Tuesday, December 27, 2011

Nữ đặc nhiệm FBI gốc Việt kể chuyện truy bắt tội phạm

Tác Giả: Quỳnh Chi / RFI

Hoa hậu áo dài năm 1970, là người Việt Nam đầu tiên trở thành nhân viên đặc nhiệm FBI, và hiện tại là chủ nhà hàng Xuân Mai, một điạ chỉ quen thuộc của du khách Thái Lan.

Bà Mỹ Dung đang trả lời phỏng vấn Quỳnh Chi của RFA

Đó là những gì người ta nghe nói về bà Mỹ Dung hay còn gọi là Meyung Robson. Và đó cũng chính là lý do Quỳnh Chi tìm đến nhà hàng Xuân Mai trên con đường Sukhumvit. Nhưng nhìn thấy những bức ảnh phong cảnh do bà Mỹ Dung tự chụp, thử tách trà do bà pha theo kiểu cung đình Huế, mới thấy có lẽ người ta chưa biết hết những điều thú vị về người phụ nữ này.

Từ Hoa hậu áo dài…

Vừa đon đả đón khách, bà Mỹ Dung vui vẻ kể về việc mình đạt danh hiệu hoa hậu áo dài năm 1970:
“Lúc đó tôi đang học trung học, và được bà giáo khuyến khích đi thi hoa hậu áo dài. Không ngờ tôi thắng giải. Lúc đó tôi chỉ mới 19 tuổi. Thật bất ngờ là hôm đi thi, phu nhân thủ tướng Trần Thiện Khiêm đến và mọi người tổ chức rất rộn ràng. Lúc ấy, đứng trên sân khấu, tôi cứ kêu “trời” thôi.”

Quỳnh Chi: Dạ vâng, có một điều làm nhiều người thắc mắc là vì sao từ một người phụ nữ dịu dàng trong tà áo dài, bà lại chọn con đường trở thành nhân viên đặc nhiệm FBI, một hình ảnh được cho là đối lập với vẻ dịu dàng nữ tính?

Bà Mỹ Dung: “Đó là sự đối lập hoàn toàn mà tôi cũng không ngờ. Khi còn nhỏ, bố tôi phục vụ cho quân đội trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Khi vụ đảo chính của lính nhảy dù xảy ra vào năm 1960, gia đình tôi bị uy hiếp, chĩa súng vào đầu vì họ muốn tìm tung tích cha tôi. Lúc ấy mới 9 tuổi, chứng kiến cảnh ấy, tôi rất sợ và từ đó cũng sợ những bộ quân phục và súng ống. Tôi cũng chẳng hiểu định mệnh trớ trêu thế nào mà tôi lại trở thành nhân viên đặc nhiệm FBI ở Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ có lẽ đó là do “mất nước”, nên những suy nghĩ và định mệnh của mình cũng thay đổi. Khi sang Hoa Kỳ năm 1975, đây là một nơi nương tựa. Cho nên tôi nghĩ rằng ít ra mình có thể làm gì để trả cái ơn ấy. Thứ hai nữa, lúc ấy tôi thấy có nhiều người Việt Nam bị những vấn đề về luật pháp, thì tôi nghĩ việc mình trở thành nhân viên FBI, có thể giúp được cộng đồng thì rất tốt.”
Tôi nghĩ có lẽ đó là do “mất nước”, nên những suy nghĩ và định mệnh của mình cũng thay đổi.
Bà Mỹ Dung

Quỳnh Chi: Quá trình bà nộp đơn vào đây trong bao lâu mới được chấp nhận?

Bà Mỹ Dung: “Tôi nộp đơn năm 1980 nhưng chờ mãi đến hơn 3 năm sau vẫn chưa được nhận nên tôi hết kiên nhẫn và đòi rút hồ sơ lại. Hóa ra, trong hồ sơ, tôi có yêu cầu được làm cảnh sát đặc nhiệm và họ báo rằng họ đang xem xét vấn đề ấy. Một tháng sau, tôi được nhận. Lúc đó là năm 1984. Tôi được huấn luyện khoảng 16 tuần lễ và sau đó bắt đầu làm nhân viên đặc nhiệm ở Huston, Texas. Lúc ấy, tôi là người Việt Nam đầu tiên trở thành nhân viên đặc nhiệm FBI.”

