Hôm 1/5 tôi đã theo đoàn tuần hành ôn hòa vì môi trường để lấy tin viết bài từ sáng sớm, cũng đi ‘đòi người’ nhưng 17:30 tôi về. Có status của một cô gái khoe “Tôi đi biểu tình về được Việt Tân cho 300 ngàn” (có hình chụp 4 tờ tiền 50 ngàn và 1 tờ 100 ngàn). Trải qua cả ngày, có ai được phát tiền như trên Facebook nói đâu. Quyết định đi lần nữa cho rõ ràng, và cũng vì mục đích môi trường luôn thể. Chủ nhật tuần này phải theo tới cùng, thứ nhất giúp một tay để bảo vệ môi trường, thứ hai để tận tường rồi về làm cái phóng sự cho mọi người đọc...
Thiết quân luật
11 giờ ngày 8/5/2016, sau khi kết thúc môn Luật So Sánh tại ĐH Mở Tp. HCM, số 371 Nguyễn Kiệm. Đi loanh quanh quận trung tâm thành phố, tất cả các ngã đường dẫn vô cỗng 30/4 - Nhà thờ Đức Bà, các hướng vô sân vận động Hoa Lư đều bị phong tỏa. ‘Nội bất xuất ngoại bất nhập’ y như thời chiến, giống như thiết quân luật. Đúng vậy, thiết quân luật cho người diễn hành ôn hòa.
Tất cả các ngã ba, ngã Tư điều có từng tốp từng tốp mặc đồng phục đứng. Công an Hình Sự, Cảnh Sát Giao Thông, Trật Tự Đô Thị, Thanh Niên Xung Phong, Dân Phòng và một số không mặc đồng phục chắc chắn không phải dân thường. Rồi dày đặc rào chắn có gắn kẽm gai sơn trắng đỏ, được dựng ngay ngắn các ngã đường. Lực lượng ấy sẵn sàng xé nhỏ hay bao vây cô lập đoàn tuần hành nếu đi ngang qua.
Tình trạng ‘nội bất xuất ngoại bất nhập’ với công viên 30/4 đã cắt đứt mọi tầm nhìn từ bên ngoài với diễn biến bên trong. Như vậy ý định quá rõ ràng là không cho người ngoài hay truyền thông thấy được những gì đang xảy ra giữa chính quyền và người diễu hành. Nhưng cả thế giới vẫn biết là nhờ có mạng xã hội Facebook.
Theo chân những bạn Facebook
Từ mạng xã hội, tôi liên lạc với vài người bạn và được biết cuộc tuần hành ôn hòa đã bị đàn áp dữ dội. Những người ‘có số má’ bị đưa về các phường rải rác trên địa bàn TP. Nhưng phần lớn những người mới đi lần đầu đều bị đưa về SVĐ Hoa Lư, tất cả đều bị đánh đập rất dã man dù là trẻ nhỏ hay phụ nữ.
Khoảng 12g, sau khi đi giáp các ngã đường trên địa bàn quận 1 và quận 3, tôi gặp ba người bạn Facebook là Nguyễn Văn Trọng, Linh Tran (Linh), Thằng Quỷ Thánh Thiện (Bình) tại ngã ba Mạc Đỉnh Chi - Nguyễn Du, họ bảo về nhà thờ Kỳ Đồng gom người lại để đi ‘đòi người’. Đợi khoảng nữa tiếng, gặp chị Thu Nguyệt và hai người bạn mới, sau đó tất cả ra cafe Mộc số 4c Nguyễn Thị Minh Khai để dò la tin tức và nghe ngóng xem mọi người bị đưa về đâu.
Tất cả các ngã đường vô SVĐ Hoa Lư đều bị rào chật, chỉ những người có hộ khẩu hay đang làm việc trong khu vực ấy mới được ra vào, nhưng phải xuất trình giấy trình giấy tờ đầy đủ. Liên tục những chiếc xe Ford của cảnh sát rú còi chạy ra chạy vào, chở những người đã phân loại để đưa về phường điều tra. Người nước ngoài muốn đi qua đoạn đường ấy phải có những ‘đồng phục’ dẫn qua. Mật vụ an ninh dày đặc, mọi việc đã được sắp đặt và giăng bẫy sẵn cho những ai bắt đầu ‘đòi người’.
