Trịnh Duy - Dù chỉ được chú thích nhỏ “bị ám sát” khi người đời sau nhắc đến, thế nhưng cái chết của họ lại có ảnh hưởng to lớn đối với thế giới lúc bấy giờ và cả sau này.
Họ là những nhà hoạt động nhân quyền, tướng lĩnh quân đội, hoàng đế, nguyên thủ quốc gia bị ám sát bởi thù hận, ghen tức, bất đồng hay chỉ vì kẻ giết người muốn nổi tiếng. Không ít người trong số họ là phụ nữ, nhưng tầm ảnh hưởng vô cùng lớn trên chính trường là lí do khiến họ bị sát hại. Tuy nhiên, cái chết của họ đều khiến thế giới thay đổi dù tốt lên hay xấu đi.
1. Reinhard Heydrich – Chỉ huy cao cấp của Phát xít Đức
Reinhard Tristan Eugen Heydrich (sinh ngày 7/3/1904, mất ngày 4/6/1942) là chỉ huy cao cấp và khét tiếng của Đức quốc xã. Đây là nhân vật chỉ huy chiến dịch tiêu diệt hàng triệu người do thái trên những vùng đất mà quân đội Phát xít Đức chiếm đóng.
Nếu không có Thế chiến thứ Hai, nhân loại sẽ chẳng bao giờ biết đến cái tên Heydrich. Thế nhưng các nhà phân tích đánh giá, y chính là nhân vật sẽ mạng lại thắng lợi toàn cầu cho chủ nghĩa Phát xít trên toàn thế giới nếu không bị ám sát. Y có tính tàn nhẫn giống trùm phát xít Adolf Hitler nhưng được đánh giá là thông minh gấp đôi người lãnh đạo đội quân tàn nhẫn này.
Chắc chắn dưới sự lãnh đạo của Heydrich, Phát xít Đức sẽ không dễ dàng bị đánh bại do những sai lầm của Hitler trong những năm tháng cuối cùng của thế chiến. Tuy nhiên, thế giới sẽ không bao giờ phải chịu thảm họa đó vì Heydrich bị ám sát ở Prague hôm 27/5/1942 bởi một nhóm binh sĩ Séc và Slovakia được đào tạo tại Anh. Heydrich bị thương nặng và thiệt mạng sau đó 1 tuần tại bệnh viện. Điên cuồng sau việc thủ lĩnh cấp cao bị sát hại, Đức quốc xã đã ra lệnh bắt giữ 13.000 người. Ngôi làng Lidice nơi xảy ra vụ ám sát bị sang bằng, phụ nữ và trẻ em bị bắt đến các trại tập trung, đàn ông và thanh niên trên 16 tuổi bị bắn chết. Theo thống kê, Phát xít Đức đã sát hại 1.300 người sau cái chết của Heydrich.
Nếu không có viện chỉ huy cấp cao Heydrich bị ám sát, quân đồng minh vẫn sẽ đánh đổ được chủ nghĩa Phát xít nhưng có lẽ thời gian sẽ không sớm như chúng ta đã thấy.
2. Indira Gandhi – Nữ thủ tướng Ấn Độ
Indira Gandhi (sinh ngày 19/11/1917, mất ngày 31/10/1984) hai lần được bầu làm thủ tướng Ấn Độ từ 19 tháng 1 năm 1966 đến 24 tháng 3 năm 1977 và được bầu lại từ 14/1/1980 cho đến ngày bị ám sát. Là con gái của Thủ tướng đầu tiên Jawaharlal Nehru sau ngày Ấn Độ giành độc lập, bà Gandhi quyết nối nghiệp chính trị của cha mình và được sự ủng hộ của đông đảo người dân.
Dù là phụ nữ nhưng bà chính là người chèo lái đất nước Ấn độ vượt qua thời kì khủng hoảng nhất đáng kể ở Ấn Độ. Vào thời điểm bà nắm quyền, tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan đang ở mức đỉnh điểm. Hơn nữa, Ấn Độ còn phải đương đầu với những mối đe dọa từ bên ngoài xuất phát từ Mỹ và Trung Quốc.
Thế nhưng, bà chính là người giúp Ấn Độ thay đổi rất nhiều và góp phần làm thay đổi quốc gia láng giềng Pakistan. Ngoài ra, quốc phòng Ấn Độ còn đạt được nhiều thành công trong việc nghiên cứu vũ khí hạt nhân thời kì bà chèo lái đất nước.
