Saturday, February 23, 2013

Thư Nguyễn Hưng Quốc (Đan Mạch) gửi PGS-TS Nguyễn Thanh Tú


” Ở hiến pháp cộng hòa liên bang Mỹ không có một câu nói gì đến tổng thống tức là bên hành pháp. Những người cha đẻ của hiến pháp Mỹ không quan tâm tới. Họ chỉ quan tâm tới nhân dân nên khi đặt bút họ bắt đầu từ câu “We the People…”
Kính gửi: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú,
Hôm nay tôi vào trang web Quân Đội Nhân Dân và hân hạnh được đọc bài viết của tiến sĩ về điều bốn của hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và trọng trách lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam theo điều bốn.
Bài viết gồm 3 chương: 1. Đảng kế tục lịch sử và làm nên lịch sử (8 đoạn).
2. Bài học “Quốc trị, thiên hạ mới bình” (5 đoạn).
3. Đảng lãnh đạo thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4 đoạn).

Trước tiên – thưa giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú – trình độ của tôi chỉ là thạc sĩ thôi, vì thế trên lý thuyết thì tôi có thể không bằng tiến sĩ khi nói đến chính trị hoặc luật pháp mà tiến sĩ đang bình luận. Nhưng khác với tiến sĩ là tôi không đi dạy học vế luật, tôi là một bồi thẩm viên ở một tòa án sơ thẩm ở một vùng ở vương quốc Đan Mạch nên thường xuyên làm việc về luật. Tôi cũng từng có 18 năm kinh nghiệm ở thuế vụ và vì thế thường xuyên làm việc về luật pháp. Tôi xin được trò chuyện với tiến sĩ về vấn đề này, vì mình có chút ít kinh nghiệm về luật pháp.

Nhưng trước khi tôi đi vào câu chuyện với tiến sĩ, xin phép cho tôi hỏi chuyện về cái bằng tiến sĩ của ông. Theo tôi được biết là luận án của tiến sĩ là về văn chương. Tôi tìm kiếm qua mạng và được biết như thế. Chủ đề của luận án mà tiến sĩ bảo vệ tên là I: “Từ quan niệm nghệ thuật đến nghệ thuật ngôn từ trong truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan”. Hướng dẫn viên cho tiến sĩ là giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Sử.

Hình bên : Nguyễn Thanh Tú
Bằng học của tôi không về luật – chỉ khoảng 1/3 thôi nhưng hàng ngày tôi làm việc rất nhiều về luật pháp và qua nhiều khía cạnh. Nên vì thế tôi có thể biện luận rằng: tôi có ít nhiều trình độ, để mà đưa ra công luận đôi lời về hiến pháp này, hiến pháp nọ. Còn nếu tiến sĩ đặc trách là về văn chương và nếu hàng ngày tiến sĩ đều làm việc về văn chương, thì tôi e tiến sĩ không đủ khả năng để mà thuyết phục quần chúng về phương diện này. Xin lỗi tiến sĩ tôi nói thế không phải để xúc phạm mà là đánh giá khoa học và khách quan khi chúng ta đi vào công chuyện. Chẳng hạn – chẳng ai mà dám đi vào chuyện toán mà nói chuyện với giáo sư, tiến sĩ Ngô Bảo Châu dù rằng mình cũng có học vị tiến sĩ. Nếu nói sai tùm lum tùm la ra thì ông Ngô Bảo Châu sẽ cười cho nói riêng và cộng đồng toán nói chung.
Tôi cũng được đọc những bài tố cáo trên mạng của quần chúng ở Việt Nam về cái việc họ bảo rằng tiến sĩ ĐẠO VĂN I – khi làm luận án tiến sĩ. Cái việc này thực hư như thế nào thì tôi không biết, nhưng tôi ở một quốc gia khá ổn về vấn đề này, nên vì thế không có việc rằng cái bằng học của tôi là “rỏm”.
Kính thưa tiến sĩ – bây giờ tôi xin được phép đi vào vấn đề.
