Monday, February 25, 2013

PHỎNG VẤN MAHATMA GANDHI, CHA ĐẺ CỦA CHỦ THUYẾT TRANH ĐẤU BẤT BẠO ĐỘNG

The face of Gandhi in old age—smiling, wearing glasses, and with a white sash over his right shoulderLời BBT: Đây là một bài phỏng vấn viết theo lối giả tưởng (fiction), nhưng lại rất gần với thực tế vì tác giả y cứ vào tiểu sử và quá trình hoạt động của người được phỏng vấn. Tuy nhiên, sau khi đọc xong hết toàn bộ bài phỏng vấn này, người Việt chúng ta hãy chiêm nghiệm lại chủ thuyết “đấu tranh bất bạo động” mà 1 số tổ chức trong và ngoài nước đang theo đuổi, xem có đúng hay không. Vậy, ông Gandhi nói sao về chủ thuyết “đấu tranh bất bạo động” ? Mời quý độc giả bỏ ra ít thì giờ theo dõi bài phỏng vấn này. 
*
Cách đây 65 năm, một con người nhỏ bé 79 tuổi đang trên đường đến một ngôi đền ở New Delhi. Hôm đó là ngày 30 tháng 1 năm 1948 và người đàn ông nhỏ bé đó là Mahatma Gandhi, người vừa lãnh đạo toàn dân Ấn Độ giành được độc lập từ tay Anh Quốc. Đó là một nền độc lập không toàn vẹn, và trong con mắt một thiểu số quá khích, Mahatma Gandhi phải chịu trách nhiệm.
Ngày 30-1-1948 đó, một thanh niên Ấn giáo tên Nathuran Godse lách đám đông tiến lại gần Mahatma Gandhi và nổ súng. Ông chỉ kịp kêu lên mấy tiếng rồi gục ngã. Cả nước để tang, thế giới để tang. Lễ quốc táng đã được cử hành với một cuộc tuần hành vĩ đại có hơn một triệu người tham dự ở New Delhi. Theo tục lệ xưa nay của những người theo Ấn giáo, thân xác ông sẽ được hỏa thiêu và tro cốt sẽ được đem rải xuống sông Hằng. Nhưng vì một lý do đặc biệt nào đó, tro cốt ấy đã được giữ lại trong gần 50 năm như một bảo vật quốc gia cho đến ngày 30-1-1997 mới được những người trong gia đình đem rải xuống sông Hằng. Mahatma Gandhi cũng là tên của một bộ phim kể lại một phần cuộc đời ông. Bộ phim đã từng đoạt một lúc 6 giải Oscar.
Ký giả Vịt Trời tìm đến phỏng vấn Mahatma Gandhi, người mà ngay khi còn sống, đã được coi là vị thánh sống, cha già của dân tộc Ấn Độ.
Tuy dân số Ấn Độ tính đến thời điểm này đã vượt quá con số một tỷ người, nhưng Mahatma Gandhi hiện diện ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ.
Ký giả Vịt Trời (KGVT): Kính thưa Ngài, tôi là ký giả Vịt Trời, xin kính chào Ngài.
Mahtma Gandhi: Chào anh! Trông anh có vẻ không phải là một người Ấn Độ. Anh xưng là ký giả, chắc lại định phỏng vấn ta?
KGVT: Dạ phải, thưa Ngài!
Mahatma Gandhi: Thế anh định phỏng vấn ta về chuyện gì?
KGVT: Thưa Ngài, xin Ngài cứ kể lại những gì Ngài có thể kể với một ký giả Việt Nam như tôi.
Mahatma Gandhi: Việt Nam… Việt Nam… À, ta sẽ nói chuyện Việt Nam với anh sau. Này anh ký giả Việt Nam, ta tên thật là Mohandas Gandhi, sinh ngày 2-10-1869 ở thị trấn Porbamdar, bang Gujarãt, nước Ấn Độ. Sau này người ta thường gọi ta là Mahatma Gandhi. Mahatma trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là “cái hồn vĩ đại” đồng nghĩa với chữ “Great Soul” trong tiếng Anh. Thân phụ ta là Kaba Gandhi, một viên chức Ấn làm việc cho người Anh.
KGVT: Kính thưa Ngài, Ngài có bao nhiêu anh chị em?
