Monday, December 12, 2011

Tin tổng hợp thế giới: Nga – Uy quyền của Putin bắt đầu rạn nứt

Thủ tướng Vladimir Putin trong cuộc gặp với Mặt trận Nhân Dân Toàn Nga, Matxcơva, ngày 08/12/2011

Thủ tướng Vladimir Putin trong cuộc gặp với Mặt trận Nhân Dân Toàn Nga, Matxcơva, ngày 08/12/2011
REUTERS

Trong các chủ đề thời sự quốc tế được các tạp chí tuần này chú trọng, nước Nga nổi bật với các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử. Tuần báo Anh The Economist đã dành trang bìa cho tình hình Nga, với ảnh thủ tướng Putin trên nền đá cẩm thạch bị nứt, phía dưới hàng tựa lớn : “Nước Nga của Putin – Các vết nứt đang xuất hiện”.

Trong bài xã luận bên trong, tuần báo Anh Quốc đã phân tích các nguyên nhân khiến cho quyền lực của ông Vladimir Putin bị lung lay, để cho rằng dù điều mà tờ báo này gọi là “chủ nghĩa Putin” (putinism) chưa đến ngày tàn, nhưng nhân vật số một tại Nga nên “làm sạch điện Kremlin và hiện đại hóa nền kinh tế vì lợi ích của đất nước và của chính ông”.

Đối với The Economist, các cuộc xuống đường vừa qua chống kết quả bầu cử bị tố cáo là gian lận, là biểu hiện lớn nhất của tình trạng rạn nứt trong chế độ của Nga kể từ khi ông Putin, lần đầu tiên, lên nắm quyền vào cuối năm 1999.

Từ đó đến nay, các cuộc bầu cử tại Nga thường không bao giờ có bất ngờ, đường phố của Nga không bao giờ tràn ngập người biểu tình và các nhà lãnh đạo chính trị Nga hầu như không bao giờ bị công khai la ó. Mô hình gọi là “nền dân chủ được quản lý“, đã được thiết kế để bảo đảm thắng lợi to lớn cho ông Putin và đảng Nước Nga Thống nhất của ông. Mô hình này, theo The Economist, bao gồm ba thành tố : các phương tiện truyền thông bị bịt miệng; chỉ có ứng cử viên đối lập được thuần hóa là được phép ra tranh cử; và các hình thức gian lận bầu cử được phổ biến rộng rãi.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử ngày 4 tháng 12 vừa qua đã không đúng theo an bài của chế độ : Phiếu bầu cho đảng Nước Nga Thống nhất từ 64% trước đó, đã giảm xuống dưới mức 50%, khiến đảng này chỉ còn một đa số mỏng trong Hạ viện. Điều đáng nói hơn là đông đảo người Nga đã xuống đường trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Nga ​​trong những năm gần đây, hô to khẩu hiệu “Nước Nga không có Putin” trước khi bị chính quyền tung quân đội ra để ngăn chặn.

Đối với tuần báo Anh, không phải là ngẫu nhiên mà các sự kiện trên đây nổ ra, vì ông Putin đang chuẩn bị trở lại làm tổng thống vào tháng Ba năm tới, với một nhiệm kỳ ít nhất là sáu năm nữa.

Theo phân tích của The Economist, quyền lực của ông Putin đã dựa trên hai cơ sở. Trước hết, mặc dù chính phủ của ông coi thường nhân quyền, trong lúc ông vẫn dung túng các thành phần tham nhũng thân cận với mình, ông Putin vẫn là một lãnh đạo có tính chính đáng vì cá nhân ông rất được lòng dân. Ngoài ra, do giá dầu hiện đang ở mức cao hơn bao giờ hết, ông Putin đã có thể bảo đảm việc tăng dần mức sống người dân Nga.

Tuy nhiên, đối với tuần báo Anh, cả hai cơ sở trên đều rất mong manh. Điều đó không có nghĩa là ngày tàn của chủ nghĩa Putin sắp xảy ra, nhưng lần đầu tiên, triển vọng về một nước Nga thời hậu Putin không còn là một điều không tưởng nữa. Điều này là một lời cảnh tỉnh đối với nhà lãnh đạo Nga, để ông kíp thời tiến hành cải cách.

Không đặt cược vào một Sa hoàng bị suy yếu !

