Monday, December 5, 2011

Quan hệ Mỹ-Việt và Nhân quyền VN – RFA : Dân biểu Sanchez

Bà Loretta Sanchez, một gương mặt quen thuộc ủng hộ cải thiện nhân quyền Việt Nam đang trong nhiệm kỳ thứ 8 làm dân biểu đại diện cho địa hạt 47 tại miền nam California, là nơi có đông đảo người Việt sinh sống.



RFA photo

Dân biểu Loretta Sanchez, nhân vật đấu tranh mạnh mẽ cho nhân quyền VN, trong một lần trả lời phỏng vấn RFA

Nhân kỷ niệm 15 năm phục vụ cộng đồng, bà Dân biểu dành cho Quỳnh Chi một cuộc trò chuyện ngắn tại văn phòng Quốc Hội, Washington DC. Sau đây là một số điểm đáng chú ý của buổi phỏng vấn.

Thành công, có nhiều đóng góp

Quỳnh Chi: Trước tiên xin được chúc mừng việc bà đã đại diện cho địa hạt 47 trong 15 năm qua. Thưa bà dân biểu, đã phục vụ cộng đồng trong 15 năm, bà thấy cộng đồng người Việt ở hải ngoại thay đổi như thế nào và sự thay đổi ấy đóng góp vào nước Mỹ như thế nào về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị?

Loretta Sanchez: Sau 15 năm theo dõi cộng đồng Việt Nam và thấy thật thú vị. Những thế hệ trẻ lớn lên cùng với sự hy sinh và cống hiến của những người Việt xa xứ. Thế hệ người Việt đầu tiên di dân đến đây đặt hy vọng vào con cháu. Chính vì thế mà lớp trẻ được học hành rất nhiều. Cho nên, bây giờ có nhiều kỹ sư, bác sĩ, khoa học gia và cả chính trị gia người Việt. Đó là sự thay đổi lớn nhất mà tôi nhận thấy.

Nói về đóng góp của người Việt hải ngoại, tôi thấy rằng các thế hệ trước dĩ nhiên là quan tâm đến tình hình Việt Nam và thế hệ trẻ cũng bắt đầu quan tâm đến tình hình nhân quyền trong nước. Về văn hóa, ngày càng có nhiều trung tâm Việt Ngữ mọc lên nhằm duy trì tiếng mẹ đẻ trên đất Mỹ. Chúng tôi cũng đang cố gắng kêu gọi các trường trung học chấp nhận tiếng Việt như một môn học tự chọn. Đến vùng Little Sài Gòn, bạn sẽ thấy những bảng hiệu quảng cáo đều được viết bằng tiếng Việt. Việc này cũng góp phần tạo ra một văn hóa mới trong thương mại. Thương mại người Việt tại đây đã đóng góp rất lớn vào nền kinh tế trong vùng này.

Nhân quyền VN ngày càng tệ

thaiha12022011c-250.jpg
Công an, dân phòng vây bắt nhiều giáo dân Thái Hà và đưa lên xe chở đi. RFA photo.

Quỳnh Chi: Vâng, thưa bà, đó là về phần cộng đồng hải ngoại. Nói về Việt Nam, sau 15 năm Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao, là một dân biểu, không biết bà có thể cho biết Quốc Hội Hoa Kỳ nghĩ thế nào về Việt Nam? Và Quốc Hội nhìn thấy tương lai hai nước như thế nào?
Loretta Sanchez: Hơi thất vọng như tôi phải nói thật là Quốc hội Hoa Kỳ không quan tâm lắm đến Việt Nam. Nói chung là Việt Nam không nằm trong ưu tiên của họ. Thay vào đó, họ quan tâm đến tình trạng vỡ nợ của Hy Lạp, họ lo ngại về nền kinh tế ảm đạm ở Châu Âu cũng như quan ngại về kinh tế Hoa Kỳ. Chính điều này làm cho tình huống trở nên khó khăn hơn cho những người quan tâm đến Việt Nam như tôi chẳng hạn. Sẽ rất khó để tôi nói với Quốc hội về những gì xảy ra ở Việt Nam.

Chẳng hạn việc năm 2000, khi hai nước ký kết hiệp định thương mại song phương, Việt Nam hứa hẹn rằng họ sẽ mở rộng tự do hơn. Năm 2006, Việt Nam được đưa ra khỏi danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Cũng năm đó, Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng họ chỉ “giả vờ” cải thiện tình hình mà thôi. Và bây giờ thì rất khó để thúc đẩy Việt Nam nới lỏng tự do tôn giáo, tự do lập hội… Nói chung, chúng tôi (Quốc hội Hoa Kỳ) thấy có nhiều sự phát triển kinh tế giữa hai nước, nhưng mà vấn đề quyền con người thì chẳng phát triển là bao.

Họ nói là buổi đối thoại ấy là một trong những buổi đối thoại tệ hại nhất. Họ nói rằng họ cảm thấy chính phủ Việt Nam đang đi lùi hơn là tiến tới trong vấn đề nhân quyền.