Mahatma Gandhi: Thân phụ ta trước khi lấy bà Pulitbai, tức là mẹ ta thì đã có 3 đời vợ. Ba bà này đều qua đời, để lại hai người con gái. Thân phụ ta lấy mẹ ta sinh thêm 1 gái và 3 trai. Ta là con út. Mẹ ta là một người Ấn giáo thuần thành. Bà ăn chay trường, kiêng cá, thịt, mỗi tháng nhịn đói vài lần để tẩy uế con người. Điều đó ảnh hưởng tới ta rất lớn.
KGVT: Kính thưa Ngài, còn thời thơ ấu của Ngài?
Mahatma Gandhi: Ta đi học ở trường làng. Năm 7 tuổi ta theo cha dọn về Rajkot, học tiểu học ở đấy. Cha ta là một viên chức ở tòa án. Năm 13 tuổi, ta cưới vợ…
KGVT: Cưới vợ? Kính thưa Ngài…
Mahatma Gandhi: Đối với anh chuyện đó có vẻ lạ lùng. Nhưng ở nước Ấn Độ của ta vào thời gian ấy đó là chuyện bình thường. Phong tục của người Ấn ta như vậy. Cha mẹ ta cưới Kasturbai, một cô gái cùng lứa tuổi. Kasturbai lúc ấy chưa học hết tiểu học. Lấy ta cô ta phải nghỉ học, chỉ có ta là tiếp tục việc học. Tuy lấy nhau từ hồi còn trẻ, ta và Kasturbai đã chung sống với nhau cho đến lúc đầu bạc, răng long. Và trong đời ta, ta không chung đụng với bất cứ người đàn bà nào khác ngoài vợ ta. Ta có ba người con trai.
KGVT: Thưa Ngài, còn về đường học vấn của Ngài?
Mahatma Gandhi: Năm ta 16 tuổi, thân phụ ta qua đời. Anh ruột ta là người điều khiển gia đình. Anh cả ta rất thương yêu ta, chính anh ta lo cho ta ăn học hết Trung học. Sau
khi ta tốt nghiệp Trung học, anh cả ta tìm mọi cách cho ta sang Anh Quốc du học. Tuy việc này bị mẹ ta và họ hàng, láng diềng chống đối mãnh liệt nhưng cuối cùng ta cũng sang được Anh Quốc.
KGVT: Thưa Ngài, tại sao mẹ Ngài và họ hàng lại chống đối việc Ngài sang Anh du học?
Mahatma Gandhi: À, để ta nói rõ hơn. Mẹ ta theo Ấn giáo, lại bị giáo luật nghiêm nhặt của tông phái Janism bắt buộc nên cả gia đình ta đều ăn chay trường, kiêng cá, thịt và cả trứng nữa. Lúc ta còn học Trung học, có lần một người bạn đã xúi giục ta ăn thử món cà ri dê. Người bạn ấy nói rằng thịt làm cho con người khoẻ mạnh và vì người Anh ăn thịt nên họ có được sự thông minh để cai trị dân Ấn. Sau này ta rất hối hận vì đã trót nghe theo lời người bạn ấy. Ta không giao du với người ấy nữa. Mẹ ta và họ hàng lo sợ rằng, khí hậu lạnh lẽo của Anh Quốc sẽ khiến ta sa ngã và ăn thịt.
KGVT: Thưa Ngài, nhưng cuối cùng Ngài vẫn sang Anh du học kia mà?
Mahatma Gandhi: Đúng như thế, nhưng ta đã phải thề với mẹ ta là sẽ không bao giờ động đến thịt cá bà mới cho ta đi. Còn họ hàng và dân làng thì vẫn không chấp nhận chuyện ta đi Anh du học. Họ đã làm lễ trục xuất ta ra khỏi đẳng cấp trong tôn giáo vì họ e rằng ta sẽ làm ô uế tôn giáo bằng cách ăn thịt khi sang Anh Quốc. Nhưng chẳng những ta không vi phạm lời thề mà còn ăn chay trường suốt đời và ta luôn luôn cổ võ cho chuyện ấy!
KGVT: Kính thưa Ngài, Ngài học về ngành gì ở Anh Quốc?