Ngồi đó khoảng 3 giờ chiều thì có thêm vài người bạn Facebook tới. Tất cả hợp chung nói chuyện và đợi thêm ít người nữa là xuất phát. Theo chân mấy người mới tới là 3 an ninh (2 đều mặc quần áo Jean xanh), 1 mặc áo thun trắng quần ngắn. Mọi động tĩnh của chúng tôi đều được ghi hình lại và liên tục báo cáo về PA 65 (Lúc bị bắt tại phường Bến Nghé tôi mới biết).
Xuất phát đi ‘đòi người’
Khoảng 16 giờ, chỉ gom được 10 người nhưng vẫn quyết định tới phường Bến Nghé (số 74 Hồ Tùng Mậu). Từ hướng đi, số lượng người, bằng phương tiện gì của chúng tôi đều được gửi về trung tâm PA 65. Một mẻ lưới sắp cất chờ chúng tôi.
Đến nơi lại thiếu 1 người. Tất cả dựng xe trên lề đối diện phường. Bình, Linh, Trọng vào phường để hỏi thăm những người bị bắt lúc sáng có nhốt ở đây không. Những người còn lại còn đứng bên đường. Có cãi vã gì đó, an ninh và công an bu lại đánh 3 người kia. Có mấy người đi cùng (chưa biết tên) chạy qua can ngăn cũng bị đánh luôn.
Tôi và anh Vịnh Lưu chạy qua tới giữa đường, chỉ biết la lên. Thấy đánh dữ dội quá anh Vịnh la to hơn “Đánh người! Đánh người! Công an ơi đánh người!” Cũng may mấy người can ngăn vùng ra chạy thoát được. 4 người chạy thoát trong đó có 1 nữ. 3 người lúc đầu bị đánh nằm bẹp dí, an ninh xúm lại khiêng vô đồn như súc vật.
Tôi và anh Vịnh còn đứng ngoài, anh Vịnh nói nhỏ:
“Đi chổ khác mau, có người phụ nữ đang điện thoại cho an ninh bắt mình đó”.
Tôi nhìn sang bên thấy một bà khoảng năm mươi ngoài, có đeo kiếng lão, mặc đồ bình thường nhưng toát lên vẻ hung ác. Chắc người này thường xuyên trà trộn vào những dân oan mang tên ‘quần chúng tự phát’, nhìn dáng giống bà nội trợ (xin lỗi xúc phạm mấy bà nội trợ), nhưng gian hơn nhiều. Anh Vịnh bước qua vài bước và ngồi xuống quán cóc vỉa hè. Tôi cũng đi tới chổ dựng xe máy, dự định lấy xe đi chổ khác cho lành.
Tích tắc vài giây sau, bà nội trợ điện thoại lúc nãy chỉ mặt anh Vịnh nói:
“Người này lúc nãy chụp hình và la lối nè, mời vô luôn đi”. Anh Vịnh nói:
“Tôi biết gì đâu! Thấy đánh người quá tôi sợ nên la thôi”.
4 an ninh cặp tay anh Vịnh ép dẫn vô phường. Tôi thấy tình hình không ổn, liền bỏ đi. An ninh dày đặt không biết đi đâu, hơn nữa thầm nghĩ ‘Mình đi lấy tin làm phóng sự thì có tội gì’.
Nhưng cũng phải đi, đứng đây thế nào cũng gặp rắc rối. Đi được 1 đoạn, bà nội trợ lúc nãy chỉ tay theo nói to:
“Còn người áo sọc xanh đó nữa”. Lập tức 2 an ninh chạy tới vỗ vai tôi nói:
“Anh đi đâu vậy? Mời anh vô phường nói chuyện”. Tôi trả lời:
“Anh có tội gì mà mấy em bắt anh”. Chúng nói:
“Anh cứ vô đi rồi nói”. Vừa nói bọn họ vừa kè tôi nhưng thật sự là lôi vô phường.
