R-NJ) bảo trợ đã được phê chuẩn. Một số tin tức trong giới truyền thông cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cho rằng Hạ viện Hoa kỳ đã thông qua dự luật nầy; thậm chí còn cho rằng Quốc Hội đã thông qua. Trên thật tế, chỉ mới được Ủy ban đối ngoại (Foreign affairs committee) phê chuẩn và dự luật HR 1410 Vietnam Human Rights Act sẽ được biểu quyết tại Hạ viện. Nếu đủ túc số ủng hộ, dự luật sẽ được thông qua và chuyển tiếp đến Thượng viện để biểu quyết. Tại đây, nếu được chấp thuận, dự luật sẽ được đệ trình Tổng Thống để chấp thuận hay phủ quyết (approval or veto). Từ giai đoạn giới thiệu (introduced)… tới khi được Tổng Thống ký duyệt ban hành (enact) hoặc bác bỏ (reject), HR 1410 sẽ trải qua nhiều thủ tục, thời gian, yếu tố chính trị… không đơn giản như nhiều người luận định.
Trong chuyến công du, ngày 21 tháng 2 năm 2012, Thương nghị sĩ Josept Lieberman và John McCain đã tuyên bố tại Thái Lan: Hoa Kỳ đang có danh sách đặt mua vũ khí, chiến cụ của Việt Nam. Chúng tôi đang thảo luận, thương lượng về vấn đề này và điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, tạo cơ hội để người dân lên tiếng, tôn giáo phải được tự do, phóng thích các tù nhân lương tâm, đối lập….
Lược khảo qua các chương trình, hoạt động, đường lối của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, chúng ta thấy rõ là Hoa Kỳ, như mọi quốc gia khác, lúc nào cũng đặt quyền lợi của đất nước mình lên trên hết. Trong việc bang giao, hợp tác với Việt Nam, lãnh vực hợp tác quân sự được đưa lên hàng đầu, do đó, các lãnh vực khác trở thành thứ yếu, trong đó có vấn đề nhân quyền. Dù rằng lúc nào cũng đòi hỏi, đốc thúc, kêu gọi nhân quyền nhưng trên phương diện tôn trọng chủ quyền quốc gia, Hoa Kỳ không muốn làm rạn nứt mối quan hệ với Việt Nam, một đồng minh trong chiến lược an ninh, hòa bình châu Á.
Căn cứ vào tiến trình về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, có thể kết luận là cho tới nay, Hoa Kỳ, trong khả năng, điều kiện và tình hình chính trị cho phép, đã làm tất cả những việc mà họ có thể. Chính phủ Hoa Kỳ với chiến lược quân sự, an ninh vùng Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng, không thể hoặc chưa có thể làm gì hơn được. Quốc hội Hoa Kỳ, ngoài những lời cáo giác, yêu cầu và dự luật nhân quyền cho Việt Nam đang soạn thảo, cũng không thể vượt qua quyền lợi và nền an ninh của quốc gia được.
Suy nghiệm xa hơn, trong tình thế hiện tại, muốn đạt được mục tiêu chiến lược, chắc chắn là Tòa Bạch Ốc không muốn bị “trói tay” trong tiến trình thương lượng, trao đổi, viện trợ với Việt Nam. Do đó, các thành viên đảng Dân chủ trong lưỡng viện quốc hội bằng mọi cách sẽ bác bỏ hoặc ngăn chận, tạo nhiều khó khăn cho đạo luật HR 1410 Vietnam Human Rights Act. Đặt giả thuyết, nếu đạo luật nầy được ban hành, tất nhiên sẽ tạo nhiều bất lợi cho ngành Hành pháp Hoa Kỳ. Ngoài sự chống đối, bất mãn của đảng CSVN có thể gây ảnh hưởng đến sự bang giao, Tòa Bạch Ốc cũng sẽ bị chi phối, ràng buộc vì phải chấp hành theo những điều kiện được ấn định trong đạo luật, không còn vị thế ưu tiên để giải quyết các vấn đề.
