Erica Evans * Nguyễn Trọng Dân lược dịch - Trung Cộng lớn lối gần như tát vào mặt Hoa Kỳ khi lần đầu tiên kể từ hơn mười năm qua, từ chối chiếc hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis ghé bến Hồng Kông. Thông điệp của Trung Cộng muốn cho thế giới và Hoa Kỳ thấy đây là vùng biển do Trung Cộng có toàn quyền kiểm soát và quyết định cho phép ai ra ai vào.
Thông qua Thái độ lớn lối này, Trung Cộng muốn đáp trả những chỉ trích nặng nề của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đối với sự cố chấp hiếu chiến của Trung Cộng khi vẫn tiếp tục cho xây các cơ sở quân sự một cách trái phép trên các đảo còn đang tranh chấp vào hai tuần trước nhân khi ông đi khảo sát tình hình tại vùng biển Đông gần đảo Scarborough Shoal cùng với bộ trưởng Quốc Phòng Phi Luật Tân là ông Voltaire Gazmin.
Căng thẳng tại biển Đông không còn lạ lẫm nữa, một vùng biển có tổng số giá trị vận tải hàng hóa năm ngàn tỷ Mỹ kim mỗi năm. Đã từ lâu, các nước trong vùng như Phi, Việt Nam hay Trung Cộng đã cố khẳng định chủ quyền của mình trên nhiều đảo khác nhau tại vùng này nhằm mở rộng tiềm năng dự trữ dầu hỏa của quốc gia mình cũng như bảo vệ nguồn cá dồi dào tại nơi này.
Hoa Kỳ hiện chưa công khai thừa nhận ủng hộ quan điểm chủ quyền của bất cứ quốc gia nào trong vùng và vẫn cố gắng duy trì quyền tự do hàng hải theo công pháp quốc tế. Tuy nhiên, Trung Cộng vẫn ngang ngạnh củng cố sự kiểm soát của mình lên nơi này bằng cách cho xây nhiều cơ sở quân sự trên các đảo trong vùng còn đang tranh chấp bất chấp công pháp quốc tế.
Euan Graham thuộc viện nghiên cứu công pháp quốc tế Lowy khẳng định: "Dã tâm độc chiếm biển Đông của Trung Cộng đã có từ lâu. Tốc độ hiện đại hóa Hải quân của Trung Cộng rất đáng lo ngại."
Cố gắng ngăn cản dã tâm của Trung Cộng, Hoa Kỳ đã đưa ra đường lối "Tự do hàng hải" vào mùa thu năm 2015 rồi thường xuyên tuần tiểu và hiện diện Hải quân ở vùng này - Lần tuần tiểu thứ ba sẽ xảy ra trong nay mai. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng hợp tác với các nước trong vùng như Phi tuần tra từ Không đến Hải vào tháng Ba & tháng Tư năm nay để ngăn cản sự bành trướng không hải của Trung Cộng. Thế nhưng Trung Cộng vẫn không trùn bước mà cứ lấn tới; đã có nhiều lời đề nghị Hoa Kỳ phải cứng rắn hơn nữa trong đối sách tại biển Đông để đáp trả sự hiếu chiến ngang ngược bành trướng của Trung Cộng.
Tư Lệnh Không - Hải Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris là người đề nghị cần phải cứng rắn hơn nữa với Trung Cộng, trong đó không loại trừ cả việc khai hỏa. Theo tạp chí Hải-quân "Navy Times", vị đô đốc Tư Lệnh này đã yêu cầu Hoa Kỳ tăng cường thêm tàu ngầm công phá và các dàn hỏa tiển tầm xa hải đối hải, hải đối không trong vùng cũng như thường xuyên tập trận cách mười hai hải lý tại các đảo mà Trung Cộng đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho quân sự. Ngoài ra còn có đề nghị là Hoa Kỳ cần phải hủy bỏ lời mời Trung Cộng tập trận chung vào mùa hè này tại Trân Châu Cảng có tên là International Rim of the Pacific (RIMPAC). Tuy nhiên, tạp chí này cho biết chính phủ Obama không đồng ý trước những lời đề nghị này.
Trong lúc Hoa Kỳ đang cố mềm mỏng để né tránh xung đột như thế thì phía Trung Cộng lại hung hãn lộ rõ khi hôm thứ Tư (ngày 4 tháng Năm 2016) tuyên bố họ sẽ tiến hành tập trận hải chiến có cả tàu ngầm công phá, chiến hạm hiện đại ngay trong vùng đảo họ đang xây trái phép. Và trong khi tòa án quốc tế về biển Đông tại Hague đang thừa nhận sự chính đáng về chủ quyền của Phi tại khu biển đảo Scarborough thì Trung Cộng đưa quân đến nơi này đồn trú ngang nhiên coi chẳng ra gì. Thái độ của Trung Cộng cho thấy quốc gia Cộng Sản này không chịu tuân thủ cũng như từ chối mọi phán quyết của công pháp quốc tế mà chỉ cố đeo đuổi theo vũ lực lấn chiếm.