Mahatma Gandhi: Ta học về ngành Luật. Lúc ta mới tới Anh Quốc, ta đúng là một anh nhà quê ra tỉnh. Nhưng rồi ta cũng trở thành luật sư thực thụ. Trong thời gian đó, ta học thêm tiếng Pháp, tiếng La-tinh và các ngoại ngữ khác. Trong thời gian ở Anh Quốc, ta quen biết nhiều bạn bè trong giới sinh viên và chính những bạn bè này sau đó trở thành những con người có thế lực đã giúp đỡ ta rất nhiều trong việc ta tranh đấu cho sự bình đẳng của người Ấn và cho nền độc lập của Ấn Độ. Ta trở về nước vào tháng 7-1891.
KGVT: Thưa Ngài, Ngài bắt đầu tranh đấu cho người Ấn và nước Ấn vào lúc nào?
Mahatma Gandhi: Trước khi trả lời câu hỏi đó, ta phải nói sơ lược về lịch sử Ấn Độ, để cho anh có một cái nhìn tổng quát. Ấn Độ là một trong những nền văn minh cổ nhất của thế giới. Nền văn minh Indus đã được tìm thấy những dấu vết mang niên đại 5.000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Ấn Độ trước đây gồm 14 đảo ở biển Arab, quần đảo Andamans gồm 204 đảo và quần đảo Nicobars gồm 19 đảo, đều ở vịnh Bengal. Ấn Độ là một lãnh thổ mênh mông rộng 1.430.000 dặm vuông với hàng trăm thứ tiếng nói và nhiều tôn giáo khác nhau.
KGVT: Kính thưa Ngài, Đại đế Alexander đã từng xâm lăng Ấn Độ?
Mahatma Gandhi: Năm 1500 trước Thiên Chúa, người Aryan đến miền Bắc Ấn Độ, ở đó đã có một nền văn minh khá cao rồi. Năm 372 B.C. (Before Christ), Alexander Đại đế xâm lăng Ấn Độ nhưng đã bị anh hùng Chandragupta đẩy lui. Vua Asoka (A-Dục) của triều đại Maurya 269-232 B.C. lấy Phật Giáo làm quốc giáo. Đó là thời đại huy hoàng của Ấn Độ. Năm 1001 sau Thiên Chúa, quân Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ, do vua Ba Tư Mahmud Ghazni dẫn đầu. Hồi giáo được du nhập vào Ấn Độ. Năm 1526, sự cai trị của Hồi giáo chấm dứt.
KGVT: Kính thưa Ngài, sau đấy là triều đại nào?
Mahatma Gandhi: Đế quốc Mongul bắt đầu từ 1526 cho đến năm 1707, làm chủ toàn thể bán đảo Ấn Độ, tức lãnh thổ của ba nước Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh bây giờ. Năm 1948, nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Vasco da Gama đến Ấn Độ và trong 100 năm kế tiếp, Bồ Đào Nha độc quyền mua bán ở Ấn Độ. Năm 1612, Anh Quốc thành lập British East India Company tức công ty Đông Ấn để giao dịch thương mại với người Ấn. Người Anh chiếm dần ảnh hưởng, đẩy lui thế lực của Bồ Đào Nha, Hòa Lan và Pháp.
KGVT: Thưa Ngài, người Anh hoàn toàn làm chủ Ấn Độ thời gian nào?
Mahatma Gandhi: Năm 1687, Anh Quốc chiếm Bombay trong tay Bồ Đào Nha. Trong cuộc chiến tranh 1750-1760, Anh đánh bại Pháp. Năm 1857, một cuộc nổi dậy của dân địa phương bị công ty Đông Ấn dẹp tan. Năm 1858, hiệp ước Warren Hasting trao cho người Anh toàn quyền bảo hộ Ấn Độ. Năm 1877, Ấn Độ chính thức trở thành thuộc địa của Anh Quốc. Nữ Hoàng Victoria của Anh trở thành Nữ Hoàng Ấn Độ. Năm 1885, một nhóm trí thức Ấn Độ thành lập Đảng Quốc Đại (Indian National Congress).
KGVT: Sau khi ở Anh Quốc về, Ngài làm gì thưa Ngài?
