Cuối năm, điểm lại một số sự việc chỉ có thể xảy ra ở một nước như nước VN ta:
1. Người dân vì lòng yêu nước, xuống đường biểu tình phản đối chính sách hung hăng gây hấn và đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông bị đối xử như bọn tội phạm hoặc không phải là người:
Hoặc bị vác xốc lên vai như một con vật, bị khiêng giang hai tay hai chân giữa đường, bị giằng lấy cờ, nón xé nát, đỉnh cao là bị đạp thẳng vào mặt (trường hợp anh Nguyễn Chí Đức). Hoặc bị bôi nhọ trên Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội bất kể họ là những trí thức, văn nghệ sĩ có tiếng, như nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải… Hoặc bị bắt cóc đưa thẳng vào…trại giáo dục cải tạo, không cần luật lệ gì, như trường hợp chị Bùi thị Minh Hằng chẳng hạn.
2. Tất bật chữa bệnh cho “Cụ” Rùa Hồ Gươm.
Một con rùa già bị bệnh, chính xác là bị ghẻ lở, trở thành một sự kiện quan trọng suốt một thời gian dài. Chính quyền Hà Nội phải đau đầu nghĩ đủ cách cứu chữa hơn cả cứu người, thậm chí cả một ban bệ hơn 10 sở, ngành và một kế hoạch đã được lập ra để lo về vụ này. Cứ như cả nước không có việc gì khác đáng phải lo nữa. Báo chí ròng rã hơn tháng trời chỉ toàn đưa tin viết bài về “Cụ” Rùa. Người dân cũng nhốn nháo theo. Con rùa được nâng lên thành biểu tượng, thành linh vật, được trân trọng gọi bằng “cụ” và viết hoa là “Cụ Rùa”! Mới đây người ta lại còn bàn phải nhân bản vô tính hoặc tìm cách cho phối giống với rùa Trung Quốc để “Cụ” Rùa không bị tuyệt chủng!
Cũng như sự kiện hàng ngàn người chen lấn nhau để giành giật những lá ấn tại lễ khai ấn đền Trần, Nam Ðịnh vào đêm 14 tháng 1 Âm lịch, hai sự việc nhưng cùng cho thấy bản chất của một vấn đề: Sự mê tín nặng nề trong xã hội. Có cái gì đáng buồn hơn khi một dân tộc mà đến tận thế kỷ XXI này vẫn còn lao theo những niềm tin như vậy. Nhưng nghĩ cho cùng, lỗi không thuộc về người dân. Ai đã nảy ra sáng kiến phát ấn, ai đã tôn con rùa Hồ Gươm lên thành linh vật?
3. Vụ nhắn tin bầu chọn cho vịnh Hạ Long: sự háo danh, gian và tham được cổ vũ công khai.
Dưới sự vận động hô hào của nhà nước VN nhân danh lòng yêu nước, tự hào về đất nước, cộng với sự tuyên tuyền hết cỡ của bộ máy truyền thông báo chí quốc doanh, người dân VN thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi, đã tự nguyện hoặc buộc phải lao vào cơn nhắn tin bình chọn cho vịnh Hạ Long được lọt vào “7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới” của một tổ chức tư nhân không mấy tên tuổi New Open World.
Khi cuộc thi bầu chọn vào giai đoạn nước rút, không thiếu những chuyện hài cười ra nước mắt như các tỉnh thành, các cấp đoàn hội, các cơ quan…phát động tập trung bầu chọn, các giải thưởng khác nhau được đưa ra để khuyến khích người dân nhắn tin (“Nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long để nhận thưởng 30 triệu đồng”,Quảng Ninh). Thậm chí ông Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trong toàn hệ thống vào các buổi sáng thứ hai, thứ sáu hàng tuần giáo viên, học sinh dành thời gian bầu chọn cho Vịnh Hạ Long. Ông Bộ trưởng Văn hóa-Thông tin-Du lịch Hoàng Tuấn Anh qua tận Indonesia huy động VĐV gà nhà bầu chọn, vận động cả đứa cháu mới 5 tháng tuổi của mình… “bấm“ bầu chọn…vịnh Hạ Long. Ông chúa đảo Tuần Châu đã tự tay (?) nhắn hơn 110.000 tin nhắn bình chọn và còn lệnh cho nhân viên, in thành pano to tướng treo ở giữa đảo, phải nhắn 100 tin, nếu không sẽ bị đuổi việc. Một người dân thường, anh Hoàng thợ cơ khí làm việc ở Đà Nẵng với mức lương 150.000 đồng/tháng đã bỏ ra 7 triệu đồng tiết kiệm, thậm chí cả tiền mua quà sinh nhật cho con gái 5 tuổi, để nhắn gần 12.000 tin nhắn trong gần 1 tháng (theo VTCNews) v.v….và v.v…
Không có một quốc gia nào hăng hái đến như vậy. Một kỷ lục của sự háo danh, và gian lận dược cổ vũ công khai.