The Economist cũng không quên cảnh báo phương Tây là không nên quá tin tưởng vào tình hình ổn định tại Nga nhờ bàn tay sắt của ông Putin. Theo tờ báo, ý tưởng đã bám rễ ở nước ngoài là chế độ của ông Putin, mặc dù hơi khó thương, nhưng đã cho phép duy trì ổn định. Đối với The Economist, thực tế đã cho thấy điều đó chỉ là một sự lầm tưởng.

Như nhiều công ty phương Tây đã phải gánh chịu hậu quả, ông Putin đã thất bại trong việc xây dựng một hệ thống dựa trên luật lệ nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài sự an toàn kinh tế mà họ rất cần.

Ngoài ra, như các sự kiện gần đây cho thấy, ông Putin đã không bảo đảm được một trạng thái cân bằng chính trị. Không chỉ các cuộc biểu tình đang diễn ra là đáng quan ngại, mà tình trạng vô luật pháp ngày càng nghiêm trọng ở vùng Bắc Kavkaz cũng có thể gây ra vấn đề, không riêng cho Nga, mà còn cho toàn bộ khu vực.

The Economist kết luận : Nước Nga không ổn định mà là sơ cứng. Nếu Sa hoàng của nước này không chịu cải tổ triều đình của mình, quốc gia này sẽ trở nên nguy hiểm hơn – cho cả các nước láng giềng lẫn và cho chính ông Putin.

Mạng lưới đường hầm khổng lồ tại Trung Quốc có thực hay không ?

Nhìn về Châu Á, tạp chí Le Nouvel Observateur, thường gọi tắt là Nouvel Obs, ở mục Điện thoại đỏ, nêu lên tiết lộ mới về Trung Quốc đang gây tranh cãi trong giới chuyên gia : Đó là hệ thống đường hầm ngoạn mục mà công tình nghiên cứu của một nhóm sinh viên Đại học Georgetown, Hoa Kỳ, đã nêu bật.

Hệ thống đường hầm mà giới quân sự Trung Quốc gọi một cách hãnh diện ‘Vạn lý trường thành dưới lòng đất’, dài 5000 cây số, chi chít những con đường mà xe lửa chở đầu đạn hạt nhân, hỏa tiễn, dàn phóng, qua lại. Các tuyến này còn nối liền các căn cứ cũng dưới lòng đất với nhau.

Tạp chí nhắc lại là hệ thống ngoạn mục đó đã từng được bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên nêu lên trong báo cáo thường niên vừa qua.

Theo Le Nouvel Obs, sinh viên Đại học Georgetown, đã nghiên cứu hàng tấn tài liệu, từ các bài báo quân sự, những phát biểu truyền hình, những bài phỏng vấn… và họ đã đưa ra con số đầu đạn nguyên tử của Trung Quốc là 3000, tức là cao gấp 10 lần số liệu thường thông báo.

Con số này đã làm dấy lên một cuộc chiến giữa các chuyên gia, tranh cãi càng gay gắt khi mà không ai hình dung được số lượng thực. Tác giả bài báo kết luận chắc chắn là các vệ tinh gián điệp của cả hành tinh sẽ phải rình rập mọi tiếng động xuất phát từ mạng lưới đường hầm khổng lồ này.

Thái Lan : Khi các tướng lĩnh phục hận

Ngoài Trung Quốc, Le Nouvel Obs còn chú ý đến Thái Lan, với bài viết mang tựa đề : “Sự phục hận của các tướng lãnh“. Bên duới, tạp chí giải thích tựa đề xem qua khó hiểu này : Lũ lụt đã cuốn đi sự mến mộ của dân chúng đối với chính quyền Yingluck, và cho phép quân đội lấy lại thanh danh.

Mở đầu bài viết, thông tín viên của Le Nouvel Obs, Cyril Payen, mô tả tình hình được xem như một cuốn phim về thiên tai quay chậm : Từ 3 tháng qua, dòng nước khổng lồ hôi tanh chẩy ra vịnh Thái Lan đã tràn ngập gần như cả nước Thái : 15 tỉnh, với nhà cửa của hàng triệu cư dân, cơ xưởng, ruộng đồng, thành phố… Ngay cả thủ đô Bangkok cũng bị ngập. Số nạn nhân hiện đã lên hơn 700 người. Thiệt hại theo ước tính của Ngân hàng Thế giới là 45 tỷ đô la.