Trong động quỷ
Cảnh tượng hãi hùng đầu tiên ập vào mắt tôi: Trọng, Linh, Bình bị đánh nằm co quắp dưới nền gạch, mặt xám ngắt, thở không ra hơi. Liền lúc đó có 2 an ninh áp tải Bình lên lầu dù tay đã bị còng. Anh Vịnh được ngồi trên ghế dưới chân cầu thang. Ngồi đầu hàng dãy ghế inox phía ngoài đối diện với Công An mặc sắc phục là Hoàng Huy Vũ, người đã bị bắt lúc 9 giờ khi đứng một mình tại ngã tư Lê Duẫn - Pasteur.
Thân hình Hoàng rũ rượi, mặt mày sưng húp, nhìn vẽ đau đớn lắm, chắc bị đánh nhiều từ sáng tới giờ. Khi bị bắt, Hoàng bị đưa về Quận 2 điều tra, 13 giờ lại đưa qua Phường Bến Nghé lấy cung tiếp và giờ chuẩn bị đưa về Hóc Môn. 1 giờ sáng mới được thả và về tiểu ra máu (những thông tin ấy sau này tôi mới biết).
Cách anh Vịnh 2m là anh Đoàn Tuân, người đã bị bắt lúc sáng vì theo đoàn tuần hành, quê tận Đồng Tháp. Mặt mày cũng nhăn nhó, bị đánh nhiều và toét mất bên tay áo phải. Nhìn dáng vẻ anh hiền lành, nông dân thứ thiệt, không hiểu sao bị bắt vô đây (sau này tôi mới biết).
Bu quanh tôi 4 an ninh và 2 ca mặc sắc phục. Đầu tiên họ buộc tôi bỏ hết đồ đạc trong túi áo túi quần ra, buộc đổ tất cả những thứ trong cặp để họ kiểm tra. Họ lập biên bản tạm giữ điện thoại, camera, Giấy Chứng nhận đã hoàn thành lớp Báo Chí Căn Bản và lớp Nâng Cao do Hội nhà báo Tp. HCM cấp, giấy Giới thiệu đến UBND xã viết bài Thông tin, Tuyên truyền (đã hết hạn), giấy Giới thiệu đến Cục thi hành án dân sự Tân Bình (cũng đã hết hạn) và CMND.
Tôi hoàn toàn hợp tác với họ, biết có phản ứng cũng không ích gì. Nhưng ác nổi điện thoại lại liên tục nhận tin nhắn messenger từ group‘GiaiCuuNguoiDieuHanhTuSVDHoaLu’. Group này vô tình một người bạn add nick tôi vô. Là iPhone nên mặc định các thông báo đều hiện trên màn hình dù máy vẫn khóa. Do vậy họ đặc biệt chú ý tôi hơn vì tưởng rằng đã cất được cá lớn.
Họ dẫn tôi lên lầu 2, rẽ trái vào phòng đầu tiên không có cửa, tôi nghĩ chắc an toàn nhưng lúc nào cũng có 3 an ninh đứng sau lưng tôi. Một cảm giác đe dọa, lành lạnh nơi sống lưng vì tôi có cảm giác 3 người phía sau tôi đang đợi lệnh từ người điều tra phía trước. Chỉ cần anh kia chớp mắt ra hiệu là tôi sẽ ‘ăn bánh bao’ ngay.
Họ buộc tôi mở điện thoại cho họ xem. Đưa tờ tự khai để viết tường trình tại sao được ‘mời’ lên đây.
Tôi bảo: “đi lấy tin để làm phóng sự, điều tra xem mỗi người đi biểu tình có nhận 300 đến 500 ngàn như trên Facebook đã đưa tin không. Họ dịu giọng lại, không gay gắt như lúc đầu, không đánh đập, chỉ khủng bố tư tưởng và quy chụp buộc tội thôi. Người đối diện ra lệnh cho mấy người sau lưng tôi khám xét. Lần nữa buột phải đứng lên để họ lục soát khắp người, kể cả cặp đã lục rồi.