Hai nhân vật nổi tiếng trong số hàng trăm người can đảm, hy sinh tính mạng, đứng lên đòi tự do, nhân quyền là Linh Mục Nguyễn văn Lý và nhà văn Điếu cày Nguyễn văn Hải. Được biết, Linh Mục Lý đã được tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International ) công nhận là Tù nhân lương tâm (Prisoner of conscience) và đã dùng mọi phương cách để can thiệp với đảng CSVN trả tự do cho linh mục Lý nhưng không đạt kết quả. Năm 2000, phái đoàn quốc hội tháp tùng trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton, đã thăm viếng linh mục Lý vả trực tiếp yêu cầu chủ tịch nước Nguyễn minh Triết ra lệnh trả tự do cho Linh mục Lý. Sau đó, năm 2001, Linh mục Lý bị bắt trở lại, bị kết án 15 năm tù, tiếp theo là được giãm án và được phóng thích vào năm 2004. Đến tháng 3 năm 2004, linh mục Nguyễn văn Lý lại bị giam cầm, kết án 8 năm tù cho đến nay.
Nhà văn Điếu cày Nguyễn văn Hải bị bắt vào tháng 4 năm 2008, thay vì bị kết tội đòi hỏi tự do, nhân quyền, ông lại bị kết án 2 năm rưỡi về tội “gian lận thuế”. Theo kỳ hạn, ông phải được trả tự do vào tháng 10 năm 2010 nhưng đến nay, ông vẫn biệt tăm. Gia đình ông đã đi tìm kiếm, dọ hỏi tin tức từ các cơ quan cảnh sát, an ninh, chính quyền các cấp nhưng không một nơi nào xác nhận về tình trạng của ông .Đến ngày 5 tháng 7 năm 2011, gia đình ông được cơ quan an ninh thông báo là ông Điếu cày, trong lúc bị giam giữ, đã bị mất một bàn tay. Tuy nhiên, họ không cho biết lý do và địa điểm nơi ông bị cầm tù.
Kết quả, như chúng ta đã thấy, tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu khích lệ, nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ. Đảng CSVN vẫn không hoặc chưa thay đổi đường hướng độc tài, đảng trị, bất chấp mọi áp lực mạnh mẽ từ thế giới bên ngoài.
HOA KỲ VÀ CHIẾN LƯỢC CHÂU Á:
Tham vọng bành trướng, bá quyền của Trung cộng là mối ưu tư, quan ngại của Hoa Kỳ và các nước thuộc tổ chức hiệp ước Bắc đại tây dương (North Atlantic Treaty Organization NATO). Hiện nay, trong các quốc gia vùng châu Á thuộc hiệp hội các nước Đông nam á (Asean), Việt Nam đang được Hoa Kỳ đặt trọng tâm trong chiến lược kiềm tỏa, ngăn chận sự bành trướng của làn sóng đỏ Trung cộng. Căn cứ vào địa dư, lịch sử, Việt Nam có tầm mức rất quan trọng trên lãnh vực quân sự. Đất liền và mặt biển của Việt Nam là những vị trí quân sự chiến lược để Hoa Kỳ xữ dụng hầu phong tõa, khống chế Trung cộng trong trường hợp chiến tranh xảy ra và đó cũng là lý do tại sao Hoa Kỳ quay trở lại Việt Nam sau một thời gian dài.
Theo các tài liệu của cơ quan trung ương tình báo CIA đã được “bạch hóa”, chiến tranh Việt Nam là một kế hoạch sai lầm của Hoa Kỳ. Cuộc tháo chạy sau khi bị thiệt hại nhân mạng, tốn hao vật chất cộng thêm việc bỏ rơi người bạn đồng minh Nam Việt Nam năm 1975 được xem là việc xóa bỏ vĩnh viễn sự sai lầm, thất bại đó. Hai mươi năm sau, kể từ 1975-1995, vì quyền lợi và an ninh lâu dài, Hoa Kỳ đã thiết lập bang giao, hợp tác với Việt Nam, bất kể thể chế chính trị.
