Sunday, June 8, 2014

Vợ con quan chức TQ 'phải về nước'


• BBC - chủ nhật, 8 tháng 6, 2014


Nhân vật từng rất quyền lực, Bạc Hy Lai, đã cho con sang Anh học
Một cuộc điều tra tại Trung Quốc tiết lộ rằng hơn 1.000 quan chức ở tỉnh Quảng Đông ở miền nam có vợ hoặc con sống ở nước ngoài. Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc muốn chấm dứt tình trạng này bởi họ tin rằng đây có liên quan tới tình trạng tham nhũng.

• Việc có người nhà sinh sống ở nước ngoài không phải là điều bất hợp pháp, nhưng nó khiến cho các quan chức tham nhũng có thể gửi tiền kiếm được một cách bất hợp pháp ra nước ngoài.

Các quan chức Quảng Đông được yêu cầu phải đưa gia đình trở về, hoặc phải xin nghỉ việc, nếu không sẽ bị giáng cấp.

Gia đình hay công việc?

Hãng tin chính thức của nhà nước, Tân Hoa Xã, nói rằng đảng cộng sản tại Quảng Đông đã có cuộc điều tra kéo dài trong hai tháng đối với một nhóm được biết đến như "các quan chức không tài sản".

Tên gọi này được dùng cho các công bộc Trung Quốc có thành viên gia đình ra nước ngoài sinh sống. Một số người sau đó đã chuyển những khoản thu nhập bất chính cho thân nhân ở nước ngoài, khiến bản thân họ trở thành người không có mấy tài sản ở Trung Quốc.

Chừng 200 quan chức Quảng Đông đã yêu cầu gia đình trở về Trung Quốc, Tân Hoa Xã nói. Còn 866 người khác chấp nhận bị giáng chức, trong đó có chín quan chức cấp tỉnh.

Một người, họ Lưu, nói với Tân Hoa Xã rằng ông bỏ việc thay vì buộc vợ phải từ Hong Kong trở về, nơi có quy chế pháp lý độc lập với Trung Hoa đại lục.

"Tôi nói với cha mẹ và vợ về quy định mới của chính quyền trung ương và chính quyền tỉnh, nhưng vợ tôi muốn sống ở Hong Kong hơn. Vì cuộc sống gia đình với tôi cũng quan trọng không kém, tôi quyết định ủng hộ vợ và từ bỏ công việc của mình," ông nói.

Các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm đã cho người thân ra nước ngoài sinh sống và học tập.

Cựu ủy viên Bộ chính trị nay đã bị thất sủng, ông Bạc Hy Lai, đã cho con trai sang học tại trường tư danh tiếng và đắt đỏ của Anh, trường Harrow.

Ông Bạc hồi năm ngoái bị kết tội tham nhũng và lạm quyền.



Cái giá trăm tỷ đô của chống tham nhũng
John Sudworth BBC News, Thượng Hải


Hàng xa xỉ hiện đang giảm doanh số bán kể từ khi có chiến dịch chống tham nhũng.
Người ta nói nhiều về chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Trung Quốc, nhưng nay một trong các ngân hàng lớn nhất đã đưa ra cái giá phải trả.

Theo một báo cáo của Bank of America Merrill Lynch (BofAML) vào tuần này, chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc có thể làm nền kinh tế nước này mất hơn 100 tỉ đô la chỉ tính riêng trong năm nay.

• Đó hẳn là con số không nhỏ bởi cũng xấp xỉ kích cỡ nền kinh tế của Bangladesh, quốc gia có 150 triệu dân.

Nhiều hệ lụy nhỏ của chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói tới gồm việc các nhà hàng bớt khách tới ăn uống, doanh thu hàng xa xỉ sụt giảm.

Đặc biệt có thể dễ thấy là các cửa hàng bán đồ quần áo và vật dụng sang trọng tại Thượng Hải trong vòng hơn một năm qua ít khách hơn trước.

Tuy nhiên báo cáo của BofAML cho thấy chiến dịch này cũng có hệ lụy đáng kể đối với nền kinh tế có vấn đề về vĩ mô.

Khoảng đầu năm nay, số tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng của chính phủ tăng mạnh, với khoảng 30% tính theo năm.

