Nhà máy GlaxoSmithKline tại Thượng Hải, Trung Quốc (ảnh chụp 11/07/2013). REUTERS/Carlos Barria
Minh Anh
Bắt giam, kết án, tiền phạt kỷ lục… Bắc Kinh tung ra một chiến dịch «trong sạch hóa »
giới doanh nghiệp, tác động lên cả các tập đoàn lớn của Nhà nước và các
doanh nghiệp nước ngoài. Mục tiêu chính : Buộc giảm bớt giá bán trong
một bối cảnh xã hội căng thẳng và tô bóng lại hình ảnh của chính phủ.
Liên quan đến chủ đề này, tờ Le Monde số ra hôm nay 15/10/2013, dành hai
trang báo lớn mở một hồ sơ để phân tính và đánh giá chiến dịch « bàn tay sạch » của Trung Quốc qua một loạt các bài viết khá hấp dẫn.
Tại Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia dưới ngọn lửa chống tham nhũng
Với mức tăng trưởng dự đoán 26% trung bình mỗi năm, rõ ràng thị trường
thuốc tây tại Trung Quốc có một sức hút mạnh mẽ mà không hãng dược lớn
không thấy thèm thuồng. Thế nhưng, thiên đường đó lại đậm màu sắc của
vùng Viễn Tây, Le Monde nhận xét. Bầu không khí rất khắc nghiệt. Bởi vì,
thiếu Nhà nước pháp quyền, tham nhũng ở mọi cấp độ và xu hướng Nhà nước
điểm mặt các doanh nghiệp nước ngoài ngay khi có vấn đề.
Le Monde nhận xét « Tại Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia bị áp lực chống tham nhũng ».
Kể từ khi kế hoạch chống tham nhũng giai đoạn 2013-2018, được dàn lãnh
đạo mới của Bắc Kinh đưa ra vào cuối tháng Tám này, một loạt các các tập
đoàn đa quốc gia lớn tại đây nằm trong vòng điều tra. Không một lãnh
vực nào không bị liên can. Từ ngành dược phẩm, công nghiệp, bất động
sản, năng lượng, thuốc lá cho đến cả thực phẩm.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Trung Quốc mở các cuộc điều tra
tham nhũng nhắm vào các công ty nước ngoài. Trích dữ liệu từ Tổ chức
Minh bạch Thế giới, Le Monde dựng một biểu đồ cho thấy tập đoàn đa quốc
gia nào bị điều tra vào năm nào và có các mánh khóe hối lộ ra sao trong
giai đoạn 2010-2012. Theo biểu đồ, hình thức hối lộ quan chức chính phủ
hay các lãnh đạo quốc doanh rất đa dạng, từ việc đưa bao thư, quà cáp,
huê hồng, thanh khoản bí mật, đi du lịch miễn phí dưới dạng tham dự hội
nghị khoa học « vịt »… Hầu như là đủ mọi thủ đoạn để có thể
hoặc chen chân được vào thị trường trong nước, hoặc dành ký kết các hợp
đồng lớn hay khuyến mãi sản phẩm.
Tờ báo liệt kê một loạt các tập đoàn đa quốc gia bị điều tra gần đây
nhất, chủ yếu là lĩnh vực dược phẩm như vụ tai tiếng GlaxonSmithKline
(Anh), Novartis (Thụy Sĩ), Merck và Abbott (Hoa Kỳ) hay Sanofi (Pháp).
Chống tham nhũng : Trò « rung cây nhát khỉ” của Trung Quốc?
Thế nhưng, Le Monde lưu ý là sự phô trương sức mạnh đó nhằm uốn nắn
lại giới kinh doanh vào khuôn phép lại được tung ra ngay trước thềm Hội
nghị toàn thể lần 3 của Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung
Quốc. Một giai đoạn quan trọng trong nhiệm kỳ hiện nay của Chủ tịch Tập
Cận Bình. Những chương trình cải cách kinh tế sẽ được trông đợi rất
nhiều nhân phiên họp lần này.
