Giữ một Hà Nội xưa
Họ là những người bán nước được hiểu theo nghĩa đen cùng đời sống chật vật, vất vả, đội mưa chịu rét để bán mươi ly nước sấu, vài quả cóc dầm hay vài ngao thuốc lào, vài bát chè xanh để sống qua ngày. Trong hương vị ly nước của họ thấp thoáng bóng dáng của một Hà Nội xưa và tiếng leng keng tàu điện cùng năm cửa ô của một thời xa vắng. Cuộc đời lao động vất vả của họ chứa đầy thi vị của một người Hà Nội lịch lãm, chịu thương chịu khó và giàu lòng tự trọng. Điều ấy bây giờ tưởng như đã quá hiếm ở xứ sở này.Bà Hương, một người bán nước sấu lâu năm bên bờ hồ Tây kể với chúng tôi rằng trước 1980, bà là một công chức nhà nước, nhưng sau đó không lâu, bà cảm thấy mệt mỏi với kiểu làm việc lương ba đồng ba cọc mà phải đội trên đạp dưới, người có chữ, trí thức phải chịu nhẫn nhục để làm những việc lặt vặt trong văn phòng, còn kẻ học hành chưa vỡ chữ thì lại làm quan to, sai khiến lung tung, kệnh cỡm, hợm hĩnh… Bà thấy mất niềm tin, hết muốn làm việc, bỏ ngang việc, cũng chẳng cần xin xỏ gì và cũng chẳng cần cầm lấy một đồng chế độ nào, nghĩa là bà trắng tay khi thôi việc. Sau đó, bà nghĩ đến chuyện hái những quả sấu trên các con phố Hà Nội để ngâm nước, bỏ mối cho nhiều người cùng bán với bà.
Hôm nào đắt hàng thì bán hết lọ này, hôm nào ế ẩm, vắng khách thì 3 ngày mới hết. Hết một lọ thì lãi được khoảng 70 ngàn đồng, khoảng 15-16 ly.Vài năm sau, mối nước sấu của bà Hương càng lúc càng đắt khách, nước sấu trở lại thời thịnh vượng của nó. Vì khi nói về Hà Nội, không thể không nói về những bờ hồ cùng ly nước sấu chua ngọt, dịu và mát lạnh. Cuối cùng, người ta kéo nhau ra bán nước sấu, kéo nhau đi hái sấu về ngâm và phong trào bán nước sấu nổi lên, cái thời nhẹ nhàng, đằm thắm của ly nước sấu ven hồ bị mất dấu, thay vào đó là sự chộn rộn, chợ búa của nước sấu Hà Nội bây giờ. Tuy vậy, bà Hương và một số người bạn từng bán nước sấu lâu năm của bà vẫn cố gắng giữ riêng cho mình một phong cách riêng, giữ nét Hà Thành một thuở.
-Bà An
Cái nét Hà Thành một thuở được bà An, năm nay 60 tuổi, bạn của bà Hương giải thích đó là không chém khách, dù là khách thập phương hay là khách đồng hương thì vẫn phải làm sao cho khách thấy yêu Hà Nội mà tìm đến, mặc dù bà An không làm việc trong ngành văn hóa Hà Nội, nhưng bà vẫn ý thức được rằng trách nhiệm giữ một Hà Nội đẹp, thanh lịch và đáng yêu thuộc về bà, nó không phải của riêng ai, đó là chưa nói đến các quan chức, có lẽ họ bận bịu với hối lộ, tham nhũng, gái gú gì đó nên họ không bận tâm đến Hà Nội xưa, còn với những người bán nước sấu như bà, Hà Nội xưa là một thiên đường.