Trung Cộng cũng lôi kéo được một vài quốc gia ủng hộ lập trường của mình. Nga khẳng định họ ủng hộ nỗ lực giảm bớt ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong vùng và đồng ý tranh chấp cần được thông qua đối thoại tay đôi giữa các nước tranh chấp yếu đuối trong vùng với Trung Cộng hùng mạnh hung hãn lấn hiếp thay vì đem vấn đề tranh chấp ra bàn thảo trước hội đồng quốc tế. Brunei, Cambodia và Lào cũng ngã theo lập trường của Trung Cộng, phản đối sự can thiệp của cộng đồng thế giới nhằm ổn định vùng này.
Rõ khổ một điều là nếu dựa vào lập trường của Trung Cộng, bàn thảo tay đôi tranh chấp chủ quyền tại biển Đông đối với Trung Cộng thì chẳng có quốc gia nào trong vùng như Việt Nam hay Phi Luật Tân đủ mạnh để kháng cự sự lấn hiếp của Trung Cộng để rồi lần hồi dẫn đến sự chấp nhận buộc phải mất dần chủ quyền lãnh hải của mình.
Chủ tịch tổ chức lừng danh Bower Group Asia, chuyên tư vấn phân tích và cố vấn cho mọi vấn đề tại Đông Nam Á, là Ernie Bower khẳng định: "Toàn bộ vùng Đông Nam Á cần có sự quan tâm sâu hơn nữa từ Cộng đồng thế giới nhằm đẩy lùi sự lấn hiếp ngang ngược của Trung Cộng, tự cho mình bá chủ vùng này và có quyền kiểm soát toàn bộ lãnh hải trong vùng bất chấp công pháp và lý lẽ."
Lần hồi, Việt Nam và Phi đang củng cố mối quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ Ngoài việc hổ trợ cho đồng minh trong vùng, Hoa Kỳ gần như đang cạn dần đối sách trước tình thế hiện nay khi cố né tránh xung đột.
William Frasure, giáo sư về ngành quản trị tại đại học Connecticut viết trên tạp chí Diplomat như sau: "Các quốc gia trong vùng đang đối phó trước sự lấn hiếp của Trung Cộng cần phải hiểu rõ sự khó khăn muôn trùng mà chính phủ Hoa Kỳ gặp phải khi vận động người dân ủng hộ khai hỏa thẳng vào Trung Cộng - bởi vì những hòn đảo đá ở biển Đông quá xa lạ chẳng dính líu gì đến đời sống người dân Mỹ."
Cũng theo giáo sư Frasure, cũng vì nắm được yếu tố này nên Trung Cộng cứ thản nhiên duy trì chính sách hung hãn lấn hiếp của mình tại biển Đông, thực hiện từ từ từng bước nhỏ, tiếp tục cho xây cơ sở quân sự trên đảo nhân tạo bất chấp công pháp, thậm chí đặt thêm hỏa tiển tầm xa tại nơi này cũng như điều chiến đấu cơ ra đáp lên những đảo nhân tạo (mới xây) này để củng cố sự kiểm soát của mình. Ngày nào mà Trung Công biết rõ họ không phải hứng chịu hỏa lực của Hoa Kỳ thì ngày đó, chiến thuật lấn chiếm lãnh hải từ từ tại biển Đông của quốc gia Cộng Sản này còn tiếp tục.
Ghi chú của người dịch:
1. The Cipher Brief là một tổ chức tư nhân chuyên môn cung cấp và tư vấn thông tin tin tức cũng như làm môi giới cho các liên hệ kinh doanh cần thiết. The Cipher Brief do Suzanne Kelly, cựu viên chức chuyên đặc trách về các tin tức tình báo của hãng thông tấn CNN sáng lập.
2. Bài viết này có gốc gác từ giới báo chí CNN Hoa Kỳ cho thấy giới truyền thông tại xứ sở này đang muốn người dân hiểu rõ hơn về tình hình tại biển Đông để ủng hộ một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Cộng - nhất là tình trạng danh dự mặt mũi của nước Mỹ đang bị Trung Cộng phẹt nhổ quá công khai.
3. Ở đầu bài viết, tác giả đề cập đến "vận tải hàng hóa năm ngàn tỷ Mỹ kim mỗi năm" thế mà gần cuối bài, t/g lại đề cập tâm lý thông thường của cả xã hội Hoa Kỳ ra cho rằng đây là "những hòn đảo xa la chẳng có dính líu gì đến đời sống người dân Mỹ" thì đúng là tương phản khôi hài không hợp lý. Đây là lối viết khích nhẹ nhàng để kêu gọi người dân Mỹ hãy thay đổi thái độ rất khéo léo của tác giả.
0 comments:
Post a Comment