Thursday, October 24, 2013

Phản ứng của dân Huế trước vụ xử bắn Phan Quang Đông.


Trường Sơn
Hồi đó tôi đang là học sinh Đệ Nhất của trường Quốc Học. Khác với những học sinh Phật tử cuồng tín luôn bị các thầy Từ Đàm và Diệu Đế kích động, tôi vẫn vô tư học hành mà chẳng hề quan tâm đến chính trị hoặc ganh tỵ ăn thua về tôn giáo. Ngoài giờ học hành, chúng tôi có những thú vui đùa của lứa tuổi thanh niên như .. rình rập những cặp tình nhân hẹn hò nơi vắng vẻ để xem trò ong bướm của họ, hoặc theo dõi các nữ sinh đẹp để chụp hình. Tuy nhiên việc chụp hình này không phải đơn giản vì không có dụng cụ nhẹ nhàng và nhỏ nhắn để chụp lén. Hồi năm 1963 thị trường chưa có loại máy hình nhỏ bỏ túi như Pen Olympus cho nên chúng tôi thường lè kè những máy ảnh kếch xù như Rolleyflex, riêng tôi thì có chiếc Leica cũ xì nhưng chụp khá tốt. Có lần ngồi trên lan can sát bên đường Lê Lợi của truờng Đại Học Khoa Học (khu Morin cũ) lăm le chiếc máy ảnh chờ nàng Như Mai (Hoa khôi Đồng Khánh) đạp xe ngang để chụp hình thì có một ông ăn mặc chỉnh tề từ từ tiến tới hỏi chúng tôi chụp ảnh gì, chúng tôi cười trả lời rằng chờ chụp mấy em Đồng Khánh đi ngang qua đây. Ông nhìn vào chiếc máy ảnh Leica của tôi và nói đưa cho ông xem. Tôi thấy ông là người đường hoàng nên đưa cho ông coi, ông cầm máy trong tay, lật qua lại quan sát rồi trao lại cho tôi bảo rằng : Các em đi chỗ khác chơi, đừng chụp hướng vào Đài phát thanh Huế vì sẽ làm mất an ninh cho đài. Chúng tôi chợt hiểu, và bỏ đi ngay. Tôi suy nghĩ lại thấy cảm phục cái ông nhân viên an ninh đó vì biết thông cảm cho bọn trẻ chúng tôi và còn có thái độ lịch sự nhã nhặn.
Xứ Huế của chúng tôi xem ra thanh lịch và hiền hòa như thế đó. Thỉnh thoảng có những cuộc đua xe đạp từ trong Nam ra, và đích đến là ở sân vận động Tự Do, chúng tôi thường đến đó để xem đoàn xe của họ đến, họ phải phóng xe leo lên lòng chảo chạy đủ một vòng trên đó rồi mới lao xuống đường đua phía dưới chạy thêm một vòng nữa mới đến mức ăn thua cuối. Cảnh tưởng đẹp mắt, hào hứng và đầy tinh thần thể thao lành mạnh. Chúng tôi reo hò cổ vũ rất vui vẻ.
Thế nhưng sân vận động Tự Do sau ngày chính biến 1-11-1963 đã bị biến thành nơi để chính phủ “cách mạng” hành hình xử bắn một nhân viên của chính phủ Cọng Hòa cũ, biến nơi đây thành chốn nồi da xáo thịt một cách công khai và trắng trợn khiến ảnh hưởng lên tâm trí người dân quá sâu đậm đến nổi .. đã nửa thế kỷ trôi qua mà hình ảnh giết người đó vẫn hiển hiện lên rõ mồn một trong tâm trí tôi với những khuôn mặt đồ tể khả ố và những nét thảm nảo của gia đình nạn nhân.
Tôi không nhớ rõ ngày, nhưng đọc theo tài liệu thì ông Phan Quang Đông bị xử tử tại sân Vân Động Tự Do vào trưa ngày 9 tháng 5 năm 1964.
Nói đến ngày lật đổ chế độ đệ nhất Cọng Hòa tại Việt Nam thì không ai không thấy cảnh ghê rợn xảy ra tại xứ Huế. Bởi tôi là học sinh thuần túy cho nên không có gì phải sợ hãi, tôi thường đạp xe theo đám biểu tình của giới tiểu thương và xích lô do nhà chùa xách động để coi cho thoả mãn sự hiếu kỳ. Khi ở Sàigòn tổng thống Ngô Đình Diệm và ông cố vấn Ngô Đình Nhu bị ám sát chết thảm thế nào thì ở Huế cũng xảy ra những cảnh đáng sợ không kém. Tôi thấy đoàn biểu tình kéo đến tư dinh của ông tỉnh trưởng (không biết tên), kéo ông ra khỏi nhà áo quần xốc xếch, mặt