Quỳnh Chi: Là người Châu Á và cũng thường xuyên nhận nhiệm vụ ở vùng này, khi còn làm nhiệm vụ có phải đây là một lợi thế cho một nhân viên đặc nhiệm như bà?

Bà Mỹ Dung: “Một câu hỏi khá thú vị. Thú thật, khi tôi đi các nước Châu Á, họ có thể nhận ra tôi là người Việt Nam. Nhưng khi tôi về Việt Nam thì thật thú vị là họ không biết tôi là người Việt. Họ cứ nghĩ tôi là người Nhật, Trung Quốc hay Hàn Quốc…Tôi nghĩ đó cũng là một lợi thế cho một nhân viên đặc nhiệm.”

…đến Cảnh sát đặc nhiệm

Quỳnh Chi: Trong 20 làm nhân viên đặc nhiệm FBI, có sự kiện đặc biệt nào làm bà nhớ nhất?

Bà Mỹ Dung: “Có nhiều lắm chứ. Hai mươi năm thì có rất nhiều điều để nói. Bạn bè cũng khuyến khích tôi viết hồi ký…Một trong những vinh dự của người cảnh sát đặc nhiệm FBI là ghi công để bắt những tên tội phạm nằm trong danh sách 10 người bị truy nã gắt gao nhất. Tôi may mắn bắt được 2 trường hợp nằm trong danh sách ấy. Người thứ nhất tên Nguyễn Thành Thắng. Anh này là người Việt Nam đầu tiên nằm trong danh sách 10 người bị FBI truy nã gắt gao nhất trên thế giới.

Anh này phạm tội ám sát ông chủ của mình ở New York và trốn về Việt Nam. Lúc ấy là thập niên 80, 90, nhiều người cho rằng nếu đã trốn về Việt Nam thì không phải sợ nữa. Bởi vì FBI không có những ký kết dẫn độ tội phạm với Việt Nam và nếu tội phạm khi ở Việt Nam thì cũng khó bị tìm kiếm. Lúc ấy, cấp trên của tôi đang làm việc tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok và liên lạc với tôi. Tôi lập tức liên lạc điện đàm từ Minapolis qua Bangkok, rồi Việt Nam để giúp cảnh sát Việt Nam tìm anh tội phạm này. Hơn ba tháng sau, anh này bị bắt.”

Quỳnh Chi: Còn trường hợp thứ hai là như thế nào?

Bà Mỹ Dung: “Còn trường hợp thứ hai là một người phạm tội xâm hại trẻ em cũng nằm trong danh sách 10 người bị FBI truy nã gắt gao. Anh này đã bị bắt ở Bangkok nhưng khi ra tòa, tòa án Bangkok cho anh ta tại ngoại hầu tra và giữ passport của anh. Nhưng Bangkok là một nơi có thể làm giả giấy tờ một cách quá dễ dàng. Sau khi ra khỏi toà, anh này làm giấy tờ giả và phẫu thuật toàn bộ khuôn mặt để lẩn trốn. Hai năm sau, tôi nhận được nguồn tin báo rằng anh này có thể là tên tội phạm đào tẩu ấy. Lúc ấy, tôi đã làm cho sứ quán Hoa Kỳ ở Bangkok. Sau khi nói chuyện với người cung cấp tin, tôi khẳng định chính nhân vật đang nghi vấn là người đào tẩu. Và chưa đến 24 tiếng đồng hồ sau, anh này bị bắt.

Những việc tôi làm nhiều khi đối chọi với nhau nhưng tôi đều gặt hái được thành công khi cố gắng hết mức.
(Bà Mỹ Dung)

Ngay sau khi về hưu năm 2004, vai trò của bà Mỹ Dung lại một lần nữa thay đổi. Cũng giống như lần thay đổi đầu tiên, đó là một sự thay đổi mang tính đối lập. Không dự tính trước, nhưng bà lại mở nhà hàng phục vụ món ăn người Việt trên đất Thái, lấy tên Xuân Mai – tên của con gái bà. Con đường Sukhumvit vốn đã đặc biệt vì nối liền hai xứ Chùa Tháp và Chùa Vàng; trên con đường này, nhà hàng Xuân Mai cũng trở nên đặc biệt với cách trang trí lấy hoa sen làm chủ đạo.”

Quỳnh Chi: Có thể nói là bà đóng đến ba vai trò: hoa hậu áo dài, nhân viên FBI và bà chủ nhà hàng. Không biết là có sự liên hệ nào của ba vai trò đó không?