Thế nhưng, những quyết định có phần nhạy cảm vào những năm tháng cuối đời của bà Gandhi là nguyên nhân khiến bà bị ám sát. Việc đưa quân đội tấn công Đền Vàng, nơi thờ cúng thiêng liêng của người Sikh để tiêu diệt một thủ lĩnh tôn giáo địa phương cực đoan khiến người Sikh cảm thấy bị xúc phạm. Vì lẽ đó, hai cận vệ người Sikh trong lực lượng vệ sĩ của bà Gandhi đã nổ súng hạ sát bà ngay tại tư dinh thủ tướng ở thủ đô New Dehli ngày 31/10/1984. Việc bà bị ám sát đã thổi bùng lên những cuộc bạo động chống người Sihk ở khắp nơi làm hàng ngàn người thiệt mạng.
Dù đã qua đời nhưng hệ tư tưởng của thủ tướng Gandhi vẫn gây ảnh hưởng đến chính trường Ấn Độ sau này.
3. Tổng thống Mỹ John F. Kennedy
John Fitzgerald Kennedy (sinh ngày 29 tháng 5 năm 1917 – mất ngày 22 tháng 11 năm 1963) là tổng thống đời thứ 35 của Hoa Kỳ. Ông không phải tổng thống đầu tiên của Mỹ qua đời vì bị ám sát nhưng ông là tổng thống đoản mệnh nhất của Hoa Kỳ.
Trong khoảng thời gian lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1961 – 1963, Kennedy đã trải qua không ít sóng gió được lịch sử ghi nhận như sự kiện Vịnh con lợn ở Cuba, Xây dựng Bức tường Berlin ở Đức, cuộc chạy đua thám hiểm không gian với Liên Xô, Khơi mào cuộc Chiến tranh ở Việt Nam và phong trào dân quyền ở Mỹ.
Việc tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963 đã khiến nước Mỹ và cộng đồng quốc tế rúng động. Ông bị bắn chết trưa ngày 22/11/1963 ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas. Một người đàn ông tên là Lee Harvey Oswald bị bắt và buộc tội giết chết một sĩ quan cảnh sát lúc 7 giờ sáng sau đó bắn chết tổng thống vào giữa trưa. Oswald bị Jack Ruby bắn chết tại một đồn cảnh sát ở Dallas hai ngày sau đó. Năm ngày sau cái chết của Oswald, phó tổng thống được chỉ định thay thế đã ngay lập tức yêu cầu thành lập một ủy ban đặc biệt nhằm điều tra về vụ ám sát Kennedy. Tuy nhiên, những tình tiết trong vụ ám sát Kennedy mãi gây tranh cãi bởi người ta nghi ngờ rằng Oswald có đồng phạm hay thậm chí là nạn nhân của một âm mưu sắp đặt trước mà không hề ra tay giết tổng thống.
Tuy chưa đạt được thành quả đáng kể nào nhưng người dân Mỹ vẫn dành cho Kennedy những sự ưu ái lớn lao bởi sự thành công bước đầu của những chính sách do ông đặt ra.
4. Nữ cựu thủ tướng Pakistan, Benazir Bhutto
Bà Benazir Bhutto (sinh ngày 21/6/1953 tại Karachi, mất ngày 27/12/2007 ở Rawalpindi) là nữ chính trị gia có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Quốc gia Hồi giáo Pakistan sau khi giành độc lập. Bà đã hai lần đắc cử chức vụ Thủ tướng Pakistan nhưng đều bị bãi nhiệm vì tranh cãi về những cáo buộc tham nhũng của tổng thống.
Cho dù không còn ngồi trên cương vị đứng đầu chính phủ, bà Bhutto vẫn có những ảnh hưởng đáng kể chính trường Pakistan. Sống trong một quốc gia đầy rẫy chủ nghĩa cực đoan, tư tưởng và cách làm của bà gặp phải sự ngấm ngầm thù địch của nhiều phe phái.
Dù bị buộc sống lưu vong năm 1999 nhưng bà đã được trở về sau khi đạt được thỏa thuận với tổng thống Pervez Musharraf tháng 10 năm 2007. Sự nghiệp chính trường của bà tiếp tục gặp nhiều thuận lợi đến mức báo chí phương Tây luôn coi bà sớm trở lại với quyền lực. Tuy nhiên, bà Benazir Bhutto bị sát hại trong vụ đánh bom liều chết khi đảng của bà tổ chức tuần hành ở Rawalpindi.