của ông tái xanh cắt không ra giọt máu, vợ ông mặc áo bà ba mang đôi dép nhật chạy theo chân chồng ra thấu cổng dinh trên đường Lê Lợi mặt mày khiếp đảm, bọn xích lô của nhà Chùa nhào đến, tên nào cũng cầm khúc gổ trong tay hăm he, có thằng chạy đến toan kéo giật tay ông nhưng bị mấy người đang bắt giữ ông gạt ra, nó há họng mắng : “Bộ mi ăn cứt hay sao mà theo thằng Diệm”. Tôi đứng gần đó ngẩn người vì lần đầu tiên tôi nghe được một lời chưởi mắng thô lổ đối với một người có địa vị là ông tỉnh trưởng của một nước tự do. Sau này khi Việt Cọng chiếm miền Nam thì tôi mới vở lẽ rằng chữ “thằng” là cách nói “kinh điển” của Việt Cọng xưa nay khi hướng về đối phương, dù đó là tổng thống hay thủ tướng. Tuy nhiên bọn chúng cũng mang tinh thần nô bộc đối với ngoại bang cho nên luôn gọi Liên Xô là “Ông Liên Xô” và không bao giờ dám gọi tổng thống Mỹ là thằng Kennedy hay thằng Johnson cả mà chỉ dám gọi ông tổng thống Diệm là “thằng Diệm”.
Đoàn xích lô hung dữ của nhà Chùa chạy quanh quanh trong thành phố, dưới nệm xe luôn dấu vũ khí, nào dao, nào gậy để uy hiếp những cơ sở và viên chức của chính quyền cũ. Chúng hăm he muốn đánh phá các cơ sở Công Giáo, nhưng các nơi này đều kín cổng cao tường nên chúng không tấn công được. Đoàn xích lô kéo đến vùng Phủ Cam nhưng chúng không dám vượt sông An Cựu qua cầu Phủ Cam vì sợ rơi vào “ổ phục kích” của thanh niên Công Giáo tự vệ, cho nên chúng kéo về vùng Dòng Chúa Cứu Thế để phô trương lực lượng, vừa đạp xe từng đoàn lũ vừ la hét những câu đả đảo Cần Lao mặc dù chế độ ông Diệm đã bị lật đổ. Chúng mong chờ một cái ngòi châm để sự hung ác của chúng có dịp bùng nổ cho đúng kế hoạch của ai đó hầu phá hoại tan nát xã hội miền Nam. Khi đòan xích lô tiến đến trường Thiên Hữu thì tôi đang đứng xem bên vệ đường cùng với thằng bạn học là Nguyễn văn Chữ, (anh này về sau là Bác sĩ Y khoa, bị thiệt mạng vì nạn không tặc khiến máy bay rơi xuống nổ ở phi đạo sân bay Phú Bài Huế). Không hiểu vì lý do gì mà trong tay của Chữ có nắm một cái cọng dù (của cái ô) sắt, anh ta cầm nó và xăm xăm xuống mặt đường. Đoàn xích lô đi ngang, bổng một ông mặt mày dữ tợn liếc nhìn thấy Chữ đang nắm cây sắt thì nhảy xuống xe, chạy lật miếng đệm lên, kéo ra cái đùi gổ lớn rồi xông đến để đánh lên đầu Chữ. Hoảng hốt, Chữ nhanh chân phóng chạy và cả đoàn sát thủ xích lô rượt theo chạy vào đường xóm sát bên trường Thiên Hữu. Cũng may là Chữ quen mọi ngỏ ngách trong xóm đó nên anh chạy thoát ra ruộng lúa và núp dưới đó biệt tăm. Bọn sát thủ không bắt được nạn nhân để tế thần (Phật) cho nên hậm hực trở về, và tôi cũng khôn ngoan biến mất khỏi hiện trường, nếu không thì, vì giận cá chém thớt, chúng cũng sẽ đánh chết cả tôi. Hú hồn !
Trở lại chuyện pháp trường ở Sân Vận Động Tự Do, tôi nghe đài Phát thanh Huế loan báo rằng “tên trùm mật vụ Cần Lao” là Phan Quang Đông của chế độ cũ sẽ bị xử bắn giữa công chúng tại địa điểm nêu trên, nên tôi cũng theo dòng người tuôn về đó để chứng kiến cảnh tượng chưa từng thấy trong đời mình. “Giết người thị chúng” , tức là Giết để cho dân chúng thấy để Sợ và Gờm (như Việt Cọng và chế độ phong kiến thời xưa thường làm !)
Tôi đạp xe đạp về đó và khóa xe cho nằm trên sân cỏ ở bên rìa sân rồi theo đoàn người leo lên đứng ở lan can trên đỉnh của lòng chảo để nhìn.

