Đằng sau những ghe lúa đầy ắp là những tấm lưng đen đủi. Câu chuyện về công cuộc mưu sinh của họ như thế nào? Mời quý vị theo dõi.
Cứu cánh của nhiều gia đình
Đến chân núi Sam, Châu Đốc, An Giang, người ta có cảm giác như con người còn thức giấc trước cả tiếng gà gáy hừng đông. Tờ mờ sáng, khi cái tĩnh mịch dưới chân núi còn chưa tan hết, khi những làn sương vùng biên còn phủ kính trên các mái nhà tranh, những người làm nghề vác lúa thuê ở thị xã Châu Đốc đã bắt đầu một ngày lao động mới. Tại vùng giáp ranh chưa kịp phát triển giữa Việt Nam – Campuchia, nghề vác lúa mướn là cứu cánh của nhiều gia đình sống ven sông Hậu này. Vừa hối hả chuẩn bị nuốt vội miếng cơm sáng cho kịp ra kênh vác lúa, ông Minh Đờ cho biết:
Có những lúc đến tối giao thừa mà vẫn còn đi cày mướn ngoài ruộng. Cuộc sống tới đâu hay tới đó chứ không biết làm sao.Ông Minh Đờ
“Đi giăng câu thì có cái khổ của nó, đêm hôm mưa gió. Còn vác lúa này chỉ là ban ngày nhưng nặng nhọc hơn. Tôi vác lúa cũng khoảng mười mấy năm nay. Trong nhóm vác lúa của tôi thì tôi là người lớn nhất, còn nhỏ nhất cũng có mấy đứa hơn 20 tuổi.”
Vùng đất dọc sông Hậu nổi tiếng nước non trù phú, cây cối bạc ngàn và những cánh đồng thẳng tắp trải dài thơm mùi sữa. Mỗi năm 3 vụ, đến khi có thu hoạch là dân cửu vạn “mừng rơn”.
Mùa này đang là lúc thu hoạch vụ ba, các đồng lúa giờ chỉ còn trơ gốc rạ. Hàng ngàn tấn lúa to nằm chồng chất từng bao đặt khắp các bờ kênh. Nhiệm vụ của những người vác lúa mướn là mang những bao lúa ấy xuống ghe cho các tay lái buôn từ miệt Đồng Tháp, Cần Thơ…sang.
Mùa này các đợt lũ vừa qua đi, các cơn mưa nặng hạt cũng vừa ngớt nhưng đất ruộng còn sình lầy nhễ nhại. Các ụ rơm còn ướt nằm vươn vại trên các con kênh trơn trợt như tăng thêm cái nhọc nhằn cho người thợ vác mướn.
Nhưng mùa này cũng là mùa kiếm tiền, nên bệnh là một thứ xa xỉ…
“Một năm có 3 vụ. Hiện tại (tháng 10-11) đang là vụ ba. Đến tháng 2 – tháng 3 thì đến vụ Đông Xuân; tháng 4-5 là vụ Hè thu. Sau đó lại đến vụ ba. Mỗi một vụ, lúa vác được nửa tháng – 20 ngày là hết. Có nhiều hoàn cảnh cho nên dù nghèo khổ cũng ráng đi làm. Nhiều khi mệt mỏi thì cũng muốn nghỉ nhưng nếu nghỉ thì coi như mất đồng tiền cho nên cũng ráng đi làm. Ráng thì cũng qua thôi. Chừng nào bệnh nặng thì thôi chứ bệnh nhẹ thì cũng lướt qua được hết”.
Một ngày của dân vác lúa mướn ở đây luôn bắt đầu từ hơn 4 giờ sáng, lúc trời chưa kịp hừng đông, ngửa lòng tay còn không thấy. Và kết thúc một ngày của họ, thường cũng là lúc không thấy được mặt trời:
“Có lúc 11 giờ đêm mới về nhà vì chủ ghe mua lúa ở chỗ xa. Phải chờ xe kéo đến nên chậm trễ. Có lúc lúa có sớm thì 7-8 giờ là có lúa để vác. Thậm chí có lúc 6 giờ đã có lúa vác nhưng có khi đến đó rồi cũng không có lúa để vác. Khi có lúa, khi không, chỉ ngồi đó chờ mà thôi. Có những lúc chờ từ sáng sớm đến 11-12 giờ trưa mới có lúa để vác.”
