Wednesday, December 28, 2011

Học viện Khổng Tử ở Việt Nam: những gì cần cân nhắc?

Quỳnh Chi, RFA
Nhân chuyến công du vừa qua, Phó chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, nhắc Việt Nam mau chóng thành lập “Học viện Khổng Tử” để tăng cường hợp tác trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Việc này sẽ đem lại những gì cho Việt Nam?

Wikimedia Commons

Ảnh minh hoạ Khổng Phu Tử trong cuốn Thần thoại và Truyền thuyết Trung Hoa, 1922, của E.T.C. Werner

Hối thúc

Trong cuộc hội đàm ngày 21/12/2011 của ông Tập Cận Bình với các nhà lãnh đạo Việt Nam, vị Phó Chủ tịch nước Trung Quốc cho biết mong muốn “thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện tiến lên 5 phương diện”. Một trong những phương diện ấy là lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Nhấn mạnh điểm này, ông Tập cho biết mong muốn “nhanh chóng xây dựng Học viện Khổng Tử tại Việt Nam”.

Sở dĩ có sự thúc đẩy như thế vì vào tháng 4 năm 2009, văn phòng Chính phủ Việt Nam đã có công văn số 1992/VPCP-QHQT cho phép thành lập một “Học viện Khổng Tử” tại Việt Nam. Công văn ấy cũng được gửi đến các bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Công an và Văn phòng Trung Ương Đảng Cộng Sản nhưng chưa cho biết cụ thể thời điểm cũng như nơi chốn của việc xây dựng.

Học viện Khổng Tử hoạt động dưới sự chỉ đạo của Văn phòng về Hội đồng Ngôn ngữ Quốc tế – một tổ chức phi lợi nhuận phụ thuộc vào Bộ giáo dục Trung Quốc. Chức năng của các học viện Khổng Tử được người ta nói đến như Viện trao đổi văn hóa Pháp (Alliance Française), Học viện Goethe của Đức (Goethe Institute), Hội đồng Anh (British Council) hay Học viện Cervantes (Instituto Cervantes) của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điểm khác biệt là Học viện Khổng Tử thường được đặt tại các trường học. Chính vì điều này, đã có những quan ngại cho rằng những học viện Khổng Tử có thể ảnh hưởng đến tính tự do trong học thuật.

Ảnh chụp một tác phẩm hội họa về Khổng Tử của họa sĩ Ngô Đạo Tử (680–740) thời kỳ Nhà Đường. Source: Wikimedia Commons
Ảnh chụp một tác phẩm hội họa về Khổng Tử của họa sĩ Ngô Đạo Tử (680–740) thời kỳ Nhà Đường. Source: Wikimedia Commons

Quyền lực “mềm”

Một điểm đặc biệt về Học viện Khổng Tử là đây không phải là nơi để tuyên truyền Nho giáo hay bàn về “hiếu, lễ, nhân, nghĩa” của ngài Khổng Tử – mà chính là nơi để quảng bá văn hoá và ngôn ngữ Trung Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, người có các nghiên cứu về văn hóa Việt Nam và Trung Quốc, nói về các hoạt động của các Học viện Khổng Tử, mà theo ông thực chất là các trung tâm văn hóa của Trung Quốc:

“Học viện Khổng Tử ở Việt Nam nếu được thành lập trong tương lai thì cũng giống như những học viện Khổng Tử khác trên thế giới thực chất là trung tâm truyền bá và quảng cáo văn hóa của Trung Quốc. Tôi hình dung ra là trong đó sẽ có những hoạt động như dạy tiếng Hoa, giới thiệu về ẩm thực, về thư pháp về trà đạo…Bên cạnh đó còn có các hoạt động giao lưu giữa các nghệ sĩ Trung Quốc để giới thiệu về các hoạt động văn hóa nước họ. Bên cạnh đó, có thể có những trung tâm tư vấn về du học nữa”

Trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc, các học viện Khổng Tử được đề cập như một nơi quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, cũng như cải thiện quan hệ ngoại giao của nước này với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đã có nhiều phân tích cũng như quan ngại về một “quyền lực mềm” qua các viện Khổng Tử khi các học viện như thế xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới.