Biến cố biển Đông và mưu đồ bành trướng của Trung quốc là một cơ hội quý báu cho Hoa Kỳ tiến tới Việt Nam gần hơn. Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ là muốn tách dần ảnh hưởng, bớt lệ thuộc hoặc mất nước vào tay Trung quốc, chỉ còn con đường duy nhất là dựa vào sức mạnh của Hoa Kỳ và điều nầy cũng nằm trong chiến lược mà Hoa Kỳ đang theo đuổi.
Thật tế minh chứng cho chúng ta thấy là kể từ ngày quan hệ ngoại giao được bình thường hóa từ năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam đang tăng cường hợp tác trên mọi lãnh vực. Về kinh tế, các thõa hiệp thương mại hàng năm lên tới hơn 20 tỉ Mỹ kim bên cạnh các chương trình viện trợ nhân đạo như nạn nhân chất độc da cam, tệ nạn buôn người, phòng chống bệnh Aids, bệnh dịch…. Về văn hóa giáo dục, nâng mức thâu nhận các du học sinh; tổ chức các lớp tu nghiệp, huấn luyên, đào tạo các viên chức, cán bộ dân chính và quân đội thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Riêng về mặt quân sự, đặc biệt nhất là từ khi biến cố biển Đông xãy ra, Việt Nam và các nước thuộc khối ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông nam á) đã tiến gần, đoàn kết với nhau hơn. Dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, các quốc gia nói trên đã thảo luận, hoạch định chiến lược để đối phó với mưu đồ kiểm soát, khống chế biển Đông của Trung cộng. Hiện nay, Việt Nam đang canh tân, hiện đại hóa quân đội, mua vũ khí, súng đạn, phi cơ, tầu chiến của Nga và đang thương lượng để mua chiến cụ của Hoa kỳ.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã biến miền Nam tự do thành tiền đồn chống miền Bắc cộng sản với trọng tâm là ngăn chận Trung quốc. Lịch sử tái diễn, điều khác biệt là cả nước Việt Nam nay đang được “vận hành” để trở thành chiến lũy chiến lược của Hoa Kỳ khi hữu sự. Biến thù thành bạn, quên hết tiểu tiết để đạt được đại sự, dựa vào một tiểu quốc Cộng sản để kềm chế một cường quốc Cộng sản, Hoa Kỳ đang nắm thế thượng phong tại Á châu.
THỈNH NGUYỆN THƯ CỦA NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT NAM TẠI HOA KỲ:
Gần đây, một biến cố đã xảy ra trong cộng đồng, trở thành đề tài nóng bỏng trong giới truyền thông và dư luận bên ngoài. Sau một thời gian tranh luận, chỉ trích, phê bình, chống phá, ủng hộ, tán dương, “Chiến dịch thỉnh nguyện thơ” có chiều hướng lắng động. Tựu trung, phe chỉ trích cho là mị dân; đầu cơ chính trị; gõ vào cánh cửa đã mở, tiếp tay với Cộng sản để kết án Việt Khang… Ngược lại, phe ủng hộ cho là Thỉnh nguyện thơ với gần 150,000 chữ ký là một bước tiến đột phá, tạo chất xúc tác đoàn kết trong cộng đồng người Việt chống Cộng hải ngoại; một trang sử mới được bắt đầu; thậm chí có người ví von là B52 trải thảm 150000 quả bom làm đảng Cộng sản Việt Nam rúng động….
Đến nay, dư luận hình như đang giành thời gian để nghiền ngẫm những bài phỏng vấn của các nhân vật chính yếu , liên quan trực tiếp đến sự việc. Những chi tiết, dữ kiện do ông Nguyễn đình Thắng SOS và ông Trúc Hồ SBTN trả lời qua các cuộc phỏng vấn mới nhất được phổ biến qua báo chí, truyền hình, mạng diễn đàn. Nếu theo dõi tường tận và dựa trên tinh thần khách quan, không cảm tính, không thiên kiến, đọc giả có thể nhận định chính xác, trung thực. Chúng ta sẽ thấy có những sự việc hoặc những chi tiết đã xảy ra nay được tiết lộ, giải thích, trả lời khác nhau từ hai ông, dù rằng cả hai đều xác nhận là cùng khởi xướng, gánh vác trách nhiệm tổ chức và cùng trực tiếp tham gia cuộc hội thảo tại Tòa Bạch ốc. Có thể, cả hai ông đều ứng dụng phương châm: “Có những sự thật không thể nói ra” hoặc : “Đồng sàng, dị mộng” .
