Trong bài “Chuyện sau này mới kể”, blogger Đinh Tấn Lực kết luận bằng câu: “Không lý nào BBT blog RFA không rõ là bộ chính trị ta đã từng điều một Phạm Xuân Ẩn nhiều năm nằm tiêu lòn trong lòng địch khi xưa”.
Nhưng Phạm Xuân Ẩn là ai mà ông Đinh Tấn Lực đề cập đến khi viết về chuyện “quảng cáo viên hãng bột ngọt Nhật Bản” Kami Ajimoto viết trong blog của đài RFA bài viết về ngày 30 tháng 4 lần thứ 36 với giọng điệu xấc xược chê bai người Việt tỵ nạn cộng sản tại ngoại với mục đích gây tranh cãi vô ích?
Phạm Xuân Ẩn là cựu nhân viên tuần báo Time theo lời ông ta xác nhận qua cuộc phỏng vấn của Morley Safer, phóng viên đài truyền hình CBS. Tờ tuần báo Newsweek ngày 19 tháng 3 năm 1992 có đăng lại cuộc phỏng vấn này.
Theo bài viết trên tờ Newsweek, năm 1992, Phạm Xuân Ẩn 62 tuổi, nhìn nhận đã làm gián điệp cho bộ đội cụ Hồ từ năm 1950, làm phóng viên nhiều năm cho hãng thông tấn Reuter và cuối cùng là cộng tác viên cho tờ Time trong suốt 10 năm từ 1965 cho tới ngày chiến thắng 1975.
Trong nguyệt san The National Geographic, số tháng 11 năm 1989, phụ tá chủ bút, Peter T. White có gặp Phạm Xuân Ẩn đang sống tại một dinh thự đồ sộ ở Sàigòn đang nuôi chó Đức và kiếm được lắm tiền với “nghề” này. Ông ta nói với ký giả này rằng ông ta đã về hưu. Nhưng Peter White viết là Ẩn còn được giao cho nhiệm vụ theo dõi báo chí ngoại quốc.
Điều này giải thích vì sao trong cuộc chiến Việt Nam Cộng Hoà đã thua về mặt uy tín đối với thế giới.
Đại Tá tình báo VC Phạm Xuân Ẩn, cộng sự viên của tờ Time trong suốt “10 năm chống Mỹ cứu nước”, mặc thường phục, ung dung sống giữa giới truyền thông Tây phương giữa thủ đô Sàigòn mà “bật mí” những bí mật của Chính phủ VNCH về cho Lê Duẫn, Lê Đức Thọ… ở Bộ Chính Trị VC, những bí mật hành quân của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH về cho Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng… ở Hà Nội. Thảo nào miền Nam đã không bị bức tử.
*
Trong bài viết “Chuyện sau này mới kể”, blogger Đinh Tấn Lực viết về “quảng cáo viên hãng bột ngọt” có blog trên đài Á Châu Tự Do (mà đài này lại bảo đó chỉ là ý kiến riêng của “quảng cáo viên hãng bột ngọt”, chứ không phải quan điểm của đài) như sau:
“… Nếu không đồng điệu thì chẳng ai phí sức khuyên “phe ta” đừng “giận quá mất khôn” mà tần ngần đứng đó sau 36 năm cực đoan ôm lấy “con số không tròn trĩnh”.
Nếu chẳng tương lân/ tương cầu thì chẳng ai toi công phân tích khuyết điểm của “phe ta” ở hải ngoại là “những kẻ ít học” và “do hiểu biết chính trị chưa đủ”; trong lúc thành tích của “bọn nó” chỉ cần 15 năm là cướp xong chính quyền, thêm 20 năm nữa là đạp nát đường mòn dọc biên để đốt cháy Trường Sơn mà dứt điểm quân đội miền Nam, và liên tục hoàn thành biết bao “kỳ tích phi thường” đến trời long đất lở trên toàn quốc suốt 36 năm sau đó…”
Và đưa ra câu hỏi:
“Không lý nào BBT blog RFA không rõ là bộ chính trị ta đã từng điều một Phạm Xuân Ẩn nhiều năm tiêu lòn trong lòng địch khi xưa?”
Chắc chắn người trách nhiệm chương trình của đài Á Châu Tự Do sẽ không thể trả lời câu hỏi của blogger Đinh Tấn Lực.
Và cả những người trách nhiệm đài VOA, và trang mạng Việt ngữ đài BBC cũng không thể trả lời câu hỏi của blogger Đinh Tấn Lực.
Bởi chính họ biết rõ “những Phạm Xuân Ẩn” của thời chiến tranh Việt Nam nay lại nằm chình ình trên các trang mạng của họ với cái khiên che chắn: “Đây chỉ là ý kiến cá nhân của blog…, chứ không phải là quan điểm của đài (chúng tôi)”.
Có phải chăng đây là cái cách diễn biến hòa bình – cũng giống như khi xưa chương trình Việt ngữ của đài BBC trước tháng 4 năm 1975, đã góp phần loan tin VC đã “tiến chiếm” các tỉnh thành của miền Nam, trong khi “bộ đội của Bác Hồ” còn đang “mắc võng trên rừng Trường Sơn”?
Vạch mặt, chỉ tên những Phạm Xuân Ẩn trên mạng là nhiệm vụ của những người cầm bút vì Lẽ Phải và Sự Thật.
Bài viết này xin được công khai gửi tặng blogger Đinh Tấn Lực, một người viết blog ở trong nước vô cùng can đảm!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
http://nguyenthieunhan.wordpress.com
0 comments:
Post a Comment