Tuesday, December 27, 2011

Sự ra đi của một người nhân bản

Nguyễn Văn Lục



Cái chết của lãnh tụ độc tài Kim Jong-il đã làm hàng triệu người dân Bắc Hàn khóc lóc thảm thiết. Nhưng sự ra đi của một nhà lãnh đạo tranh đấu cho Tự Do và Nhân quyền Vaclav Havel thì chỉ có sự thương tiếc.


Khóc và những giọt nước mắt nói cho cùng bề ngoài chỉ là một biểu hiện sinh lý. Nước mắt vì thế có thể lau sạch và có thể khô trong chốc lát. Đã bao nhiêu giọt nước mắt như thế đã chảy xuống cho Staline, cho Mao Trạch Đông, cho Hồ Chí Minh, cho Kim Chính Nhật và nay cho Kim Jong-il.

Nhưng thương tiếc là chiều nội tâm mà chủ yếu là một biểu lộ tinh thần của lòng kính trọng dựa trên những giá trị tinh thần. Lấy gì mà lau cho sạch được sự thương tiếc ấy? Và người đời sẽ khắc ghi và nhớ mãi con người ấy! Con người của Hiến Chương 77, làm tại Prague ngày 01 tháng 01 năm 1977 cùng với 700 chữ ký của trí thức, công nhân Tiệp Khắc(1).

Bản tuyên ngôn có ba người đại diện là những tên tuổi như tiến sĩ Juri Hajek, giáo sư Jan Patocka và Vaclav Havel, v.v...


Chữ ký của Havel cho HC 77
Nguồn: gwu.edu
Cũng con người ấy đã làm nên cuộc Cách mạng Dân chủ tại Tiệp Khắc- Còn được gọi là cuộc Cách Mạng Nhung vì không có đổ máu.

Trong bài diễn văn đầu năm 1990 Vaclav Havel đã nói về chế động sản Tiệp Khắc với những lời lẽ như sau: “Nhà nước, tự mệnh danh là nhà nước của công nhân lại đang làm nhục và khai thác họ. Nền kinh tế lạc hậu của ta làm hao phí năng lượng, là thứ mà ta đang thứ mà ta đang thiếu thốn.”

Ông nói tiếp:

“Điều tệ hại nhất là ta đang sống trong một môi trường băng hoại tinh thần. Tinh thần của ta đã lâm bệnh bởi vì ta quen với lối nghĩ một đằng nói một nẻo. Những quan niệm như tình thương yêu, tình bằng hữu, lòng nhân từ, khiêm tốn hay khoan dung đã mất đi cái bề sâu và kích thước của chúng..".

Và ông kết luận, “Chế độ trước đây, được vũ trang bằng một ý thức hệ kiêu căng và cố chấp, đã hạ người dân xuống thành những phương tiện sản xuất, và đẩy thiên nhiên xuống thành công cụ của nó.”

(Trích Bản dịch của Đặng Hoàng, Thế kỷ thứ 21, số 11, 3-1990. Trích lại trong Đông Âu tại Việt Nam, Lý Thái Hùng, trang 215.)

Những lời tố cáo của Václav Havel vừa qua đời trong tuần qua cũng là những điều có thể dùng để tố cáo chính quyền cộng sản Hà Nội ngày hôm nay. Đó là một nhà nước của Nhân dân, nhưng đang làm nhục công nhân. Đó cũng là một đất nước trong đó tình trạng băng hoại tinh thần mà những giá trị đạo đức mất đi cái bề sâu và kích thước của chúng.

Và cuối cùng cũng là một nhà nước được trang bị bằng một ý thức hệ kiêu căng, mục ruỗng đang biến con người thành những phương tiện sản xuất và thiên nhiên bị xâm phạm bằng sự khai thác triệt để.

Hai cái chết ấy, giữa hai con người - một lãnh tụ độc tài, một nhà nhân bản - biểu lộ hai hình ảnh đối nghịch của thế giới ngày hôm nay.