Trong thảm kịch chưa từng thấy từ hàng chục năm qua, tác giả bài phóng sự nhận thấy một thảm kịch khác là lũ lụt đã cuốn đi tất cả hy vọng hoà giải dân tộc. Tuy có đổi ngôi, nhưng chính quyền và đối lập, Áo đỏ và Áo vàng, trước đây đối chọi trên đường phố Bangkok khô ráo, thì giờ đây tiếp tục ‘đánh nhau’ chân trong nước, như trong vấn đề bảo vệ Bangkok khỏi ngập nước.

Đô trưởng Bangkok, thuộc đảng Dân chủ đã gây sức ép lên thủ tướng Yingluck để cho ngập một số khu vực nhằm cứu vãn trung tâm thủ đô. Uy tín của tân thủ tướng tan vỡ thành mảnh. Nước mắt của bà trước ống kính truyền hình không làm cho người dân Thái nguôi giận.

Bài báo trích dẫn một chuyên gia phương Tây đã ví cơn lụt hiện nay như một Katrina Thái Lan, cơn bão tàn phá New Orleans, Hoa Kỳ, năm 2005, và đã phơi bày ra ánh sáng nào là sự bất lực, khả năng đối phó kém cỏi của chính quyền cho đến các nỗi bất công, chính trị hóa thiên tai…

Trong lúc chính quyền phơi bày thái độ bất lực, thì quân đội đã không ngơi nghỉ trong việc cứu giúp dân chúng. Đi đến đâu, họ cũng nhắc : Chúng tôi là quân đội của nhân dân, chúng tôi đến để giúp đỡ, bảo vệ dân chúng. Trên áo của họ nổi bật hàng chữ ‘vệ binh hoàng gia’ (garde royale). Quân đội Thái Lan không tham gia vào các vụ tranh cãi chính trị. Họ cho thấy là họ đứng bên trên các vụ ấu đả và chỉ chăm lo giúp đỡ người dân bị nạn mà thôi.

Theo bài báo, tướng Prayut Chan Ocha, người đàn áp phong trào Áo đỏ trước đây, đã trở thành phát ngôn viên của Hoàng cung, thông báo các nhận xét, đánh giá của quốc vương Bhumibol về lũ lụt. Nhà vua vốn là một người am tường về thủy lợi, và đã đặt nó thành một ưu tiên hàng đầu cho Thái Lan.

Tác giả bài báo kết luận : Người Thái với nghị lực nổi tiếng, sẽ vượt qua thử thách, nhưng vào tháng Giêng tới đây, khi các trường học mở cửa trở lại, thì người ta sẽ nói với các em học sinh là Quốc vương của các em và quân đội đã cứu đất nước khỏi móng vuốt thủy thần.

Indonesia : Chàng khổng lồ chân đất sét

Về châu Á, tạp chí Pháp Courrier International nhìn sang Indonesia, mà tạp chí gọi là ‘người khổng lồ chân yếu chân đất sét’. Tờ Courrier trích dịch bài trên tờ Kompas ở Jakarta, trích giới chuyên gia của Pricewaterhouse Coopers và Goldman Sachs đánh giá là vào năm 2050, Indonesia sẽ là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 7 thế giới, trong lúc một số chuyên gia Indonesia thì cho là ngay vào năm 2030, nước này sẽ chiếm hạng 5.

Hiện nay thì Indonesia đứng hàng thứ 18, với GDP l5.100 tỷ đô la và thu nhập bình quân đầu người 18.000 đô la/năm. Indonesia hiện đứng trong nhóm G20, tức là nhóm 20 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới.

Nhưng theo bài báo, để chiếm được những vị trí như nói trên, thì quốc gia này phải đối phó, giải quyết nhiều thách thức. Tiềm năng của Indonesia có thể đo lường qua diện tích rộgn lớn của đất nước này, cũng như tài nguyên của họ.

Nhưng với 242 triệu dân hiện nay và sẽ lên 280 triệu vào năm 2030, Indonesia sẽ khai thác nguồn nhân lực dồi dào này ra sao khi mà thành phần chủ yếu là thanh niên, học vấn giới hạn ở bậc phổ thông, còn chuyên môn thuộc loại nhân công không có tay nghề cao. Làm sao nuôi sống 280 triệu dân mà 70% sẽ tập trung ở thành phố ?

