Luật Ân Xá hay còn gọi là luật Nhân đạo (Abolicja) dành cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Ba Lan bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2012. Theo đó, những người nước ngoài có mặt liên tục tại Ba Lan từ tháng 20/12/2007 sẽ nhận được thẻ cư trú 2 năm, cùng với nó là cơ hội sinh sống lâu dài và hợp pháp tại Ba Lan. Người Việt là cộng đồng nước ngoài đông đảo tại Ba Lan, theo những thống kê khác nhau, có từ 50- 80 ngàn người đang sinh sống và làm việc tại đây, trong số đó, không ít người ở tình trạng bất hợp pháp.
Hiện đã có những người Việt đầu tiên nhận thẻ cứ trú 2 năm theo luật và nhiều người trong số họ đã lên đường trở về thăm quê sau nhiều năm xa cách.
Một vài con số
Qua 2 tháng rưỡi nhận hồ sơ, chính quyền Ba Lan đã công bố những số liệu liên quan, trong đó người Việt đứng đầu danh sách xin ân xá, chiếm khoảng 1400 trên gần 4000 trường hợp đã nộp đơn.
Tuy vậy, trong 700 quyết định ân xá được cấp ra, người Việt (chỉ) được 116, sau Ucraina (285) và Armenia (127). Số còn lại thuộc về các công dân của khoảng 40 quốc gia khác nhau.
Mazowieckie là tỉnh tập trung đông đảo người nước ngoài sinh sống và đương nhiên là nơi cho tới nay, nhận được nhiều quyết định ân xá nhất, 472 trong số 700 trường hợp.
Từ kinh nghiệm của 2 đợt ân xá trước, năm 2003 và 2007, lượng người nộp vào những ngày cuối cùng có thể sẽ tăng lên đột biến. Nhiều người còn e dè, thăm dò thái độ và cách xét duyệt hồ sơ của nước sở tại trước khi quyết định tới trình diện sở di trú. Việc tiếp nhận hồ sơ sẽ kết thúc vào 24 giờ ngày 2/7/2012, tức sau hơn 3 tháng nữa.
Thắc mắc và giải đáp
Trong cố gắng tiếp xúc trực tiếp với người nước ngoài, chính quyền Ba Lan đã đưa ra các chỉ dẫn, những tờ rơi và giải đáp qua điện thoại bằng nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt. Tiếp theo đây, người Việt có thể sẽ được sử dụng các mẫu đơn, các tờ khai bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình.
Ngoài ra, có những buổi tiếp xúc trực tiếp giữa các quan chức chuyên trách về người nước ngoài với các cộng đồng di dân. Riêng với người Việt, đã có ít nhất 2 buổi gặp gỡ như vậy. Lần đầu do Tôn Vân Anh (cố vấn về người nước ngoài của chính phủ Ba Lan) tổ chức vào cuối tháng 1/2012 tại Hội Tự Do Ngôn Luận (SWS) với khoảng 100 người tham dự, trong đó có các chuyên viên thuộc Cục Ngoại Kiều, Sở Di Trú và đại diện cơ quan Biên phòng.
Và hôm qua, 16/3/2012, một cuộc gặp gỡ khác, do Hội Người Việt tại Ba Lan cùng Đại Sứ Quán Việt Nam tổ chức với sự tham dự của khoảng 40 – 50 người.
Thành phần khách mời có ông Tomasz Cytrynowicz (T.C) , Giám đốc Cục Ngoại Kiều; bà Izabela Szewczyk (I. Sz) giám đốc sở Ngoại Kiều Mazowieckie cùng đại diện của bộ Ngoại Giao. Những vị khách- thực ra chính là những vị chủ nhà- đã trả lời một số thắc mắc của các tham dự viên. Xin ghi lại vài câu hỏi đáng chú ý nhất:
- Thủ tục xét chỉ cần cam kết của đương sự, hay cần có người làm chứng?
I. Sz: Trách nhiệm của Ủy ban là kiểm tra. Cam kết đã có trên các mẫu đơn nhưng người đệ đơn vẫn phải tìm kiếm những bằng chứng để chứng minh sự có mặt của mình tại Ba Lan từ 12/2007 qua vé tầu xe, giấy khám bệnh… Càng nhiều bằng chứng càng tốt. Trong trường hợp chưa đủ thuyết phục, đương sự sẽ phải trả lời thẩm vấn và cần người làm chứng.
- Do sợ hãi nhiều người đã sử dụng tên giả khi bị phạt hay lúc đi khám chữa bệnh?
I.Sz: Ngay cả khi dùng tên giả, họ cũng vẫn nên xuất trình bằng chứng để được xem xét. Có vẫn hơn không.
T.C: Việc điều tra là cần thiết vì chính quyền Ba Lan không muốn những người nước nước ngoài lợi dụng để đánh lừa nhà nước.
- Trong khi Tổng thống ra luật ân xá thì tại sao Biên phòng lại liên tục kiểm tra bắt bớ, giam giữ người?
T.C: Tôi không thể trả lời thay Biên phòng. Tuy nhiên, kiểm tra là hoạt động bình thường của Biên phòng. Những người, thậm chí, chưa có hộ chiếu vẫn có thể nộp đơn xin ân xá và sẽ bổ sung hộ chiếu sau.
Mặt khác, đương sự có thể nộp đơn xin ân xá ngay cả khi đang bị giam giữ trong các trại của Biên phòng.
- Những người đã khai tên giả để nhận visa nhân đạo (1) dành cho những người ‘không tổ quốc’ trước kia có thể khai lại tên thật của mình để xin ân xá lần này không?
