Monday, December 5, 2011

Một trong Vài Trại Súc Vật Ngày Nay!

Trung Cộng của George Orwell?
By William de Tocqueville – PBD dịch

Tác giả là một giáo sư kinh tế tại một viện đại học ở Trung Cộng. Ông yêu cầu không tiết lộ tên ông ta.

Hồ Cẩm Đào vẫn hay nhấn mạnh đến ‘công bằng’ tại Trung Cộng. Nhưng liệu lời này đã đến tai nhiều viên chức của nước này hay chưa?

Trong dịp lễ Tân Niên của người Hoa, một số đông hành khách tại Trạm Hỏa Xa Thiên Tân bị công an bắt phải ôm hành lý mà chờ trên sân ga trong gió lạnh thấu xương trong khi một nhóm nhỏ cán bộ của Đảng Cộng Sản khệnh khạng bước lên toa hạng nhất. Tức giận trước cảnh bất công quá sức này, một sinh viên luật trẻ tuổi từ Đại Học Bắc Kinh đã dùng điện thoại di động của cô mà chụp hình cảnh này. Nhiều tên công an cả đồng phục lẫn thường phục đã ùa tới cô, la hét bảo cô phải giao lại máy chụp hình và đi theo chúng. Khi chúng chụp lấy cô, cô hét lớn ‘như mụ bán cá’ (chữ dùng của chính cô), để tạo ra cảnh cãi nhau ầm ĩ cho mọi người chú ý cho đến khi chúng phải thả cô ra. Khi cô vừa lên xe lửa là cô đăng ngay câu chuyện này trên micro-blog của trường cô, và câu chuyện này lan tràn khắp nơi như trận cháy rừng trên Internet tiếng Hoa.

Kể từ khi Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào lên nhậm chức vào năm 2004, ông ta đã dùng ý niệm công bằng làm chủ đề chính trong nghị trình của ông ta. Họ Hồ, cùng với gốc thế lực của ông ta trong Đoàn Thanh Niên Cộng Sản (Cộng Thanh Đoàn), xem tình trạng chênh lệch ngày càng nhiều giữa tầng lớp giàu và nghèo tại Trung Cộng là mối đe dọa quan trọng đến nền ổn định xã hội và chính trị. Kế Hoạch Ngũ Niên mới nhất của nước này, được đưa ra hồi Tháng Mười Một năm ngoái, là nhằm phân phối lại lợi tức cho đồng đều hơn hầu giúp ‘phát triển mọi tầng lớp,’ và mục tiêu này phản ảnh việc nhiều người trong giới lãnh đạo Đảng tin rằng châm ngôn của Đặng Tiểu Bình—‘để cho một số người trở nên giàu có trước’—đã đi quá lố.

Nhưng vụ xảy ra tại trạm hỏa xa này cho thấy việc nhà cầm quyền ám ảnh về tình trạng bất bình đẳng lợi tức và những gì thực sự sai trái làm người dân phải phẫn uất lại không liên quan gì với nhau. Những gì làm người dân phẫn uất không phải là của cải tiền bạc mà là những thứ như đặc ân đặc quyền đặc lợi. Nói chung, công nhân người Hoa bình thường ngưỡng mộ những người trở nên giàu có nhờ khôn ngoan hoặc chăm chỉ làm việc, vì đó chính là những gì mà họ khao khát tự mình cũng làm được như vậy. Nhưng điều gây phẫn uất đối với họ là càng ngày họ càng cảm thấy có một lớp người đặc biệt được hưởng các quy luật khác hẳn với mọi người khác.

Vào một đêm Tháng Mười năm ngoái, tại thành phố Bảo Định, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, nằm ở phía tây Bắc Kinh, một tài xế 22 tuổi say rượu lái xe đụng hai nữ sinh, rồi bình thản phóng xe đi luôn, để đón bạn gái của y cách đó vài dãy phố. Một trong hai nữ sinh này đã chết sau khi bị bỏ mặc nằm trong vũng máu của cô. Khi nhiều người qua đường chứng kiến cảnh này và đuổi theo để chặn thủ phạm lại thì y tỏ vẻ khinh thường coi họ không ra gì. ‘Kiện tao đi nếu chúng mày dám,’ được biết y còn vênh váo chế nhạo là, ‘Bố tao là Lý Cương!’—phó trưởng ty công an địa hạt này.

Vụ này chỉ là vụ mới đây nhất trong một loạt những vụ thanh niên phóng xe đụng người rổi bỏ chạy luôn mà xem chừng như vẫn ung dung không bị rắc rối gì với pháp luật nhờ các đường dây móc nối chính trị của gia đình. Dù nhà cầm quyền có cố gắng hết sức để ém nhẹm nhưng chuyện này đã nhanh chóng trở thành một vụ chấn động qua Internet tiếng Hoa, với khẩu hiệu ‘Cha tôi là Lý Cương!’ trở thành câu nói quen thuộc để nói chung về nạn ngạo mạn và tham nhũng của các “quan chức”. Trước áp lực nặng nề của người dân, con trai của Lý Cương cuối cùng đã bị xử phạt sáu năm tù.

