Cái bẫy, thường là vật dụng để dụ đối tượng mắc vào trạng thái bất lợi mà mình mong muốn. Thông thường, cái bẫy được dùng để bẫy thú vật, chim chuột hoặc đi săn thú rừng. Thế nhưng, trong đời sống xã hội không thiếu gì các loại bẫy dùng để bẫy người. Thứ bẫy này tinh vi hơn, đa dạng hơn và tác hại hơn nhiều những thứ bẫy thông thường kia. Nhất là trong xã hội chúng ta hiện nay.
Cái bẫy đó có thể là một sự việc đơn giản nhưng cũng có thể là một chính sách, một chủ trương. Cũng có thể là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chịu sự giám sát của nhân dân”… cũng có thể là một câu slogan như “Vì nhân dân phục vụ”nhưng lại “Còn đảng, còn mình”. Hoặc Quân đội nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, song lại “Trung với đảng”.
Tất cả đều dụ nhân dân, những người được đảng và nhà nước coi là “dân trí thấp” để thực hiện các mưu đồ của đảng mà gọi một cách rất văn minh là “Chủ trương, chính sách”.
Mới đây, cái bẫy Bôxit Tây Nguyên là ví dụ nóng bỏng. Ngay từ đầu, nhiều tầng lớp nhân dân cứ tin vào câu “chịu sự giám sát của nhân dân” mà cứ can ngăn, ngăn chặn. Nhưng bằng một câu ráo hoảnh “Đây là chủ trương lớn của Đảng”, sự giám sát của nhân dân chỉ là cái… đinh. Thế rồi hôm nay, Bôxit Tây Nguyên trở thành gánh nặng mà nhân dân cứ thế oằn lưng trả cho việc phá môi trường, làm nát bét nền văn hóa Tây Nguyên, làm suy yếu nền anh ninh, quốc phòng, đào tài nguyên bán… để rồi chịu lỗ. Cứ mỗi năm, dân nộp thuế để nuôi dự án này khoảng 75 triệu đôla cho nó tiếp tục phá Tây Nguyên và người dân ngồi thấp thỏm chờ tai họa.
Thành công của những cái bẫy đó là chỗ nào? Có ai muốn giăng bẫy để mình chịu thiệt thòi hay không? Xin thưa là không. Sự thiệt thòi của đất nước, của nhân dân, của đất nước thì đã rõ. Còn với bộ máy “tham nhũng lan tràn” và có “bộ phận không nhỏ” đã trở thành những bầy sâu, thì những bầy sâu đục khoét nhân dân hiển nhiên hưởng lợi.
Chiếc bẫy không mới, thò ra chiếc lưỡi câu quá sớm
Mới đây nhất, Quốc hội của đảng lại đã có“chủ trương lớn” là “lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến Pháp”.
Mới nghe qua chủ trương này, đã có nhiều người lập tức bĩu môi: Lại trò mèo, lại lập lờ nhằm xây lô cốt trú ẩn cho đảng chắc thêm mà thôi. Đã bao lần bầu cử, lấy ý kiến nhân dân… tất cả đều “dân chủ”, đều “minh bạch”đều “công khai” và “được tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ, đồng tình” nhưng mèo vẫn hoàn mèo đó sao. Thế rồi cũng có những người quyết định: Tẩy chay, không có góp ý góp tứ gì hết, góp ý cho việc trước sau cũng là trò mèo, thì hẳn là mình đã công nhận trò mèo đó sao? Và người ta đứng ra ngoài cuộc. Thậm chí, có người còn trích dẫn hẳn câu nói của một cộng sản gộc đã cay đắng thốt lên:“Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi được” – Boris Yeltsin. Nhưng, thay thế như thế nào thì chưa ai đưa ra được phương án.
Cũng không thiếu những người “dân trí thấp”thì hớn hở: Lần này, thêm lần này nữa thì chắc Đảng sẽ thành tâm đấy. Hết cơ hội giăng bẫy rồi, chẳng lẽ lại giở trò bẩn lần nữa sao. Chẳng là ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm UB Pháp luật QH, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã từng phát biểu:“Không có cấm kỵ khi góp ý sửa Hiến pháp” đó sao. Thậm chí, ông còn nói rõ “nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả”. Mà Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất, Đảng cũng phải thực hiện theo pháp luật chứ. Thế rồi họ tin và góp ý chân thành.
Thế nhưng, khi thấy nhân dân hưởng ứng rầm rầm việc góp ý, thậm chí là có nhiều tiếng nói trung thực, được nhiều người ủng hộ rằng thì là không nhất thiết phải quy định trong Hiến Pháp về sự lãnh đạo của Đảng CS, nếu Đảng CS thật sự là “đội quân tiên phong” là “trí tuệ nhân loại” là “lương tri”, là“tinh hoa” thì chẳng cần nói nhiều dân vẫn theo chứ không việc gì phải luật hóa rằng “tao là bố mày” thì mới giữ được vị trí của mình. Thế rồi, những người dân đã mở mắt ra thấy rằng: À, thì ra trước đến nay mình không thấy cái đống đất đá chắn đường mình thật, phải dọn dẹp nó để mà đi.
Tai hại thay, miếng mồi Đảng đưa ra rất ngon đó đã được nhiều người bu vào rỉa gần hết mà bẫy thì chưa thể sập. Sợ lỗ nặng khi miếng mồi còn trơ xương lòi ra chiếc lưỡi câu trong đó, ông TBT Nguyễn Phú Trọng đã phải lên tiếng: “… Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa! … Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể … thì đó là cái gì? …”.