Trên thật tế, thỉnh nguyện thơ (petition) từ dân chúng gởi đến các cơ quan Hành pháp, hoặc Lập pháp Hoa kỳ, nguyên tắc đòi hỏi thật giản dị là : đơn xin (petition); nhận (accept) và hứa hẹn (promise). Trước đây, đơn xin thường được gởi qua Bưu điện hoặc Fed-Express, nay có thêm phương tiện tin học điện tử, người dân có thể ngồi tại nhà để tham gia, ký tên bày tỏ nguyện vọng của mình. Theo trang mạng We the people White House, vì có quá nhiều cá nhân và tổ chức gởi thỉnh nguyện thơ , cơ quan không đủ nhân viên để giải quyết ; do đó, họ đã ấn định là nếu muốn có trả lời trong vòng 30 ngày, thỉnh nguyện thơ phải hội đủ ít nhất là 25,000 chữ ký. Thông thường, đương đơn được trả lời qua điện thư, nhưng nếu được mời hội kiến thì giới chức ,vị trí, địa điểm đón tiếp hoặc tổ chức hội thảo, thuyết trình còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng cũng chỉ là lắng nghe (listen) và hứa hẹn (promise), không hơn không kém.
Ngay cả giới chức đón tiếp là Tổng Thống và cho dù có cả trăm triệu chữ ký trong đơn, kết quả sau cùng cũng bất di, bất dịch: lắng nghe và hứa hẹn. Những lời hứa hẹn nầy từ giới chức chính trị, chúng ta sẽ thấy không có gì khác hơn là : sẽ đệ trình, sẽ lưu tâm, sẽ khuyến cáo, sẽ cân nhắc, sẽ tạo áp lực… Lý do thật đơn giản là phía nhận đơn phải có đủ thời gian để nghiên cứu, lượng định , cân nhắc vấn đề trước khi quyết định, hoặc chấp thuận hoặc bác bỏ lời thỉnh cầu, nhất là những sự việc có tầm mức quốc gia.
Thỉnh nguyện thư với mục đích đề nghị, kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng can thiệp với đảng CSVN về vấn đề nhân quyền nói chung và việc giam giữ nhạc sĩ Việt Khang nói riêng, không nằm ngoại lệ. Tiến trình bình thường, ông Nguyễn đình Thắng SOS và ông Trúc Hồ SBTN hướng dẫn phái đoàn đến Tòa Bạch Ốc và Quốc hội để trình bày, đạo đạt nguyện vọng. Giới chức Tòa Bạch Ốc và các văn phòng dân biểu, nghị sĩ Quốc hội đã lắng nghe, tiếp nhận và hứa hẹn sẽ xem xét, nghiên cứu và theo thông lệ, sau đó sẽ gởi văn thơ cám ơn chính thức đến cá nhân hoặc tổ chức đương đơn.
Tất cả những lời phê phán, chỉ trích hoặc ủng hộ hoặc ca tụng thái quá, cho là thành công, thất bại hay “huề” đều được đánh giá là vội vã, đầy cảm tính, không thích hợp và không cần thiết đối với tiến trình ngắn gọn nầy. Tuy không thể phủ nhận được những lủng củng, toan tính, sắp đặt, bất đồng xãy ra nhưng nếu nhận định khách quan, những bước tiến, thành quả đạt được hay không sau khi đạo đạt thỉnh nguyện thư mới đích thật là mục tiêu tối hậu để được luận bàn thành, bại.