Sân Vận Động Tự Do - Huế, nơi “thầy chùa” ra tay giết người công khai !
Loa phóng thanh đang đọc đi đọc lại bản án dành cho “tên tử tội Phan Quang Đông” mà họ đã gán cho tội danh là “trùm mật vụ của chế độ Ngô Đình Diệm”, đã sát hại bao người dân lành, đã thủ tiêu bao thầy Chùa Phật Giáo hoặc chôn xác họ ở khu Chín Hầm dưới các gốc cây cam…

Một trong số 9 chầm
Trước đây trong tháng 11 năm 1963, nghe theo lời tuyên truyền của họ, tôi cũng theo dòng người đến khu “chín hầm” để xem thì chẳng hề cảm nhận được không khí chết chóc gì cả, chỉ thấy những “hầm” xi măng nổi, xây dựa vào vách đồi, có chừng 4 phòng giam nhỏ cở chừng 2x3m, có cửa sắt, trên tường thấy có ghi rất nhiều hàng chữ do tù nhân để lại, phía trên tường cao quá đầu người có cửa sổ vuông nhỏ có song sắt để ánh sáng lọt vào, khung cảnh ảm đạm nhưng sáng sủa, không khí ẩm thấp vì lưng phòng giam dựa sát vách đồi. Nhìn ra xa thấy có vườn cam nhưng khi đến xem thì các cây cam chẳng có gì bất bình thường như tin đồn đải là có xác người chôn làm phân ở dưới gốc !! Tôi nghĩ rằng ông “Cậu Cẩn” trồng cam kiểu này thì còn thua xa cam của dòng Thiên An, vì những cây cam của dòng này xanh tươi tốt đẹp hơn nhiều và sản xuất cam ngọt mọng nước nổi tiếng cho cả xứ Huế dùng. Tôi hiểu rằng Chín Hầm chẳng có gì rùng rợn như lời đồn thổi !
Đứng trên cao, vin vào lan can của lòng chảo Sân Vân Động Tự do, chúng tôi (hàng ngàn người) có tầm nhìn bao quát hết mọi sự ở trong sân cũng như ở khán đài. Trong khi tiếng loa vẫn loan truyền tội ác của “tên trùm mật vụ” Phan Quang Đông thì trên khán đài các quan khách đang đến. Tôi thấy có ít nhất là 4 ông thầy chùa mặc áo vàng và lam (có lẽ có thầy Thich Trí Quang giữa họ, nhưng hồi đó tôi chưa biết mặt ông ta), có mấy quan chức mặc thường phục, và có một sỉ quan oai vệ mà ai cũng nhận diện được, đó là tướng Nguyễn Chánh Thi, người mà dân Huế khinh thường bởi dáng dấp cu-li và cách nói quê mùa của ông khi đứng trên bục đài để nói chuyện với dân chúng trong quân khu của ông, ông thường nói : “Đồng bào trong khu tôi thân mến …” (chữ “khu” theo tiếng Huế có nghĩa là đít !) khiến ai nghe cũng cười và chê rằng ông ta thiếu văn hóa.