Rốt cuộc, vịnh Hạ Long tạm thời được lọt vào danh sách “7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới”. Còn tổ chức New Open World được hưởng gần 50% từ 24 triệu tin nhắn của người dân Việt Nam, với 630 đồng/tin nhắn, ước tính số tiền mà NOW thu được khoảng 7,5 tỷ VN đồng một cách khỏe re! (“NewOpenWorld thu được bao nhiêu tiền từ bầu chọn Vịnh Hạ Long?” Bee.net.vn). Và sau đó thì giá vé tham quan vịnh Hạ Long được tăng lên cho xứng với danh hiệu!
Ngẫm ra hai cái vụ nhắn tin bầu chọn hay xót thương cho “cụ” rùa kia có khác gì chuyện khóc tập thể của dân Bắc Hàn trước cái chết của ông Kim Jong-il? Hai câu chuyện khác nhau, mức độ khác nhau, nhưng về bản chất, cũng là người dân bị nhà nước cộng với bộ máy truyền thông tuyên truyền, xỏ mũi dắt dây thôi.
4. Nghị trường VN lắm chuyện bi hài.
Quốc hội, lẽ ra phải là nơi góp mặt của các đại biểu nhân dân, những con người xứng đáng nhất, có tài và có đức, nhưng lại trở thành một nơi với rất nhiều nhân vật…không xứng đáng. Hoặc bị tố cáo về tư cách, nhân thân như bà nghị Đặng Thị Hoàng Yến (đại biểu tỉnh Long An), bị tố cáo khai man bằng cấp như bà nghị Châu Thị Thu Nga (Hà Nội). Hoặc dốt nát, kiến thức có lỗ hổng nặng nề như ông nghị Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), ông nghị Đỗ Văn Đương (TP.HCM), ông nghị Nguyễn Minh Hồng- bác sĩ kiêm nhà văn, đại biểu tỉnh Nghệ An….Hoặc hoang tưởng, có vấn đề về tâm thần như ông nghị Hoàng Hữu Phước (TP.HCM)…
Những câu phát biểu “hoành tráng” của các vị này tiếp tục chứng minh quan trí VN không đi đôi với bằng cấp mà họ có và cái ghế họ đang ngồi!
5. Thủ tướng “được báo chí nước ngoài ca ngợi” và “vụ Vinashin, tôi không ra quyết định nào sai”.
Tác giả Nguyễn Tôn Hiệt đã làm một cú “lật tẩy hoành tráng” khi phát hiện ra sự thật của việc Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng được báo chí nước ngoài, cụ thể là nhật báo báo Firmenpress của Đức ca ngợi là “xuất sắc nhất châu Á”. Hóa ra không hề có cái gọi là báo Firmenpress mà chỉ có trang firmenpresse.de là một trang chuyên đăng các bài tự quảng cáo tiếp thị trong mọi lĩnh vực do các khách hàng tự viết gửi đến. Và khách hàng gửi 2 cái quảng cáo tiếp thị về Nguyễn Tấn Dũng là “RES-Resources, Ecology, Services GmbH” chuyên về các dịch vụ chế biến rác rưởi và vệ sinh môi trường! Toàn bộ vụ việc này xin mời đọc lại “Báo chí nước ngoài” ca ngợi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng? Thật ra chỉ là một trò lừa bịp!” trên Tiển Vệ.
Như tác giả bài viết nhận xét, trò bịp bợm diễn ra ngay trong những ngày trước Đại Hội Đảng CSVN lần thứ XI khi cuộc chọn lựa vào các vị trí chủ chốt đang hồi gay cấn, vậy ai đạo diễn, ai được hưởng lợi?
