Tuesday, December 27, 2011

Tại Sao Thua Lỗ?



Trần Khải - Kinh doanh thua lỗ trên nguyên tắc là chuyện bình thường khi những tính toán chuyển biến thị trường bỗng nhiên sai trật, và cùng lúc là khi người quản trị không đủ tài năng ứng phó, điều hợp. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện tượng quốc doanh thua lỗ thường có thêm một bí mật đơn giản dễ suy đoán: lợi tức công ty quốc doanh được lặng lẽ chuyển sang cho các công ty sân sau để làm giàu cho cán bộ và gia đình.

Theo bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có số lỗ lên tới hơn 26.000 tỷ đồng. Báo Nguoiduatin.vn viết như thế hôm 23-12-2011. Con số thua lỗ này, theo ông Huệ, “tính đến thời điểm 31/12/2010, có 12 tập đoàn, tổng công ty có số lỗ lũy kế hơn 26.110 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do trong những năm vừa qua, công tác quản trị, giá bán một số mặt hàng chưa được thực hiện hoàn toàn theo giá thị trường.”
Con số 26.110 tỷ đồng này tương đương 1,25 tỷ đôla Mỹ. Nghĩa là 12 công ty thua lỗ trong năm, theo lời Bộ Tài Chính.
Như thế, thua lỗ chỉ mới tính có 12 tập đoàn và tổng công ty, trong khi Việt Nam dường như đang có hơn 90 tập đoàn và tổng công ty với số nợ lớn hơn con số thua lỗ nêu trên gấp nhiều lần.
Trang CafeF đăng một bản tin ghi là của báo ANTĐ hôm Chủ Nhật 27-11-2011,nhan đề “Doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ: Những con số kinh hoàng” dựa trên một báo cáo của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư nêu những hình ảnh bi quan hơn.
Điều chưa rõ là tại sao Bộ Tài Chính chỉ nói về 12 tập đoàn và tổng công ty, trong khi Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư trước đó mấy tuần lễ lại nói về hầu hết trong 91 tập đoàn và tổng công ty, ghi rằng ngập nợ tới hơn 39 tỷ đôla Mỹ, trong đó nợ xấu tới 3,65 tỷ đô, và có cơ nguy mất trắng 1,8 tỷ đôla Mỹ.
Bản tin này viết, với các số tương đương đổi ra Mỹ Kim do người viết đưa vào cho dễ so sánh:
“Chiếm đến 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư Nhà nước, 60% tín dụng của các ngân hàng thương mại, 70% nguồn vốn ODA nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ đóng góp khoảng 37%-38% GDP. Có đến 31% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, 29% hoạt động không hiệu quả, lỗ lãi tượng trưng. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Nợ liên hoàn
Hiện nay, cả nước có trên 1.200 DNNN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong năm 2009, theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1-11-2010 thì nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính Vinashin) là 813.435 tỷ đồng (39,1 tỷ đôla Mỹ). Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86.000 tỷ đồng (4,13 tỷ đôla Mỹ) thì nợ của khu vực DNNN đến 2009 không kể 9 tập đoàn, tổng công ty chưa có số liệu đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.
Nhiều DNNN đang lâm nạn nợ nần, nảy sinh chuỗi nợ liên hoàn. Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương mới đây, những con số lỗ lớn tính từ đầu năm của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang ở mức giật mình: gần 8.000 tỉ đồng nợ (384 triệu đôla) ở tập đoàn Điện lực; khoảng 1.500 tỉ đồng (72 triệu đôla) của tổng công ty Xăng dầu, hay hơn 600 tỉ đồng với tổng công ty Hàng hải. Và đằng sau những con số lỗ lớn của nhiều tập đoàn, tổng công ty là câu chuyện về nợ xấu ngân hàng và chiếm dụng vốn lẫn nhau. Theo số liệu của ngân hàng Thế giới, hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng. Tính đến hết tháng 8- 2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức trên 76.000 tỉ đồng (3,65 tỷ đôla) và đang có xu hướng tăng. Trong đó, các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng khoảng 37.000 tỉ đồng (1,8 tỷ đôla).”(hết trích)
Như thế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhu cầu khẩn thiết. Đó cũng là hối thúc của Ngân Hàng Thế Giới (World Bank, WB) đối với chính phủ VN.
Truyền thông VN cũng đã ghi lời tuyên bố của bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam” ngày 18-10, cũng cho rằng: “Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế.”
Tuy nhiên, có một hiện tượng tại VN: nhiều tổng công ty quốc doanh thực ra có lợi tức, nhưng cán bộ đã chuyển tiền lời sang các công ty sân sau để rồi tổng công ty quốc doanh sẽ khai thua lỗ. Tình hình này đã diễn ra nhiều năm, nhưng chỉ mới được khui ra ánh sáng trên báo chí gần đây.
