Monday, March 19, 2012

Dấu Hiệu Sự Sụp Đổ Của Nền Kinh Tế Việt Nam, Hơn 10.000 Doanh Nghiệp Đóng Cửa Từ Đầu Năm Đến Nay

Dấu hiệu sự sụp đổ của nền kinh tế Việt Nam đang hiện ra rất rõ: hơn 10,000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm đến nay. Đó là số liệu do Hiệp hội Doanh nghiệp Saigon công bố như một lời cảnh báo đối với giới chức lãnh đạo, tuy nhiên nội dung văn bản này vẫn phải nói một cách gượng nhẹ là các doanh nghiệp đóng cửa này chỉ là tạm ngưng hoạt động. Theo báo cáo của Hiệp hội này, thì có hơn 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện sản xuất không nỗi nữa, không đủ vốn để duy trì sản xuất và chỉ có 20% doanh nghiệp có cơ hội vượt qua khủng hoảng.

Trong 2 tháng đầu năm nay trên toàn thành phố Saigon có khoảng 3000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động lên con số trên 10,000 doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp nói chuyện với thông tín viên SBTN tại Saigon đều cho biết giá nhiên liệu tăng, các giá cả nguyên liệu cũng tăng, lạm phát phi mã, đồng thời tình trạng tham nhũng vượt trội khiến không ai có thể hoạt động nổi. Việc đóng cửa và chờ một giai đoạn mới khả quan hơn, hiện đang là giải pháp tốt nhất mà nhiều người làm ăn ở Việt Nam chọn lựa để tránh suy sụp hoàn toàn.

Giá cả nhiều mặt hàng tăng cao trong thời gian qua đã đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng đến 30%. Trong khi đó sức mua lại giảm do lạm phát tăng khiến hàng tồn kho cũng tăng mạnh. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực Saigon hiện đã tăng 17,4% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng trên 80%; sản xuất phân bón và chất ni tơ tăng gần 72%, xi măng, vôi, vữa tăng gần 62%, sắt thép tăng 53%.

Theo Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Saigon, lãi suất vay ngân hàng hiện từ 22 đến 23% một năm là quá cao, người làm ăn rất khó mượn vốn. Ngoài khoản lãi suất trên, người làm ăn còn phải chịu thêm một khoản chi phí khác tùy vào mối quan hệ của họ với ngân hàng nữa. Nói trắng ra là có chung chi lót tay thì mới có cơ hội luồn lách mượn được vốn từ ngân hàng, dù phải chấp nhận số tiền lời cao ngất trời. Văn bản báo cáo này đối diện với sự bất lực của các cơ quan nhà nước.

Một doanh nghiệp tham dự cuộc họp tìm cách giải cứu này, nói với đài SBTN rằng dấu hiệu suy sụp của kinh tế Việt Nam đã rõ nét lắm rồi, chỉ không biết khi nào thì bước tới vực thẳm thôi, nhưng chắc không lâu nữa đâu. Ngay cả đài truyền hình trung ương của Cộng sản Việt Nam cũng nhìn nhận rằng không chỉ hiện nay, mà từ đầu năm 2011, đã có 30% các doanh nghiệp đã phá sản do khủng hoảng kinh tế. Quả là nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn hấp hối và không tránh khỏi sự sụp đổ hoàn toàn, và có lẽ chỉ trong năm nay.SBTN

0 comments:

Powered By Blogger