Một thế giới được chỉ huy bởi những kẻ độc tài dùng bạo lực trấn áp, hạ nhục con người, biến con người thành những công cụ cho chế độ. Và một thế giới thứ hai do những nhà nhân bản dùng sức mạnh tinh thần làm vũ khí tranh đấu, tranh đấu cho quyền làm người, cho tự do và dân chủ. Điều mà ông Vaclav Havel gọi là: Quyền lực của không quyền lực .

Thứ quyền lực dựa trên sức mạnh của niềm tin, của sự thật.

Người ta khóc lãnh tụ độc tài, nhưng người ta tiếc thương sự mất mát một nhà nhân bản.

Nhắc nhớ lại thông điệp của Vaclav Havel trong dịp ông đọc diễn văn trước Quốc Hội Canada , Vaclav Havel đã tuyên bố: “Dân quyền đứng trên quyền hành của nhà nước.”(2) Chỉ có Vaclav Havel mới dám nói như thế.

Mặc dù đây là một sự mất mát lớn lao. Nhưng ngày hôm nay, dựa trên những điều tuyên bố một cách xác tín của những giá trị đạo đức, chúng ta vẫn có cái quyền được hy vọng là thế giới đang chứng kiến một sự thay đổi vĩ đại.

Mùa xuân Prague của Tiệp Khắc năm 1968 mặc dầu bị nghiền nát dưới xích xe tăng của Hồng quân Liên Xô tưởng chừng như không bao giờ trở lại. Thì ngay hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một sự suy tàn của các chế độ độc tài đảng trị trên toàn thế giới. Những kẻ độc tài - trong đó có Độc tài Đảng trị là nguy hiểm nhất đang mất tất cả các đặc quyền của chúng mà cái còn lại chỉ là những cái đuôi cộng sản.

Tên tuổi và danh sách những kẻ độc tài ấy thêm dài: Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Erich Honecker, Nicolae Causescu, Gustav Husak, Janos Kadar, v.v...

Và tiêu biểu nhất cho sự sụp đổ biến cố Đông Âu này là bức tường Bá Linh. Erich Honnecker đã huy động 60.000 công nhân xây dựng bức tường dài 166 cây số. Xây xong vào tháng 8/1962 để ngăn cách “thế giới” ra làm hai: Bên này là độc tài cộng sản, bên kia là tư bản tự do.

Và không một ai, không một nhà lãnh đạo thế giới nào cả hai phía tiên đoán được điều gì đã xảy sau 27 năm bức tường Bá Linh được dựng lên. Bức tường Bá Linh đã sụp đổ vào năm 1989. Và sau đó đã có bao nhiêu bức tường Bá Linh được dựng lên do bạo lực và ô nhục ở các nước cộng sản khác cũng đã sụp đổ theo.

Tên của các bức tường đó là Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bulgaria, Romani, Liên Xô, Nam Tư, v.v... Chúng thay nhau sụp đổ không báo trước vượt mọi dự đoán “thời tiết chính trị” của mọi người lãnh đạo.

Nhưng phải nói rằng tự bản chất các chế độ ấy, nó đã mang mầm mống đối kháng, ung thối ngay từ đầu.


Vaclav Havel
Nguồn ảnh: mzv.cz
Khởi đi với Ba Lan tháng 11/1956. Hung Gia Lợi cũng tháng 11/1956, Tiệp Khắc 1968. Và bùng nổ biến cố Đông Âu 1985-1989. Thiên An Môn tháng 5-6/1989 ở Bắc Kinh ngày 5/6/1989. Cuộc Cách Mạng Hoa Hồng tại Georgia, năm 2003, Cách Mạng Cam tại Ukrain năm 2004, Cách Mạng Tulip tại Kyrgyzstan năm 2005.

Sự sụp đổ ấy kéo theo sự tan rã của sự độc quyền chính trị của các đảng Cộng Sản đưa đến sự tách biệt nhà nước ra khỏi Đảng. Tách nhà nước ra khói đảng cộng sản, đó là sự thất bại lớn nhất của các đảng cộng sản.