Cũng ông Thủ tướng này, người đứng đầu chính phủ, chịu trách nhiệm chính về điều hành quản lý kinh tế, vậy mà trong năm qua kinh tế VN rơi vào tình trạng khó khăn nhất kể từ năm 1991, lạm phát cao nhất châu Á, nhì thế giới, hàng trăm doanh nghiệp phá sản hoặc thua lỗ, vỡ nợ…điển hình là vụ Vinashin. Nếu ở bất cứ một quốc gia dân chủ pháp trị nào khác, ông Thủ tướng ấy sẽ bị cách chức hoặc tự động từ chức từ lâu, thậm chí còn đối mặt với tù tội. Nhưng ở VN, ông Thủ tướng ấy không bị gì, lại được ngồi thêm một nhiệm kỷ 5 năm nữa, và lại còn phát biểu như sau: “Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai”. (“Thủ tướng: Vụ Vinashin, tôi không ra quyết định nào sai”, VietnamNet)
6. Ngành điện: Lương, lỗ, nợ và giá.
Một tập đoàn điện lực năm nào cũng thấy than lỗ nặng và đang nợ ngập đầu nhưng công nhân viên, cán bộ quan chức ngành này lại có mức lương khủng so với mặt bằng chung của xã hội. Khi ông Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN (EVN) công bố mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng, dư luận đã sốc. Nhưng càng sốc hơn khi Kiểm toán Nhà nước “khui” ra trong năm 2010 thu nhập bình quân toàn công ty mẹ là 13,7 triệu đồng/tháng, khối cán bộ cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn còn cao gấp hơn 2 lần, tức xấp xỉ 30 triệu đồng/tháng, riêng cấp lãnh đạo cao hằng tháng thu nhập trên 100 triệu đồng, trong khi tập đoàn này lỗ gần chục nghìn tỉ đồng!( “Sốc với lương ngành điện”, Báo Thanh Niên). Và khi thua lỗ thì cứ vô tư tăng giá điện, bắt dân gánh để bù vào! Tình trạng này không còn mới lạ gì nhưng người dân vẫn cứ phải cắn răng mà chịu đựng!
7. Năm nào cũng lũ và năm nào cũng có số lượng người chết cao.
Năm 2011, “từ tháng 10 đến đầu tháng 11/2011, tại Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra đợt lũ lớn nhất trong một thập kỷ qua, làm 85 người chết, tổng thiệt hại vật chất lên tới trên 4.000 tỷ đồng.” (“10 sự kiện nổi bật của VN trong năm 2011”, VietnamPlus).
Một đất nước với bờ biển dài hơn 3.300 km, năm nào cũng phải đương đầu với bão lụt, năm nào cũng có hàng trăm người chết và mất tích,hàng ngàn người bị mất nhà cửa, tài sản, thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế của đất nước. Bao nhiêu ý kiến đóng góp tâm huyết của người dân về việc phải có một giải pháp quy hoạch tổng thể phòng chống lũ lụt để những tai họa tương tự không xảy ra hoặc bớt thiệt hại hơn, nhưng rồi mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Năm sau lũ lại xảy ra, lại kêu gọi nhân dân đóng góp, lại mì gói. Lãnh đạo lại đi thuyền xuống vùng lũ, tự tay trao cho người dân thùng quà, báo chí chụp hình, TV quay phim, v.v. mọi người cảm động!
Những việc đó nếu biết xây dựng một xã hội dân sự tốt, những hội đoàn, tổ chức phi chính phủ… sẽ đảm nhiệm. Việc mà người dân cần ở nhà nước là những biện pháp mang tính chiến lược cộng với quyết tâm thật sự để ngăn ngừa, hạn chế được thiệt hại do bão lũ.
8. Khi dịch tay chân miệng đã làm chết hàng trăm trẻ em, Bộ trưởng Y tế vẫn cho rằng chưa đến mức…công bố dịch.
Theo Báo Tuổi trẻ ngày 23.11, dịch bệnh tay chân miệng trong năm 2011 lan rộng tại tất cả 63 tỉnh, thành, với trên 90.000 ca mắc bệnh, 153 trường hợp tử vong.Cao gấp chín lần so với năm 2010, vào loại cao nhất ở châu Á.
Trước đó, trong buổi họp về phòng chống dịch ngày 25.10, khi tình hình đã rất nghiêm trọng, vậy mà bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn cho rằng chưa đến mức phải công bố dịch, và “đã có nước nào công bố dịch đâu mà chúng ta công bố” (“Bộ trưởng Y tế:“Chưa đến mức công bố dịch tay chân miệng”, VNExpress).