Với hệ thống an ninh, tình báo tinh vi, hữu hiệu, chính phủ Hoa Kỳ chắc chắn là đã có hồ sơ, báo cáo đầy đủ chi tiết, kể cả những bí mật sau hậu trường. Tuy nhiên, họ sẽ không lên tiếng, không can thiệp đến vấn đề nội bộ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt qua thỉnh nguyện thơ chương trình We the people. Với họ, chương trình tiếp đón phái đoàn người Mỹ gốc Việt đã hoàn thành tốt đẹp, không có điều gì đáng tiếc xảy ra.
SINH HOẠT CHÍNH TRỊ CỦA NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT TẠI HOA KỲ:
Công tâm nhận định, hoạt động chính trị của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, sau gần 37 năm, vẫn còn giới hạn, yếu kém dù rằng có những thành công đáng kể về mặt kinh tế, giáo dục. Những vùng có đông đảo dân Mỹ gốc Việt cư ngụ như California, Texas, Georgia, Virginia… vị trí giới chức cao nhất đạt được là phó thị trưởng, nghị viên thành phố hoặc tiểu bang.
Trong lưỡng viện quốc hội liên bang, ngoại trừ cựu dân biểu một nhiệm kỳ Anh q Cao, đến nay vẫn chưa có Thượng và Hạ nghị sĩ người Mỹ gốc Việt. Vào các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng Thống, ngoài những nhóm nhỏ, hầu như không có một tổ chức nào của người Mỹ gốc Việt có đủ khả năng, tầm vóc đễ quy tụ số phiếu cao, đóng góp hiện kim dồi dào vào chương trình vận động của các ứng cử viên.
Lá phiếu và tiền bạc là hai nhân tố thiết yếu để tạo được uy tính và sức mạnh chính trị, điều nầy được khẳng định như một quy luật bất thành văn tại Hoa Kỳ. Thiếu những yếu cố căn bản nầy, ảnh hưởng và tiếng nói của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đối với quốc hội và chính phủ Hoa Kỳ, đến nay, vẫn còn rất hạn chế nếu so sánh với các cộng đồng bạn. Bên cạnh đó, tình trạng phân hóa, cục bộ, tự tôn cộng thêm sự đánh phá của phe Cộng là những nguyên nhân đẩy sinh hoạt cộng đồng vào ngỏ hẹp.
PHONG TRÀO CHỐNG CỘNG CỦA NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT TẠI HOA KỲ:
Cùng với cộng đồng người dân gốc Việt trên toàn thế giới, người Mỹ gốc Việt cũng có nhiều sinh hoạt sôi nổi trên nhiều lãnh vực, đặc biệt là phong trào đấu tranh chống Cộng. Suốt 37 năm qua, rất nhiều tổ chức, đảng phái, hội đoàn lớn nhỏ đã được thành lập, hoạt động và kết thúc trong tan rã hoặc chìm vào bóng tối. Đến nay, bên cạnh những cuộc biểu tình với số người tham dự thưa dần theo ngày tháng, người Mỹ gốc Việt chống Cộng có khuynh hướng ngã về mặt trận văn hóa, dùng tin học điện tử, diễn đàn, báo chí, truyền thanh, truyền hình làm phương tiện đấu tranh, vừa tiện lợi, vừa an toàn và cũng vì không còn phương cách nào khác hơn.
“Vấn nạn” Việt kiều và kiều hối đã làm phong trào chống Cộng mất phần chính nghĩa, khí thế giảm dần. Việc hàng triệu lượt người tuần tự sắp hàng chờ nhập cảnh cộng thêm 9 tỉ Mỹ kim gởi về Việt Nam hàng năm, khó có thể biện hộ, giải thích, viện dẩn với bất cứ lý do nào.
