Cờ Trung Quốc sáu sao 'là do lỗi kỹ thuật'
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, giới chức Việt Nam nói với Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội rằng việc mang sai cờ Trung Quốc là do "lỗi kỹ thuật".
Nghi lễ đón Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Hà Nội tuần này có sự cố khi đoàn thiếu nhi chào đón khách đã vẫy cờ có sáu sao thay vì năm.
Người phát ngôn tại Bắc Kinh Lưu Vi Dân, khi trả lời câu hỏi của một phóng viên hôm 23/12, nói Việt Nam thông báo với Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội rằng sự việc là do "lỗi kỹ thuật".
"Phía Việt Nam đã giải thích với Sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam và nói đó là lỗi kỹ thuật".
Chiều ngày 23/12, khi BBC gọi điện cho Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, một viên chức ngoại giao ở đây phủ nhận, nói rằng không biết đã xảy ra việc mang cờ với số lượng sao bị thừa sao.
Truyền thông chính thống ở cả hai nước đến giờ này đều không nói gì về sự cố ngoại giao trên.
Nhưng các tấm ảnh thiếu nhi vẫy cờ thừa sao, với sáu sao thay vì năm, tại Phủ Chủ tịch vào hôm thứ Tư đã gây bức xúc tại Việt Nam.
Cờ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có màu đỏ với bốn ngôi sao nhỏ màu vàng cuốn quanh một ngôi sao lớn hơn ở phía góc của cờ.
Lời bình trên các diễn đàn trực tuyến của người Việt yêu cầu có lời giải thích.
Trong một chương trình thời sự hồi tháng Mười năm nay, Đài truyền hình Việt Nam cũng đã để một lá cờ Trung Quốc bị thừa sao trong lúc người dẫn chương trình đọc bản tin.
Một sự cố tương tự cũng xảy ra ở Ấn Độ, trong một buổi lễ chính thức đón một phái đoàn Trung Quốc tới Delhi năm 2006 - lá cờ Trung Quốc cũng có sáu sao thay vì năm.
Nguồn: bbc.co.uk
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
Việt Nam giương cờ Trung Quốc dư một ngôi sao khi đón Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình
Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) họp với Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội hôm 21/12/11. Hình: AP
Việt Nam đã có một sai sót gây nhiều bối rối qua việc giương cờ Trung Quốc dư một ngôi sao khi tiếp đón Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo tin hôm thứ 6 của hãng thông tấn Pháp, chuyến đi Hà Nội mới đây của ông Tập Cận Bình có mục đích cải thiện các mối quan hệ song phương đã bị xấu đi sau những vụ căng thẳng vì vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Nhưng hôm thứ Tư vừa qua, người được cho là sẽ trở thành nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã được giới hữu trách Việt Nam nghênh tiếp với những lá cờ có 6 ngôi sao, trong khi quốc kỳ Trung Quốc chỉ có 5 ngôi sao – một ngôi sao lớn màu vàng với 4 ngôi sao nhỏ hơn.
Một vụ việc tương tự đã xảy ra hồi tháng 10, khi lá cờ 6 sao được đài truyền hình quốc gia Việt Nam sử dụng trong lúc tường thuật về chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vụ việc xảy ra hôm thứ tư tuy không được truyền thông chính thức của cả Trung Quốc và Việt Nam nói tới, nhưng đã gặp phải sự chỉ trích kịch liệt trên nhiều trang web tiếng Việt ở trong nước và nước ngoài.
Hãng tin AFP trích dẫn một lời bình trên trang mạng Dân Làm Báo nói rằng “Chúng ta phải chấm dứt những hành động của những kẻ bán nước đang tìm cách làm cho Việt Nam trở thành ngôi sao thứ 5 của Trung Quốc”.
Một người khác nói rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam muốn trở thành công dân hạng hai của Trung Quốc. Lá cờ này là lá cờ ô nhục của nhân dân Việt Nam”.
