Saturday, December 24, 2011

Lẽ Công Bằng có được Chúa nêu lên trong Ngày Phán Xét không?

Trong bài ”Suy Tư Về Bài Giảng Của ĐGM Nguyễn Văn Khảm”, ông Trần Phong Vũ mở đề như sau: ”Đặt vào trường hợp một bài thuyết giảng của một GM trong Thánh Lễ tôn vinh Chúa Giêsu Là Vua vũ trụ, với bài Phúc âm hôm ấy nói về Ngày Phán Xét, Ngày “Canh Chung”, mà lại suy tư về một thứ “Cánh Chung Luận” của ông tổ Cộng Sản, nhất là lại gạt bỏ đức công bằng (một khía cạnh của Công Lý) để chỉ đề cao một một đức bác ái “suông”, ngoài môi miệng, thì quả thật, đối với người viết bài này, không thể hiểu được!…”

Sau đó, ông Vũ còn nhận xét: ”Có điều nhà thuyết giảng (vì vô tình hay cố ý) đã không bám sát Lời Chúa được trình thuật theo Phúc Âm thánh Matthêu, mà chỉ dựa vào từ “cánh chung” để sáng tạo một nhóm từ hàm ẩn tính triết học -Cánh Chung Luận- như cây cầu nối dẫn vào phần thứ hai, cũng là phần đã làm dấy lên một làn sóng công phẫn trong dư luận đồng bào Công Giáo trong và ngoài nước…. Đức GM Phụ Tá TGP Sàigòn đã quên nhắc tới những sự kiện thương tâm đang gây nhiều xúc động cho mọi người trong bối cảnh Giáo Hội và xã hội quanh mình để thời sự hóa bức tranh sống động của Ngày Chung Thẩm?…tại sao nhà giảng thuyết lại đưa vào nội dung câu chuyện mang tính triết lý “lãng xẹt” bàn về một thứ “Cánh Chung Luận” của Marx khiến người tín hữu Công Giáo -từ Lm tới giáo dân- hoài nghi là ông đang tự biến mình thành ống loa tuyên truyền và biện minh cho chề độ?” (Tôi rút gọn các phần trích dẫn và đưa chúng vào chung một đoạn.)

Sau khi đọc ý kiến của ông Vũ, vẫn có một số người nghĩ rằng ông ấy hiểu sai về lời khẳng định quá đúng của gm Khảm: Chúa Giêsu không căn cứ vào lẽ công bằng để quyết định ai là kẻ dữ, ai là người lành. Trái lại, tiêu chuẩn được áp dụng trong ngày cánh chung của Đấng Cứu Thế hoàn toàn dựa vào Tình Yêu Thương.” Vậy, tôi xin đặt câu hỏi và kính nhờ những người tâm đắc ý của gm Khảm trả lời giùm các cây hỏi của tôi.

I. Câu hỏi như sau:

Tòa Thánh Vatican có Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng có Ủy Ban mang quý Danh ấy. Vậy, mục đích của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình có phải là giúp chúng ta sống Đạo và lên tiếng để đòi Công Lý và Hòa Bình cho mọi người hay không? Chẳng lẽ câu ”Chúa Giêsu là Mặt Trời soi Đàng Công Chính” (như lời tuyên xưng trong Kinh Cầu của Giáo Hội) không còn giá trị nữa hay sao? Chẳng lẽ ”Chúa Giêsu Vua”, Quan Tòa trên mọi quan tòa, không cần Cán Cân Công Lý trong Ngày Phán Xét Chung? Nếu Chúa ”không căn cứ vào lẽ công bằng để quyết định ai là kẻ dữ, ai là người lành” thì sự thinh lặng của HĐGMVN trước mọi vi phạm công bằng sẽ được tha thứ bởi vì các ngài ”yêu thầm chiên trong Đàn và ngoài Đàn” nên vô trách nhiệm bấy lâu nay? Chẳng lẽ câu ”Phúc cho những người khao khát công chính vì họ sẽ được no đầy.” (trong Tám Mối Phước Thật) đã trở thành lỗi thời? Chẳng lẽ câu Chúa dạy: ”Vì Ta bảo các con: Nếu đức công chính của các con không trội hơn ký lục và biệt phái, các con sẽ không vào được Nước Trời.” đã không còn ý nghĩa cho người chủ trương đồng hành với ”Nước Nhà” đang bị ”nhà nước” thống trị bằng chủ nghĩa cộng sản? Phải chăng ”phép lạ Chúa đuổi quỷ câm ra khỏi người bị nó ám” không còn là bài học cho mục tử và con chiên nữa sao? Phải chăng rừng nến của Thái Hà, của các nơi khác phải dập tắt vì, trong Ngày Cánh Chung, Chúa Giêsu sẽ không thèm đếm xỉa đến lẽ công bằng?…

Cũng để trả lời cho các câu hỏi vừa rồi, tôi xin nêu lên ý nghĩa của ”công bằng, công lý, công chính” và các đoạn khác trong Kinh Thánh nói về ba thành ngữ ấy.