Thách thức khác nữa đối với Indonesia là ngăn chặn việc xuất khẩu ồ ạt nguyên liệu và xây dựng được cho mình một ngành công nghiệp chế biến.

Trên mặt quốc phòng, bài báo cũng nhận thấy một thiếu sót lớn : Vai trò quân đội hiện giờ chủ yếu là hỗ trợ cho chính quyền các điạ phương để đối phó với các cuộc biểu tình bạo động mang màu sắc tôn giáo hay của giới ly khai, nhưng chưa đủ khả năng đối đầu với những mối đe dọa từ ngoài.

Giám đốc Học viện Quốc phòng Indonesia, Budi Susilo Soepandji đã công nhận Indonesia không được chuẩn bị chút nào để đối phó với chiến tranh tin học, một mối đe doạ mà nhiều người lo ngại cho tương lai.

Khủng hoảng nợ công châu Âu : Chỉ có Đức là nói thật !

Liên quan đến cuộc giải cứu khu vực đồng euro, Courrier International trích dịch và đăng lại bài của báo Mỹ The Wall Street Journal bênh vực cho lập trường của chính quyền Berlin: « Chỉ có Đức nói sự thật ».

Mở đầu, bài viết đặt câu hỏi : Chúng ta đang số trong thế kỷ nào mà giờ đây, tại châu Âu, một số nước mắc nợ công cao lại tố cáo Đức là đang áp đặt quan điểm của mình, dẫn dắt châu Âu nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung, đến chỗ phá sản.

Wall Street Journal giải thích rõ hơn : Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, « tội lỗi » của Đức là không chịu ký một tờ ngân phiếu trống để cứu đồng euro. Tức là Berlin không chấp nhận tài trợ cho liên hiệp ngân sách mới hoặc cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu BCE mua lại hàng ngàn tỷ euro công trái của các nước đang mắc nợ công rất cao.

Vì lý do bầu cử tổng thống tại Mỹ vào năm tới, chính quyền Obama dường như cũng ủng hộ giải pháp trước mắt của một số nước châu Âu đang gặp khó khăn. Đây cũng là lập trường của nhiều chuyên gia cánh tả tại châu Âu muốn tiếp tục duy trì mô hình Nhà nước bảo trợ phúc lợi, lo lắng chu cấp tất cả.

Thế nhưng, Wall Street Journal cho rằng, Đức cùng với Hà Lan và Phần Lan là những nước hiếm hoi tại châu Âu hiểu rằng muốn cứu đồng euro thì không thể chỉ đưa ra một ngân phiếu khống, tung tiền ra cứu các nước bị khủng hoảng, mà phải cần có quyết tâm và cam kết mạnh mẽ thực hiện một chính sách kinh tế tốt hơn.

Đương nhiên, Đức là một trong những quốc gia hưởng lợi của việc thành lập khu vực đồng euro. Trong những năm đầu lưu hành đồng euro, Đức đã đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là với các nước châu Âu khác, nhờ có đồng tiền ổn định và khu vực tự do mậu dịch, Đồng thời, Berlin cũng đã biết tận dụng điều kiện thuận lợi này để cải cách thị trường lao động, gia tăng kỷ luật ngân sách, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trong lúc đó, Hy Lạp, Ý lại tranh thủ việc có thể đi vay với lãi suất thấp, gần với mức lãi suất của Đức, để chi tiêu và sống vượt quá khả năng tài chính thực của mình. Thậm chí cho đến khi khủng hoảng đã xẩy ra đối với Ý, mà nhiều nước châu Âu khác vẫn không tin là khu vực đồng euro có vấn đề.

Thay vì nhanh chóng xem xét và đánh giá lại những nguy cơ phá sản nợ công, giới lãnh đạo chính trị châu Âu lại quay sang chỉ trích thái độ hung hãn của thị trường tài chính, tấn công một số nước. 18 tháng sau khi xẩy ra khủng hoảng khu vực đồng euro, sau khi một số nước phải huy động tài chính trên thị trường với lãi suất rất cao, Pháp và Ý mới tỉnh ngộ.