Kiếm 70 ngàn mỗi ngày
Nhiều khi mệt mỏi thì cũng muốn nghỉ nhưng nếu nghỉ thì coi như mất đồng tiền cho nên cũng ráng đi làm. Ráng thì cũng qua thôi.Một người vác lúa
Khu vực ở các xã quanh phường núi Sam, hầu hết đàn ông đều làm nghề vác lúa mướn. Cái nghèo cũng đưa đẩy và gắn kết họ với những người đồng cảnh ngộ. Nhưng những câu chuyện hôn nhân của họ, nghe cũng chạnh lòng. Bà Hằng, vợ ông Minh Đờ chia sẻ:
“Đông người vác lúa lắm. Cả xóm tôi có mười mấy người. Họ đều là những người nghèo cả, toàn là dân làm mướn. Nghèo thì gặp nghèo với nhau chứ người giàu nào mà chịu lấy người nghèo. Mình thân phận nghèo với nhau thì về ở với nhau, cũng chẳng có đất cát gì cả.
Mới gặp ông xã thì khổ lắm, không có cái nhà mà ở. Lúc đó ông đang ở đậu nhà bà con mà tôi thương nên chấp nhận. Về với ông, chúng tôi không có một cái chén lành mà ăn cơm. Nhưng tôi chấp nhận và ở chung đến giờ.”
Mỗi một nhóm vác lúa thường tụ lại thành khoảng hơn 10 người, ngồi “chờ tài” tại các con kênh. Các chủ ghe thường giao khoán cả trăm tấn một lần và các nhóm thợ thay nhau vác. Mỗi tấn lúa vác được, người thợ kiếm được 35 ngàn đồng.
“Khi lúa chín thì chủ ruộng sau khi thu hoạch bán cho các thương lái đi ghe. Đây là những người mướn thợ vác lúa. Mỗi lần, họ thuê vác cả trăm tấn. Tại bến có khoảng mười mấy người. Mỗi một tấn lúa vác được thì được chủ trả cho 35 ngàn”.
Để kiếm được 70 ngàn mỗi ngày, một người thợ phải vác 2 tấn lúa trên vai, đi từ bờ ruộng chất lên ghe. Có những lúc kiếm được 100 ngàn mỗi ngày, là ngày mà thợ vác lúa gọi là “trúng mánh” và “vui thấy rõ”. Nhưng đó cũng là ngày mà họ đau nhức nhiều hơn, về nhà là rã rời và chỉ biết vùi vào giấc ngủ. Nhưng cũng có lúc, ngồi từ sáng đến tối mịt, mỗi người chỉ cầm trên tay 10 ngàn đồng.
“Tùy hôm. Có hôm nhiều thì kiếm được một trăm ngàn. Có hôm thì 70-80 ngàn. Hôm nào ít thì kiếm được 50 ngàn; thậm chí có hôm chỉ kiếm được mười mấy ngàn. Đó là nhằm bữa không có lúa. Tất cả anh em mà chỉ vác có 5-7 tấn lúa thì chia ra chỉ được như vậy.”
Cái bấp bênh của nghề cửu vạn là nếu chưa đến cuối ngày, thì không ai có thể biết mình có thể kiếm đươc bao nhiêu tiền và nếu chưa về đến nhà, không thể biết được bao giờ mới kết thúc một ngày của mình, để những bữa cơm gia đình cũng trở nên nhạt nhẽo. Vợ ông Minh Đờ tâm sự:
“Những khi ấy thì tôi rất là trông mong ông. Tôi nằm ở nhà chờ đợi mòn mỏi đợi ông về ăn cơm mà cũng lạt miệng. Mỗi khi chờ đến khuya mà ông chưa về, tôi ăn cơm một mình cũng không ngon. Đành phải chờ ông”.
Ngày mai sẽ ra sao?
Những người vác lúa mướn ở vùng Đồng bằng sông Cửa Long thường là dân nghèo không ruộng, và cũng không có vốn sinh nhai. Ở cái xứ gần vùng biên như thị xã Châu Đốc, cái duy nhất mà họ có thể bán là sức lao động.