Báo cáo nói thậm chí các quan chức “sạch sẽ” nay cũng sợ triển khai các dự án mới vì lo bị xem là tham nhũng và giải pháp họ chọn là giữ công quĩ trong tài khoản ngân hàng quốc doanh.

Tổng phí tổn cho nền kinh tế từ việc hạn chế chi tiêu trong chính phủ và thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu hành chính được cho là làm giảm tăng trưởng khoảng 0.6% trong năm nay.

Tuy nhiên, báo cáo này nói rằng mức giảm tăng trưởng có thể lên tới 1.5%, nghĩa là theo tính toán sơ bộ của tôi là vào khoảng 135 tỉ đô la cho các hoạt động kinh tế.

'Đi quá đà'


Chính phủ TQ đang có chiến dịch chống mại dâm
Tác giả của phúc trình này thừa nhận tính toán của họ chỉ là có tính sơ bộ.

Nhưng nếu chỉ đúng có một nửa thì cũng là số tiền rất lớn và cho thấy một trong các thách thức cho tổng tư lệnh chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc.

Kể từ khi nhậm chức cách đây hơn một năm, ông Tập đã nói về mục tiêu của mình và cảnh báo nạn tiêu sài lãng phí và tham nhũng trong giới quan chức có thể đe dọa cho chính sự tồn tại của Đảng Cộng Sản đương quyền.

Vào tuần này, tin chưa xác nhận nói chính quyền đã tịch thu số tài sản hơn 14 tỷ Mỹ kim của gia đình và nhóm thân cận với ông Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo ngành an ninh và là một trong số người từng có thế lực nhất Trung Quốc.

Tất nhiên là việc đánh sập bộ khung quyền lực như vậy không thể không gắn với các rủi ro lớn.

Vào tuần này cũng có tin nói rằng cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân gửi thông điệp tới giới lãnh đạo hiện nay rằng đừng để nỗ lực chống tham nhũng đi quá đà.

Evan Osnos trên tờ New Yorker nhắc lại lời nhà lão thành cách mạng Trần Vân (1905-1995) từng nói:

"Chống tham nhũng nhẹ quá rồi thì đất nước bị hủy hoại, mà chống mạnh quá thì sẽ phá vỡ Đảng.”

Báo cáo của BofAML đề cập tới hệ lụy của nỗ lực chống tham nhũng đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Chẳng mấy khi người ta thấy ngân hàng đầu tư nước ngoài bàn luận tầm quan trọng vĩ mô của mại dâm, nhưng báo cáo này cũng chỉ ra rằng chiến dịch chống tham nhũng đã và đang nhắm vào nghề phấn hương ở hàng chục thành phố.

Chiến dịch này đã có tác dụng ngược đối với một số mảng kinh doanh trong công nghiệp dịch vụ, báo cáo này nhận định.

Nếu sống lại, ông Trần Vân có thể nói thêm về nhận định thứ ba của mình về cái khó trong việc cân đối khi chống tham nhũng, đó là dù có không phải lo lắng cho Đảng thì chống tham nhũng mạnh tay quá cũng sẽ phá cả nền kinh tế.


TQ sắp xử tướng cao cấp

Trung tướng Cốc Tuấn Sơn bị tố cáo sống xa hoa
Trung Quốc buộc tội một quan chức cấp cao quân đội vì tham nhũng, lạm dụng ngân sách nhà nước và lạm quyền, theo truyền thông nước này.

Nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Trung tướng Cốc Tuấn Sơn, là quan chức quân đội cấp cao nhất bị tòa án binh xử kể từ năm 2006.

• Ông bị tước quyền năm 2012 và bị điều tra cho tới nay.

Kể từ khi trở thành lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc năm 2012, ông Tập Cận Bình hứa sẽ trị cả "ruồi lẫn hổ" trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà ông cho là đe dọa sự tồn tại của Đảng.

"Cốc Tuấn Sơn bị khởi tố vì tình nghi phạm tội tham nhũng, nhận hối lộ, thụt két và lạm dụng quyền lực," Tân Hoa xã đưa tin hôm thứ Hai 31/03, nói thêm rằng ông sẽ bị xử ở tòa án binh.