Bài phân tích của nhà bình luận Phạm Huyền, có nhan đề “Xăng dầu chuyển lãi thành lỗ: Đã làm từ lâu” đăng trên báo điện tử Doanh nhân Việt Nam toàn cầu hôm 23-12-2011, ghi nhận:
“Bán cho đại lý thấp hơn giá vốn, chi hoa hồng cao hơn 45% mức quy định, các công ty "mẹ" xăng dầu đều dồn lãi sang con để chịu lỗ, gây áp lực đòi tăng giá. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đang nương tay khi để doanh nghiệp "tự xử".
Dồn lãi từ mẹ sang con rồi... kêu lỗ
Cả 4 doanh nghiệp xăng dầu trong đợt kiểm tra vừa qua của Bộ Tài chính gồm Petrolimex, PVoil, Petimex, SaigonPetro đều có chung một kịch bản lỗ rất giống nhau: Do chi phí kinh doanh, đặc biệt là thù lao cho các đại lý, Tổng đại lý quá cao, vượt xa định mức 600 đồng/lít khiến giá vốn thực tế của doanh nghiệp đầu mối bị đẩy lên cao.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Petrolimex đã có mức chi phí kinh doanh vượt định mức tính theo giá cơ sở là hơn 516 tỷ đồng, SaigonPetro chi vượt hơn 75 tỷ đồng, PVOil chi tăng hơn 186 tỷ đồng và Petimex, đơn vị khó khăn nhất trong các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng chi cao hơn 193 tỷ đồng.
Vì sao các doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn, luôn miệng than lỗ lại mạnh tay hào phóng chi hoa hồng cao cho các đại lý bán lẻ như vậy? Nghịch lý này thể hiện rõ nét ở chỗ, có những giai đoạn doanh nghiệp đầu mối có cơ hội kinh doanh lãi, bằng việc giảm chiết khấu, để bù lỗ trước đó, nhưng các doanh nghiệp này lại bỏ qua.
Đặc biệt, từ cuối tháng 5 đến ngày 26/8/2011, giá xăng dầu thế giới giảm, các công ty mẹ xăng dầu đã không giảm chiết khấu mà vẫn duy trì mức cao cho các đại lý. Đây thực sự là một động thái khó hiểu trong logic kinh doanh thông thường...”(hết trích)
Nghĩa là, công ty mẹ khai lỗ để các công ty con có lợi tức. Thậm chí, còn bán cho các đaị lý dưới giá vốn. Hiện tượng này dễ hiểu: các công ty con, các đaị lý thực ra là gia đình, thân nhân, bạn hữu của các quan lớn, và khi tổng công ty quốc doanh khai lỗ là để dồn cả lợi tức sang các công ty con và đaị lý -- hiểủ rằng, công ty con và đại lý là túi rửa tiền rút ruột từ công ty mẹ cho các quan lớn.
Báo Doanh nhân Việt Nam Toàn cầu ghi thêm:
“Thứ trưởng Vũ Thị Mai, Bộ Tài chính đánh giá, trong điều kiện Nhà nước đã có chính sách bình ổn giá, các doanh nghiệp đầu mối đáng lẽ phải tiết giảm chi phí kinh doanh để chia sẻ cùng Nhà nước và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp đầu mối đã làm điều ngược lại, tăng hoa hồng đúng lúc có thể giảm.
Bán thấp hơn giá vốn tới 847 tỷ đồng để bình ổn?
Riêng tại Petrolimex, hiện tượng chuyển lỗ từ mẹ sang con còn thể hiện đậm nét hơn ở câu chuyện bán cho đại lý thấp hơn cả giá vốn. Các tài liệu được chính Tổng công ty cung cấp cho thấy, giá bán cho các đại lý đã thấp hơn giá vốn tới 847 tỷ đồng.
Trong đó, giá bán của Tổng công ty cho 16 công ty con thấp hơn giá vốn hơn 100 tỷ đồng. Giá bán cho các Tổng đại lý và đại lý bên ngoài hệ thống của Petrolimex cũng thấp hơn giá vốn hàng bán bình quân là 620 tỷ đồng. Đối với các tổng đại lý Công ty TMDL Kiên Giang và Tổng đại lý Công ty CP Hóa dầu Quân đội MIPEC, giá bán của Petrolimex cũng thấp hơn giá vốn tới hơn 126 tỷ đồng.
Tổ kiểm tra của Bộ Tài chính cho biết, sau khi loại trừ các yếu tố như chênh lệch tỷ giá, chi vượt định mức... thì mức chênh lệch giá bán và giá vốn này còn 111 tỷ đồng.
Với cách thức kinh doanh như vậy, đương nhiên kết quả của công ty mẹ Petrolimex sẽ lỗ lớn trong khi hàng chục hệ thống đại lý, tổng đại lý lại lãi lớn...”(hết trích)
Như thế, chỉ mới nói về các rút ruột lợi tức của các tổng công ty xăng dầu. Các công ty ở các ngành khác hẳn cũng có những cách rút ruột lợi tức kiểu khác.
Điều bi quan là hệ thống kinh tế này khó cải tổ vì thiếu minh bạch, vì thiếu cạnh tranh, và vì các nhóm lợi tức đã mọc lên bảo vệ cho nhau, trong đó có quyền lợi chằng chịt của các quan chức trong Đảng.
Chỉ cần minh bạch, cho báo chí quyền tự do điều tra các sai trai; chỉ cần cho tự do cạnh tranh, cho công ty tư doanh thuận lợi phát triển hơn; và chỉ cần ngăn cản các nhóm lợi tức móc nối với các quan chức đảng, khi bình đẳng chính trị và kinh doanh của người dân được bảo vệ, chứ không phải gom tàì sản về một mối ưu tiên cho các đảng viên.... Đó mới là chìa khóa của kinh tế phát triển bền vững.
http://www.vietbao.com/D_1-2_2-349_4-185163_15-2/

0 comments:

Powered By Blogger