Tướng Nguyễn Chánh Thi
Chúng tôi chờ đợi và thấy một toán lính (khoảng chừng 1 tiểu đội 7 người ) được dàn hàng ngang quay lưng về khán đài và cách xa nó chừng 30 m, hướng mặt vào một cây cột trồng thẳng cách họ khảng 10 m là nơi mà tội nhân sẽ bị trói vào để bắn.
Tôi thấy tướng Thi trên khán đài bước xuống và ra tận nơi hành hình để chỉ bày, ông đích thân dùng sãi chân bước từ cột hành hình đến toán lính chừng 10 bước và bảo họ chỉnh đốn lại hàng ngang đúng với khoảng cách ông vừa đo đạt (đó là nhiệm vụ mất tư cách đầy vẻ nịnh bợ lập công của tướng Thi với các thầy). Tiếp đó là một chiếc xe bịt bùng chạy vào sân, một tù nhân được dìu ra, đó là ông Phan Quang Đông, ông bị trói vào cột. Ông ta mặc áo trắng, dáng dấp không cao, theo tầm nhìn từ cao xuống thì tôi thấy ông hơi lùn. Chiếc xe lui ra xa và tướng Thi trở về khán đài. Giờ này không khí tại sân vận động trở nên xôn xao. Tôi thấy người ta dìu một người đàn bà bụng đang có chửa vào, và bà ta tiến đến áp mặt gần ông, có lẽ để nghe ông trăn trối. Tôi thấy bà ta khuỵu xuống và khóc lóc thảm thiết. Tôi đoán biết đó là vợ của “tội nhân”. Thấy bà bụng mang dạ chửa mà lòng tôi xót xa ! Sau đó người ta đưa bà ra khỏi sân, và tôi không còn thấy bóng dáng của bà nữa. Một linh mục Công Giáo được đưa tới, vị này tiến sát trước mặt ông, cầm sách kinh đọc và sau đó đưa ngón tay làm dấu trên trán của ông rồi lui bước trở vào hậu trường. Ông trưởng toán hành hình tiến đến buộc khăn bịt mắt nạn nhân lại.
Lúc này mọi người xem ra đang bị kích động, loa bắt đầu lớn tiếng mạt sát tội nhân, đọc lại từng tội danh mà họ gán cho ông, sau mỗi tội danh và tiếng hô “tử hình” từ loa thì hầu như một số đông người đứng xem cũng hào hứng hô to lập lại chữ “tử hình” vang dậy. Trong lúc họ tiếp tục hô to như vậy thì người trưởng toán hành hình hô lệnh “sẵn sàng”, các họng súng nâng lên và ngắm vào nạn nhân, tôi thấy nạn nhân ngước đầu lên trời, miệng nhóp nhép rất rộng dường như đang đọc kinh lớn tiếng để phó dâng cho Trời. Giữa tiếng reo hò “tử hình” náo động của đám đông qua sự hướng dẫn của loa phóng thanh, tôi nghe tiếng hô lớn “bắn” của ông trưởng đội … Một loạt súng nổ vang, nạn nhân nẩy ngược người ra trước và thân thể mềm nhủn, đầu gục xuống.
Bổng chốc toàn sân vận động im phăng phắc, bao nhiêu tiếng hò hét bổng im bặt, tưởng rằng một con ruồi bay ngang cũng nghe được tiếng vo ve của nó. Người trưởng toán rút súng lục ra, tiến đến bên nạn nhân bắn một phát ân huệ vào màng tang của ông. Mọi sự đã chấm dứt.
Tôi và mọi người lủi thủi ra về, họ trò chuyện với nhau nhỏ tiếng như thể đang thì thầm vì sợ quỷ ma nghe được.
Lần đầu tiên dân Huế thấy được cảnh giết người công khai theo kiểu đấu tố của Việt Cọng mà chúng tôi xem được trong phim “chúng tôi muốn sống”. Mạng sống của con người được nhóm thầy chùa và tướng lãnh vô tâm đem ra làm trò hù dọa người dân, nhưng kết quả đã đi ngược với ước vọng của họ vì người dân bắt đầu thấy kinh tởm.
Và chính tôi, kể từ ngày đó, tôi bắt đầu kinh tởm bọn thầy chùa và hàng tướng lãnh trong nhóm tự cho là “cách mạng” đó.
Trường Sơn

0 comments:

Powered By Blogger