Thực ra trí thức Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều điều ở trí thức Khmer. Mà nếu không hơn được Khmer thì đừng mơ ước gì đến rồng, đến cọp. Viễn tượng sẽ vượt Đại Hàn xem ra chỉ là ảo mộng. Thí dụ theo bản tin phần dưới đây, dẫn từ RFA.
Theo tôi, những tranh chấp trong vấn đề biên giới giữa Việt-Miên xem ra không khác gì tranh chấp giữa hai bên Việt-Trung. Tại sao dân Khmer có thể thành lập đoàn thể tư nhân đến giám sát từng cột mốc và sẵn sàng lên tiếng tố cáo nếu việc cắm mốc xâm phạm lên đất của họ ? Ta thấy việc xê xích mốc giới ở đây chỉ vài chục đến hơn 100m. Nếu so sánh với biên giới phía bắc thì thật không ra gì. Bởi vì ở đây phía VN bị mất cả ngọn đồi, trái núi, con sông… tính ra vài trăm mét đến hàng cây số. Người Khmer đã có thái độ khôn ngoan (ít ra hơn người Việt). Họ làm việc có tổ chức (xin đừng lầm tổ chức dân sự và tổ chức chính trị), đường đường chính chính, kiểm soát mốc giới dưới sự giám sát của công an, cán bộ của cả hai nước. Nói phải củ cải cũng nghe. Tôi dám chắc phần đất sai lệch ở các nơi đây sẽ phải trả lại cho dân Khmer.

Trong khi phía trí thức VN, trong mọi vấn đề, hình như không làm được gì cả.
Chợt nghĩ đến vấn đề biển Đông mà thấy lạnh mình. Trong vấn đề này hình như chỉ có tiếng nói của phe « chính thống », hay phe « phò chính thống » là được phổ biến rộng rãi, kể cả trên các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài. Chưa bao giờ (hình như vậy) các « tiếng nói khác » được nghe đến. Nhưng trên phương diện học thuật, vấn đề đúng-sai là quan trọng, « chính thống » hay « ngoài luồng » không thành vấn đề. Mà muốn biết « đúng, sai » thì ít ra phải nghe « tiếng nói khác » này ra sao. Người ta chỉ nghe những cái sai (be bét) của các « học giả phò chính thống » khi họ trả lời phỏng vấn. Trong khi một vấn đề có nhiều tranh cãi (như biển Đông) thì cần phải nghe tiếng nói của nhiều phía. Các « ý kiến khác » (hay phi chính thống) đến nay vẫn không được chú ý đến. Trong nước thì không nói, họ phải đi bên "lề phải". Các truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, không ai ép, nhưng họ cũng đi một bên lề. Xem ra sự minh bạch của truyền thông nói tiếng Việt VN cũng không không hơn truyền thông Khmer.
Tình trạng này tiếp tục thì không mấy chốc biển Đông cũng sẽ giải quyết y chang như vịnh Bắc Việt hay biên giới trên bộ. Nhưng hậu quả sẽ tệ hại hơn gấp ngàn lần.

VN bị tố cáo cắm mốc lên lãnh thổ Campuchia
Quốc Việt, thông tín viên RFA,
Hội đồng giám sát của Cambodia, một tổ chức tư nhân về vấn đề biên giới với Việt Nam, đến xem xét 2 cột mốc hôm chủ nhật mùng 5 tháng 12, xác định cả hai được cắm bên trong lãnh thổ Cambodia.

Với sự hiện diện của nhiều nhân viên hành chính và công an của Việt Nam, đại diện của Hội đồng giám sát Cambodia xác định cột mốc tạm số 108 đã được Ủy ban biên giới của 2 quốc gia cắm vào 60 mét bên trong lãnh thổ Cambodia. Cột mốc 109 được cắm vào sâu hơn, tới 200 mét về phía Cambodia. Có ít nhất 14 người đại diện cho Hội đồng giám sát Campuchia đến xem xét cột mốc biên giới tạm số 108 và 109 ở xóm Kba Kadal, xã Đa, huyện Mê mót, tỉnh Kampong Cham vào hôm Chủ nhật, ngày 5 tháng 12 vừa qua sau khi có hơn 200 người dân thuộc địa bàn này viết đơn kiện cột mốc tạm đó cắm vào lãnh thổ nước này.
Ông Rong Chhun, đại diện Hội đồng giám sát, và là Giám đốc Hiệp Hội giáo viên độc lập của Campuchia khẳng định sau khi ông đến xem xét vị trí cột mốc tạm rằng, cột mốc tạm số 109 được cắm lên đất vườn đào dân cách từ vườn mía người Việt khoảng 200 mét. Ông còn cho biết, ngoài ra còn có cột mốc tạm số 108 mà chính quyền khẳng định cắm lên đất vườn mía người Việt thuộc lãnh thổ Việt Nam nhưng những người dân cùng tham gia đến xem xét cột mốc đó khẳng định đất vườn mía người Việt trước đây cũng là sở hữu của họ nhưng bị người Việt xâm chiếm để trồng mía trong những năm 1992.

Ông Rong Chhun nhắc lại lời kể của dân bị người Việt xâm chiếm đất để trồng mía: “Họ khẳng định rằng đất vườn mía ấy là đất của anh em họ mà người Việt xâm chiếm để trồng mía. Họ còn nói đất vườn mía ấy là sở hữu của ông cha họ từ lâu và họ đã làm ruộng như thường, tuy nhiên vào năm 1992 chính quyền Việt Nam đến phá lúa họ và cấm trồng trọt.” Ông Rong Chhun còn cho biết thêm hiện nay người Việt đang trồng mía trên đất vườn ấy và ông cũng khẳng định cột mốc cắm tạm số 108 cũng bị Ủy ban biên giới của hai quốc gia cắm vào lãnh thổ Campuchia cách biên giới Việt Nam khoảng 60 mét. Ông sẽ viết thư đề nghị Chính phủ giải thích và giải quyết vấn đề này. Ngoài đoàn của đại diện Hội đồng giám sát Campuchia, còn có nhiều người dân địa phương cùng đến xem xét cột mốc. Một cựu chiến binh ông Sum Sarith nói rằng, người dân thật sự bị mất đất bởi việc cắm cột mốc tạm số 109. Ông còn nói rằng người dân bị hăm dọa bắt bỏ tù nếu như họ khiếu nại chống đối việc cắm cột mốc này. Ông Sum Sarith nói:“Không có ai dám đến gần bởi vì có lời hăm dọa rằng nếu như người dân đến xem cột mốc sẽ bị bắt bỏ tù chính vì thực tế đã xảy ra ở tỉnh Svay Riêng. Chúng tôi không biết làm thế nào… tôi nói như vậy vì đây là sự thật.”

Theo blog Trương Nhân Tuấn