Cha mẹ sống với nhau gần như trọn đời nhưng nói chuyện, câu trước câu sau là đã cãi nhau, gọi là “khắc khẩu”. Những ngày nghỉ, các con tổ chức đi chơi xa, có đứa muốn mời cha mẹ đi chơi cùng, nhưng có đứa cản lại, nói đi với ông bà hay cãi nhau, mất vui. Chồng Sửu vợ Tỵ, Tỵ-Dậu-Sửu “tam hợp,” mà “nhất khắc,” đó là khắc khẩu. Nhất khắc không chết ai, mặc dù ngày nào cũng có chuyện nói qua nói lại, cãi nhau nhưng vì có tới “tam hợp” nên hy vọng sống với nhau ít ra cũng cho tới ngày tóc bạc răng long. Tóc thì bạc cả rồi, răng thì thấy toàn răng giả, nhưng chưa thấy bệnh tật gì trầm trọng, nếu tuổi thọ thì cũng còn “khắc khẩu” vài mươi năm nữa. Không khắc khẩu là đời mất vui, kiểu “chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon,” có người cho là nhàm chán, đơn điệu! Cha mẹ vốn đã không bà con, thân thích gì với nhau, kiểu ca dao gọi là “người dưng khác họ” làm sao để khỏi có sự khác biệt, bất đồng. Thử tưởng tượng một món ăn, cha khen ngon, mẹ cũng bảo ngon, trước một bức tranh bà vợ nói đẹp, ông chồng cũng đồng ý kêu “đẹp thật” thì đời con là gì vui, cuộc sống phẳng lặng như mặt nước ao tù. Quan niệm về chuyện đẹp xấu không nên giống nhau. Nếu một hôm mẹ khen một cô qua đường đẹp, mà ông bố cũng xuýt xoa là gia đình mất hạnh phúc. Khi mẹ khen bà hàng xóm đẹp mà người cha thấy xấu là một gia đình lý tưởng. Chuyện khắc ý tưởng này sẽ không bao giờ sinh ta khắc khẩu. Người ta thường đi tìm cái mình không có để bổ túc cái nửa của mình đã có, nếu giống nhau, kiếm cái mình đã có rồi, có lẽ là dư. Thường những người khắc nhau bổ sung cho nhau, lôi cuốn nhau như hai cực của nam châm, và sống với nhau trọn đời. Nếu giống nhau, cùng cực thì họ đẩy nhau ra rồi. Cha mẹ đi ra đường, bố thắt cái cà vạt cùng “ton” màu áo của mẹ mặc xem rất đẹp, nhưng hai ông bà mặc hai cái áo sơ mi giống nhau, trông lại chướng mắt, vì bố mẹ đâu phải là hai anh em sinh đôi. Người ta kể chuyện có một bà vợ hay nói, một lần bị ông chồng mắng cho là “đồ lắm mồm” khiến bà giận căm gan, khiến từ đó bà không hề nói một lời, kể cả đến lúc hỏi ý kiến để gả con gái đi lấy chồng, bà cũng chỉ gật đầu. Gia đình như thế thì đâu còn hạnh phúc khi chỉ còn một người độc thoại, không còn tiếng nói sinh động, làm ấm lên không khí gia đình. Khắc khẩu còn bắt nguồn từ sở thích không giống nhau. Cha thấy lạnh thì mẹ thấy nóng, vì vậy mẹ mới nhường chăn cho chồng. Cha thích phở mà mẹ chỉ thích ăn cơm, vậy mới là hạnh phúc, nếu cả hai vợ chồng đều thích ăn phở thì hao, mà cả hai đều thích ăn cơm thì chán chết. Cha thích đi ra ngoài đàn đúm với bạn bè, trái lại mẹ thích nằm nhà xem phim bộ, đổ đồng lại là vừa. Mở máy truyền hình ra, mẹ thích bi kịch để nước mắt nước mũi kèm nhèm hay thích hài kịch để cười sảng khoái, bố chỉ xem tin tức, và