Mọi người tại Bắc Kinh mặc nhiên cho rằng nhà cầm quyền cần phải can thiệp tích cực hơn để giải quyết nạn bất bình đẳng. Nhưng vấn đề thực sự ở đây là các viên chức chính quyền giữ vai trò quá lớn trong việc quyết định ai là người thắng và ai là kẻ thua trong hầu hết mọi tầng lớp xã hội. Tình trạng thiếu trách nhiệm đối với người dân vì không do dân bầu thực sự, cộng với khuynh hướng tự nhiên là thiên vị gia đình và bạn hữu, khiến tạo ra một vòng lẩn quẩn thật tệ mạt là thế lực sinh ra tiền và tiền lại mua được thế lực. Theo một cuộc thăm dò mới đây của hãng nghiên cứu thị trường YouGov và Viện Legatum của Luân Đôn thì 93 phần trăm thương gia người Hoa xem yếu tố quan hệ—tức là móc nối quen biết với các viên chức chính quyền—là yếu tố then chốt để thành công thương mại.

Vượt trội hơn người có nghĩa là được hưởng ân huệ đặc biệt. Hệ thống thuế của Trung Cộng cho thấy rõ như vậy. Giới chức thuế của nước này ước lượng các công nhân có lợi tức từ trung bình trở xuống phải đóng khoảng hai phần ba tổng số thuế lợi tức cá nhân, ngược hẳn với Hoa Kỳ, nơi mà 5 phần trăm dân số thuộc giới có lợi tức cao nhất lại đóng gần 60 phần trăm tổng số thuế lợi tức cá nhân. Khác biệt không phải là thuế suất, mà với thuế suất cao nhất của họ là 45 phần trăm Trung Cộng thực ra có thuế suất chênh lệch cao hơn Hoa Kỳ, nhưng lại chỉ đứng sau Pháp trong bảng ‘chỉ số khốn khổ vì thuế’ của Forbes nếu xét về thuế suất biểu kiến. Tình trạng mất cân bằng này là vì nạn trốn thuế lan tràn khắp nơi. Giới triệu phú tại Trung Cộng trên nguyên tắc có thể phải đóng thuế nhiều hơn nhưng trên thực tế lại đóng rất ít.

Theo một cuộc nghiên cứu mới đây của Credit Suisse, và do Giáo Sư Vương Tiểu Lỗ của Hội Nghiên Cứu Cải Cách Trung Quốc thực hiện thì mức lợi tức che giấu, không khai báo tại Trung Cộng có thể lên tổng cộng tới 9,3 ngàn tỷ RMB(*) (1,4$ ngàn tỷ), tương đương với 30 phần trăm GDP(**). Gần hai phần ba số lợi tức che giấu là của 10 phần trăm số nhà có lợi tức cao nhất; 80 phần trăm là của 20 phần trăm có lợi tức cao nhất. Do đó, mức chênh lệch lợi tức mỗi đầu người giữa 10 phần trăm cao nhất và 10 phần trăm thấp nhất của số nhà trong thành phố thì cao hơn nhiều (gấp 26 lần) so với số thống kê chính thức (gấp 9 lần).

Bản chất của lợi tức này mới là điều gây phẫn uất. Theo phúc trình của Credit Suisse thì ‘Các sự kiện cho thấy là số lợi tức không rõ ràng này bắt nguồn từ việc sử dụng sai trái quyền lực và có liên hệ mật thiết đến tham nhũng.’ Nói cách khác, chính quyền hành mà các viên chức chính quyền sử dụng, chứ không phải vì không dùng đến, mới làm tăng thêm tình trạng bất bình đẳng và gây bất mãn trong dân chúng.

Lòng phẫn uất cũng dịu đi phần nào nhờ mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Cộng. Do đó chính quyền Trung Cộng nhất quyết phải đạt cho kỳ được các mục tiêu tăng trưởng. Nhất là trong hai năm qua, Trung Cộng đã có thể nói với công dân của họ, ‘Các người nghĩ rằng các người bất hạnh à? Hãy biết ơn là các người ở đây chứ không phải nơi khác.’ Nhưng nếu mức tăng trưởng không được như vậy nữa thì sao?

Ngày hôm nọ, tôi đang đậu xe trong một nhà đậu xe dưới hầm tại Bắc Kinh thì lại gặp một cảnh tượng quá quen thuộc. Một chiếc xe màu đen sang trọng có bảng số Công An Vũ Trang Nhân Dân chính thức màu đỏ vừa đậu vào một chỗ dành riêng cho người khác. Khi nhân viên nhà đậu xe bước tới nhỏ nhẹ đề nghị người lái xe dời xe đi chỗ khác, người lái xe đó quay lại quát xối xả vào mặt anh ta. ‘Mày là ai? Mày chẳng là cái thớ gì cả!’ y rống to khiến các bức tường bê tông tựa hồ như vang dội ngược lại tiếng của y. ‘Tao sẽ bóp nát mày như con bọ!’ Cha của y có thể không phải là Lý Cương, nhưng vấn đề ở đây vẫn rõ rệt. Tại Trung Cộng ngày nay, cũng giống như trong Trại Súc Vật(***) của Orwell, một số thú vật nào đó có quyền thế hơn các thú khác.

Source: The Diplomat
__________
Chú thích của người dịch:

(*) Renminbi (¥) hay đồng nguyên
(**) Gross Domestic Product (Tổng Sản Lượng Quốc Nội)
(***) Animal Farm của nhà văn George Orwell. Truyện này miêu tả một trại nuôi gia súc để ám chỉ tình trạng thối nát đồi bại khốn nạn của chủ nghĩa cộng sản áp dụng tại Liên Xô từ trước và trong thời Stalin.

0 comments:

Powered By Blogger