Chương 1.
Ở chương một tiến sĩ kể lại lịch sử chiến đấu của dân tộc Việt và vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Ở đoạn hai là đoạn dài nhất ở chương này và ở câu thứ bảy tiến sĩ viết về một hội đồng quản hạt mà thực dân Pháp làm lên thì có 18 người pháp và 6 người An nam 1.
Nếu chỉ nói về lịch sử – chuyện xưa – thì dĩ nhiên những điều chúng ta biết về thực dân Pháp và chẳng hạn việc lập một hội đồng quản hạt chỉ là hình thức mị dân, chứ không có thiết thực ở công việc nào cả. Nhưng ở đây tiến sĩ hoàn toàn không đề cập và nói ở chương nào từ đầu bài đến cuối bài về tình hình dân chủ bây giờ của quốc gia Việt Nam. Tôi nêu thẳng vấn đề cho tiến sĩ rõ – gần đây thôi thì người ngoài đảng mới được đề bạt và được ứng cử vào quốc hội. Và việc này vẫn phải hiệp thương qua Mặt Trận Tổ Quốc.
Có hai yếu tố không rõ ràng, minh bạch ở đây mà tôi phải nêu ra:
A) Tại sao người ngoài đảng cộng sản Việt Nam không được ứng cử thẳng vào quốc hội mà phải qua một tổ chức đó là Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ). Như vậy rõ ràng không có minh bạch, vì rằng phải hai tổ chức công nhận (đảng cộng sản Việt Nam và MTTQ) thì mới được quyền có tên ở phiếu để người dân tuyển chọn và bầu.
B) Mặt Trận Tổ Quốc là gì – tôi không biết và hiểu vai trò của tổ chức này – tôi thấy đấy – nhưng thật sự tôi không hiểu tổ chức này từ đâu mà ra và ai nắm…

Nó có cái càng không logic là – chỗ nào cũng bảo nhân dân là tối thượng nhưng chỉ có người đảng viên là được bầu vào quốc hội. Thế thì dựa vào đâu mà bảo rằng nhân dân biểu quyết? Thứ hai là cái việc giám sát – nhân dân không có giám sát được vì trước khi giám sát phải có quyền biểu quyết đã. Vì thế không có cái này thì không có cái kia – chuyện nó tương đồng như thế.
Nếu đánh giá qua hai câu viết ở trên thì theo tiến sĩ Việt Nam có tiến triển gì về dân chủ không và khác thời pháp thuộc ở chỗ nào – đấy tôi đang nói tới cái hội đồng quản hạt thời pháp thuộc mà tiến sĩ nêu ra. Cái thứ hai mà tôi nêu ra nữa là công chức biên chế nhà nước, nếu không là người ở đảng thì không được đề bạt. Mọi người dân biết chứ không phải là chuyện nhỏ mà bảo không biết. Tôi không rõ là tại sao – tôi chỉ thấy thế thôi và nêu lại cho tiến sĩ biết?
Ở cái đoạn dài nhất ở chương này thì tiến sĩ nói đến thực dân Pháp và Nhật. Chuyện này thì chẳng có ai mà nói ngược lại với tiến sĩ được, vì đó là lịch sử và tôi cũng không có ý kiến gì về việc đó. Nhưng tôi muốn nói thêm rằng – xương, máu của dân tộc Việt đổ cả vào ở đó chứ không riêng gì một đảng phái nào cả. Tôi muốn nhấn mạnh rằng có rất nhiều người dân và đảng phái nhảy vào phục quốc. Lịch sử không chối bỏ bước đi và công lao của đảng cộng sản Việt Nam nhưng lịch sử cũng không thể nào chối bỏ bước đi và công lao của nào là Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học và của ngàn người anh hùng của dân tộc Việt. Chỉ cần đọc tên thôi, đọc cả ngày cũng chẳng hết mà phải đọc thêm vài tuần nữa cho đủ!