Hiện các cuộc tấn công vào các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài hoạt
động tại Trung Quốc, chủ yếu nhắm vào hai lãnh vực. Thứ nhất là dược
phẩm, nhằm buộc các tập đoàn này phải hạ giá thành thuốc để cải thiện hệ
thống bảo hiểm y tế. Thứ hai mặt hàng sữa bột. Cơ quan điều phối cạnh
tranh đánh vào sự độc quyền của những thương hiệu sữa bột trẻ em lớn, bị
cho là bán với giá gấp đôi tại Trung Quốc so với các chỗ khác trên thế
giới.
Ngoài ra, Le Monde nhận thấy rằng ý đồ sâu xa của hai cú đánh đó là
Trung Quốc tấn công vào những lãnh vực mà các thương hiệu nước ngoài
đang chiếm lĩnh tại thị trường. Trong trường hợp này, để tồn tại, các
doanh nghiệp nước ngoài không còn chọn lựa nào khác ngoài việc nhận lỗi
và phục tùng chỉ thị của Bắc Kinh.
Thế nhưng, theo tờ báo, hiếm khi các tập đoàn phương Tây tự đưa ra
các khoản hối lộ. Trên thực tế, chính khách hàng làm ăn buộc các nhà môi
giới Trung Quốc phải có những khoản huê hồng hay những khoản « lại quả ».
Trong những hợp đồng lớn hay thành lập các doanh nghiệp liên doanh,
tham nhũng thường xảy ra ở phía Trung Quốc, những người có thể đưa ra
các quyết định hành động trong sự kín đáo và cho phép những người thân
nào thành lập công ty đối tác chẳng hạn.
Để minh chứng cho lập luận này, Le Monde trích dẫn dữ liệu thống kê
cũng từ Tổ chức Minh bạch Thế giới, vẽ thành một biểu đồ cho thấy nếu
tính trong số 174 quốc gia tham nhũng nhất thế giới, Trung Quốc đứng
hàng thứ 80. Còn nếu so với các quốc gia trong khối G20, Bắc Kinh xếp
hạng 6.
Le Monde cho rằng, sở dĩ tham nhũng có thể lộng hành là do sự nhập
nhằng trong các quyết định chính sách và quyền hành quá rộng và tập
trung chủ yếu vào một nhóm người ra quyết định và tay chân tâm phúc của
họ.
Cuối cùng, tác giả cho rằng những gì chính quyền Bắc Kinh đang làm chẳng qua cũng chỉ là «rung cây nhát khỉ ». Một khi đã xong xuôi, thì đâu lại hoàn đấy.
Chiến dịch « bàn tay sạch » hay là chiến dịch chính trị ?
Nhìn trong nội bộ, Bắc Kinh cũng đồng thời tiến hành một cuộc chiến
chống tham nhũng tại các tập đoàn quốc doanh. Các mục tiêu bị nhắm đến :
Bất động sản, giao thông hay năng lượng, những lãnh vực mà giữa công
chức và giới tư nhân có một mối quan hệ khá chặt chẽ. Nhiều tập đoàn lớn
bị liên đới như China Mobile, Cosco (chuyên về vận tải), Ngân hàng Xuất
Nhập khẩu và nhất là CNPC – Tập đoàn dầu khí quốc gia, mà cựu lãnh đạo
là Tương Khiết Mẫn, vừa được đề bạt lãnh đạo SASAC và cũng là Ủy viên
Ban Chấp hành trung ương Đảng.
Điều đáng chú ý là công tác điều tra nhắm vào những nhân vật được cho
là thân cận với Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Ban Thường vụ, về hưu từ
tháng 11/2012. Chiến dịch chống tham nhũng này làm trỗi dậy nhiều nghi
vấn : Phải chăng chính quyền đang tìm cách làm xói mòn dần tầm ảnh hưởng
của vị cựu lãnh đạo ngành công an và tư pháp, ông Chu Vĩnh Khang, hay
không ?
Theo quan điểm của nhà kinh tế Hồ Tinh Đẩu, « chiến dịch này cho
phép Đảng tìm kiếm được sự ủng hộ của người dân, đồng thời tạo ra một
bầu không khí có lợi cho chương trình cải cách sắp được đưa ra », trong kỳ Hội nghị toàn thể sắp tới.
0 comments:
Post a Comment