II. Ý nghĩa của công bằng, công lý, công chính”:

1. Theo nghĩa thông thường:

a) ”Công bằng” cũng là ”công bình: justice”. (Công là ngay thẳng, không thiên lệch, chẳng thiên vị; bằng là ngang nhau, bằng nhau, giống nhau.)

b) ”Công lý” là cái Đạo dạy lẽ công bằng.

c) ”Công chính” cũng gọi là ”công chánh: justice, droiture”, là phải công minh, chính trực.

2. Theo nghĩa Kinh Thánh và Sách Giáo Lý:

Trong phần này, để bài viết được ngắn gọn, tôi chỉ trích dẫn Kinh Thánh và Sách Giáo Lý nhắm giúp quý Vị tự trả lời cho câu hỏi: ”Chúa có loại bỏ lẽ công bằng (công lý) trong Ngày Phán Xét không?”

a) ”Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Math. 25,46 là câu cuối trong Tin Mừng về Cánh Chung mà gm Khảm thuyết giảng!!!)

b) ”Nhưng, theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi Trời mới, Đất mới, nơi Công Lý ngự trị.” (Phêrô 2,3,13)

c) ”Bấy giờ tôi thấy trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là ‘Trung Thành và Chân Thật’, NGÀI THEO CÔNG LÝ MÀ XÉT XỬ và giao chiến.” (Kh.Huyền 19,11)

d) ”Đức công chính của người ngay thẳng sẽ cứu họ, còn kẻ lừa đảo lại mắc bẫy vì tham lam. (Cách Ngôn 11,6)

e) ”Vâng, người công chính sẽ xưng tụng danh Chúa, kẻ ngay lành được ở trước Thánh Nhan.” (TV 140,14)

f) ”Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa.” (KN 3,1)

g) ”Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Thiên Chúa.” (TV 118,19)

h) ”Lạy Thiên Chúa, xin ban quyền bính của Ngài cho vua, xin trao công lý của Ngài vào tay Thái Tử.” (Thánh Vịnh 72,1)

i)Công lý rồi ra sẽ trở lại pháp đình, mọi tâm hồn chính trực sẽ tuân theo.” (TV 94,15)

j)Công lý của Chúa: công lý trường tồn, luật Chúa truyền quả là chân lý.” (TV 119142)

k) ”Thực thi công lý là niềm vui cho người công chính, nhưng là nỗi kinh hoàng cho kẻ bất lương.” (Cách Ngôn 21,15)

l) ”Lắm kẻ đến cầu cạnh người quyền thế, nhưng Thiên Chúa mới đem lại công lý cho mỗi người.” (CN 29,26)

m) ”Khốn cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen.” (Amot 5,7)

n) ”Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.” (Amot 5,24)

o) ”Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.” (Isaya 42,1, Math.12,18)

p) ”Ngựa có phi được trên đá lởm chởm không? Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao? Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc, đổi công lý nên ngải đắng!” (Amot 6,12)

q) ”Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên.” (TV 85,11)

r) ”Công lý đi tiền phong trước mặt Ngài, mở lối cho Ngài đặt bước chân.” (TV 85,14)

s) ”Phần tôi, trái lại, nhờ thần khí của Thiên Chúa, tôi được đầy sức mạnh, công lý và can trường để loan báo cho nhà Gia-cóp biết tội phản nghịch, cho nhà Israel biết tội lỗi của nó.” (Mikha 3,8)

t) ”Vì thế, luật không được tuân giữ, công lý chẳng còn thấy xuất hiện, vì kẻ gian ác bủa vây người công chính nên chỉ còn thứ công lý vạy vọ. (Khabacúc 1,4)

u) ”Ác nhân nhận quà được giấu trong ngực áo, khiến cán cân công lý bị bẻ cong.” (Châm Ngôn17,23)

v) ”Ngươi không được hùa theo số đông để làm điều trái; trong một vụ kiện, ngươi không được ngả theo số đông mà làm chứng, khiến công lý bị sai lệch.” (Xuất Hành 23,2)

w)Công bằng là nhân đức luân lý ở trong ý chí bền bỉ và cương quyết trả lại cho Thiên Chúa và tha nhân những gì mình đã nợ. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là nhân đức thờ phượng: virtus religionis.” (Sách Giáo Lý số 1807)