Các phóng viên cho biết rất hiếm có nhân vật quân đội cấp cao nào bị xử theo cách này, và gần như chắc chắn sẽ bị tuyên có tội.

Tạp chí chuyên về điều tra Tài Tân có bài viết về phong cách sống xa hoa của Tướng Cốc, nói ông sở hữu vài ngôi nhà, trong đó có một nhà ở tỉnh Hà Nam phỏng theo phong cách hoàng cung xưa với nhiều tác phẩm nghệ thuật hay tượng bằng vàng.

Cấp trên của Tướng Cốc là Từ Tài Hậu, cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cũng bị bắt giữ và đang trong quá trình điều tra, theo các báo South China Morning Post, Reuters và New York Times.

Một số quan chức cao cấp của chính phủ cũng bị điều tra và bị xử tội tham nhũng trong năm qua.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã xử một số nhà hoạt động chống tham nhũng, động thái bị các nhóm bảo vệ nhân quyền chỉ trích.



Tướng TQ bị tịch thu vàng ròng

Cục Hậu cần Quân đội TQ có nhiều vụ tham nhũng - ảnh minh họa
Một trung tướng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, người bị phát hiện có nhiều nhà riêng, tượng bằng vàng thật và không ít các tủ rượu đắt tiền, đã mất chức sau điều tra chống tham nhũng.

Trung tướng ngành hậu cần, ông Cốc Tuấn San đã bị cách chức và tin tức hồi đầu năm 2014 nói ông bị điều tra tài sản, AFP trích nguồn báo chí Trung Quốc.

Ngoài hơn 10 căn hộ hạng sang tại Bắc Kinh ông còn có một tòa biệt thự ở quê nhà tại tỉnh Hà Nam, nơi trưng bày ‘các tác phẩm nghệ thuật’ bằng vàng ròng.

Toàn bộ số vàng này, gồm một tượng vàng Mao Trạch Đông, một chiếc thuyền vàng và một bồn rửa bằng vàng đã bị cơ quan điều tra tịch thu.

Tòa biệt thự của ông to tới mức dân chúng địa phương gọi nó là ‘Tòa ông Tướng”.

Theo trang Caixin của Trung Quốc, “từ lâu nay, các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong ngành hậu cần của quân đội đã có, nhưng các vụ lại quả rất lớn thường được che dấu khỏi con mắt dư luận”.

Hai năm điều tra

Vụ tướng họ Cốc bị lộ là kết quả của hai năm điều tra và người ta xử lý ông ta từng bước một.


Trung Quốc có không ít tượng Mao bằng vàng ròng - hình minh họa
Hồi đầu năm 2012, ai chú ý kỹ sẽ không còn thấy tên ông Cốc trong danh sách sỹ quan cao cấp Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng.

Năm ngoái, tên trung tướng Cốc Tuấn San bị bỏ khỏi trang web Bộ Quốc phòng, một dấu hiệu ông đã mất chức.

Tháng 8/2013, một giáo sư tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc đã đề cập gián tiếp đến các vụ tham nhũng trong ngành hậu cần của quân đội khi trả lời phỏng vấn báo chí.

Tuy thế, chỉ tháng này tin tức về của cải mà ông Cốc kiếm được và lối sống xa hoa của ông mới được tiết lộ ra bên ngoài.

Điều này cho thấy quá trình chống tham nhũng nhằm vào quan chức, tướng lĩnh ở Trung Quốc vẫn không minh bạch và thường bị ‘khoanh vùng’ cho tới khi giới lãnh đạo cao nhất quyết định tiết lộ ra.

Thời gian qua, báo chí Trung Quốc nói có thêm nhiều quan chức cao cấp bị điều tra tham nhũng nhưng không nêu tên họ mà chỉ nhấn mạnh rằng chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình không chừa một ai.

Trước năm mới Giáp Ngọ, lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh không tổ chức các lễ lạt linh đình và cấm quan chức tặng biếu nhau quà Tết đắt tiền.

Cũng trong tuần này, Quân Giải phóng tuyên bố họ sẽ chỉ mua xe hơi sản xuất nội địa để tiết kiệm ngân quỹ, theo Tân Hoa Xã.