DB Loretta Sanchez

Quỳnh Chi: Hoa Kỳ đang trở lại vùng Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam là một nước quan trọng trong vùng này. Liệu việc này có làm Quốc hội Hoa Kỳ quan tâm Việt Nam hơn?

Loretta Sanchez: Thực tế thì Hoa Kỳ quan ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc, là nhân tố lớn nhất trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đặc biệt khi nước này xâm lấn các vùng lãnh hải của Việt Nam tại Biển Đông thì vấn đề lại càng gây rắc rối. Hoa Kỳ đang tìm một nhân tố cân bằng với Trung Quốc và có vẻ Việt Nam có thể là nhân tố ấy dựa vào tiềm năng kinh tế của mình. Cho nên, Hoa Kỳ vẫn đang để mắt tới Việt Nam như là một người bạn đáng tin cậy.

Tuy nhiên, trước khi hai nước có những đồng thuận về nhân quyền, tôi cũng không biết là việc hợp tác có thể phát triển đến đâu. Ví dụ, tôi có nói chuyện với bên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sau khi họ có buổi đối thoại về nhân quyền trong tháng này. Họ nói là buổi đối thoại ấy là một trong những buổi đối thoại tệ hại nhất. Họ nói rằng họ cảm thấy chính phủ Việt Nam đang đi lùi hơn là tiến tới trong vấn đề nhân quyền.

Quỳnh Chi: Bà đề cập đến nhân quyền, là một người quan tâm đến tình hình Việt Nam, bà thấy tình hình nhân quyền tại Việt Nam cải thiện như thế nào ạ?

huynh-thuc-vy-250.jpg
Vào ngày 8 tháng 11, 2011, hàng chục công an bất ngờ tràn vào nhà blogger Huỳnh Thục Vy hành hung dọa nạt và tịch thu tài sản. Source Tiếng nói dân chủ online.

Loretta Sanchez: Về kinh tế, có nhiều tự do hơn về mặt này. Tôi có cảm giác là người dân cảm nhận được một ít tự do hơn một khi nền kinh tế tư bản được mang vào một hệ thống mà từ lâu bị nhà nước kiểm duyệt. Tuy nhiên, về nhân quyền, khi chúng tôi thấy quyền tường lửa, khi chúng tôi thấy blog bị đánh sập…thì chúng tôi còn quan ngại. Tóm lại, cũng có nhiều điểm tích cực. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách thức mới mà chính phủ Việt Nam sử dụng (để ngăn chặn vấn đề tự do dân chủ).
Quỳnh Chi: Ông Obama từng nói trước quốc hội Úc rằng sự phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển tự do và dân chủ. Việt Nam ngày càng mở cửa thị trường và tham gia vào các tổ chức kinh tế mang tính quốc tế như WTO và TPP. Liệu rằng việc này sẽ mang đến nhiều sự thay đổi kể cả về chính trị?

Loretta Sanchez: Một khi bạn mang một chút của nền kinh tế tư bản vào đất nước thì con người sẽ cảm nhận được thêm tự do và họ cũng sẽ tham gia vào xu hướng thế giới hơn. Hoa Kỳ cũng có những chương trình giúp đỡ hệ thống tư pháp về vấn đề minh bạch trong hợp đồng. Đó là mặt tích cực.

Ngoài những sự giúp đỡ đó, Hoa Kỳ cũng có thể giúp sửa đổi những điểm bất cập trong hiến pháp và luật pháp như điều 79 và điều 88 BLHSVN chẳng hạn. Những điều này có thể gây hại cho bất cứ ai nói đến tự do dân chủ, nói đến thay đổi… Những điều này cần được thay đổi, không chỉ thay đổi để phù hợp với nền kinh tế toàn cầu mà còn thay đổi để phù hợp với nhân quyền thế giới.

Tiếp tục đấu tranh cho VN

Quỳnh Chi: Câu hỏi cuối thưa bà, trong thời gian tới, kế hoạch phục vụ cộng đồng người Việt của bà như thế nào?

Loretta Sanchez: Đầu tiên, tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với những vị dân biểu khác trong quốc hội Hoa Kỳ để họ hiểu những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Điển hình là phải cho họ biết cuộc đối thoại nhân quyền vừa rồi tệ hại như thế nào.

Tôi cùng 15 vị đồng viện khác ký một lá đơn gởi đến ông David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Lá thư nói lên những vấn đề quan trọng mà ông Đại sứ cần nêu lên với Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình tại đó. Tôi cũng muốn tổ chức một buổi hội thảo trong đó mời vị Đại sứ nói chuyện với người Việt tại Quận Cam để họ có thể nói với ông Đại sứ những gì họ tin là đang xảy ra tại Việt Nam…

Nói chung, văn phòng chúng tôi cũng sẽ làm những gì đã từng làm trước đây, bao gồm cả việc quan tâm đến phụ nữ Việt Nam bị bán ra nước ngoài, việc tự do thông tin, quyền tự do tụ tập…và tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo luôn đứng đầu trong danh kế hoạch của tôi.

Quỳnh Chi: Xin cám ơn bà, một lần nữa chúc mừng bà đã phục vụ cộng đồng 15 năm qua.

Quỳnh Chi, phóng viên RFA

0 comments:

Powered By Blogger