Một người lấy nick “Dòng Dõi Hồng Bàng” viết trên trang blog Cua Rận như sau: “Cờ Trung Quốc … vốn có 5 sao. Sao lớn tượng trưng cho dân tộc Hán ở giữa. 4 sao còn lại tượng trưng cho 4 dân tộc (cũng là khu tự trị) Tạng, Mông, Mãn, Hồi. Nay cờ Trung Quốc có 6 sao dự báo sẽ có thêm vùng đất mới sát nhập vào Trung Quốc. Đó là vùng đất nào vậy, nếu không phải là Việt Nam. Ngôi sao nhỏ thứ 5 đó tượng trưng cho dân tộc Việt (hay là khu tự trị Giao Chỉ). Đây là ý đồ của ai?
Về vụ sai sót này Tướng hồi hưu Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA:
"Dư luận người ta nói rằng hay là những người lãnh đạo Việt Nam muốn làm ngôi sao thứ 6 của Trung Quốc, tức là muốn gia nhập Trung Quốc làm ngôi sao thứ 6 à? Tôi có nghe dư luận người ta nói thế. Còn tôi thấy cái việc này rất không bình thường. Như thế thì cũng đáng suy nghĩ lắm, cũng đáng quan tâm lắm đấy. Chả lẽ mấy người tuyên truyền của Việt Nam lại không biết cái lá cờ có thêm một ngôi sao sao? Tôi chưa biết họ sẽ giải thích thế nào. Có phải họ định sát nhập với Trung Quốc hay không? Tôi chưa khẳng định, nhưng mà dù sao thì để một lá cờ khác với lá cờ Trung Quốc từ trước tới nay cũng là một cái có thể là trêu ngươi hoặc xúc phạm quốc gia. Nếu mà tôi chứng kiến rõ ràng, tôi nghiên cứu kỹ, tôi sẽ có thể viết một cái thơ chất vấn lãnh đạo xem vì sao lại có cái lá cờ như thế".
Nguồn: AFP/Dan Lam Bao
Nguồn: voanews.com
––––––––––––––––––––––––––––––––
Nghi vấn quanh lá cờ lạ
Quỳnh Chi, Phóng viên RFA
Chuyến viếng thăm của Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh Hoa Kỳ trở lại Châu Á được dư luận hết sức quan tâm.
Các em bé Việt Nam đón chào Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội hôm 21/12/2011. AFP photo
Tuy nhiên, ngoài thắc mắc về mục đích chuyến đi của ông Tập Cận Bình, dư luận Việt Nam còn đang đặt nhiều nghi vấn xung quanh lá cờ lạ xuất hiện trong loạt hình ảnh ghi lại chuyến viếng thăm của nhân vật này.
Thêm một ngôi sao nhỏ
Thời gian gần đây, đã ít nhất hơn một lần tại Việt Nam xuất hiện hình ảnh quốc kỳ Trung Quốc với 6 ngôi sao: năm ngôi sao nhỏ bên cạnh một ngôi sao lớn – khác với lá cờ chính thức của nước này là 4 ngôi sao nhỏ xung quanh một ngôi sao lớn.
Sau chuyến viếng thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình vừa qua, cộng đồng mạng chuyền tay nhau những bức ảnh ông Tập Cận Bình được các thiếu nhi đón chào. Trên tay các em này là lá cờ Trung Quốc với 6 ngôi sao – thừa một ngôi so với lá cờ chính thống của Bắc Kinh. Các hình ảnh này được các cơ quan báo chí khác, trong đó có BBC đăng tải. Lập tức, các bức hình này gây ra quan ngại cho cộng đồng mạng, cũng như người Việt Nam. Anh V.B., một blogger, cũng là sinh viên tại Việt Nam cho biết:
“Tôi cập nhật thông tin chủ yếu từ facebook và các trang blog khác như blog Nguyễn Xuân Diện… thì cũng thấy thông tin về lá cờ 6 ngôi sao. Không phải riêng mình tôi mà các bạn trẻ khác tại Việt Nam cũng quan tâm đến vấn đề này”.