“Nói chung là cũng cực lắm nhưng nghèo khổ thì phải ráng, chứ không làm không được. Nhà tôi không có miếng đất nào cả, chỉ toàn đi làm mướn thôi. Nếu mà buôn bán lớn thì không có tiền làm vốn. Còn buôn bán nhỏ thì chỉ là bán nhang dạo mà thôi. Những nghề đó chụp giựt quá, tôi làm không được. Tôi quen với việc đồng bái rồi, nên đi bán như thế không lại người ta.”
Những người vác lúa mướn luôn đi chân trần, thật thà như cục đất. Buổi ăn sáng của họ cũng qua quít cơn trắng, cá khô. Buổi trưa, tranh thủ lúc vắng khách, mỗi người chọn một gốc cây bỏ bụng chút cơm mang theo rồi làm tiếp. Có hôm nhiều lúa, vì ham làm mà họ chỉ kịp lau mồ hôi, nuốt nước bọt rồi làm tiếp.
“Chúng tôi nấu cơm nhà dở theo. Buổi sáng thì chúng tôi ăn cơm ở nhà trước. Đến trưa, khi lúa ngơi một chút thì tranh thủ ăn chút cơm rồi làm tiếp.”
Cái may mắn của dân cửu vạn ở đây là ít xảy ra cảnh giành giật khách hàng bởi có lẽ họ đều có mối lái riêng, mà cũng có lẽ vì họ đều là những người không thể chịu được sự giành giật của cái nghề buôn bán.
Có hôm nhiều thì kiếm được một trăm ngàn. Có hôm thì 70-80 ngàn. Hôm nào ít thì kiếm được 50 ngàn; thậm chí có hôm chỉ kiếm được mười mấy
ngàn.Một người vác lúa
“Có lúa thì vác, chứ không giành giật nhau. Yếu hay mạnh gì cũng vác bằng nhau cả. Sau khi mỗi bao lúa được cân xong thì chúng tôi thay phiên nhau vác, không ai nạnh ai được.”
Mỗi vụ lúa thu hoạch chỉ kéo dài dăm bữa nửa tháng, ngoài thời gian ấy, dân vác lúa phải đi bắt từng con cá đổi gạo hoặc lại tìm các nghề làm thuê khác, đôi lúc khó khăn trăm bề. Trong nhóm vác lúa, ông Minh Đờ có lẽ là một trong những người lớn tuổi nhất. Ở cái tuổi ngoài 50, thì cái khó còn tăng lên gấp bội.
“Nói chung ở đây, nếu ai không làm nghề cá thì đa số làm mướn. Có lúa thì vác lúa, hết lúa thì làm hồ. Cứ làm hoài như thế. Ngày nào cũng làm cả, không có ngày nào là Chủ nhật cả. Có những lúc đến tối giao thừa mà vẫn còn đi cày mướn ngoài ruộng. Cuộc sống tới đâu hay tới đó chứ không biết làm sao. Hoàn cảnh mình như vậy thì chỉ sống như vậy, đâu mong muốn gì hơn. Giàu có thì mình cũng mong như biết đâu mà giàu có được.”
Trò chuyện với những người thợ vác lúa, mới thấy có quá nhiều điều họ không thể trả lời, kể cả trả lời về cái ngày mai của họ. Có lẽ tất cả những gì họ biết chắc là mỗi một tấn lúa được vác, họ được trả 35 ngàn đồng. Về ĐBSCL, vựa lúa của đất nước, không hề thiếu những cánh đồng cò bay thẳng cánh, không thể thiếu nhưng con kênh rạch phẳng lì dài hàng km và không hề thiếu những đồng lúa vàng ươm mùa trĩu hạt. Nhưng chỉ cần nhìn sang một góc khác, sẽ thấy từng tấm lưng trần nhễ nhại mồ hôi đánh vật với từng tấn lúa đong gạo hàng ngày. Những tấm lưng cong đen đủi như những dấu hỏi cho tương lai cái phận nghèo của từng đoàn người thợ mướn. Biết thế, nhưng câu trả lời cũng chỉ là một dấu lặng.
Quý vị vừa đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”, mời quý vị viết thư cho Quỳnh Chi, cũng như chia sẻ câu chuyện của mình tại email QUYNHCHI@RFA.ORG; hoặc kết nối với Quỳnh Chi trên Facebook và Twitter. Xin kính chào, và hẹn gặp lại vào kỳ tới.
Nguồn lấy từ: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/coolies-trade-labor-for-rice-qc-12052011131600.html
0 comments:
Post a Comment