Khách quan mà nói – nếu chúng ta đọc lại sử Việt 4.000 văn hiến thì mọi người sẽ thấy rằng dân tộc Việt đã có rất nhiều kỳ tích về chống ngoại xâm và những kỳ tích đó đều dựa vào nhân dân, chứ không một cá nhân nào làm nổi một mình cả – chứ nói chi đến một tập đoàn nào. Nhưng thôi được rồi, tiến sĩ mở đầu câu chuyện với lịch sử nước Việt chống ngoại xâm và những bước chân đi của đảng cộng sản Việt Nam từ đó tới bây giờ. Nhưng tôi chú ý rằng tiến sĩ ở đoạn 6 có nói tới lòng vị tha của người dân Việt 2. Tôi không hiểu lắm vì sao tự nhiên nói đến việc này ở phần lịch sử nước Việt vì nó trực tiếp không liên quan đến câu nói nào ở chương này. Vì thế tôi không hiểu hàm ý câu này là nói gì – tôi xin lỗi tiến sĩ khi trình bày như thế.
Còn nếu tiến sĩ nói đến việc lỗi lầm sai từ đảng mà tiến sĩ nêu ra ở chương 3, đoạn 2 thì như thế tôi hiểu ý của tiến sĩ nói gì rồi. Trước tiên để tôi chuyển câu trả lời bằng câu trả lời của trưởng ban nội chính của đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Bá Thanh, nguyên thành ủy Đà Nẵng. Ông nói – không có cái thước nào dài bằng cái thước kinh nghiệm – rút hoài không hết. Ngoài ra theo tiến sĩ là có những điều sai xảy ra nhưng chưa nghiêm trọng nên theo tiến sĩ là còn sửa được và rút kinh nghiệm được?
Ở rất nhiều quốc gia và chẳng hạn Nhật – chỉ cần một vài bộ trưởng làm ăn bê bối là thủ tướng phải đứng ra xin lỗi và từ chức, rồi nếu quốc hội không giải tỏa được việc đó thì phải giải tán để nhân dân bầu một quốc hội mới để phân công lại. Nếu không có sự lựa chọn và được phân công từ nhân dân thì làm sao mà có dân chủ được? Cứ một đảng phải nắm quyền và làm hết việc rồi cứ “cố đấm ăn xôi” thì chẳng bao giờ giải quyết được việc gì cả!
Nhân tiện tôi cũng nói luôn dù rằng việc đó nó nằm ở chương 3. Kinh tế của Việt Nam đi xuống thảm hại. Trước khi rời ghế thủ tướng ông Phan Văn Khải để lại 1 két tiền ngoại tệ khoảng 20 tỷ USD. Chỉ 6 năm sau cái két tiền đó hết chơn rồi còn nợ đầm đìa. Bội chi giao thương với Trung Quốc lên đến gần 12 tỷ USD. Cái số này quá lớn vì phải phân tích qua cả hai cái hệ số này; kiều hối gửi về từ người Việt Nam ở ngoại quốc hàng năm là khoảng 10 tỷ USD, ở đây trực tiếp đầu tư ở Việt Nam hàng năm là gần 0,9 tỷ USD. Người trong nước sản xuất giá trị là khoảng 300 tỷ USD. Kiều hối gửi về từ khoảng 5 – 6 triệu người Việt Nam thôi. Đem so sánh với gần 90 triệu người dân trong nước thì rõ ràng món tiền đó to như thế nào. Tôi không nói thêm nữa mà để tự tiến sĩ phân tích riêng.
Rồi chuyện thứ hai là thâm hụt ngoại thương với Trung Quốc tăng lên năm vừa qua là gần 12 tỷ USD, bằng khoảng 3-4% tiền xuất cảng của Việt Nam thì quá rõ ràng là nền kinh tế của Việt Nam thảm hại. Tiến sĩ nên chú ý một việc nữa là GDP của Việt Nam chỉ có đột xuất từ khi Mỹ không phong tỏa kinh tế Việt Nam nữa tức là được 16 năm nay. Nhưng một phần ba thời gian đó, Việt Nam luôn luôn có số âm ngoại thương với Trung Quốc – tức là khoảng 5 – 6 năm và cũng tức là sau nội các của thủ tướng Phan Văn Khải. Và cũng tức là chúng ta chỉ có khoảng một thập niên (10 năm) với rõ ràng một nền kinh tế tăng trưởng theo kịp thế giới, còn trước đó và sau nội các Phan Văn Khải thì không.