Trang Hoàn Cầu thì dự đoán trong năm 2014 “chống tham nhũng sẽ được làm mạnh tay hơn nữa”.



Thêm quan chức TQ bị điều tra

Quan chức Lý Sùng Hy của Tứ Xuyên từng là trợ lý của ông Chu Vĩnh Khang
Một quan chức cố vấn chính trị hàng đầu Trung Quốc, người từng làm trợ lý cho ông cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, đang bị điều tra vì ‘tội tham nhũng’, cơ quan thanh tra Chính phủ nói.

Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) tỉnh Tứ Xuyên, ông Lý Sùng Hy bị nghi vi phạm "kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng".

Chủ tịch Tập Cận Bình nói cuộc chiến chống tham nhũng trong Đảng Cộng sản là ưu tiên hàng đầu .

Hôm thứ Bảy, truyền thông nhà nước cho hay hơn 500 quan chức ở tỉnh Hồ Nam đã từ chức sau một vụ bê bối nhận hối lộ bán phiếu bầu.

"Lý Sùng Hy, Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Tứ Xuyên, hiện đang bị điều tra vì nghi ngờ có hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng," cơ quan thanh tra của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay trong một tuyên bố trên trang mạng chính thức.

Tuyên bố không đưa ra các chi tiết khác. Tuy nhiên, thuật ngữ "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng" thường được sử dụng để đề cập hành vi tham nhũng do các đảng viên Cộng sản mắc phải.

Ông Lý đã không có bình luận công khai về tuyên bố.

'Nguy cơ làm đổ Đảng'

Một số quan chức hàng đầu khác bị soi xét kỹ trong năm qua.

Cựu lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) Tưởng Khiết Mẫn và cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành cũng bị điều tra về tham nhũng. Cả hai nhân vật này đều từng làm việc với ông Chu Vĩnh Khang, một trong những cựu lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Trong mấy tháng qua, đã có các tin đồn bên cạnh các tin tức rằng ông Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra tham nhũng, theo các phóng viên.

Ông Chu, cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan chính trị quyền lực nhất ở nước này, là người bảo trợ cho chính trị gia bị thất sủng Bạc Hy Lai. Ông Bạc đã bị tuyên án chung thân hồi đầu năm nay vì tội ‘hối lộ và lạm dụng quyền lực’.

Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng tham nhũng có thể làm đổ Đảng Cộng sản và phát động chiến dịch chống tham nhũng, mà theo ông Tập là nhắm mục tiêu vào cả "hổ lẫn ruồi," hàm ‎ý chỉ các quan chức cấp cao và cấp thấp trong bộ máy chính quyền.


Đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân Tây Tạng sau một vụ nhà sư tự thiêu
Những người sử dụng mạng Internet cũng ngày một tăng cường theo dõi những trường hợp được cho là làm sai thông qua các tin tức phơi bầy trên mạng và các ‘chiến dịch’.

'Tham nhũng và bất ổn'

Thế nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy điều này gây lo lắng cho nhà chức trách, với một số nhà báo đã bị bắt vì "tung tin đồn" và một blogger nổi tiếng đã bị bắt giữ.

Trong lúc chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang diễn ra, gần đây xảy ra nhiều vụ bất ổn ở các địa phương.

Mới đây nhất, chính quyền đã bắn chết 14 người ở Tân Cương với cáo buộc họ là các 'phần tử khủng bố', trong lúc người phát ngôn của tổ chức Đại hội Duy Ngô Nhĩ nói trong cuộc đột kích này, 12 người bị hạ sát là thường dân và hai người còn lại đang ở tuổi vị thành niên.

Tại Tây Tạng, cũng tiếp tục diễn ra các cuộc phản đối nhà cầm quyền của cư dân đại phương.

Trong đó hôm 19/12, đã xảy ra thêm một vụ nhà sư tự thiêu phản đối 'sự thống trị' của nhà cầm quyền Bắc Kinh ở Tây Tạng và xu thế 'Hán hóa' vùng đất này, theo giới quan sát.

0 comments:

Powered By Blogger