Từ đó, nó làm tan băng sự đồng dạng và độc quyền của một nền kinh tế tập trung. Nó biến đổi một thể chế chính trị, văn hóa cũng như nguyên tắc bất di bất dịch về quyền sở hữu công cộng và thúc đẩy khái niệm tư nhân hóa coi như động lực của phát triển kinh tế. Trong chiều hướng như thế, cuộc tan rã ấy mở ra một hướng đi mới cho các nước cộng sản bắt kịp đà của các xã hội tư bản Tây Phương như Mỹ, Pháp, Anh, Tây Đức.

Chiều hướng ấy dĩ nhiên đem lại nhiều nôn nóng chờ đợi về một sự sụp đổ dây chuyền của đảng cộng sản VN nơi người Việt trong nước và ngoài nước.

Nhưng điều ấy đã không xảy ra như lòng mong đợi của nhiều người. Trận bão dân chủ ở Đông Âu đã quét sạch thành trì của thế giới cộng sản ở Đông Âu và Trung Âu. Nhưng lại tạnh dần khi thổi sang Á Châu. Trung Quốc vẫn như thể độc lập, trụ vững với trào lưu mới đang xảy ra tại Đông Âu. Hai nước vệ tinh của Trung Quốc là Bắc Hàn và Việt Nam nương theo chỗ tựa là Bắc Kinh để tồn tại.

Lãnh đạo VN ở trong nước dĩ nhiên có giật mình. Họ tố chức Hội Nghị lần thứ bảy bàn kế sách đối phó với biến cố Đông Âu.

Công việc ấy được giao cho Trần Xuân Bách (TXB) nghiên cứu và TXB đề nghị Đảng phải thay đổi bằng mọi giá nếu muốn sống còn. Cái ý tưởng ấy được một số người như Nguyễn Văn Linh vội vã tuyên bố: “Đổi mới hay là chết”.

Nhưng một số đông lãnh đạo bảo thủ, trong đó sau này có cả Nguyễn Văn Linh vì quyền lợi, coi phúc trình của TXB là một thứ xé rào, nguy hiểm và để duy trì sự ổn định chính trị, kinh tế cần loại trừ TXB ra khỏi Đảng(3).


Đảng cộng sản VN sau đó giữ được “nguyên trạng” hồn xác sau những giao động trước những biến động ở Đông Âu. Đối với họ vì quyền lợi của họ, việc sống còn là họ phải cứu Đảng. Cứu đảng bằng mọi giá. Còn đảng thì còn tất cả.

Nhiều kẻ chờ cơ hội cũng kịp thời thay tầm nhắm. Bởi vì mất đảng thì họ cũng không còn nữa.

Nhiều người Việt từ trong đến ngoài nước tỏ ra bi quan, chán nản và tự hỏi nhau bao giờ đến lượt VN trước trận bão dân chủ đã từng xảy ra ở Đông Âu? Câu hỏi ấy vẫn chưa có câu trả lời, nhưng chúng ta cần tâm niệm rằng còn chế độ độc tài ấy thì không thể hết niềm hy vọng.

Đó là niềm hy vọng xuất phát từ sức mạnh tinh thần nảy sinh ra tự bạo lực trấn áp. Bao lâu còn bạo lực, bao lâu còn trấn áp thì các sự phản kháng trong nước vẫn là ngòi nổ cho một tiến trình dân chủ và niềm hy vọng thay đổi cho VN.

Ngày hôm nay, không phải chỉ có cuộc Cách mạng Dân chủ Đông Âu đã xảy ra. Thế giới đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng chính trị ở những nơi mà mọi hy vọng thay đổi chính trị đều khó thực hiện - như ở bắc Phi và Trung Đông - những nơi mà thể chế xã hội, chính trị cứng nhắc, nơi mà những khái niệm như tự do, dân chủ khó bén mảng tới. Bởi vì các thể chế này bị ràng buộc vào các thành kiến thủ cựu, các vấn đề sắc tộc, các vấn đề tôn giáo, vấn đề xã hội chậm tiến, lạc hậu!