Cũng lầu 2, nếu rẽ phải thì vào phòng, bên trong đang có người, chắc Bình đang bị nhốt trong đó. Nghe âm thanh hình như có thêm vài người. Rồi cả tầng trên nữa cũng đang nhốt người. Tất cả bị đánh dữ dội, chết đi sống lại, đúng là địa ngục trần gian. Đang yên lặng bỗng nghe huỵch huỵch, hự hự và tiếng người kêu:
“Trời ơi!”, “Ối ối!” âm thanh đứt quãng. Tôi nghĩ Bình đã xỉu rồi nên không nghe tiếng rên la gì nữa. Thật là một không khí rùng rợn như thời trung cổ.
Liền lúc đó có người dẫn Linh lên, đi ngang chổ tôi ngồi, vào thẳng phòng trong có cửa. Họ đóng cửa lại để hỏi cung, thật ra dẫn vô đó để mọi người cùng đánh. Âm thanh ‘đùng đùng’, ‘huỵnh huỵnh’ lại vang lên kèm theo tiếng chửi thề:
“ĐM! Chế độ này là của tụi tao, tụi tao phải bảo vệ cho bằng được chế độ, mày hiểu chưa? Khôn hồn thì khai hết, ai xúi dục tụi mày, ai cho tiền tụi mày...”
Khoảng nửa tiếng sau thì an ninh dẫn Linh ôm bụng đi ra, dẫn Trọng từ tầng trệt lên thế chổ. Lại màn cũ diễn tiếp, 3 hay 4 người lao vào đấm đá, kèm theo tiếng chửi thề:
“Tụi mày chống nổi không! ĐM tao cho mang bệnh hết! Khai mau!”.
Lại ầm ầm, bóp bóp vang lên, âm thanh tôi nghe rõ mồn một mà chỉ biết cắn răng chịu thay cho mấy đứa nhỏ.
May mắn khi đi tìm hiểu làm phóng sự, những giấy tờ bị thu giữ đó đã có sẵn trong cặp. Nhờ vậy họ nói chuyện với tôi nhẹ nhàng hơn. Họ vừa kiểm tra Facebook, camera của tôi vừa giám sát tôi viết tường trình. Lúc đầu họ tưởng tôi đã theo tổ chức nước ngoài, họ hỏi:
“Có vô hội nhóm gì không?”. Tôi bảo:
“Không”, họ hỏi:
“Sao biết hôm nay có biểu tình mà đi”, tôi nói:
“Thấy thông báo trên mạng nên đi theo cho biết. Vì nghĩ đi tuần hành ôn hòa vì môi trường chứ không có chính trị gì”.
Bỗng bên phòng bên nghe đùng đùng, tôi giật nãy mình thì ra họ lại tra tấn Bình. Có lẽ Bình tỉnh lại nên họ mới đánh tiếp.
Còn phần tôi thì họ không đánh đấm gì, chỉ tìm đủ mọi cách khai thác và gán tội mà thôi. Họ hỏi tôi:
“Có biết Trần Bang không?”. Tôi trả lời:
“Có thấy hình lúc Trần Bang bị đánh bể đầu, trên mạng đưa tin rần rần mà, chưa gặp ngoài đời bao giờ”. Họ tiếp:
“Tụi tui rành quá, anh đừng giấu nữa, anh đi lấy tin để gửi cho trang Danlambao hay trang Anhbasam chứ gì! Trần Bang là thằng ăn vạ, tự đập đầu rồi kiếm tiền bồi thường. Hắn cũng là nhà báo đó…”.
“Anh nói quê ở Bạc Liêu? Có biết Tạ Phong Tần không?”, họ hỏi.
“Biết chứ! Mẹ Tạ Phong Tần đã tự thiêu trước UBND tỉnh Bạc Liêu vì cứu con nhưng không được mà. Là người Bạc Liêu ai cũng biết”, tôi đáp. Họ tức giận đập bàn ầm ầm.
“Nó là sâu bọ của xã hội, là đứa ăn vạ, hưởng lợi ích của Đảng mà viết bài, đưa tin cho BBC. Chí Phèo Trần Bang học theo nó đấy. Anh theo nó thì liệu hồn”.
Họ bảo tôi “lúc nãy anh vô phường la lối, làm mất an ninh trật tự”. Tôi nói:
“Tôi chỉ đúng bên đường xem để lấy tin về làm phóng sự”.