Nếu đem so sánh những tỷ số đó thì cho chúng ta thấy rằng đảng cộng sản Việt Nam không đạt được mục tiêu kinh tế nào. Tôi nói đây về việc kinh tế – chứ tôi không đả động đến chính trị và không có sự ghét ở đây. Nếu đem tỷ số của quốc gia Việt Nam rồi so sánh với các nước bên cạnh thì chỉ có Campuchea và Lào là thua Việt Nam thôi, còn Thái Lan thì chúng ta hoàn toàn không bắt kịp. Mà trước năm 1975 thì Thái Lan còn nghèo hơn VNCH (chế độ cũ miền nam) nữa. Chỉ một chuyện nho nhỏ này thôi mà ông bộ trưởng tài chính nào cũng leo lẻo nói ngược lại. Hệ số tăng trưởng của Việt Nam tốt theo nghị định của đảng, nhưng mấy ông không có nói thêm rằng – nhưng vì lạm phát nên chúng ta vẫn tụt lùi. Vì dù khoe ầm ỹ rằng tăng trưởng là 8%, nhưng nếu lạm phát là 10% thì người dân chẳng thấy mình có thêm tiền gì cả và còn nghèo hơn. Thế dân giàu nước mạnh ở đâu? Chuyện này tôi không nói một mình đâu. Có một chuyên gia kinh tế người Việt Nam làm cho Liên Hiệp Quốc có dẫn giải ở nhiều báo Việt Nam rồi.
Trước 1996 thì Việt Nam bị phong tỏa kinh tế nên không thể tiến lên được và nghèo nên tôi không trách gì. Nhưng 10 năm với nội các Phan Văn Khải việc tiến triển rất là khiêm tốn – những con số kinh tế thống kê sẽ cho tiến sĩ thấy điều tôi nói. Bây giờ có 6 năm thôi mà mất hết ngoại tệ, nợ đầm nợ đìa thì tôi không hiểu tiến sĩ nói lãnh đạo đúng mục tiêu là từ chỗ nào. Tôi còn học về kinh tế, chứ chắc chắn là tiến sĩ không học vì ông làm luận án tiến sĩ về văn chương mà…
Chương 2.
Tiến sĩ lấy chuyện cũ ra mà nói rồi cộng thêm những sự kiện mơ hồ để đưa đến một kết luận mà tôi thấy khó hiểu. Chuyện cũ là khi tiến sĩ đưa chuyện chủ tịch Hồ Chí Minh được phỏng vấn bởi báo Thái Lan. Ông nói đến chuyện thống nhất đất nước đã rồi bàn các chuyện khác sau 3.
Nhưng từ câu chuyện đó tiến sĩ đá sang chuyện khác mà không có sự rõ ràng và minh bạch. Tiến sĩ nêu đến những “chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động” 4 và từ đó đưa ra quan điểm rằng QUỐC TRỊ ĐÃ RỒI THIÊN HẠ MỚI BÌNH!
Ủa – tôi ngạc nhiên quá – thứ nhất tiến sĩ nói trừu tượng quá – lý thuyết quá – chẳng ai hiểu sự suy nghĩ của tiến sĩ ở đâu? Chủ nghĩa đế quốc nào đang hăm he vào Việt Nam. Nếu nói thẳng là anh Trung Quốc thì tôi thấy lạ rằng, cả quốc gia im thin thít, chẳng có ai dám đi ra tổ chức ngày kỷ niệm 17.02.1979 – chả thấy ông lãnh đạo nào cả. Tiến sĩ có thấy ở bên Anh Quốc hoặc Pháp năm nào cũng tổ chức chu đáo ngày cho tử/liệt sĩ từ đệ nhất và đệ nhị thế chiến. Ở Nga cũng có ngày đó. Còn tôi tìm hoài đâu có thấy đế quốc nào nữa đâu mà bảo hăm he muốn đánh chiếm Việt Nam?