Đến đây, thì cái cửa bẫy đã phải sập xuống. Đảng sợ lỗ miếng mồi?
Thì ra, cái trò Góp ý đó không phải là để góp ý, mà là để “Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không?”. Cái ông TBT này quả là thâm hậu, thế mà dân gian cứ tặng cho ông xú danh là Lú thì quả không hẳn đúng.
Quả thật, để xem người ta hàng ngày ăn gì, mỗi tháng được bao nhiêu lương mà mua nhà, mua xe, có hàng đống tiền cho con đi học nước ngoài, tiêu tiền như xé giấy… thì dễ, chứ còn để biết ai “muốn” cái gì thì là rất khó, vì trong xã hội Việt Nam thời Cộng sản, việc nói dối, làm dối, báo cáo dối, xử sự dối… đã thành nét “văn hóa mới”. Càng như vậy thì đọc được ý muốn, ý nghĩ người khác đâu phải dễ dàng. Vì vậy mà Đảng mới giở trò “Góp ý mà không có vùng cấm” này đây chăng? Tưởng rằng trò tương tự này đã được thể hiện trong các cuộc “lấy ý kiến nhân dân”cho Dự tháo Báo cáo chính trị mỗi kỳ Đảng họp rồi cơ mà?
À, thì ra thế, cứ không theo ý Đảng, thì là suy thoái về chính trị, đạo đức? Vậy suy thoái là suy thoái thế nào? Có phải nếu ủng hộ quyền làm chủ thật sự của người dân là suy thoái, có phải nếu không để quân đội chỉ bảo vệ đất nước là nhiệm vụ cao nhất mà để bảo vệ Đảng mới là nhiệm vụ chính thì mới là không suy thoái? Có phải cần có sự canh tranh, giám sát để cái “đỉnh cao trí tuệ” đỡ làm bậy, đỡ đốt tiền dân nuôi một lũ tham nhũng thì là suy thoái? Có phải muốn xây dựng một hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền, xét xử đúng người, đúng tội, đúng luật mà đảng không can thiệp được bằng những vụ án bỏ túi là suy thoái?
Xin thưa, đó không phải là suy thoái về đạo đức, mà đó là sự suy thoái uy tín, vị trí của sự độc tài, tham nhũng mất lòng dân. Tác dụng ngược của cái bẫy
Ngoài những người tẩy chay, những người chân thành góp ý, cũng có những người đã hiểu rằng cái bẫy được sản xuất ra đợt này cũng như bao đợt khác mà thôi. Song họ vẫn cứ vào cái bẫy đó, sử dụng nó có ích cho mình.
Nhóm nhân sĩ trí thức được khởi xướng bởi 72 người đã hưởng ứng “chủ trương lớn” này ngay từ đầu. Bằng trí tuệ của mình, đây là dịp để các nhân sĩ, trí thức được thể hiện ý kiến của mình với lời hứa của quan chức của Đảng là “Không có vùng cấm”. Và như vậy, Bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp đã ngang nhiên được phát động và kêu gọi mọi người đọc, hiểu, ký tên đồng tình. Thậm chí, một bản Hiến Pháp được nêu ra tham khảo đã đàng hoàng gửi đi.
Tác dụng ngược(!)
Nếu như những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, chỉ với những lời dọa nạt, bắt bớ mà mỗi cuộc chỉ có vài ba trăm, dăm trăm người tham gia trong cái thành phố 7 triệu dân, dù lòng yêu nước của người Việt Nam vẫn nồng nàn. Thì việc bản Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp chỉ trong vòng một tháng có đến 6000 người ký tên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó, chứng tỏ đất nước này, người dân này không phải vì “dân trí thấp” mà chỉ vì nỗi sợ hãi truyền kiếp và những ngón đòn bạo lực khủng khiếp đã ngấm sâu vào phản xạ của họ. Và đây là một cơ hội để họ bày tỏ ý kiến của mình. Chính cái bẫy này là một cơ hội để người dân tận dụng nói lên ý nguyện của mình cách rõ ràng nhất, nhưng bẫy không thể sập nhốt cả hàng ngàn, hàng vạn con người.
Và như vậy, thì cái bẫy đã không sập vào nạn nhân, trái lại chính kẻ giương bẫy đã tự mắc vào chiếc bẫy của mình.Nếu như những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, chỉ với những lời dọa nạt, bắt bớ mà mỗi cuộc chỉ có vài ba trăm, dăm trăm người tham gia trong cái thành phố 7 triệu dân, dù lòng yêu nước của người Việt Nam vẫn nồng nàn. Thì việc bản Kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp chỉ trong vòng một tháng có đến 6000 người ký tên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó, chứng tỏ đất nước này, người dân này không phải vì “dân trí thấp” mà chỉ vì nỗi sợ hãi truyền kiếp và những ngón đòn bạo lực khủng khiếp đã ngấm sâu vào phản xạ của họ. Và đây là một cơ hội để họ bày tỏ ý kiến của mình. Chính cái bẫy này là một cơ hội để người dân tận dụng nói lên ý nguyện của mình cách rõ ràng nhất, nhưng bẫy không thể sập nhốt cả hàng ngàn, hàng vạn con người.
Thói đời là vậy, “Hại nhân, nhân hại sự nào tại ta” – Truyện Kiều, Nguyễn Du.
Hà Nội, 25/2/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
0 comments:
Post a Comment