T.C: Chính quyền Ba Lan đã biết việc (khai tên giả) này từ lâu. Luật ân xá dành cho người cư trú bất hợp pháp, không dành cho người đang sinh sống hợp pháp(2) bằng giấy tờ giả. Câu trả lời là: Không. Nhưng chính quyền khuyến khích họ nộp đơn và tự giác rời Ba Lan rồi sau đó xin visa quay lại bằng tên thật. Với sự tự giác khai báo, họ sẽ không bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh Schengen. Đây là hậu quả của việc khai man mà họ phải gánh chịu.
- Tại sao thủ tục cấp visa cho người Việt tại ĐSQ Ba Lan ở Hà Nội quá phức tạp và đòi hỏi nhiều thứ giấy tờ?
- Đại diện bộ Ngoại Giao: Một trong những lý do là quy định chặt chẽ của khối Schengen. Bản thân tôi từng làm lãnh sự 5 năm, nên cho rằng, khâu phỏng vấn là rất quan trọng. Nhiều người Việt chuẩn bị phần này không tốt, nên lãnh sự đã từ chối visa của họ.
- Những người đã nằm trong danh sách cấm của Schengen có thể xin ân xá không?
T.C: Nếu bị Ba Lan cấm thì chính quyền sẽ xem xét xem có thể hủy bỏ lệnh cấm được không. Nếu là Schengen cấm, thì sẽ bị từ chối ân xá.
- Mỗi ngày phòng Ngoại kiều tại Warszawa chỉ nhận khoảng 40 bộ hồ sơ, đi từ 6 giờ sáng vẫn không nộp được, vậy phải làm thế nào?
E. Sz: Nhân lực có hạn, nên chúng tôi không thể nhận được hơn. Tuy nhiên, thay vì xếp hàng, có thể gọi điện thoại hẹn giờ nộp đơn. Ngoài ra, có thể nộp tại các điểm tiếp dân khác, tiện nhất là tại bến Metro trung tâm.
- Tại sao chính quyền quá khắt khe, chỉ khai sai một chi tiết cũng bị từ chối, không cho đương sự cơ hội giải thích?
E. Sz: Trường hợp này thường xảy ra với câu hỏi, đã vi phạm luật bao giờ chưa? Nếu không biết chắc, thì đừng bao giờ trả lời là “chưa”, mà nên ghi là “không nhớ”, “không rõ”. Trong trường hợp ‘bỗng nhớ ra’ có thể tự khai báo bổ sung. Mọi hồ sơ đều qua sự thẩm định của cơ quan công an nên các trường hợp đã có tiền án, tiền sự thường bị phát hiện. Nên khai thành thật vì việc này không để lại bất kỳ hậu quả nào.
- Có trường hợp tới lăn tay bị bắt khiến nhiều người lo lắng?
E. Sz: Có những người đang trốn lệnh truy nã hoặc có những vướng mắc chưa giải quyết hết với chính quyền, nên việc bị giữ là bình thường, không nên vì thế mà quá lo lắng.
Cơ hội để hội nhập và… đóng thuế
Đáp lại thiện chí của phía Ba Lan, ông Lê Thiết Hùng, chủ tịch hội Người Việt cho rằng, luật ân xá sẽ giúp nhiều người Việt Nam tại Ba Lan cơ hội để hội nhập và đóng thuế. Theo ông, nhiều người “muốn đóng thuế” nhưng vì không có giấy tờ, nên không thể thực hiện nghĩa vụ của mình.
Đứng trên góc độ hành chính, Ân xá sẽ giúp chính quyền cơ hội tiếp cận trực tiếp với những người nước ngoài đang sinh sống bất hợp pháp và quản lý họ trên cơ sở những giấy tờ đã cấp ra. Rõ ràng, không thể phủ nhận được tính ưu việt của xã hội Ba Lan hay một một xã hội dân chủ nói chung, qua thái độ và chính sách đối với người nhập cư, cụ thể nhất là qua 3 đợt ân xá trong những năm vừa qua. Nhưng, việc hội nhập cũng như đóng thuế vẫn là một bài toán vô cùng nan giải, mà một mảnh giấy tờ nho nhỏ không giúp gì được nhiều cho cả 2 phía.
Theo những thống kê do Cục An ninh Nội bộ Ba Lan (ABW) công bố, chỉ có khoảng 50% trong tổng số 1400 công ty Việt Nam nộp thuế với số lượng khá khiêm tốn. Và chừng 20% trong số đó công bố có lãi, qua đó, nhà nước Ba Lan thu được 7,5 triệu tiền thuế thu nhập.
Phát biểu đúc kết cuộc tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Hoằng cho rằng, “đã thành công” dựa trên số lượng các câu hỏi đưa ra mà Ban tổ chức phải cắt bớt để phù hợp với thời lượng đã được định trước. Song, quan sát buổi hội thảo, đa số thành phần tham dự không phải là các đối tượng trực tiếp của luật Ân xá mà phần lớn là các lãnh đạo hội đoàn trong cộng đồng và những người đã có giấy tờ, thậm chí quốc tịch Ba Lan thì sự “thành công” còn ở mức độ khiêm tốn.
© Đàn Chim Việt
————————————–
Ghi chú:
(1) Khoảng vài trăm người đã khai tên khác với xác nhận của ĐSQ “không rõ có phải người Việt Nam hay không” để nhận hộ chiếu nhân đạo của phía Ba Lan trong những năm trước kia.
(2) Theo luật Ba Lan, đang thụ án tù là “sinh sống hợp pháp” do vậy Ân xá cũng không dành cho nhóm đối tượng này. Theo thông tin từ cơ quan an ninh, có khoảng 100 người Việt đang thụ án trong các nhà tù Ba Lan, chủ yếu do trồng cần sa, nhiều người trong số đó cũng không có giấy tờ.
0 comments:
Post a Comment