Nếu chúng ta nói đến thế lực phản động thì thật tình tôi không biết tập đoàn nào. Có rất nhiều đoàn thể người Việt ở Mỹ chống chính quyền Việt Nam, nhưng tôi thấy họ chống đối qua tư tưởng, chứ họ không có vũ trang và không có về Việt Nam. Quan điểm của tôi thì rất là thiên tả, chứ tôi không có thiên hữu. Vì đảng Socialdemokraterne ở bên này là thiên tả một tí mà tôi đứng ở bên trái còn xa hơn họ, thì chắc tiến sĩ đoán tôi đứng ở chỗ nào rồi chứ!
Nhưng không vì thế mà tôi chấp nhận những con người đứng núp đằng sau đảng cộng sản Việt Nam để mà tham nhũng, hại nước hại dân. Vì thế tôi không cùng quan điểm với tiến sĩ rằng chúng ta vị tha. Tha mãi rồi chẳng sửa được. Tiến sĩ thấy đấy – ngay cả ở Việt Nam cũng có luật bắt phải phạt tù người đó dù rằng xã hội cũng cảm thông cho việc làm đó. Ngoài ra cái gì cũng có giới hạn của nó. Sau cùng tôi rất đồng tình với ông Nguyễn Bá Thanh – không có cái gì mà dài như cái dây kinh nghiệm – rút hoài không hết. Chỉ có cắt đi thôi, thì mới hết.
Tiến sĩ có quyền cổ vũ cho đảng. Tôi không có gì trách móc tiến sĩ cả. Vì đó là quyền tranh luận của tiến sĩ. Nhưng tôi chỉ đưa ra một lập luận nho nhỏ để tiến sĩ suy nghĩ. Nếu anh quản lý mấy chục năm nay cái việc này rồi – quản lý không tốt lắm – nhưng thôi đi – không có trách móc gì cả – có đều cho tôi cái cơ hội để tôi được làm vài năm – chứ anh dành hết việc thì tôi đâu có được quyền làm cái gì đâu! Thủ tướng, Chủ tịch nước mà cũng có nhiệm kỳ và hạn hẹp thì không lý do gì mà một đảng được quyền đứng quản lý vĩnh viễn.
Còn nói đến cái từ “quốc trị, thiên hạ mới bình” thì tôi nghe cũng không được. Thời Hitler làm quốc trưởng Đức. Hắn ta dọa toàn dân rằng đang có quốc biến và viện cớ rằng Marius Van Der Lubbe đốt cháy tòa nhà quốc hội. Đặc biệt Marius Van Der Lubbe là một đảng viên đảng cộng sản và là người Hòa lan. Thế là ép tổng thống Hindenburg lập thiết quân luật và trao toàn quyền lãnh đạo quốc gia cho hắn và từ đó ra đời một nền độc tài quốc gia và đưa quốc gia vào thảm họa đệ nhị thế chiến.
Tiến sĩ không nên trao đổi quan niệm lập và sửa hiến pháp qua cái nhìn như thế. Thứ nhất rất là nguy hiểm vì không có bằng chứng rõ ràng. Thứ hai tất cả những hiến pháp lập và sửa qua một nền tảng “quân sự hóa” thì không bao giờ mà dân chủ cả. Tôi cũng lưu ý tiến sĩ về chuyện này, rằng ta không phải là người quân nhân, nên ta không nắm được tình báo đầy đủ, để mà đánh giá thù địch ở ngoài vào. Nó rất thiếu sự khách quan, độc lập ở tầm nhìn của vấn đề. Ngoài ra tuyệt đối ta không bao giờ làm hiến pháp qua sự sợ hãi hoặc là đối kháng với ai cả. Vì làm hiến pháp như thế thì bao giờ cũng hạn hẹp cho một thành phần hoặc đảng phái nào đó. Tôi đưa ra một ví dụ cho tiến sĩ hiểu – cả thế giới đang có dịch heo, chỉ có bác sĩ thú y là có thể đối kháng với việc này – vì thế chúng ta phải làm hiến pháp của Việt Nam là từ đây đến năm 35.000 sự lãnh đạo quốc gia nằm trong tay các bác sĩ thú y hạng ưu tú!?