Thêm vào đó là mối quan ngại về việc thông qua các học viện Khổng Tử, Trung Quốc có thể đưa những tin tức có lợi cho mình về các vấn đề Đài Loan hay Tây Tạng. Ví dụ, vào năm 2009, tại học viện Khổng Tử của trường đại học Maryland ở Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm về hình ảnh Tây Tạng, một chính khách Trung Quốc đã có những phát biểu chỉ trích Đức Đạt Lai Lạt Ma và cho rằng “Tây Tạng luôn là một phần của Trung Quốc từ thời cổ đại”.

Tính cho đến thời điểm này, đã có ít nhất 400 học viện Khổng Tử tại hơn 90 nước trên thế giới, tập trung nhiều nhất ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Triều Tiên. Tại Châu Á có khoảng trên 40 học viện Khổng Tử, ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Burma, Philippines và Singapore. Riêng tại Thái Lan đã có đến 13 học viện Khổng Tử; trong số đó 3 học viện ở Bangkok. Trong quyển sách “Asia Alone: The dangerous post crisis divide from America” (tạm dịch: “Riêng Châu Á: Mối nguy của sự tách biệt khỏi Hoa Kỳ trong thời kỳ hậu khủng hoảng”) của tác giả Simon S.C. Tay– chủ tịch Học viện Quan hệ Quốc tế Singapore, ông gọi sự phát triển của các viện Khổng Tử là “ấn tượng, vì học viện đầu tiên được xây dựng chỉ vào giữa năm 2004”. Và Trung Quốc có kế hoạch đến năm 2020, sẽ xây dựng khoảng 1000 học viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài xem học viện Khổng Tử như một chương trình thực hiện “quyền lực mềm” nhằm quảng bá kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và ngoại giao. Thậm chí, đã có những quan ngại cho rằng những học viện này có thể đóng vai trò tình báo như cảnh báo của một số nhân vật đối với học viện Khổng Tử tại Vancouver, Canada hồi năm 2008, 2009.

Bà Elizabeth Economy, một chuyên gia về Trung Quốc, từng cho rằng “Người ta thường định nghĩa quyền lực mềm là sự phát triển đầu tư và kinh tế”, nhưng “quyền lực mềm là văn hóa, giáo dục và ngoại giao”. Theo một bài phân tích đăng vào năm 2006 trên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại–CFR, một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên phân tích các vấn đề đối ngoại, tác giả Esther Pan cho biết từ năm 2005, Trung Quốc bắt đầu thực hiện “quyền lực mềm” nhằm gia tăng ảnh hưởng của nước này. Và các học viện Khổng Tử đóng vai trò quan trọng đầu tiên. Ông Lý Trường Xuân, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương Trung Quốc đã từng phát biểu trên tờ Economist rằng các học viện Khổng Tử “đóng một vai trò quan trọng trong các tổ chức tuyên truyền Trung Quốc tại nước ngoài”.

“Màu sắc Trung Quốc” nơi nơi

Nói về việc thành lập các học viện Khổng Tử ở Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Diện thể hiện quan ngại của mình:

“Tuy nhiên, có một điều như thế này. Hiện nay, phải thừa nhận rằng giới lãnh đạo về văn hóa của Việt Nam có một sự hiểu biết rất hạn chế về văn hóa của Trung Quốc. Mà việc tuyên truyền, gây sức ép cũng như ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên Việt Nam là quá mạnh. Điển hình là vừa rồi có những công trình tu bổ hoặc xây mới mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Thêm vào đó, có hàng loạt các ngôi chùa từ Nam chí Bắc trùng tu, trang trí theo kiểu Trung Quốc. Nhiều công trình mới xây cũng có tượng sư tử Trung Quốc. Rồi hàng hóa, đèn lồng Trung Quốc xuất hiện tại Việt Nam”

