Trọng Nghĩa_RFI
Sách lược rõ ràng của Trung Quốc tại Đông Nam Á là dùng hợp tác kinh tế
thương mại để tăng cường ảnh hưởng chính trị, phục vụ cho việc bảo vệ
những gì được Bắc Kinh coi là “lợi ích cốt lõi” của mình, trong đó có
Biển Đông mà Trung Quốc đang đòi chủ quyền trên gần như là toàn bộ diện
tích.
Sau khi đã thuần phục được Cam Bốt, phải chăng Bắc Kinh đang vung
tiền để chinh phục cảm tình của Malaysia, một trong 4 nước ASEAN có
tranh chấp chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc tại vùng quần đảo Trường
Sa ?
Câu hỏi này đang được các nhà quan sát đặt ra vào hôm nay,
06/02/2013, sau khi cả hai nước Malaysia và Trung Quốc đều đã loan báo
hàng tỷ đô la đầu tư mà Bắc Kinh đã quyết định đổ vào láng giềng Đông
Nam Á này nhân chuyến công du của ông Giả Khánh Lâm, một nhân vật cao
cấp trong ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đến Malaysia từ đầu tuần, sau khi ghé Cam Bốt dự lễ hỏa táng cố quốc
vương Sihanouk, vào hôm qua, ông Giả Khánh Lâm cùng với thủ trướng
Malaysia Najib Razak khởi động khu Công nghiệp Kuantuan, một liên doanh
Trung Quốc-Malaysia, đặt tại thành phố Gebeng ở Malaysia. Tổng vốn đầu
tư của công trình này lên đến 3,5 tỷ đô la, chủ yếu đến từ các đối tác
phương Bắc.
Trong khuôn khổ đó, Malysia cũng loan báo quyết định của các tập đoàn
Trung Quốc là sẽ đầu tư hơn 1,6 tỷ đô la vào việc xây dựng các nhà máy
thép, nhôm và chế biến dầu cọ, cũng như mở rộng một hải cảng ở khu công
nghiệp Kuantan, tọa lạc bên bờ biển phía đông Malaysia, nhìn thẳng ra
Biển Đông.
Theo nhận định của hãng tin Reuters, các món tiền khổng lồ như kể
trên được tung ra trong bối cảnh là trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã
nỗ lực tăng cường nhanh chóng ảnh hưởng chính trị, văn hóa và kinh tế
của họ khắp vùng Đông Nam Á, từ việc tài trợ cho các con đập thủy điện
khổng lồ hay các sòng bạc to lớn tại vùng lưu vực sông Mêkông, cho đến
việc thúc đẩy chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc ở Biển Đông.
Đối với Malaysia, các nỗ lực kể trên như đã có kết quả. Phát biểu vào
hôm qua nhân một buổi lẽ khởi công xây dựng một khu đại học Trung Quốc
đầu tiên ở ngoại quốc và được đặt tại Malaysia, thủ tướng Najib Razak đã
không ngớt lời hoan nghênh đà tăng tiến trong quan hệ hợp tác Trung
Quốc-Malaysia.
Theo giới quan sát, nguồn tài trợ hào phóng của Trung Quốc cho
Malaysia đã phần nào được đền đáp. Chỉ ít lâu trước lúc ông Giả Khánh
Lâm đến Malaysia, chính quyền Kuala Lumpur đã cho trục xuất về Trung
Quốc một nhóm 6 người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, vốn đã lưu lạc qua
xin tỵ nạn ở Malaysia.
Hôm thứ Hai, 04/02 vừa qua, hành động đó của Kuala Lumpur đã bị Tổ
chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch đả kích, cho đấy là một hành
động cưỡng bức hồi hương trá hình, đối với những người đang chờ được
duyệt xét quy chế tỵ nạn.
Còn về vấn đề Biển Đông, trong thời gian qua, cho dù là một nước
tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực Trường Sa, Malaysia lại
giữ thái độ im ắng lạ thường, không thấy lên tiếng công khai về các hành
động quyết đoán liên tiếp của Bắc Kinh trên hồ sơ Biển Đông.
Đề nghị của Philippines muốn 4 nước Đông Nam Á có tranh chấp với
Trung Quốc hội ý với nhau cũng không được Malaysia nhiệt tình hưởng ứng.
Thậm chí, một bài bình luận hôm nay trên tờ New Straits Times, nhật
báo chính thức của Malaysia còn chê trách Manila phá quấy ASEAN khi đơn
phương kiện Bắc Kinh ra trước tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về hồ sơ
Biển Đông.
0 comments:
Post a Comment