Thực tế, theo hình ảnh mà cộng đồng mạng ghi nhận được, đây là lần thứ ba lá cờ Trung Quốc với sáu ngôi sao xuất hiện tại Việt Nam. Lần đầu tiên là vào năm ngoái tại Lễ hội ẩm thực thế giới được tổ chức tại Vũng Tàu. Hình ảnh đăng trên trang blog Thông tấn xã Vàng Anh, một trang blog đưa tin về Việt Nam, cho thấy một lá cờ 6 ngôi sao bên cạnh từ “China” tại một gian hàng. Bức hình này được cho là chụp tại Lễ hội ẩm thực thế giới được tổ chức tại Vũng Tàu. Tuy nhiên, có lẽ sự xuất hiện của lá cờ này trong một sự kiện không mấy quan trọng như Lễ hội ẩm thực thế giới không làm dư luận đặt nhiều nghi vấn cho đến khi nó được đăng trên đài truyền hình VTV – cơ quan ngôn luận chính thống của nhà nước.
Trong bản tin buổi tối ngày 14/10/2011của VTV3 đưa tin về chuyến viếng thăm của Tổng bí thư đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, người ta thấy bên cạnh hình ảnh lá cờ Việt Nam là lá cờ Trung Quốc với 6 ngôi sao, dư một ngôi như vẫn thường thấy. Đặt trong bối cảnh này, khó lòng cho rằng hai lá cờ ấy không đại diện cho hai phía Hà Nội và Bắc Kinh. Bản tin này sau đó được VTV gỡ xuống khỏi kho lưu trữ của đài mà không lời giải thích. Tuy nhiên, video clip bản tin tối 14/10/2011 vẫn còn trên Youtube.
Chính vì hình ảnh “lá cờ lạ” của Trung Quốc đã từng xuất hiên trên đài truyền hình VTV, việc nó xuất hiện lần nữa trong loạt hình của chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình làm người ta bác bỏ nghi vấn cho đây là sản phẩm của photoshop. Blogger Bảo Lê cho biết:
Tôi cập nhật thông tin chủ yếu từ facebook và các trang blog… thì cũng thấy thông tin về lá cờ 6 ngôi sao. Không phải riêng mình tôi mà các bạn trẻ khác tại Việt Nam cũng quan tâm đến vấn đề này.Anh V.B., blogger
“Nói về tính xác thực của hình ảnh quốc kỳ Trung Quốc có thêm một ngôi sao thì tôi không cho rằng nó là giả. Thứ nhất, khi VTV đăng bản tin và sử dụng lá này thì tôi có xem rõ ràng. Thứ hai, các hình ảnh này cũng được báo chí chụp lại. Thêm vào đó, đây là lần thứ hai (thứ ba) chứ không phải là lần đầu tiên để có thể nói đó là sơ sót kỹ thuật”.
Một điều hết sức đặc biệt nữa, là tác giả của những bức hình ghi lại chuyến đi của ông Tập Cận Bình là phóng viên của các hãng tin nước ngoài như AFP hay Reuters. Các tờ báo của Việt Nam cũng sử dụng hình ảnh của phóng viên nước ngoài để đăng lại. Thêm vào đó, tin về chuyến đi của ông Tập Cận Bình được đưa rất ít và rất chậm tại Việt Nam. Điều này được cho là bất thường trong khi toàn bộ chuyến đi của vị phó Chủ tịch Trung Quốc xảy ra chính tại Việt Nam.
Đại diện cho ai?
Việc các bức hình trên được đăng bởi AFP, Reuters, cũng như BBC làm nghi vấn về tính thực hư của các bức hình hầu như không còn nằm trong giả thuyết. Nếu xem các đoạn phim của chuyến đi của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ thấy lá cờ 5 ngôi sao được sử dụng trong các buổi tiếp xúc.
Em bé Việt Nam với là cờ Trung Quốc trên tay hôm 21/12/2011 tại Hà Nội. AFP photo
Như vậy, việc dùng một lá cờ không chính thức của một quốc gia để đón một nhân vật sắp trở thành người đứng đầu của quốc gia đó là một thất bại trong cung cách ngoại giao. Tệ hại hơn, nó gây xôn xao trong dư luận nếu tìm hiểu ý nghĩa của lá cờ Trung Quốc.
