SÀI GÒN -Có một vị Việt kiều lớn tuổi, sau 10 ngày về Sài Gòn. Ông đặt ra một câu hỏi thú vị là: Ðơn vị tiền tệ nhỏ nhất còn có giá trị lưu hành ở Việt Nam hiện nay có mệnh giá bao nhiêu?
Một câu hỏi mới nghe qua tưởng đơn giản nhưng sự thật là nhiều người, nhất là tầng lớp mới phất đã quên mất những đơn vị tiền tệ có giá trị cơ bản này.
Trước đây giới lao động ở Sài Gòn còn nhìn thấy tờ giấy bạc mệnh giá 200 VNÐ (hai trăm đồng). Khoảng 5 năm trước, chúng tôi có lần chứng kiến một bà già người lớn tuổi tranh cãi với cô nhân viên ở quầy tính tiền của một siêu thị rằng tại sao không thối tiền thừa lại cho bà. Cô gái này phân bua rằng không có tờ tiền hai trăm để thối, chớ không phải cô tham gì của bà hai trăm đồng.
Ðến thời điểm hiện nay tờ giấy bạc 200 VNÐ coi như mất giá hẳn trên thị trường tiền tệ Việt Nam. Nhưng vì Ngân Hàng Nhà Nước vẫn để lưu hành. Vấn đề đặt ra là nếu ai có có 100 tờ giấy bạc 200 VNÐ cầm trả tiền một tô phở bình dân thì người bán có nhận không? Chúng tôi hỏi một nhà báo, ông này nói: “Ông không khùng thì người lao động cũng không điên, họ nhận thế nào được thứ của nợ đó!” Như vậy là rõ.
Nếu tờ giấy bạc 200 VNÐ không ai nhận xài thì “số phận” tờ giấy bạc 500 VNÐ thì sao? Thỉnh thoảng bản thân tôi đến ăn ở một xe hủ tíu giá rẻ mạt bên rìa cư xá Lữ Gia. Phần ăn của tôi là một tô hủ tíu mì, một chén mì thêm và một ly trà đá.
Tính tới thời điểm hiện nay, tôi dám cá là giá ly trà đá ở đây thuộc loại rẻ nhất Sài Gòn, chỉ 500 VNÐ một ly, chính vì trà đá giá rẻ mà sanh chuyện khó chịu khi tính tiền.
Ông chủ xe hủ tíu nói: “Không có năm trăm thối, ông lấy cục kẹo ngậm đở ghiền nghe.” Tôi bực mình, “ Dân nhậu mà ông cứ thối bằng kẹo hoài vậy cha nội. Không có tờ năm trăm nào ha.” Ông hủ tíu cười trừ, hê, hê! “Nói thiệt chớ ông có trả tôi tôi cũng không lấy, khó xài lắm.” Như vậy, 500 VNÐ tuy còn chút chút giá trị với giới bình dân nhưng tờ giấy bạc 500 VNÐ thì đưa chẳng ai muốn cầm.
Nhưng cũng cần xét lại coi 500 VNÐ lúc này mua được gì. Một ly trà đá ở chỗ bán rẻ nhất, cục kẹo loại dở nhất, cây kim khâu và…
Thú thật chúng tôi dù có cố cũng không biết chỉ với 500 bạc mua được thêm món gì nữa. Vậy thì cầm một tờ 500 VNÐ cho con nít không biết tụi nó có lấy không? Chắc là không, 10 tờ thì may ra.
Nếu cầm cho người ăn xin thì sao? Người ăn xin thiệt thà thì họ sẽ nhận dù trong lòng rất buồn rầu nhưng nếu gặp người ăn xin giả thì coi chừng bị họ cười cho xấu mặt. Giới ăn xin đểu thời nay ở Sài Gòn mở miệng thì chỉ nói: Có “tiền lẻ” cho xin 2,000 VNÐ.
Có người nói đùa rằng, cứ căn cứ theo tính hiệu của giới ăn xin thì sẽ đoán biết giá trị tiền đồng Việt Nam. Thời trước 500 bạc còn có giá thì họ hỏi xin khách 1,000, bây giờ chỉ hỏi xin 2,000. Có người còn “tiên tri” rằng tiền đồng Việt Nam sẽ có tốc độ mất giá khủng hơn khi nghe giới ăn xin trắng trợn hỏi xin 5,000 hoặc 10,000.
Nói đùa như vậy cũng có chút quá đáng nhưng cái gì cũng có cái lý của nó vì đồng tiền có mệnh giá 1,000 VNÐ hiện nay đâu xài được gì nhiều. Một ly trà đá giá phổ biến hiện nay là 2,000 VNÐ, bơm một cái bánh xe gắn máy là 2,000 VNÐ, giá gởi xe máy bèo nhất là 3,000 VNÐ, vài trái ớt vài tép hành lá cũng phải chi ít ra 2,000 VNÐ.
Có một chuyện cũng ngộ ngộ. Ở hẻm chúng tôi ở có một bà cụ làm nghề giao nước đá lẻ cho các quán. Hôm anh nhân viên truyền hình cáp (cable) đến kéo cáp . Xong việc, cụ móc bịch tiền kim loại có mệnh giá từ 500 đến 5,000 để thanh toán hợp đồng. Nhân viên đi bắt cáp truyền hình nhất định không lấy tiền cắc, (người lao động gọi tiền kim loại là tiền cắc hoặc tiền xu) hai bên cứ tranh cãi với nhau suốt.
Bà cụ thì bảo tiền nào cũng là tiền của nhà nước, anh nhân viên thì nói tiền cắc công ty anh không thu. Bà cụ đuối lý khi anh nhân viên chứng minh là công ty có quyền hơn nhà nước đó là quyền cắt cáp nếu bà không chị nộp tiền giấy.
Cuối cùng bà cụ hỏi: “Thế tiền này bây giờ dùng vào việc gì?” Anh nhân viên nói: “Chỉ đồng cắc to nhất (loại 5,000) là còn dùng được.” Bà lại hỏi: “Ðược việc gì?” Anh nhân viên nói: “Bỏ vài đồng vào máy, lấy lon coca uống.” Bà lại nói: “Tiên sư các anh. Muốn chúng nó nuốt trắng trợn hết tiền của bà à.”
Ở thời điểm hiện nay, khi hệ thống tuyên truyền đang hô hào kiềm chế lạm phát, ổn đinh kinh tế vĩ mô… Gần nhất là chuyện ngân hàng nhà nước hạ lãi suất tiền gởi và tiền vay, phải chăng kinh tế siêu lạm phát của Việt Nam đã qua đỉnh điểm khủng hoảng ?
Thay vì căn cứ vào giá vàng, giá đô la, lãi suất ngân hàng, người lao động Viêt Nam chỉ nhìn vào giá thực phẩm, hàng tiêu dùng và nhất là tốc độ mất giá của những đồng tiền mệnh giá thấp, từ đó ai cũng hiểu là chẳng có chút bình ổn nào hết, lạm phát vẫn đang hành hạ đời sống họ mỗi ngày.
Trần Tiến Dũng/Người Việt
0 comments:
Post a Comment