Thiên đường và địa ngục
Cái thiên đường Hà Nội xưa mà bà An muồn nói đó là nét vui hiện ra trên gương mặt của khách mỗi khi họ ngồi uống nước sấu, ăn kẹo vừng, ngắm phố và vui vẻ vì giá nước rẻ, ngon, cảm giác vui giúp họ thấy người Hà Nội thân thiện và đáng yêu, sẽ còn quay trở lại thăm Hà Nội. Nhưng, cái thiên đường đáng yêu đó đôi khi thoáng qua trong chốc lát rồi vụt tắt bởi âm thanh chát chúa của còi hụ xe công an và những tiếng quát tháo, những gương mặt dữ dằn. Đã nhiều lần bà An gạt nước mặt lội xuống hồ để sục sạo tìm vớt mấy chiếc hủ, chiếc mẹt bán hàng vì nó bị công an vứt tất cả xuống đó.Bà An buồn rầu nói: “Hôm nào đắt hàng thì bán hết lọ này, hôm nào ế ẩm, vắng khách thì 3 ngày mới hết. Hết một lọ thì lãi được khoảng 70 ngàn đồng, khoảng 15-16 ly. Thế thôi, vì những ai chụp ảnh thì họ mới ra đây còn họ ngồi hết ở hai bên cửa chùa. Bác ngồi xa ở đằng này thì bán rẻ hơn một chút, để người ta nhớ nhiều lần người ta sẽ tới. Kể cả học sinh hoặc những người đi du lịch, một năm họ đi du lịch một lần, hoặc hai, ba năm người ta đi một lần, người ta nhớ mình người ta về thôi. Có cái đặc điểm là như thế. Mình bớt đi một miếng thì người ta nhớ tới mình thôi. Năm nay bán khó khăn lắm! Nói chung thì bên hàng kia họ bán cũng được, họ có người nhà làm công an, nó không bị bắt mấy, nó có bị bắt cũng chỉ là bắt cho người chung quanh không nói gì còn về thì nó lại lấy được đồ về, không như mình…!”
Bên hàng kia họ bán cũng được, họ có người nhà làm công an, nó không bị bắt mấy, nó có bị bắt cũng chỉ là bắt cho người chung quanh không nói gì còn về thì nó lại lấy được đồ về.Bà An nói thêm rằng với cái nghề bán nước sấu, kẹo vừng mỗi ngày chỉ kiếm được từ 50 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng của bà, đôi khi cũng cần có thế lực. Như bà, chẳng có thế lực nào giúp đỡ nên vất vả vô cùng, phải ngồi ở góc khuất, không dám mời chào khách, bán với giá bằng nửa người ta, nước sấu cũng ngon và chất lượng, sạch sẽ hơn nhưng chẳng kiếm đủ sống. Vì những người ngồi ngay trước cổng chùa Trấn Quốc, cách bà không bao xa đều có công an che chở, chỉ cần bà mời chào một tiếng thì bị công an dẹp ngay, bởi bà làm chướng tai gai mắt những người kia, mà họ đều có người nhà làm công an.
-Bà An
Không những thế, có lần, bà An cảm thấy không thể sống nổi vì bị rượt đuổi thường xuyên, phải chuyển sang bán chè đậu, gánh đi dọc các con phố mà bán, nhưng cũng không yên, hễ đã bị công an chiếu rồi thì đằng nào cũng không thoát. Riết rồi thành mệt mỏi, chán chường và liều lĩnh, bây giờ, bà An cảm thấy không sợ công an nữa, nếu cần, họ cứ ném, cứ đổ của bà đi rồi bà sẽ sắm gánh hàng khác mà bán. Vì bà luôn tin rằng người Hà Nội lịch lãm một thời vẫn còn rất nhiều ở Hà Nội, họ sẽ lên tiếng bảo vệ những người lao động nghèo khổ như bà.
Bà An kể thêm: “Có lần bỏ nghề thì đi bán rau, bán rau không có chỗ ngồi đâu. Sau công an đuổi quá thì bỏ không bán rau, thế là về mới nấu chè đỗ đen gánh rong. Mới đầu cũng không có chỗ ngồi đâu. Gánh rong đi bán chè, một nồi đỗ đen, một ngồi đỗ xanh một gánh. Sau đó có mấy bà đi tập thể dục buổi sáng họ nhìn thấy họ bảo mai bà ra đây mà ngồi, chứ gánh rong không gánh nổi đâu. Đó là chưa kể lâu lâu nó đổ nguyên gánh chè của mình xuống hồ, nó bảo thế xem mai có gánh nữa không? Mấy đứa này (những người ngồi bán được công an bảo kê) nó biếu tiền công an để bắt mình.”
Hà Nội vào Đông, những người đàn bà ngồi thu lu ở một góc phố nào đó hay ở bờ hồ lạnh lẽo bán nước kiếm sống qua ngày, cuộc sống chật vật, được chăng hay chớ của họ lại mang âm hưởng gì đó rất Hà Nội. Những tiếng rao, những tiếng mời chào của họ như khảm vào Hà Nội một thanh âm khác cất lên từ những bi thảm kiếp người. Một kiếp người cần lao giữa lòng thủ đô!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
0 comments:
Post a Comment