Được biết, quốc kỳ của Trung Quốc được thiết kế bởi ông Tăng Liên Tùng, người Chiết Giang. Theo ý nghĩa đầu tiên, bốn ngôi sao nhỏ vây quanh một ngôi sao lớn tượng trưng cho 5 tầng lớp Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu cho rằng ngôi sao lớn tượng trưng cho dân tộc Hán. Bốn ngôi sao còn lại tượng trưng cho 4 dân tộc: Mãn, Hồi, Mông, Tạng. Điều này cũng được nêu ra trong quyển “Nationalism” - “Chủ nghĩa quốc gia” của giáo sư James Mayall.
Chính vì thế, việc xuất hiện thêm bất cứ một ngôi sao nào trên lá cờ Trung Quốc đều đáng để quan tâm, nhất là khi nó xuất hiện tại Việt Nam trong những sự kiện trọng đại như chuyến viếng thăm này của ông Tập Cận Bình. Không muốn bị cho là “cực đoan” nhưng Bảo Lê cũng không bỏ qua nghi vấn cho rằng ngôi sao mới này đại diện cho Việt Nam. Anh nói:
“Ngay bây giờ, để kết luận rằng ngôi sao nhỏ thứ 5 tượng trưng cho Việt Nam là hơi hồ đồ nhưng đối với Trung Quốc, Việt Nam có gặp vấn đề về Biển Đông, về lãnh thổ. Và, Trung Quốc từ xưa đã có ý muốn coi Việt Nam là một tỉnh của họ cho nên những người nhạy cảm về chính trị khi nhìn thấy thêm một ngôi sao, sẽ nghĩ ngay đó là Việt Nam”.
Trung Quốc từ xưa đã có ý muốn coi Việt Nam là một tỉnh của họ cho nên những người nhạy cảm về chính trị khi nhìn thấy thêm một ngôi sao, sẽ nghĩ ngay đó là Việt Nam.Blogger Bảo Lê
Còn quá ít thông tin để có thể phán đoán rằng đây là một sơ xuất của VTV, của những người làm công tác ngoại giao Việt Nam hay là chủ trương của chính phủ. Nhưng dù thế nào thì việc quốc kỳ không chính thức của Trung Quốc xuất hiện trong những tình huống như vừa nêu không thể là một điều lợi cho Việt Nam. Anh V.B. cho biết:
“Việc thêm một ngôi sao như thế đối với Việt Nam chẳng có việc gì tốt cả. Xấu hay không thì mình cũng chưa khẳng định chắc chắn ngôi sao đó có phải ám chỉ Việt Nam hay không. Tôi cũng đang chờ phản ứng của chính phủ và người dân Việt Nam như thế nào”.
Hiện tại, hình ảnh của những lá cờ 6 ngôi sao của Trung Quốc có thể được tìm thấy trên mạng một cách dễ dàng. Nếu đây là chỉ là một lỗi trong ngoại giao Việt Nam thì có lẽ nó là một bài học đáng giá cho cung cách ứng xử trong quan hệ quốc tế. Nhưng nếu nó là một sự cố tình hay là một chủ trương thì có lẽ việc cần thiết đầu tiên là minh bạch hóa những chính sách ấy.
Q.C.
Nguồn: rfa.org
––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
Việt Nam đón tiếp Phó Chủ tịch Tập Cận Bình với lá cờ Trung Quốc có thêm một ngôi sao
Theo hãng tin AFP, báo chí chính thức của Trung Quốc và Việt Nam đã không hề nhắc đến sự cố này, nhưng chuyện lá cờ với 6 ngôi sao đã được bàn tán sôi nổi trên các trang web và trang blog của người Việt hải ngoại.
Cờ Trung Quốc có thêm một ngôi sao. Reuters
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật trên nguyên tắc sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào ở chức Chủ tịch Trung Quốc và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa viếng thăm Việt Nam trong tuần này. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình nhằm sưởi ấm quan hệ Bắc Kinh - Hà Nội sau những căng thẳng do tranh chấp lãnh hải ở vùng Biển Đông.