Họ hăm dọa, rồi kêu bà nội trợ đeo kiếng lão lên đối chất. Chính bà ấy nói tôi đã vào phường la lối. Bả nói có camera quay lại hết, kêu tôi nhận tội đi. Tôi nói cứng:
“Nếu chị có bằng chứng thì mang ra đây”. “Đã bảo là tôi chỉ đứng bên đường mà chị vu khống hoài”.
Họ gọi điện sang Hội Nhà Báo Tp. hcm để xác minh xem giấy CN do Hội NB cấp có đúng không. Điện tới trưởng đại diện phía nam của Tạp Chí Pháp Lý, xem giấy giới thiệu đã cấp cho tôi đi tác nghiệp là thật hay giả. Điện qua trường ĐH Mở xem đúng như tôi khai không. Rồi điện về nơi tôi cư trú xem có án tích gì không… Tất cả hết sức kỹ càng, không bỏ sót bất cứ một manh mối nào…
Bổng dưng tôi nghe đùng đùng, ầm ầm. Rồi tiếng người la thất thanh:
“Bớ người ta cứu tôi với! Công an đánh người! Công an đánh người!”.
Người đó tuôn chạy xuống lầu, nhưng mới tới lầu 1 thì bị người ở dưới bắt lại. Anh ta sợ quá nên ôm đại ông công an lớn lớn tuổi. Vừa khóc vừa nói:
“Chú ơi cứu con! Họ đánh con nhiều quá”.
Thế là bị lôi lên đánh tiếp. Chỉ nghe la thêm vài tiếng thì bị khóa miệng ngay.
Những an ninh PA65 đang làm việc với tôi đùa công an phường rằng:
“Phòng karaoke ở đây không cách âm gì cả, hát mà âm thanh lọt ra ngoài um sùm, mai sửa lại nha, để vậy mất khách hết, ai dám vô ca nữa”.
Tôi chứng kiến tường tận các diễn biến. Thật là tàn nhẫn cực độ.
Người kêu cứu và tuôn chạy xuống, sau này tôi mới biết chính là Đỗ Đức Hợp. Anh ta tới đưa thuốc cho bạn bị giam ở đây. Công an chỉ nhận gửi thuốc vô chứ không cho gặp mặt để đưa. Hợp ra ngoài sau đó thấy Hoàng bị đưa đi tiếp nên chụp hình. Thế là an ninh xúm lại đánh anh tơi bời rồi lôi vào phường luôn.
Hình như cái phòng bên phía tôi chỉ để tiếp mỗi Linh và Trọng. 2 đứa thay phiên bị hỏi cung rồi tra tấn, phải khai hết ngọn nhành. Cứ đứa này bị dẫn lên đánh đập một hồi thì đứa kia thế vào. Nếu tôi không lầm thì hình như mọi người ở đây ai cũng phải đánh người, kể cả đứa dân phòng mặt còn non chẹt hay đứa an ninh mặt trắng bệt như con gái cũng đấm đá túi bụi.
Hết người này đến người khác thay phiên chất vấn tôi, tất cả đều là người của PA65. Họ buộc tôi viết đi viết lại bản tường trình với nội dung ‘từ lúc sáng sớm ra khỏi nhà làm gì cho tới khi bị mời (bắt) vào đây’. Không được thiếu một chi tiết nhỏ nào. Viết tới viết lui gần 20 tờ giấy.
Thật rùng rợn và man rợ, nơi công quyền mà âm thanh như động quỉ. Tiếng đánh đập ình ịch, tiếng khóc thét vang lên mỗi lần hỏi cung. Tiếng thân người bị đánh ngã xuống sàn, tiếng kêu la thảm thiết. Những âm thanh đó không gì tả nổi mà lại xảy ra với những người diễu hành ôn hòa. Nơi mà ông Bí Thư Thành Ủy muốn nó trở lại thời kỳ từng được mệnh danh là “Hòn ngọc viễn đông”.