Vì vai trò không thể thay thế của Benazir Bhutto nên việc bà bị ám sát gây ra nhiều tổn thất cho phe đối lập và người dân Pakistan. Nếu có bà, Pakistan chắc sẽ không bất ổn và nguy hiểm như bây giờ.
5. Julius Caesar – Hoàng đế La Mã
Gāius Jūlius Caesar sống ở những năm 100 đến năm 44 Trước Công Nguyên. Ông là một lãnh tụ quân sự, chính trị của đế chế La Mã được đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử phát triển của thế giới. Ông là người góp công lớn đưa La Mã trở thành đế chế bành trướng khắp thế giới thời điểm bấy giờ.
Một trong những chiến công vang dội nhất của Jūlius Caesar là việc chinh phục xứ Gaule bao gồm Pháp, Bắc Ý, Bỉ, miền Tây Thụy Sỹ… đồng thời mở ra con đường để đế chế La Mã tiếp cận Đại Tây Dương. Ngoài ra, ông cũng chính là người phát động cuộc chiến vào nước Anh. Caesar được đánh giá là nhà quân sự lỗi lạc nhất, chính trị gia xuất sắc nhất đồng thời là một trong những lãnh tụ vĩ đại nhất thế giới.
Chiến công vang dội và những thành tích không ai sánh bằng đã đưa Caesar trở thành lãnh tụ của đế chế La Mã. Thế nhưng, sự phản bội của một người bạn thân đã khiến ông bị ám sát trong ngày định mệnh năm 44 trước công nguyên. Cái chết của Caesar biến đế chế La Mã lâm vào một cuộc nội chiến đẫm máu và kinh hoàng hơn bao giờ hết dẫn tới sự sụp đổ.
Việc ám sát Hoàng đế La Mã thời điểm đó thực sự đáng được gọi là thảm họa bởi không biết bao người đã phải bỏ mạng vì các cuộc nội chiến tranh giành quyền lực. Nếu dựa vào đó để so sánh thì vụ ám sát Caesar đáng được coi là kinh hoàng nhất trong mọi thời đại.
6. Nhà hoạt động nhân quyền Ấn Độ Mahatma Gandhi
Mohandas Karamchand Gandhi (sinh ngày 2/10/1869, mất 30/1/1948) là anh hùng dân tộc của Ấn Độ. Ông là người chỉ đạo cuộc kháng chiến chống lại Đế quốc Anh giành độc lập cho Ấn Độ. Suốt cuộc đời, ông phản đối tất cả các hình thức khủng bố hay bạo lực mà luôn cảm hóa con người bằng những quy chuẩn đạo đức.
Ông được người dân Ấn Độ gọi một cách thành kính là Mahātmā nghĩa là “vĩ nhân”. Dù chưa bao giờ đồng ý để mọi người gọi mình là Mahātmā nhưng người dân Ấn Độ và cộng đồng quốc tế biết ông qua cái tên Mahātmā Gandhi nhiều hơn so với tên thật của ông.
Ngày sinh của ông 2/10 được Liên Hợp Quốc chọn làm ngày Quốc tế Phi bạo lực. Tuy nhiên, người đàn ông mẫu mực được coi là “Quốc phụ” của Ấn Độ bị ám sát ngày 30/1/1948 trên đường tới một ngôi đền ở New Delhi. Sự ra đi của Mahatma Gandhi là một cú sốc đối với người dân Ấn Độ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Kẻ ám sát ông Gandhi là một sinh viên đại học theo đường lối cực đoan, bị tử hình ngày 15/11/1949, gần 2 năm sau vụ ám sát. Dù ra đi mãi mãi nhưng hệ tư tưởng của Mahātmā Gandhi vẫn có những ảnh hưởng lớn lao tới người dân Ấn Độ sau này. Không chỉ Ấn Độ giáo, những người theo đạo Hồi cũng bị tư tưởng bài bạo lực của ông cảm hóa. Nhiều năm sau, thế giới vẫn sẽ tưởng nhớ đến người đàn ông được yêu mến gọi là vĩ nhân và tư tưởng chống bạo lực của ông qua ngày 2/10 hàng năm.
7. Nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc Phi Martin Luther King
Martin Luther King (sinh ngày 15/1/1929 – mất 4/4/1968) là nhà hoạt động dân quyền có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ nói riêng và toàn thế giới thời kì bấy giờ. Ông được người dân trên toàn thế giới ngưỡng mộ như một nhà kiến tạo hòa bình, một anh hùng hay thậm trí là một vị thánh. Ông là người trẻ tuổi nhất được nhận giải Nobel hòa bình danh giá.
Cũng có tư tưởng bất bạo lực như nhà hoạt động nhân quyền Mahatma Gandhi, Luther King giúp nâng cao nhận thức của công chúng về dân quyền đồng thời là nhà hùng biện vĩ đại nhất lịch sử Hoa Kỳ. Năm 1964, ông được trao giải Nobel hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt tình trạng kì thị, phân biệt chủng tộc và những đóng góp lớn lao khác của mình.
Martin Luther King bị ám sát sáng sớm ngày 4/4/1968 khi một mình đứng bên ngoài hành lang khách sạn ở Memphis, Tennessee trước lúc dẫn đầu một cuộc tuần hành ủng hộ công nhân vệ sinh ma màu tại Memphis. Ông bị bắn vào mặt và qua đời tối cùng ngày ở bệnh viên St. Joseph.
Sự ra đi của Luther King không chỉ để lại sự tiếc thương trên toàn thế giới mà nó còn gây ra bạo loạn ở hơn 100 thành phố trên khắp nước Mỹ. Ngày 7/4/1968, tổng thống Mỹ Johnson đã tuyên bố 1 ngày quốc tang để tưởng nhớ người đàn ông đã góp công lớn cho dân quyền của nhân loại. 300.000 người đã tới dự tang lễ của ông. Hung thủ sát hại Luther King là James Earl Ray bị bắt hai tháng sau đó. Y bị kết án ám sát King và lãnh hình phạt 99 năm tù giam.
Dù đã chết nhưng danh tiếng của Luther King không hề giảm sút mà còn tăng lên nhanh chóng. Ông trở thành một trong những người được kính trọng nhất nước Mỹ. Để tưởng nhớ người đàn ông hết mình vì nhân quyền, tổng thống Ronald Reagan đã ký sắc lệnh tôn vinh Luther King vào ngày lễ hàng năm mang tên ông trên toàn nước Mỹ. Dù đã qua đời nhưng những gì mà người đàn ông da mầu này tạo dựng vẫn được vợ ông và những người ủng hộ duy trì và dành được không ít thắng lợi to lớn.
8. Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln
Abraham Lincoln (sinh ngày 12/2/1809 – mất 15/4/1865) là tổng thống đời thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông được biết đến với cái tên “Người giải phóng vĩ đại” bởi chiến công trong cuộc nội chiến xóa bỏ chế độ nô lệ tồn tại trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tổng thống Lincoln là người phát động chiến tranh Nam Bắc giữa giới trí thức miền Bắc và giới chủ nô ở miền Nam để giải phóng tầng lớp nô lệ, sau đó ban hành các chính sách ruộng đất cũng như nhiều chủ trương mang tính dân chủ khác.
Abraham Lincoln là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ bị ám sát sau khi Washington lãnh đạo nước Mỹ giành độc lập từ tay thực dân Anh. Ngày 14/4/1865, Tổng thống Abraham Lincoln cùng vợ và hai vị khách tới xem buổi trình diễn kịch ở thủ đô Washington D.C. Không ai ngờ, ông bị John Wilkes Booth, một trong những diễn viên kịch danh tiếng nhất thời bấy giờ rút súng lục bắn vào đầu từ phía sau. Ông từ trần sáng ngày hôm sau 15/4/1865 vì vết thương quá nặng.
Chưa có vụ ám sát nào ảnh hưởng tới một quốc gia lớn như việc tổng thống đời thứ 16 của Hoa Kỳ bị sát hại. Ông ấp ủ nhiều dự định sau khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kì hai để khôi phục đất nước bị tàn phá sau nội chiến, nhưng những điều đó không bao giờ trở thành hiện thực.
Hàng triệu người đã đến thủ đô Washington D.C để tham dự lễ tang tổng thống Lincoln, hàng triệu người khác tụ tập bên tuyến đường xe lửa dài 2.600 km để chờ đoàn tàu đưa thi thể ông về quê nhà mai táng. Ông trở thành một trong những người vĩ đại nhất lịch sử Hoa Kỳ.