Mahatma Gandhi: Năm 1891 ta về nước, phần vì mới ra trường, phần vì nhu cầu Ấn quá ít nên ta thất nghiệp. Có một lần người ta thuê ta làm thầy kiện, khi đứng trước quan tòa ta đỏ mặt tía tai không nói được gì. Khách hàng của ta thua kiện, từ đấy không ai mướn ta. Anh cả ta sắp xếp cho ta sang Nam Phi, khi ấy cũng đang là thuộc địa của Anh Quốc. Người Ấn sang lập nghiệp ở Nam Phi khá đông, nhất là ở Pretoria. Người Ấn ở Nam Phi bị coi như công dân hạng hai.
KGVT: Thưa Ngài, Ngài có thể kể một vài thí dụ?
Mahatma Gandhi: Người Ấn ở Nam Phi, dù giàu có cách mấy cũng không được mua vé xe lửa hạng nhất hoặc ở các khách sạn dành riêng cho người da trắng. Người Ấn bước vào tòa án phải bỏ khăn quấn đầu. Người Ấn, nhất là những người Ấn theo đạo Hồi rất tôn trọng khăn vấn đầu vì đó là biểu tượng của trí tuệ, thần linh. Bỏ khăn vấn đầu là tự làm nhục mình. Khi ta đến Durban, có việc phải vào tòa án, quan tòa bắt ta phải bỏ khăn. Ta không chịu. Đôi bên tranh cãi kịch liệt, cuối cùng tòa án phải nhượng bộ.
KGVT: Như vậy là Ngài đã tạo được một tiền lệ?
Mahatma Gandhi: Có thể là như thế, ngày hôm sau, ta đáp xe lửa trở về Pretoria. Ta bị đuổi ra khỏi xe vì ta mua vé hạng nhất và cương quyết ngồi toa hạng nhất. Ta liền khiếu nại lên chính quyền đòi quyền bình đẳng cho người Ấn ở Nam Phi. Việc này đã tạo nên một phong trào, và người Ấn ở đây nhiệt tình ủng hộ ta. Ta trở nên nổi tiếng. Từ đó, ta trở nên tự tin, ăn nói chững chạc. Người Ấn ở Nam Phi coi ta như người lãnh đạo họ.
KGVT: Thưa Ngài, đó là tất cả những gì Ngài đã làm ở Nam Phi?
Mahatma Gandhi: Không! Ta còn tranh đấu chống lại việc chính quyền Anh ở Nam Phi buộc Ấn kiều phải đóng thuế thân. Năm 1894, ta lập Đại hội Ấn kiều Nam Phi (Natal Indian Congress). Năm 1896, ta về Ấn Độ. Ở Ấn Độ không ai biết ta. Không có việc làm ở Ấn, ta trở lại Nam Phi, đem vợ con sang đấy. Trong thời gian ấy ta vẫn tin rằng đế quốc Anh tồn tại là điều tốt cho nhân loại. Ta vẫn trung thành với nước Anh và Nữ Hoàng.
KGVT: Thưa Ngài, có gì chứng minh cho sự suy nghĩ của Ngài vào lúc ấy?
Mahatma Gandhi: Năm 1899, sắc tộc Boer ở Nam Phi nổi loạn. Người Anh đem quân tiêu diệt sắc dân này, tuyển mộ thêm binh lính không phải người Anh. Ta tình nguyện lập một đội quân người Ấn gồm 1.100 người chiến đấu bên cạnh quân Anh. Ta làm việc tận tâm, nên được thưởng nhiều huy chương của Anh Quốc. Năm 1906, chính quyền Anh ở Nam Phi dự định kiểm tra dân số Ấn ở đây. Đây là một việc làm gây nhiều bất mãn cho người Ấn. Ta lãnh đạo hàng ngàn người Ấn kéo về thành phố Johanesburg chống lại việc thông qua đạo luật này.
KGVT: Thưa Ngài, chắc là Ngài gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn này?
Mahatma Gandhi: Ta bị đánh đập đến đổ máu và bị bỏ tù. Nhưng ta nhất định tranh đấu đến cùng. Trong hơn 7 năm tranh đấu, ta vào tù ra khám nhiều lần. Cuối cùng chính quyền Anh ở Nam Phi phải nhượng bộ và điều đình với ta năm 1913. Lúc ấy tên tuổi ta vang dội tới Ấn Độ. Năm 1914 ta trở về nước và được tiếp đón trọng thể. Khi ta trở về, những người Đảng Quốc Đại tỏ ra lạnh nhạt và dè dặt đối với ta.
KGVT: Tại sao vậy, thưa Ngài? Ngài và đảng Quốc Đại đều đấu tranh cho người Ấn?