Vậy mà sau Mùa Xuân Đông Âu lại một cách nào đó dẫn đường đưa đến Mùa Xuân Ả Rập đang rầm rộ nổ ra như pháo dây chuyền từ Bắc Phi sang Trung Đông.

Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen ... Và hiện nay tại chính Liên Xô có những cuộc biểu tình có cơ nguy lan rộng.

Sau Tunisia, một quốc gia chỉ với 10 triệu dân đã mở đầu Mùa Xuân Ả Rập dẫn đến lượt quốc gia Ả Rập lớn nhất, Ai Cập, với 85 triệu dân vùng dậy.

Sự vùng dậy này giống nhau ở nhiều điểm là nhiều nơi không có sự can thiệp trực tiếp của các thế lực bên ngoài mà khởi điểm chỉ là sự điên giận của dân chúng với cùng một khát vọng tự do, khát vọng dân chủ. Các cuộc nổi dậy ấy hầu như tự phát, không có kế họach, không có chương trình hành động, không có cả lãnh đạo, ngay cả không có vũ khí.

Cùng lắm vũ khí chỉ là gạch đá, gậy gộc và một thứ hy vọng đến điên cuồng. Đám đông từ 5000 người lúc ban đầu sang đến 30.000 người và lên đến nửa triệu người tràn ra các đường phố.

Bất chấp bạo lực cảnh sát. Đã có nhiều người ngã xuống. Người này ngã xuống thì lại có người khác đứng lên. Một người ngã xuống có mười người đứng lên tiếp nối. Và cái khẩu hiệu sâu xa nhất, lý tưởng nhất mọi người trông đợi là một một tương lai mới mở ra cho họ.

Đó cũng là điều mà người Việt trong nước phải đòi chính quyền cộng sản trong nước: Có một tươi lai tươi sáng cho đất nước và không còn cảnh người bóc lột người, chà đạp lên nhân phẩm và niềm tự hào của cả dân tộc như hiện nay.

Trước đây, đảng cộng sản VN dùng chiêu bài yêu nước để đánh Pháp đánh Mỹ. Nay họ có thể dùng chiêu bài gì để chống Tầu?

Chủ nghĩa Dân tộc thể hiện qua giới thanh niên trí thức đứng lên đòi quyền tự chủ đất nước đã bị người cộng sản chà đạp dưới chân. Nhiều người trong số họ đã bị bắt, bị tù đầy. Nước Mỹ mạnh lên sau cái ngày 11/9. Họ có thêm nhiều nạn nhân, nhưng họ cũng có thêm nhiều anh hùng. VN đang bị Trung Quốc đe dọa xâm lăng, ai là nạn nhân, ai sẽ là anh hùng?

Ai dám làm người anh hùng trong cái tập đoàn cộng sản bán nước này? Ai? Có thể không một ai cả!

Hy vọng và chờ xem Cộng Sản Hà Nội có thể ngồi yên mãi được không. Những ngọn nến hy vọng như ở Thái Hà, như ở nhiều nơi của cộng đồng người VN một ngày nào đó sẽ trở thành những đám cháy đốt cộng sản để cho Dân chủ, cho Tự do, cho quyền làm người.

Cựu tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel đã để lại một di sản tinh thần cho chẳng cho đất nước Tiệp khắc mà còn cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Hiến Chương 77 ký tại Prague, ngày 01/01/ 1977 cho thấy con người đòi hỏi cái quyền “không phải sợ hãi” nữa.

Đám tang Vaclav Havel
Nguồn ảnh: telegraph.co.uk
Thương tiếc và nhớ đến nhà nhân bản vừa mới ra đi, tôi xin được lấy lại lời nhắn nhủ đến Nhân Dân Việt Nam của ông như lời nhắn nhủ, khích lệ và hơn nữa như một lời di chúc cho các nhà tranh đấu cho tự do và nhân quyền hiện nay đang bị thử thách và tù đầy ở trong nước:

“Điều quan trọng là phải cương quyết đối đầu với chủ nghĩa độc tài toàn trị [...] Phải thét to lên! Ngay cả lúc chúng ta cảm thấy chẳng còn chút hy vọng gì.”

0 comments:

Powered By Blogger