Saturday, December 24, 2011

Hãy Vùng Dậy Hỡi Những Người Không Quyền Lực!

Quyền Lực của Người Bất Lực tại Trung Cộng

Mã Kiện (Ma Jian) –PBD dịch

LUÂN ĐÔN – Khi tôi vừa đọc xong một bài viết tán dương Václav Havel, kịch tác gia trở thành nhà bất đồng chính kiến rồi lại thành nhà cách mạng ôn hòa sang tổng thống và vừa mới qua đời, thì kế tiếp là hai bản tin làm nổi bật thêm ý nghĩa của sự nghiệp ngoại hạng của ông Havel: cái chết của Kim Chính Nhật, lãnh tụ tối cao nghiện sách báo khiêu dâm và có vũ trang nguyên tử của Bắc Triều Tiên, và các cuộc biểu tình phản đối hòa hoãn chống nạn cướp đất của dân làng Ô Khảm tại tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Cộng.

Nếu Havel có lúc đã từng hoài nghi về tác động tích cực trường cửu của ông đối với thế giới thì tôi hy vọng ông có thể thấy được tin tức tường thuật từ Ô Khảm trước khi ông qua đời. Tại ngôi làng đánh cá có 6.000 dân đó, “quyền lực của người bất lực” vốn được Havel quảng bá làm một phương tiện công phá chế độ độc tài toàn trị lại được chứng tỏ một lần nữa, và chứng tỏ trọn phẩm cách và kỷ luật lên đến mức tột độ làm cho Trung Cộng rúng động hơn bất cứ cuộc phản đối nào khác kể từ khi có các cuộc biểu tình phản đối tại Công Trường Thiên An Môn vào mùa xuân 1989.
Họ Kim, về một mặt nào đó, thì lại ngược với Havel, là không những đã thiếu luân thường đạo lý, mà còn không có cả mối quan tâm bình thường của một kẻ độc tài về việc điều hành một nước. Cái chết của y khiến tôi nhớ đến cái chết của Mao Trạch Đông, trong bầu không khí cuồng loạn thảm thiết của người dân – cả thật lẫn giả dối – đi kèm với cái chết của một nhân vật tự tôn mình là thánh.

Nhưng cái chết của Mao ít nhất cũng chấm dứt thời đại độc tài toàn trị tại Trung Cộng. Vì y không có con trai kế vị nên Mao đã bổ nhiệm một bộ chính trị gồm năm người để làm công việc đó. Các ủy viên bộ chính trị này, trong có cháu trai của y, Mao Viễn Tân, tình nhân của y, Trương Ngọc Phượng, và người vợ cuối cùng của y, Giang Thanh – tất cả đều bất tài trong việc cai trị như Kim, nhưng, sau thảm họa Cách Mạng Văn Hóa, thái độ chống đối họ đã lan tràn trong quân đội và các định chế khác của nhà nước nên họ không giữ nổi vai trò này lâu dài, và chẳng bao lâu sau Tứ Nhân Bang(1) (mà Giang Thanh là một trong đó) đã bị hạ bệ.

Người dân tại Trung Cộng tương đối may mắn hơn khi nước này thay đổi từ chủ nghĩa độc tài toàn trị sang chuyên chế, rồi từ chủ nghĩa Mác xít sang tư bản. Không may cho Bắc Triều Tiên là, dù bất tài nhưng Kim Chính Nhật xem chừng như cũng truyền ngôi lại được cho con trai út của y là Kim Chính Vân. Trước tình trạng các định chế tại Bắc Triều Tiên có vẻ lãnh đạm trước việc giòng họ Kim đã làm cho nước họ trở nên xáo trộn nát bét, mà xem chừng như cũng không có mấy cơ hội thấy được bất cứ thay đổi nghiêm chỉnh nào được đề xướng từ nội bộ. Tuy nhiên, nếu xảy ra tranh giành quyền lực thì có thể khiến chế độ này sụp đổ.

Bắc Triều Tiên là một loại thế giới trong gương phản chiếu ngược lại châm ngôn của Havel rằng, muốn sống sót trong một chế độ chuyên chế, người ta phải sống trong sự thật. May mắn cho Havel, các thành phần cộng sản cai trị nhỏ mọn của Tiệp Khác cũng nhỏ mọn luôn trong những lời dối trá của họ. Nhưng khi mà tất cả mọi khía cạnh xã hội được đặt, như trong trường hợp Bắc Triều Tiên, trên nền tảng một Lời Dối Trá Khổng Lồ, rồi lại Một Lời Dối Trá Khổng Lồ Hơn Nữa, thì chắc cũng đã khó mà ổn định được tinh thần để không bị điên, chứ đừng nói chi đến chuyện có đủ khả năng mà sống trong sự thật.