Mahatma Gandhi: Đảng Quốc Đại chủ trương Ấn Độ độc lập. Họ biết rằng ta trung thành với nước Anh và không muốn đấu tranh cho độc lập của Ấn Độ. Trong thời gian chiến tranh lần thứ nhất ta còn vận động các nhóm ủng hộ người Anh. Việc này làm các nhà cách mạng đấu tranh cho Ấn Độ độc lập khó chịu vô cùng. Từ năm 1915 đến 1918, ta đi khắp nước Ấn để tìm hiểu mọi thứ. Cho đến tháng 2-1919 thì ta thay đổi lập trường.
KGVT: Thưa Ngài, việc gì đã xảy ra?
Mahatma Gandhi: Tháng 2-1919 ta đi thăm vùng Punjab và đã chứng kiến người Anh huy động quân đội tàn sát những người Ấn Độ vũ trang khởi nghĩa chống lại sự cai trị của người Anh. Quân đội Anh đã tàn sát 400 người Ấn không một chút thương xót. Cũng năm đó, chính quyền Anh ra đạo luật Rowlatt Bills bắt giam những người mà họ nghi ngờ tham gia chống chính quyền. Ta kêu gọi một cuộc xuống đường, một phong trào tẩy chay chống chế độ thực dân Anh.
KGVT: Thưa Ngài, việc thay đổi lập trường này có ảnh hưởng gì đến tình hình chính trị lúc ấy?
Mahatma Gandhi: Việc này đã làm xôn xao Ấn Độ và cả đế quốc Anh. Còn các lãnh tụ Đảng Quốc Đại thì rất vui mừng, họ mời ta hợp tác với họ. Nhiều người đã đánh giá sự gia nhập của ta đã thổi một luồng sinh khí mới vào Đảng Quốc Đại đã thành lập 35 năm mà chưa làm được gì. Cuối năm 1920, ta trở thành một ngôi sao sáng  nhất của Đảng Quốc Đại mặc dù ta không phải là thủ lĩnh tối cao. Các lãnh tụ Đảng lúc ấy là Chitta Rangas Das, Molita Nehru cha của Jawalharlan Nehru, Vallabhbhai Patel.
KGVT: Thưa Ngài, chính quyền Anh có phản ứng gì đối với việc thay đổi lập trường của Ngài?
Mahatma Gandhi: Năm 1922, họ bắt giam ta, kết án 6 năm tù vì tội xúi giục quần chúng nổi loạn. Năm 1924, ta đau ruột trầm trọng nên được thả ra. Cũng năm ấy, Đảng Quốc Đại phân hóa thành hai nhóm. Một nhóm do Molita Nehru chủ trương không tham gia Quốc Hội hợp tác với người Anh. Còn nhóm Vallabhbhai Patel chủ trương vào Quốc Hội
hợp tác với người Anh. Ta tìm cách giảng hòa hai nhóm nhưng không được. Ta tuyên bố tuyệt thực cho đến khi nào hai nhóm này hợp tác với nhau. Do sự ủng hộ của dân chúng đối với ta, hai nhóm tạm gát các dị biệt, tránh cho Đảng khỏi rạn nứt.
KGVT: Thưa Ngài, còn những năm sau đó?
Mahatma Gandhi: Tháng 3 năm 1930, ta và Đảng Quốc Đại kêu gọi quần chúng đình công, tẩy chay hàng hóa Anh. Chính quyền Anh bắt giam hơn 60.000 người. Năm 1931 ta chấp nhận sang Luân Đôn điều đình cùng chính quyền Anh với tư cách là đại diện chính thức của Đảng Quốc Đại thay vì đòi độc lập hoàn toàn cho Ấn Độ. Điều này làm cho một số người thất vọng về ta. Cuối năm 1931 ta trở về Ấn, vừa về nước thì ta bị bắt vào tù.
KGVT: Thưa Ngài, tại sao thế?
Mahatma Gandhi: Lúc ấy Lord Wellington đã thay Sir John Simon làm Toàn quyền Ấn Độ và đàn áp mạnh phong trào yêu nước. Tháng 9-1932, lúc đang ở trong tù, ta đã phát động phong trào chống phân chia giai cấp của chính quyền Anh. Ta tuyên bố tuyệt thực, chính quyền Anh phải nhường bước và trả tự do cho ta. Năm 1934, ta từ nhiệm khỏi nhiệm vụ thành viên lãnh đạo Đảng Quốc Đại, và ly khai khỏi Đảng.
