Tuesday, February 19, 2013

Người Việt đang rơi vào trầm cảm vì khủng hoảng kinh tế

Ảnh minh họa (vneconomy)
Số người mắc bệnh trầm cảm và số gia đình Việt bị vỡ nợ vì đầu tư chứng khoán thất bát đang tăng dần thể hiện rõ sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam cũng như sự kém cỏi của chính phủ cộng sản.
Kể từ khi Việt Nam chuyển đổi hình thức kế hoạch chủ trương theo mô hình Xô Viết sang cải cách thị trường, đất nước này đã trở thành ví dụ tiêu biểu trong khu vực nhờ sự tăng trưởng kinh tế cao, sự gia tăng lượng đầu tư nước ngoài và sự phát triển của tầng lớp trung lưu, hãng thông tấn xã AFP đưa tin.
Tuy nhiên, kinh tế đất nước giờ đây đang chững lại và nhiều chuyên gia cho rằng điều này xảy ra là bởi sự quản lý yếu kém. Vì vậy, nhiều người Việt Nam nói rằng họ không những chỉ rút cạn số tiền tiết kiệm của mình mà niềm tin của họ vào chính phủ cũng đang dần cạn kiệt.
Người dân cảm thấy bất lực

„Đây là thời điểm tồi tệ nhất đối với gia đình tôi… mọi tài sản đã biến mất hết rồi,“ người phụ nữ 37 tuổi kinh doanh bất động sản Nguyen Thi Huong cho biết. Mọi thu nhập của chị ấy giảm xuống mức tối thiểu vì thị trường nhà đất đang đóng băng. Gia đình chị đã phải bán ngôi biệt thự sang trọng để chuyển về ở với mẹ chị trong ngôi nhà nhỏ tồi tàn sau khi mọi khoản tiết kiệm biến mất vào những vụ đầu tư bất động sản và chứng khoán.

Tương tự như nhiều người khác, bản thân chị Huong cũng tin rằng „những người lãnh đạo đất nước phải chịu trách nhiệm cho tình trạng ảm đạm của thị trường bất động sản cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang xảy ra trong nước“.
„Trong thời kì này, tất cả đều rất phấn khích. Họ mơ về một giấc mơ rằng Việt Nam sẽ trở nên giàu có chỉ sau một đêm,“ một chuyên gia phân tích giấu tên cho hay.

„Tuy nhiên, chính phủ đã thực hiện nhiều sai lầm trong chính sách kinh tế vĩ mô và hậu quả bây giờ mới bắt đầu nổi lên. Và bây giờ tất cả mọi người đang phải hứng chịu hậu quả của nó. Khủng hoảng tín dụng và sự gia tăng các vụ phá sản cũng như thị trường chứng khoán và bất động sản bị chững lại đã khiến tầng lớp trung lưu bị tổn thương nặng, đặc biệt không chỉ về mặt tài chính. Các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin ngày càng có nhiều người Việt đi chữa bệnh căng thẳng và trầm cảm.
vietinfo.eu
Ảnh minh họa (internet)
Các vấn đề tâm lý xảy ra thường xuyên hơn
„Tôi chưa bao giờ nhìn thấy nhiều bệnh nhân tìm đến điều trị rối loạn tâm lý vì kinh doanh thua lỗ như năm ngoái,“ anh Le Hieu den từ trung tâm điều trị các căn bệnh tâm thần tại TP Hồ Chí Minh cho biết.
Đối với người đàn ông 46 tuổi, anh Tran Thanh Hung, người sở hữu xưởng doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ tại Hà Nội và người mới đây phải sa thải một nửa nhân viên cho biết sự gia tăng trên là dễ hiểu. „Không những chỉ tiền mà cả lòng tin của người dân đã cạn kiệt hết rồi,“ anh nói.

Sự tăng trưởng trong năm ngoái giảm xuống mức 5,03 %, tức mức thấp nhất trong suốt 13 năm qua và 90 triệu dân cho rằng „đất nước đang gặp phải cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất,“ nhà kinh tế học Nguyen Quang A cho hay.
Ngành ngân hàng đang bị tê liệt bởi những khoản vay rủi ro và vì nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đang giảm mạnh. Sau khi „cái kim trong bọc bị lòi ra“ thì giới đầu tư bắt đầu tìm đến các đối thủ trong khu vực của Việt Nam như Indonesia hay Miến Điện. „Nó giống như một khối u mới bị vỡ để ép đảng cộng sản phải đối mặt với nó,“ anh Quang A nói thêm.

Các rắc rối ở đây có rất nhiều: nợ nần nhà nước, thị trường chứng khoán với giá trị bị giảm nửa kể từ thời kì huy hoàng vào năm 2007, thị trường bất đồng sản bị trì trệ và hệ thống ngân hàng gặp rắc rối với hàng loạt khoản nợ nguy hiểm. Nhiều chuyên gia cho rằng đảng cộng sản, người dẫn đường nước Việt Nam độc lập kể từ năm 1975 và người kiểm soát chặt chẽ mọi cuộc tranh luận chính trị dường như đang không có khả năng ngăn chặn sự tê liệt của nền kinh tế.
Bít tất thay cho lương tháng
Theo số liệu thống kê chính thức, trong năm ngoái có khoảng hơn  55 000 doanh nghiệp nhỏ và vừa kết thúc hoạt động kinh doanh của mình. Chỉ số thất nghiệp tăng. Các rắc rối đã gây ra ảnh hưởng mạnh đặc biệt vào thời điểm đón tết Nguyên Đán. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã phải hủy bỏ hoặc cắt bớt khoản tiền thưởng truyền thống cho nhân viên nhân dịp đầu năm.
Nữ công nhân nhà máy dệt may Tran Thi Hai năm nay đã nhận được 70 đôi tất thay cho tiền thưởng cho lương tháng 13 hàng năm. „Tôi sẽ phải bán nó ngoài phố để kiếm thêm chút tiền,“ chị cho hay. „Dù gì thì có vẫn còn hơn không.“
Thu Uyên_vietinfo

0 comments:

Powered By Blogger