Một nước có quyền lực mạnh mẽ là một nước biết quảng bá văn hóa của mình để đạt được hai mục đích. Thứ nhất là thúc đẩy kinh tế thông qua giao thương các mặt hàng văn hóa. Thứ hai là xây dựng một nền văn hóa phổ biến để thực hiện ý thức hệ của mình. Đây cũng là chính sách mà từ những năm 1950, Hoa Kỳ đã áp dụng thông qua Trung tâm Thông tin Hoa Kỳ – USIA nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trên thế giới.

Mộ Khổng Tử tại Khúc Phụ, quê hương ông-Source: Wikimedia Commons
Mộ Khổng Tử tại Khúc Phụ, quê hương ông-Source: Wikimedia Commons

Yếu tố lịch sử, địa lý chính trị

Xét đến yếu tố địa lý, đến lịch sử Việt–Trung, sẽ thấy việc xây dựng viện Khổng Tử tại Việt Nam mang ý nghĩa khác với bất kỳ một học viện Khổng Tử nào trên thế giới vì nó dễ tạo ra một ảnh hưởng văn hóa mạnh hơn bất cứ nước nào.

Về mặt địa lý, Việt Nam chỉ giáp ba nước là Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các phía Đông và phía Nam đều giáp biển. Xét về văn minh, Trung Quốc là nước có nền văn minh lâu đời và tiến bộ hơn cả nên Việt Nam không thể tránh việc lấy nền văn minh Trung Quốc làm thước đo của sự tiến bộ nước nhà.

Về mặt lịch sử, khi Triệu Đà thôn tính Âu Lạc lập ra Nam Việt nào năm 208 trước Công nguyên, thì văn minh Trung Quốc từ đó cũng được mang vào để cai trị. Vả lại, sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc từ thời Vũ đế nhà Hán đến khi Ngô Quyền đại thắng trên sông Bạch Đằng, dân tộc Việt Nam dù giữ được cái ý chí riêng, nhưng cũng bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Trong “Việt Nam Sử Lược”, cụ Trần Trọng Kim cũng đã viết “sự sùng tín, sự học vấn, cách cai trị thì bao giờ mình cũng chịu ảnh hưởng của Tàu”. Chính vì thế, cần phải có một “lập trường và bản lĩnh” để giữ vững những đặc trưng của dân tộc. Đó là ý của TS Nguyễn Xuân Diện:

“Vì vậy, để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng và văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa hay còn gọi là “quyền lực mềm” sẽ bị áp đặt tại Việt Nam. Lúc ấy, chúng ta sẽ không thể nào chống lại được. Văn hóa là một nền tảng của đất nước, một khi văn hóa bị thuần hóa thì đó là một điều nguy hiểm”

Xét đến ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên văn hóa Việt Nam; xét đến lịch sử bị Trung Quốc đô hộ trong quá khứ, và xét đến những tranh chấp biên giới cũng như biển đảo còn kéo dài và chưa minh bạch đến ngày nay, việc tách văn hóa Việt Nam ra khỏi văn hóa Trung Quốc hoặc ít ra tiếp thu văn hóa thế nào để vẫn giữ đặc trung dân tộc là việc cần thiết.

Không thể phủ nhận văn hóa Việt Nam đã mang nhiều bóng dáng văn hóa Trung Quốc vì đặc thù lịch sử và địa lý. Tuy nhiên, dù là một mái đình, dù là một con sử tử đá, Việt Nam cũng cần được bảo trì bởi một đất nước chỉ được phân biệt và nhận dạng bằng chính ngôn ngữ, con người và những đặc trưng văn hóa như cách ứng xử, phong tục, tập quán, trang phục…của nước ấy. Nền văn hóa ấy không thể bị xâm lược bởi xâm lược văn hóa cũng là xâm lược.

0 comments:

Powered By Blogger