các chương trình thể thao, vậy người làm chương trình có đầy đủ các tiết mục đa dạng mới thỏa mãn nhu cầu khán giả của mọi gia đình. Các nhà sản xuất ăn nên làm ra vì bây giờ mỗi gia đình, có khi con số máy TV cao hơn số người có mặt, ít khi chúng ta thấy hai người cùng ngồi xem một chương trình. Bố mê Asia, trong khi mẹ khoái Thúy Nga, người ta mới bán được vé nhạc hội hay băng nhạc. Ngồi trước máy computer, mẹ xem xiếc hay nghe nhạc, bố thì vào đọc báo, xem tin tức, thời tiết (vì hay đi ra ngoài), đọc truyện người ta chửi nhau trên “net” rồi nổi giận đùng đùng. Ngày xưa dạy con cũng đã có lúc mỗi người mỗi ý. Cha thì nghiêm khắc ít khi gần gũi với con, ít khi tha thứ cho con những lỗi lẫm. Mẹ thì nuông chiều con, sẵn sàng che giấu lỗi con để cho cha khỏi nổi cơn thịnh nộ. Chuyện hôn nhân, cha thường phân tích hơn thiệt, đắn đo, mẹ thương yêu và thường chiều ý con theo lý lẽ của con tim. Có những nỗi buồn hay chuyện khó xử, mẹ con có khi “thì thầm” với nhau mà cha không hề hay biết, vì trên bờ vai mềm có tóc phủ dày của mẹ, đứa con thường hay dựa đầu hơn là khung vai cứng cỏi gần cái cằm có râu lởm chởm của cha. Bây giờ về già, ông bà cũng bất đồng ý kiến với nhau về lối dạy dỗ cháu. Ông thường vẫn thích can thiệp vào chuyện con cháu nói là vì tình thương, bà dịu dàng, nuông chiều hơn cho là tùy thuộc vào thế hệ nối tiếp. Khắc khẩu và bất đồng chính là trạng thái của dân chủ. Quý vị thấy Quốc Hội Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) dân biểu cãi nhau chí chóe, thậm chí còn đánh nhau lổ đầu chảy máu, vì đất nước này là một đất nước dân chủ. Ở Cuba, Bắc Hàn, Việt Nam làm gì có cảnh dân chủ này, trên nói thì dưới nín khe theo kiểu nghị gật, “ngậm miệng ăn tiền,” nghị quyết, đạo luật gì cũng do trung ương quyết định cả rồi chỉ cần biểu quyết thông qua. Thời Quốc Hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trước khi biểu quyết số phiếu, chủ tịch Quốc Hội hỏi: “Có ai phản đối không?” Sau đó ai đồng ý thì đưa tay lên. Bố thằng nào dám đưa tay phản đối và bố thằng nào dám thụt tay không đồng ý. Thế là “Quốc Hội ta nhất trí 100%” thông qua tất cả nghị quyết, đạo luật. Quốc Hội như thế thì chán chết. Thành ra Quốc Hội ở đâu cũng vậy, có dân chủ là phải có đối lập, nếu không sẽ thành công cụ của một thể chế độc tài. Có thành phần đối lập đương nhiên phải có lời qua tiếng lại. Gia đình cũng vậy thôi! Tuy khắc khẩu hay gật gù đồng ý với nhau thì bố mẹ cũng đã sống với nhau gần 60 năm nay, con cái gái trai mười đứa lẻ, cháu nội ngoại đôi đàng gần hai chục. Tội nghiệp, con cái chẳng bao giờ dám hỏi, nhưng kết quả có một gia đình đông đúc thế này, chắc ngày xưa bố mẹ đã từng cãi nhau kịch liệt đến không nhìn mặt nhau ít nhất là trên mười lần lẻ. |
0 comments:
Post a Comment