Thêm nữa, các chức vụ đạt được tại quận hạt địa phương có đông người Mỹ gốc Việt cư ngụ thường bị hiểu lệch lạc. Được sự ủng hộ, sau khi đắc cử, các giới chức người Mỹ gốc Việt thường bị nhiều áp lực của các tổ chức, đoàn thể đòi hỏi , yêu cầu làm theo chủ trương của mình, nhất là trên phương diện chống Cộng. Họ quên rằng các giới chức đó không thể làm khác hơn với đường lối, chính sách của chính phủ Hoa Kỳ. Công tác mà họ được giao phó là điều hành, quản trị về mọi mặt cho tất cả người dân trong vùng, bao gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Rất nhiều trường hợp xãy ra, trước ủng hộ, sau đả kích, đưa tới tình trạng chia rẽ, phân hóa, trầm trọng, soi mòn niềm tin, vốn dĩ đã cạn kiệt trong lòng dân.
Hiện tại, trên lãnh vực đấu tranh chống Cộng, có thể phân loại cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ thành 5 khối:
1- Khối người Việt thầm lặng: chủ trương không quan tâm, không dính líu vào hoạt động chính trị, đảng phái, tổ chức. Hội nhập, sinh sống, làm ăn, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu với cuộc sống bình thường. Nằm trong khối nầy còn có những người trước đây hoạt động rất hăng say, nhiệt huyết nhưng nay chán nản, rữa tay gác kiếm, phó mặc con tạo xoay vần.
2- Khối người Việt chống Cộng ôn hòa: giữ vững lập trường chống Cộng kiên định. Hiểu rõ tình thế thực tiển, cố gắng duy trì ngọn lửa đấu tranh qua các hình thức nghi lễ truyền thống và sinh hoạt hội đoàn.
3- Khối người Việt chống Cộng cuồng nhiệt: bất cứ đề tài, chương trình, sự việc gì có liên quan đến chống Cộng đều được chiếu cố nồng hậu. Thường hô hào, phóng đại, cường điệu, xa thật tế, cổ võ sách lược cách mạng bạo lực để lật đổ CSVN.
4- Khối người Việt hòa hợp, hòa giải: xóa bỏ hận thù quá khứ để hướng về tương lai. Thành lập các cơ quan từ thiện về y tế, xã hội hoạt động tại Việt Nam. Một số về đầu tư, kinh doanh; một số về ca hát, trình diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa.
5- Khối người Việt ủng hộ, làm việc cho Cộng sản. Thật khó khăn để nhận diện ai thuộc về đạo quân “thứ năm” nầy. Mục tiêu của họ là đánh phá, chụp mũ, tung tin thất thiệt, lộng giả thành chân hay ngược lại, tạo hoang mang, chia rẽ, nghi kị để phân hóa, lũng đoạn hàng ngủ người Việt quốc gia chống Cộng.
Ba mươi bảy năm trôi qua đã minh chứng cho toàn dân Việt Nam biết rõ thế nào là Cộng sản. Độc tài, đảng trị, tàn ác, tham nhũng, xảo trá… đảng CSVN ngày càng bộc lộ bản chất quỷ quyệt, bất nhân, vô đạo. Yêu nước, thương nòi, biết lấy đạo lý, hạnh phúc, no ấm của nhân dân làm nền tảng chỉ là những lời mị dân, phỉnh gạt quần chúng. Hơn lúc nào hết, chúng ta đang trông đợi và sẵn sàng tham gia, ủng hộ một cá nhân, một tổ chức, bất luận thành phần, xuất thân. Điều kiện tiên quyết là biết đặt đạo nghĩa, hạnh phúc, ấm no của toàn dân trên mọi quyền lợi vị kỷ cá nhân, tổ chức. Thứ đến, có khả năng, uy tín, quy tụ lòng dân thành một mối; có sách lược, kế hoạch khả thi, thích ứng với tình hình thật tế. Công cuộc đấu tranh chống Cộng trên mọi lãnh vực, dưới mọi hình thức, đòi hỏi niềm tin sắt đá của toàn dân. Tiền bạc mất có thể làm lại được, niềm tin, khi đã mất, rất khó gầy dựng lại. Trong lúc chờ đợi, có lẽ chúng ta cũng nên thử đặt câu hỏi cho chính mình: TÔI LÀ AI?
NHÂM THÌN
IOWA, Đông 2012
0 comments:
Post a Comment