Nhưng ngày 21/12/2011 Việt Nam đã đón tiếp ông Tập Cận Bình với những lá cờ có đến 6 ngôi sao. Trong khi quốc kỳ chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ có 5 ngôi sao: một ngôi sao lớn, bao quanh là 4 ngôi sao nhỏ.
Điều đáng nói là lá cờ với 6 ngôi sao đã từng xuất hiện trong một chương trình thời sự của đài truyền hình Việt Nam (VTV) vào tháng 10 vừa qua, khi tường thuật chuyến viếng thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Nguyên thủy, trong năm ngôi sao trên quốc kỳ Trung Quốc, ngôi sao lớn nhất tượng trưng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, bốn ngôi sao nhỏ tượng trưng cho các thành phần công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Nhưng cách diễn giải hiện nay thì cho rằng, trên quốc kỳ Trung Quốc, năm ngôi sao nằm xòe ra như cánh hoa Thu hải đường thể hiện lãnh thổ Trung Quốc (kể cả vùng Nội Mông). Cũng có người cho rằng, trên quốc kỳ Trung Quốc, năm ngôi sao tượng trưng cho năm nhóm dân tộc lớn nhất ở nước này, đầu tiên là dân tộc Hán, được đại diện bởi ngôi sao lớn nhất, 4 ngôi sao kia tiêu biểu cho các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Hồi và Tây Tạng.
Theo hãng tin AFP, báo chí chính thức của Trung Quốc cũng như Việt Nam đã không hề nhắc đến sự cố này. Nhưng chuyện lá cờ với 6 ngôi sao đã được bàn tán sôi nổi trên các trang web và trang blog của người Việt hải ngoại. Chẳng hạn như trên trang «Dân Làm Báo», có người xem đây là bằng chứng cho thấy ban lãnh đạo Việt Nam đã bán nước: Việt Nam là ngôi sao nhỏ thứ 5 của Trung Quốc. Lại có người thì cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam muốn trở thành công dân hạng hai của Trung Quốc.
Hôm qua 22/12/2011, nhân chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Việt Nam đã hứa sẽ «củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai Đảng, hai quốc gia và hai dân tộc». Hai bên cũng đồng ý sẽ «nghiêm chỉnh thực hiện đồng thuận và duy trì ổn định ở vùng Biển Đông».
T.P.
Nguồn: Viet.rfi.fr
----
----
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời về vụ cờ Trung Quốc 6 sao đón Tập Cận Bình
Đôi lời: Có vài điều đáng bàn quanh động thái này của Bộ Ngoại giao.
1- Nếu chỉ đăng một mẩu tin ngắn ngủi như vậy trên trang web của Bộ Ngoại giao mà không cho đưa tin lên các báo và có lời xin lỗi thì quả thật thiếu nghiêm túc, chỉ mang tính đối phó, muốn khép kín và cho xong chuyện, khi mà trên mạng tự do và báo phương Tây đầy dẫy những hình ảnh, lời bình luận và nghi kỵ.
2- Nội dung “trả lời” không ổn, dù biết đây rất có thể chỉ là văn bản soạn sẵn từ câu hỏi cho tới câu trả lời, chứ không có cuộc họp báo nào và phóng viên nào hỏi cả.
Trước hết, khi được hỏi về “thông tin” quanh chuyện này, thì phải cho biết cái “sai sót mang tính kỹ thuật” đó nó xảy ra ở đâu, tại sao có chuyện đó, ảnh hưởng tới dư luận ra sao, v.v..
Kế đến, câu “Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã được thông báo …” không phải là câu nói của người thông báo - nước chủ nhà, người mắc lỗi, mà giống như từ phía khách - Đại sứ quán Trung Quốc, đại diện cho quốc gia bị xúc phạm (?) lá quốc kỳ. Lại không tỏ ý xin lỗi, coi đó như lý do khách quan bất khả kháng, thậm chí ra chiều hạ cố thông báo cho mà biết.
Lẽ ra phải nói rằng “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm/thư thông báo và xin lỗi tới Đại sứ quán Trung Quốc …”
Và còn đôi điều đáng bàn nữa, nhưng xin nhường lời cho quý độc giả.
0 comments:
Post a Comment