Bà Mỹ Dung: “Những việc tôi làm nhiều khi đối chọi với nhau nhưng tôi đều gặt hái được thành công khi cố gắng hết mức. Ví dụ, khi làm FBI thì tôi cố giúp phần nào cho công việc lớn. Đó là trở thành người đầu tiên bắc đầu cầu giữa cảnh sát FBI Hoa Kỳ và cảnh sát Việt Nam.

Hiện tại, trong vai trò chủ nhà hàng, mỗi tháng phải về Việt Nam để mua những vật dụng cần thiết, tôi thấy rất đau lòng vì mọi người dùng bột ngọt quá nhiều. Có lẽ là do từ thập niên 80, khi Hoa Kỳ và Việt Nam chưa có giao thương thì người Việt hải ngoại gởi bột ngọt về Việt Nam thay vì gởi tiền. Cho nên, việc ăn bột ngọt đã trở thành thói quen của nhiều người Việt Nam trong nước. Tôi luôn muốn có tiếng nói để bà con ý thức được rằng việc ăn bột ngọt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Cho nên, khi làm FBI, tôi có nhiệm vụ thì bây giờ, tôi cũng tự cho mình cái nhiệm vụ như thế.”

Một góc nhà hàng Xuân Mai. RFA photo

Vai trò mới

Quỳnh Chi: Rất thú vị, vậy trong ba vai trò trên, vai trò nào bà thấy thích nhất và đóng trọn vai nhất?

Bà Mỹ Dung: “Vai trò của một hoa hậu áo dài chưa bao giờ được tôi cho là quan trọng. Còn nói về việc làm cảnh sát đặc nhiệm FBI, thì quả thật nếu có kiếp sau, tôi cũng không chắc mình có được cơ hội ấy. Nói về việc nấu bếp như bây giờ thì sau khi về hưu, tôi không hề nghĩ rằng có thể tìm được một công việc nào thú vị bằng công việc trong FBI. Tuy nhiên, nghề bếp này rất vui, đặc biệt là khi thấy thực khách vui vẻ, mình cũng thấy hãnh diện.”

Quỳnh Chi: Bà tâm sự rằng mình rất thích làm cảnh sát đặc nhiệm và thấy được những điều thú vị của nó, thế vì sao bà lại không hướng hai con của mình theo nghiệp mẹ?

Bà Mỹ Dung: “Khi các con tôi còn nhỏ, đôi lúc tôi phải mang con theo khi thực hiện nhiệm vụ. Cho nên, chắc hẳn công việc của FBI đã có trong máu chúng nó rồi. Các con tôi chọn đường hướng nào, tôi cũng sẽ ủng hộ. Nếu nó muốn trở thành cảnh sát đặc nhiệm FBI, tôi cũng sẽ ủng hộ, nhưng không ép.”
Nghề bếp này rất vui, đặc biệt là khi thấy thực khách vui vẻ, mình cũng thấy hãnh diện.
(Bà Mỹ Dung)

Quỳnh Chi: Nhiều người cho rằng mỗi một người luôn có một góc khuất của mình, không biết điều này có đúng với bà không?

Bà Mỹ Dung: “Có nhiều chứ, nhưng mà đã ở tuổi lục tuần, tạm gọi là đủ. Bây giờ tôi chỉ cố gắng giúp con thành tài. Đó là tâm nguyện của tôi. Mặc dù chuyện tình cảm gia đình tan vỡ nhưng tôi rất hãnh diện vì mình đã một tay nuôi hai con khôn lớn.”
Cách đây 12 năm, vì quá đam mê nghiệp vụ, bà Mỹ Dung chấp nhận sang Thái Lan sinh sống. Là một bác sĩ, có sự nghiệp riêng ở Hoa Kỳ, chồng bà Mỹ Dung đã không thể đi chung con đường với bà. Hiện nay, hai con của bà Mỹ Dung đều đã trưởng thành. Những tưởng bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đời mình. Tuy nhiên, mang vấn đề này hỏi bà, chỉ nhận được cái lắc đầu. Bà cho biết nhiệm vụ của bà chưa kết thúc vì cậu con trai, hiện là sinh viên ngành không gian, có một giấc mơ “rất lớn”. Có lẽ chuyện về bà Mỹ Dung sẽ được nói lại trong một dịp khác, khi giấc mơ của chàng trai trẻ này thành hiện thực.

0 comments:

Powered By Blogger