III. Lời kết:

Có triết gia nói thế này: ”Tuyệt đối công bằng là tuyệt đối bất công.” Nhưng, khác với con người là thọ tạo hữu hạn, Thiên Chúa là Đấng Thánh, Toàn Tri, Toàn Năng, Chân Lý, Tình Yêu. Cho nên Ngài là Đấng Công Bằng Tuyệt Đối. Là Tình Yêu nên Thiên Chúa không phân biệt người công chính với kẻ bất chính như Ngài dạy: ”Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi các con. Như vậy, các con mới là con cái của Cha các con trên trời vì Ngài cho mặt trời của Ngài mọc, soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa sa trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Math. 5,44-45) Chúa dạy như thế không có nghĩa là ”nhắm mắt yêu đại” kẻ bất chính, nhưng mà phải lên tiếng bằng cách nào đó, tùy vai trò, chức vụ của mình để yêu cầu người bất chính phải phục thiện. Chính vì thế, trong cuốn Muối Đất (Salz der Erde), Đức Giáo Hoàng đương kim đã cảnh cáo sự im lặng của Hồng Y, Giám Mục: ”như chó câm: wie stumme Hunde”!!!

Thật vậy, Chúa cho chúng ta miệng, lưỡi để chúng ta ca tụng Ngài và làm điều mà Kinh Thánh dạy: ”Miệng người công chính niệm lẽ khôn ngoan, và lưỡi họ nói lên điều chính trực.” (TV 37,30) Chính vì lẽ đó, Đức Tổng Kiệt đã từng thưa với Chúa: ”Công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.” (TV 40,10) Đức Cha Oanh đã âm thầm làm điều mà ”Đảng Tư Bản Đỏ” không màng tới như Lời trong Cựu Ước: ”Người công chính quan tâm đến quyền lợi kẻ nghèo là điều mà ác nhân không sao hiểu nổi!” (CN 29,7) Tiến Sỹ Cù Huy Hà Vũ là nạn nhân như Lời Chúa qua Tiên Tri Isaya 5,23: ”Những kẻ vì nhận quà hối lộ mà tuyên bố kẻ có tội là công chính, và phủ nhận sự công chính của người công chính.”

Và đây là Lời Chúa cảnh cáo những ai tưởng rằng mình không gian ác, mà lại đồng hành với gian ác vì họ im lặng trước việc gian ác, tức là để cho lũ gian ác càng thêm gian ác như sau: ”Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!” (Math. 23,28)

Cho nên, giáo dân Đồng Chiêm, Cồn Dầu, Thái Hà… thấp cổ, bé miệng, ngậm đắng, nuốt cay như Lời Thánh Thư thế này: ”Quả vậy, người công chính ấy sống ở giữa họ, mắt thấy tai nghe những hành vi phi pháp ngày ngày xâu xé tâm hồn công chính của ông ta. Như thế, Chúa biết cứu những người đạo đức khỏi cơn thử thách, và giữ những kẻ bất chính để trừng phạt vào ngày phán xét, nhất là những kẻ vì ham muốn những điều ô uế mà sống theo xác thịt, những kẻ khinh dể Chủ Quyền của Chúa.” (Phêrô 2,8-10)

Tòa án thế gian ở các nước văn minh còn biết xét đi, xét lại cho ra lẽ công bằng, huống chi là Tòa Án Tối Cao của Chúa Thiên Chúa là Đấng Công Bằng Tuyệt Đối! Xin đừng tưởng rằng Chúa tha tội cho người trộm ”lành” vì anh ta chỉ yêu Ngài mà thôi, nhưng còn lý do này: Anh ta trách người trộm ”dữ” về tội lộng ngôn với Chúa, rồi bày tỏ lòng kính sợ Thiên Chúa và tuyên xưng Giêsu là Vua sẽ về trong Nước của Ngài như sau: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Giêsu, khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi!” Nên Ngài nói với anh ta: “Tôi bảo thật với anh: hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng.”

Tuyệt vời! Tên trộm đã trở thành ”Vị Thánh chứng nhân giải oan cho Thiên Chúa Ngôi Hai” từ trên Núi Sọ cho đến hôm nay trước muôn dân! Đức Công Chính của anh ta đã cứu linh hồn anh ta!!! Viết đến đây, tôi chợt nhớ lời kinh chặng Đàng Thánh Giá: ”Hãy xem đó thì biết phép Chúa công thẳng là thể nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề, gớm ghiếc quá chừng, quá đỗi! Hãy xem đó thì biết lòng Chúa đã yêu thương ta quá bội là dường nào!”

Đức Quốc, ngày cuối Mùa Vọng Giáng Sinh 2011

Đaminh Phan văn Phước

0 comments:

Powered By Blogger