Dù sao đi nữa, triều đại Kim Chính Vân cũng khó mà kéo dài hoặc tỏ ra điên cuồng rõ rệt như các triều đại cha ông của y. Chủ nghĩa cộng sản, nhờ sức thu hút của các nền kinh tế thị trường thành công và những người làm gương như Havel, đã đặt hệ thống này vào tình trạng căng thẳng với bên ngoài đến mức mà đời Kim III không còn dựa được vào đâu để nhờ giúp có hiệu quả. Thật ra, ngay cả hai chế độ hăm hở duy trì triều đại Kim nhất là Trung Cộng và Nga cũng đang cảm thấy được áp lực của người dân của họ đang bất mãn nhưng nay lại có vẻ không bất lực đến thế nữa.

Tại Ô Khảm, dân làng mộc mạc đã không hề sợ sệt mà ra mặt thẳng thắn chống lại lực lượng của đảng và công an địa phương khi các viên chức địa phương tước đất của họ cho một dự án phát triển. Tại Hà Nam, công an đã xuống đường để đòi hỏi phải bảo vệ nhân quyền. Tại Đại Liên, hàng trăm ngàn người đã xuống đường phản đối việc xây cất một nhà máy chế tạo hóa chất từ dầu hỏa. Không như tình hình tính đến giờ tại Ô Khảm, cuộc biểu tình phản đối tại Đại Liên đã bị nghiền nát, nhưng vụ đó – cũng như hàng chục ngàn vụ phản đối khác khắp Trung Cộng hồi năm ngoái – đã cho đảng cầm quyền thấy là người dân thường tại Trung Cộng không còn chỉ quan tâm đến việc theo đuổi lợi lộc vật chất mà thụ động về chính trị nữa.

Tại nước Nga, tình trạng của Thủ Tướng Vladimir Putin cũng thế. Sau các cuộc bầu cử vờ vịt giả tạo hồi đầu Tháng Mười Hai, dân chúng đã ùn ùn kéo nhau xuống đường phản đối tại Moscow và Saint Petersburg. Và những người xuống đường không phải là những người nghèo đói đi khích động xúi giục như mọi khi vẫn bị tố cáo như thế, mà là giới tân trung lưu của Nga. Cũng như dân làng tại Ô Khảm, họ đơn thuần chỉ là không còn chịu đựng nổi nhà cầm quyền bất lương được nữa.

Người dân Bắc Triều Tiên đã bị áp bức quá lâu, và dù họ đã bị tẩy não để trở nên ngoan ngoãn và trung thành với triều đại họ Kim, không ai có thể tưởng tượng nổi làm thế nào mà họ vẫn tiếp tục phục tùng dưới quyền cai trị của Kim Chính Vân, người không có khả năng nào thực sự, dù là quân sự hay trong lãnh vực nào khác. Với vị thế bị quốc tế cô lập càng ngày càng nhiều tại Á Châu, nếu các cuộc tranh giành xung đột nội bộ của Bắc Triều Tiên trở nên trầm trọng, Trung Cộng có thể thấy khó mà bênh vực Kim Chính Vân được gì hơn mà chỉ còn cách lãnh đạm lạnh nhạt dù vẫn tràn ngập lo âu.

Và hãy nhớ rằng chính thái độ lãnh đạm của Mikhail Gorbachev và Liên Xô đối với các chế độ cộng sản Đông Âu không cải tổ mà cuối cùng đã định đoạt số phận của họ và đưa Havel từ nhà tù đến Lâu Đài Prague. Dĩ nhiên Havel là người hưởng lợi từ thái độ lãnh đạm đó, nhưng ông không bao giờ lãnh đạm mà vẫn tranh đấu cho sự thật và tự do suốt đời ông.

Đối với những người Hoa quan tâm đến việc sống trong sự thật như thế nào thì Havel vẫn là gương sáng của chúng ta. Phong trào Hiến Chương 77 do ông sáng lập là khuôn mẫu cho những người như ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel bị cầm tù và đã giúp sáng lập Hiến Chương 08. Ông Lưu đã tuyên bố rằng người Hoa cũng có thể sống trọn phẩm cách và tự do.

Cái chết của Kim Chính Nhật nhắc nhở chúng ta là tất cả mọi người đều bình đẳng trước cái chết. Cái chết của Havel nhắc nhở chúng ta là giá trị đời sống cuối cùng sẽ được kính trọng.

Tiểu thuyết mới đây nhất của Mã Kiện là Cơn Hôn Mê Bắc Kinh(2).

Copyright: Project Syndicate, 2011.

Source: http://www.project-syndicate.org/commentary/ma7/English
_______________________
Chú thích của người dịch:

(1) Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn
(2) Beijing Coma. Tên tiếng Hoa của quyển tiểu thuyết này là “Nhục Đồ” (“Đất Thịt”) nói về vụ nhà cầm quyền Trung Cộng nghiền nát thịt người trong cuộc phản đối của sinh viên tại Công Trường Thiên An Môn.

0 comments:

Powered By Blogger