9. Sa hoàng Nga Alexander II
Alexander II (sinh ngày 29/4/1818 – mất 13/3/1881) nổi danh với cái tên “Nga Hoàng giải phóng”, bởi ông là người kí sắc lệnh giải phóng nông nô, giúp 20 triệu nông dân Nga có quyền sở hữu đất đai và tự chủ cho bản thân mình. Ông là một trong những Sa hoàng cuối cùng của Nga với nhiều cống hiến cho sự thịnh vượng và phát triển của đất nước.
Lên ngôi năm 36 tuổi giữa lúc Nga đang lao đao vì cuộc chiến tranh Krym, ông không có cách nào để giúp quân đội Nga đang bị áp đảo giành thế thắng. Tuy nhiên, chèo lái đất nước sau thất bại cay đắng, ông đã tiến hành những cải cách có tính chiến lược trên quy mô lớn giúp Nga vực dậy.
Tên tuổi của Sa hoàng Alexander II gắn liền với “Sắc lệnh giải phóng nông nô” năm 1861 để giúp nông dân có thể làm chủ. Ngoài ra, những cải cách khác cũng được đề xướng để thúc đẩy nền kinh tế Nga từng bước tiến lên chủ nghĩa tư bản nhằm thoát khỏi tình trạng trì trệ.
Ông cũng chính là người ấp ủ kế hoạch xây dựng bản hiến pháp đầu tiên của nước Nga theo tư tưởng dân chủ tự do. Tuy nhiên, những cải cách mang tính đột phá của ông đã sinh ra trên đất Nga chủ nghĩa khủng bố.
Ngày 13/3/1881, Sa hoàng Alexander II phê duyệt bản hiến pháp đầu tiên và thành lập hai ủy ban lập pháp. Tuy nhiên, đây cũng là ngày định mệnh khi ông bị tổ chức khủng bố cánh tả đặt bom ám sát. Vì bị thương quá nặng, vị Sa hoàng giải phóng của nước Nga không thể qua khỏi và trút hơi thở cuối cùng cùng ngày.
Nếu như không có vụ khủng bố ngày 13/3/1881, nước Nga chắc chắn sẽ có bản hiến pháp dân chủ đầu tiên và tiếp tục phát triển theo tư duy đổi mới của Sa hoàng Alexander II. Tuy nhiên, điều đó không thể xảy ra bởi người kế nhiệm là vua Alexander III đã thực hiện chính sách bảo thủ, bãi bỏ nhiều cải cách của hoàng đế Alexander II cũng như hiến pháp mới, mở ra thời kỳ bảo thủ và đẫm máu ở Nga.
10. Franz Ferdinand – Thái tử Áo – Hung
Không nhiều người biết đến cái tên Franz Ferdinand, thế nhưng vụ ám sát ông lại là một trong những vụ việc gây chấn động nhất lịch sử. Franz Ferdinand (sinh ngày 18/12/1863 – mất ngày 28/6/1914) là người kế nhiệm của đế quốc Áo – Hung. Khi mới sinh ra, không ai nghĩ ông sẽ là người kế vị ngai vàng, tuy nhiên cái chết của người anh họ lúc ông lên 12 tuổi đã khiến ông trở thành người kế nhiệm của hoàng tộc.
Là người theo đường lối bành trướng ảnh hưởng ở khu vực Balkan, Franz Ferdinand bị tổ chức khủng bố Bàn Tay Đen thành lập năm 1911 theo đường lối giải phóng Bosnia và Herzegovina, khu vực tranh chấp giữa Serbia và đế quốc Áo – Hung, ám sát ngày 28/6/1914. Hung thủ bắn chết thái tử Franz Ferdinand được xác định là Gavrilo Princip, một sinh viên người Serbia thuộc tổ chức Bàn Tay Đen.
Sau vụ ám sát, đế quốc Áo – Hung đổ lỗi cho Serbia đứng đằng sau vụ việc và tuyên chiến với quốc gia này, châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ Nhất bùng nổ. Được đánh giá là cuộc chiến phi nghĩa và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại với khoảng 15 triệu người thiệt mạng, vụ ám sát thái tử Franz Ferdinand xứng đáng được coi là vụ ám sát làm thay đổi nhân loại trong thế kỉ 20. Dù không nổi tiếng nhưng cái chết của Franz Ferdinand có sức ảnh hưởng không thua kém so với vụ ám sát hoàng đế La Mã Julius Caesar. Đây được coi là hai vụ ám sát tồi tệ nhất lịch sử nhân loại.
0 comments:
Post a Comment