Theo nhận định của tờ báo Mỹ, thì sai lầm chính ngay từ đầu của châu Âu là không để cho Hy Lạp phá sản mà vẫn cố giữ nước này trong khu vực đồng euro và tìm mọi cách củng cố nền kinh tế của Hy Lạp. Tiền lệ này sẽ buộc các nước khác và những chủ nợ phải gia tăng các biện pháp kỷ luật ngân sách và tài chính công. Thế nhưng, mọi việc không diễn ra như vậy. Vào lúc đó, người ta lo ngại là việc phá sản sẽ làm tăng lãi suất công trái. Thực tế cho thấy, lãi suất đi vay vẫn tăng cho dù châu Âu đổ tiền vào Hy lLp và Bồ Đào Nha.

Giờ đây, châu Âu phải chấp nhận trả giá đắt cho sai lầm này. The Wall Street Journal nêu ra ba khả năng lựa chọn : Thứ nhất là để cho khu vực đồng euro tan rã. Hậu quả là châu Âu sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Nợ công và các hợp đồng thương mại phải tính toán lại bằng đồng tiền quốc gia. Giới đầu tư và những người gửi tiền tiết kiệm sẽ tìm kiếm nơi khác an toàn hơn.

Lựa chọn thứ hai là tiếp tục tung tiền ra cứu các nền kinh tế gặp khó khăn. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tung ra hàng nghìn tỷ euro mua lại nợ công của các nước. Theo cách này, áp lực tài chính có thể giảm trước mắt, nhưng cội nguồn của vấn đề vẫn chưa được giải quyết và nguy cơ lạm pháp sẽ gia tăng, BCE sẽ mất tính độc lập. Có thể coi đây là một liều thuốc giảm đau, phục vụ cho nhu cầu bầu cử vào năm tới tại Mỹ và Pháp.

Lựa chọn thứ ba, và theo Wall Street Journal, thì đây là giải pháp của Đức và khả dĩ nhất : Đó là tăng cường kỷ luật ngân sách, tức là thành lập Liên hiệp ngân sách, với những quy định chặt chẽ về thâm hụt chi tiêu và nợ công. Kịch bản này cho phép thấy rõ những nước có kỷ luật ngân sách và tài chính tốt và những nước có vấn đề, đồng thời duy trì áp lực « cây gậy và củ cà rốt ».

Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thể giải quyết được hết mọi vấn đề và phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của một số quốc gia. Các quy định chặt chẽ về ngân sách và nợ công sẽ phản tác dụng nếu nó làm tăng thuế, bóp chết tăng trưởng.

The Wall Street Journal kết luận rằng vì muốn lựa chọn giải pháp thứ ba này mà nước Đức bị cáo buộc có thái độ cứng nhắc, nhưng nếu không tiến hành cải cách thực sự, thì nhiều nước phía nam châu Âu không thoát ra khỏi vòng xoáy nợ công. Như vậy, chỉ có nước Đức là nói lên sự thật.

Thời sự Pháp trong tuần

Như thường lệ, trang bià các tạp chí Pháp ngữ vẫn dành cho tình hình Pháp. Le Nouvel Observateur tuần này chú trọng đến các bằng cấp ‘mang lại việc làm’ cho giới trẻ.

L’Express thì trở lại hồ sơ DSK (Dominique Strauss Kahn, cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế) với các vụ xì căn đan quan hệ tình dục đeo đuổi ông từ New York cho đến Lille ở Pháp, và nhất là các diễn biến mới cho thấy là ông bị gài bẫy. Nhà báo Mỹ Edward Jay Epstein đã nêu lên một loạt chi tiết, như nỗi vui mừng của hai nhân viên khách sạn sau khi ông DSK bị bắt.

L’Express vẫn nghi ngờ trước những thông tin mới này, và ghi nhận nhiều thiếu sót, không chứng cứ rõ ràng. Theo tạp chí, Dominique Strauss Kahn vẫn chưa thoát nạn về vụ New York, vì vẫn bị bà dọn phòng Nafissatou Diallo kiện ra toà án dân sự.

Tờ Courrier International thì nhìn người Paris qua lăng kính người nước ngoài mến mộ hoặc bị thủ đô Ánh sáng làm thất vọng.

0 comments:

Powered By Blogger