KGVT: Kính thưa Ngài, lý do gì mà Ngài rời khỏi Đảng Quốc Đại?
Mahatma Gandhi: Nhiều thành viên lãnh đạo Đảng đã không chấp nhận con đường tranh đấu bất bạo động của ta. Họ ủng hộ việc sử dụng vũ lực, đưa đến những vụ đổ máu. Ta về làng Sevagam, một làng nhỏ ở Trung Ấn, tự dệt vải làm quần áo cho mình. Vợ ta mất trong thời gian này. Tuy các sinh hoạt chính trị của ta không còn sôi nổi như trước nhưng vẫn có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Một sự kiện quan trọng là Đệ nhị Thế chiến nổ ra. Trong thời gian đầu, nước Anh điêu đứng vì phe Trục. Đảng Quốc Đại tuyên bố nếu Anh tuyên bố trả độc lập cho Ấn Độ thì Đảng Quốc Đại và toàn dân Ấn hết lòng giúp Anh chống lại phe Trục.
KGVT: Kính thưa Ngài, thái độ của Anh Quốc và của cá nhân Ngài về việc này ra sao?
Mahatma Gandhi: Anh Quốc phái Sir Stafford Cripps là thành viên Nội các Anh đến gặp Đảng Quốc Đại và ta để điều đình. Lần này ta quyết tâm đòi độc lập cho Ấn Độ. Trong lúc đó thì Anh lại xúi giục các thủ lĩnh Ấn giáo và Hồi giáo xung đột nhau. Giữa năm 1942, sau khi điều đình không được, Anh Quốc bắt giam ta và toàn ban lãnh đạo Đảng Quốc Đại. Biết không có khả năng kiểm soát bạo động, Anh Quốc trả tự do cho ta và những người yêu nước khác vào năm 1946. Biết rằng không có thể đô hộ Ấn Độ lâu hơn nữa, chính quyền Anh quyết định bàn giao quyền hành lại cho dân Ấn. Đến lúc đó, sự xung khắc giữa hai khối Hồi giáo và Ấn giáo trên đất nước Ấn Độ đã đến mức không thể hàn gắn được.
KGVT: Kính thưa Ngài, lúc ấy ai là người lãnh đạo khối Hồi giáo ở Ấn Độ?
Mahatma Gandhi: M.A. Jinnah. Những xung đột giữa Ấn giáo và Hồi giáo càng lúc càng nặng nề, không còn có thể ngồi chung với nhau. Anh Quốc quyết định chia Ấn Độ ra làm hai nước và trả độc lập cùng một lúc vào ngày 15-8-1947. Ngày độc lập cũng là ngày đau buồn của nước Ấn Độ. Đất nước chia làm đôi: Ấn và Hồi Quốc tức Pakistan. Những người Hồi giáo, dưới sự lãnh đạo của Jinnah di chuyển lên phía Tây Bắc và Đông Bắc Ấn Độ thành lập một quốc gia Hồi giáo lấy tên là Pakistan gồm hai phần Tây Hồi và Đông Hồi nằm cách xa nhau. Đó là một âm mưu thâm độc của Đế quốc Anh.
KGVT: Thưa Ngài, tách riêng hai khối người Ấn giáo và Hồi giáo ra thì tránh được sự đột giữa đôi bên?
Mahatma Gandhi: Nào có được như vậy! Ấn Độ dù đã bị chia cắt và Hồi Quốc Pakistan đã được thành lập, đôi bên vẫn đánh nhau dữ dội. Năm ấy ta đã 78 tuổi, ta tuyên bố sẽ tuyệt thực cho đến chết nếu dân Ấn không chịu ngưng cảnh huynh đệ tương tàn. Tháng 9-1947, ta đến Calcutta và tuyệt thực tại đây cho tới lúc gần chết. Thấy thế đôi bên tạm ngưng chém giết nhau. Ta ăn lại đôi chút và đi New Delhi. Đôi bên lại đánh nhau, ta lại tuyệt thực. Lại một lần nữa đôi bên buông vũ khí. Ta quyết định đi Pakistan gặp M.A. Jinnah kêu gọi hòa bình và tái thống nhất đất nước.
