Kurt Achin | Seoul
Ông Jang Hae-sung là nhà báo ở Bình Nhưỡng, từng tường thuật cái chết năm 1994 của nhà lập quốc Kim Il Sung, thân phụ Kim Jong Il, được người Bắc Triều Tiên xem là thánh sống.
Ông Jang đã bỏ trốn xuống miền nam trong thập niên 1960. Ông không thể nín cười khi được hỏi về những hình ảnh khóc lóc ở Bắc Triều Tiên sau cái chết của lãnh tụ Kim Jong Il:
“Họ được chỉ thị phải khóc. Bề ngoài, họ phải đóng kịch bằng cách khoác một bộ mặt đau buồn và khóc lóc khi đứng trước tượng và chân dung lãnh tụ. Nhưng bên trong tôi nghĩ 90% người dân hoan nghênh cái chết, xem đó là một diễn biến hy vọng.”
Ông Do Myeong Hak, thuộc hội trí thức Bắc Triều Tiên đào thoát xuống miền nam, nói rằng những giọt nước mắt cho cái chết của Kim Il Sung ít ra cũng thành thực hơn, so với cái chết của Kim Jong Il:
“Khi Kim Il Sung chết, người ta khóc như mưa, nước mắt lau không kịp. Lần này thì người ta không có vấn đề gì khi chùi nước mắt, có nhiều người còn giả vờ lau nước mắt để cho người ta khỏi nghĩ mình chẳng có giọt nào. Đảng bao trùm tất cả, đảng theo dõi xem ai khóc nhiều nhất và ai không khóc, thậm chí họ còn thâu hình nữa.”
Ông Kim Young Il, một người đào thoát khác, hãy còn trẻ khi Kim Il Sung chết. Dù vậy, ông cũng nhớ là lúc bấy giờ, những ai không tỏ vẻ đau buồn có thể gặp tương lai nguy hiểm:
“Người đó có thể bị xem là kẻ xúc phạm chính trị. Anh ta không bị bắt ngay chỗ đông người nhưng công an sẽ đến nhà vào ban đêm để lôi đi. Đó là một cơ chế mà họ đã sống ngay từ khi mới đẻ. Đó là lý do họ phải khóc, cho dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra.”
Nhiều người đào thoát nói đằng sau những giọt nước mắt, có thể nhiều người Bắc Triều Tiên hy vọng với một lãnh tụ mới mẻ, trẻ tuổi, đất nước họ có thể thay đổi tích cực.
0 comments:
Post a Comment