Đau đớn tột cùng cho những người anh em mới ngồi uống nước với tôi ban chiều. Lần đầu tiên tôi mới làm việc với PA65 và công an như vầy, bọn họ không phải là người. Hầu như tất cả mọi người vô cơ quan này đều được quyền đánh người và là một con người khác. Mỗi người vô là đánh vài cái, toàn là đòn hiểm.
Trời ơi! Không bút mực nào tả xiết cảnh tượng chiều và tối hôm đó. Con người mà bị đối xử thua súc vật. Tôi liên tục bị làm việc tư tưởng và định hướng viết theo bọn họ. Phải nhìn nhận chế độ này là trong sáng là tươi đẹp và phải hứa phải nhìn chế độ bằng ánh mắt tích cực, không được nhìn theo hướng tiêu cực. Phải làm vậy họ mới kết thúc buổi làm việc về chuyển tôi về địa phương.
Trong đám PA65 có tên ốm, nói giọng bắc rất hung dữ, nói chuyện luôn quy chụp. Hắn bảo tôi là người của DCCT, lúc đầu tưởng tôi là Trương Minh Đức, tưởng đâu hốt được mẻ ngon. Nào ngờ... không đúng thì thôi. Còn người kia nói giọng nam, tên là Quý ra chiều thông cảm cho tôi, Quý luôn nhỏ nhẹ, không nạt nộ như những người khác.
Khát nước khô cổ vì phải trả lời chất vấn liên tục từ 16 giờ tới 23 giờ, nhưng Quý nói câu nghe cũng ấm lòng.
“Tôi cũng biết anh khát nước, nhưng nhìn quanh ở đây không có cái ly nào sạch để rót cho anh”. Tôi lấn tới xin xỏ:
“Dù gì anh cũng đi chung với mấy người kia từ trưa tới giờ, mấy đứa kia bị đánh nhiều quá, anh mua mỗi đứa chai nước suối nghen”. Tên ốm nói giọng bắc gằn giọng:
“Ông lo thân ông đi, tụi nó có người lo”. Nín thinh luôn.
Họ dẫn tôi xuống tầng trệt bàn giao hồ sơ cho công an phường Bến Nghé. Ghi biên bản phạt hành chánh ‘Gây rối trật tự công cộng và đậu xe không đúng nơi qui định’. Tôi không ký và nói không có lỗi. Rốt cuộc bị viết thêm bản tường trình nữa về việc ‘không gấy rối trật tự công cộng’ mới được yên.
Di lý về xã Vĩnh Lộc B
Tôi phải đợi thêm nữa tiếng nữa mới được đưa về cùng anh Vịnh, anh Tuân. Tôi chạy xe của mình chở theo đứa an ninh phường, anh Vịnh và Tuân ngồi xe Ford, xe anh Vịnh có dân phòng chạy sau. Về tới vòng xoay An Lạc, Vịnh và Tuân được xuống và nhận xe máy. Còn tôi phải chạy trước dẫn xe Ford về xã Vĩnh Lộc B để bàn giao tôi cho công an xã.
Lại thêm màn cũ, trưởng CA xã yêu cầu thẩm tra tôi. Sau đó CA viên ghi lý lịch trích ngang và lần lượt trả lời câu hỏi để ghi vào biên bản. Làm việc hết sức nhẹ nhàng và vui vẻ, vì ai cũng biết PA65 quá đa nghi thôi. Hơn nữa tại xã mình cư trú, CA cũng người quen thôi.
Lời kết
Lòng vòng đã 2 giờ rưỡi sáng mới về tới nhà. Coi như 10 tiếng rưỡi bị câu lưu. Thôi cơm nước gì nữa, nhịn luôn cho ốm bớt.
Nằm xuống mơ màng lẩm nhẩm lại bài thơ ‘Đất nước mình ngộ lắm phải không anh’ của cô giáo Lam. Rồi trong giấc ngủ chập chờn gần sáng nghe văng vẳng 2 câu thơ của bà Hồ Xuân Hương:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.
Thật vậy, không gì ngăn được chân lý, cái ác ắt phải bị đẩy lùi. Vì môi trường chúng tay hãy chung tay bảo vệ. Hãy góp người một tay để môi trường xanh, sạch hơn và xã hội phải công bằng dân chủ hơn.
0 comments:
Post a Comment