KGVT: Kính thưa Ngài, ước vọng của Ngài không thành?  
Mahatma Gandhi: Ta chưa kịp đi thì ngày 30-1-1948 trên đường đến một ngôi đền để cầu nguyện cho hòa bình và sự thống nhất thì một thanh niên Ấn giáo quá khích đã ám sát ta. Họ không muốn ta thương lượng với những người Hồi giáo.
KGVT: Thưa Ngài, mọi người cho rằng Ngài là cha đẻ của chủ thuyết “Bất bạo động.” Xin Ngài nói rõ hơn về chủ trương của Ngài.
Mahatma Gandhi: Tiếng Anh gọi chủ trương của ta là “Passive resistance,” tức là “phản kháng thụ động.” Đây là một sự chuyển ngữ sai lầm, nhưng ta chưa tìm được một chữ khác. Ta đã giải thích chuyện này trong quyển “Tự truyện” do chính ta viết. Phương thức đấu tranh đó tiếng Hindu gọi là Satyãgraha. Đó là một chữ kép. Saty có nghĩa là chân lý, và ãgrahacó nghĩa là sự kiên trì đến kỳ cùng. Trong quyển sách “Lịch sử đấu tranh bất bạo động tại Nam Phi” ta đã nói rõ Satyãgraha không có nghĩa là thụ động.
KGVT: Kính thưa Ngài, vậy nó có nghĩa gì?
Mahatma Gandhi: Nó không có nghĩa thụ động hoặc không làm gì cả. Mà nó là sự chủ động tấn công đối phương bằng toàn lực của ta, nhưng không phải để tiêu diệt đối phương, hoặc làm đối phương phải đổ máu. Hãy nhớ kỹ điều ấy. Anh đã nói với ta anh là một người Việt Nam, nên biết rằng có những kẻ sợ hãi đấu tranh, sợ hãi sức mạnh bạo lực của một đối phương mà chúng ta muốn tranh đấu chống lại, những kẻ đó hay núp dưới chiêu bài bất bạo động.
KGVT: Kính thưa Ngài, xin Ngài nói rõ hơn?
Mahtama Gandhi: Khi không dám đấu tranh chống lại một thế lực bạo ngược, phi chính nghĩa, phi dân chủ, bóp nghẹt tự do; người hèn nhát không dám làm gì và cho rằng họ là người theo chủ trương bất bạo động. Đó là một sự ngụy biện hòng che giấu sự bất lực của họ ở cả tư tưởng lẫn hành động bên ngoài. Nói tóm lại đó là sự đầu hàng toàn diện  của họ đối với bạo lực và với chính bản thân họ. Satyãgraha là sự đấu tranh đến kỳ cùng cho chân lý, cho mục tiêu chính đáng mà người ta cần phải đạt tới.
KGVT: Kính thưa Ngài, đất nước tôi hiện không có tự do, dân chủ, nhân quyền. Ngài có lời khuyên gì?
Mahatma Gandhi: Ta xin nói một điều là không ai yêu dân tộc anh bằng chính dân tộc anh. Đừng trông đợi ở ngoại bang; đừng hy vọng là với sự cầu xin, chúng ta có thể làm cho kẽ dữ phải nới tay; đừng chờ đợi trái trên cây rụng mà phải trèo lên cây tìm cách hái nó xuống. Phải tự mình tranh đấu giành lấy những gì mà mình đáng phải được hưởng: tự do, dân chủ, nhân quyền…
KGVT: Xin cám ơn Ngài Gandhi. Thưa Ngài, một câu hỏi cuối cùng: Dòng họ Gandhi nổi tiếng ở Ấn Độ hiện nay có liên hệ gì với Ngài?
Mahatma Gandhi: Không liên hệ gì cả. Rajiv Gandhi là con của Indira Gandhi. Indira là con gái của Jawaharlal Nehru là con của Molita Nehru, một trong những lãnh tụ đầu tiên của Đảng Quốc Đại. Gandhi là họ của chồng Indira Nehru và Gandhi này không có liên hệ gì với ta cả.
KGVT: Xin một lần nữa cảm ơn Ngài và kính chào Ngài.
Ký giả VỊT TRỜI
tieng-dan-weekly.blogspot.com

0 comments:

Powered By Blogger