Và khi Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải dùng anolyte (nước ozôn, tạo ra từ quá trình điện phân muối) để chữa trị bệnh và đạt được kết quả tốt ở tỉnh Ninh Thuận, Bộ Y tế đã không tích cực xem xét, hỗ trợ ông để cùng thử nghiệm ngay xem có nên áp dụng phương pháp này không. Mà phải mất rất nhiều thời gian sau, khi Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải như một quả bóng bị đá qua đá lại giữa sự ủng hộ của dư luận và sự phê phán, bác bỏ, thậm chí miệt thị của nhiều nhà chuyên môn, cán bộ ngành y tế, bộ Y tế mới chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang tiến hành đánh giá về hiệu quả điều trị, phòng tránh bệnh tay chân miệng bằng phương pháp của ông. Cuối cùng, các bác sĩ và các nhà khoa học đều nhất trí dung dịch này có tính sát khuẩn mạnh, nhưng chưa đủ cơ sở để nói nó “chữa” được bệnh tay chân miệng! Trong khi đó thì 147 đứa trẻ đã chết, và bệnh dịch vẫn lan tràn!
147 đứa trẻ chết, vậy mà bà Bộ trưởng và các quan chức ngành Y tế chẳng ai bị gì, càng không có ai đứng ra từ chức vì lòng tự trọng!
9. Ngày càng nhiều những vụ nữ sinh đánh nhau, làm nhục nhau rồi quay thành clip tung lên mạng.
Năm 2010 cũng đã có những hiện tượng như vậy. Nhưng sang năm 2011, số vụ việc và clip được tung lên mạng nhiểu hơn, mức độ dã man cũng tăng lên, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Chỉ trong một bài “Những clip nữ sinh làm tan tành áo bạn”, VTCNews đã thống kê nào là Nữ sinh Thái Nguyên đánh bạn gục tại chỗ, Nữ sinh rạch áo bạn bằng dao lam tại Bắc Ninh, Nữ sinh Bắc Giang đánh bạn tại phòng trọ, Nữ sinh Lạng Sơn bị đánh hội đồng, Nữ sinh Hà Tĩnh đánh nhau tập thể…Còn nếu search trên google “nữ sinh đánh nhau 2011” sẽ cho ra khoảng 7,060,000 kết quả trong 0, 22 giây!
Chúng ta thấy gì từ hiện tượng này? Xin để cho các nhà giáo, nhà tâm lý học, xã hội học…phân tích. Nhưng chắc chắn hiện tượng này có liên quan nếu không muốn nói là hệ quả của một môi trường xã hội, giáo dục mà đạo đức con người đã bị tha hóa, nhân cách con người bị méo mó, mọi giá trị đều bị đảo lộn… khiến các em học sinh bị khủng hoảng niềm tin vào nhà trường, xã hội, luật pháp…
10. VN đón tiếp Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lá cờ thừa một ngôi sao.
Nhầm lẫn, sai sót về mặt kỹ thuật? Hay sự cố tình để làm đẹp lòng Trung Quốc? Dù sao, dư luận vẫn nghiêng về phía cố tình nhiều hơn, nhất là khi đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố lá cờ “lạ”, và chuyến đi của Tập Cận Bình ít nhất đã mang đến cho VN 300 triệu đô la tín dụng cho vay.
Thật ra sự cố cờ thừa sao này cũng đã từng xảy ra ở Pakistan và Ấn độ, nhưng do mối quan hệ “đặc biệt”, bất tương xứng giữa VN và TQ, quá khứ 1000 năm đô hộ xa xưa cộng với những cuộc chiến, thực tế mất đất mất đảo mất biển vào tay TQ… khiến cho người VN trở nên nhạy cảm hơn. Lá cờ lạ, thêm vào đó là thái độ không rõ ràng, sự lên tiếng bào chữa một cách vụng về của Bộ ngoại giao càng khiến cho dư luận bàn tán.
Còn rất nhiều những chuyện khác như công an tiếp tục lập thành tích là hung thần của dân, sử dụng bạo lực đánh chết dân chỉ vì những lý do nhỏ nhặt như quên đội mũ bảo hiểm, vi phạm luật giao thông hay đang trong quá trình tạm giam để điều tra một vụ việc nào đó. Điển hình là vụ anh Nguyễn Công Nhựt bị chết trong trụ sở CA huyện Bến Cát (Bình Dương) sau 5 ngày bị bắt giữ trái pháp luật, ông Trịnh Xuân Tùng bị công an phường Thịnh Liệt, Hà Nội đánh gãy cổ và chết sau đó 1 tuần trong bệnh viện…Hay việc nhà nước VN tiếp tục lập thành tích về vi phạm tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng qua các vụ đàn áp giáo xứ Thái Hà, giáo phận Vinh v.v…và v.v…
Nhưng những chuyện như thế thì có thể xảy ra ở bất kỳ một quốc gia độc tài toàn trị nào, không riêng gì Việt Nam, nên không tính vào đây!
Song Chi
0 comments:
Post a Comment