Nói thế để cho tiến sĩ thấy – cái nhìn đó nó tăm tối đến cỡ nào nhỉ?
Sau cùng nếu quan điểm của tiến sĩ là thù địch từ ngoài vào thì tôi xin được phép đưa câu này của cựu tổng thống Abraham Lincoln, cộng hòa liên bang Mỹ: “”America will never be destroyed from the outside. If we falter and lose our freedoms, it will be because we destroyed ourselves.” 5. Có đảng viên cảnh báo về việc suy thoái tư tưởng của nhiều đảng viên có thể đưa đến việc sụp đổ của đảng cộng sản Việt Nam. Việc này là việc nội bộ của đảng cộng sản Việt Nam nên tôi không có ý kiến gì. Nhưng tôi không hiểu là tiến sĩ có hiểu đúng như tôi nghĩ không hay là tiến sĩ nghĩ rằng câu chuyện không nặng nề gì. Theo tôi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tìm cách xử những việc đó qua việc họp bất thường TU 6 và bây giờ là lập ban nội chính với thủ trưởng là ông Nguyễn Bá Thanh. Nếu không có sự cấp bách thì chẳng có lý do gì mà Tổng bí thư phải làm việc đó vì hồi trước đã có ban chỉ đạo chống tham nhũng rồi. Việc chống tham nhũng phải là việc của đảng, vì ở mỗi phương diện và hệ thống từ dưới lên trên là đảng nắm lãnh đạo. Nên trách nhiệm là 100%. Cái trách nhiệm nó đi đôi với quyền lực – nếu không làm tròn trách nhiệm thì phải trao quyền lực lại cho người khác, để người có tài hơn giải quyết việc. Đơn giản nó là như thế.
Nếu tiến sĩ chỉ quan tâm đến thế lực thù địch ở ngoài thì hóa ra tiến sĩ không tin cái việc cấp bách về chống tham nhũng ở nội bộ đảng à và những quan điểm mà nhiều đảng viên nêu ra? và vì thế tôi cũng nhấn mạnh lại câu nói ở trên của ông Lincoln – Mỹ sẽ không bao giờ bị phá hoại từ bên ngoài – nếu chúng ta ngã xuống và mất tự do, thì việc phá hoại đó tự chúng ta làm.
Chương 3.
Đoạn 1 của chương này thì tôi thấy rất là khó hiểu. Qua lịch sử đảng cộng sản đã làm được nhiệm vụ. Lịch sử sẽ ủng hộ đảng. Nhưng ở câu thứ hai thì YOU LOST ME COMPLETELY – nghĩa là tôi chẳng hiểu gì cả. Quá trình ở quá khứ cho thấy đảng làm được nên đảng – nên được tiếp tục dẫn đường/lãnh đạo – nói thế thì tôi hiểu. Nhưng ở câu thứ hai mà bảo rằng không ai có thể thay đổi được đảng thì tôi không hiểu. Thế bây giờ cả bệnh viện có đến hàng trăm bác sĩ. Con tổng giám đốc cũng là bác sĩ – thế chỉ có cậu này mới giải phẫu được thôi à – còn những ngườii kia không có đủ trình độ để giải phẫu như cậu này à mà cấm không cho giải phẫu ở những trường hợp đó? nói nghe có hợp lý không!
Tiến sĩ phải dẫn giải khoa học cho tôi thấy và có logic của nó thì mới thuyết phục được những người đối thoại với tiến sĩ. Chẳng hạn ở triết học (đó là từ thuở trước hình như bây giờ người ta gọi là thần học) người ta đấu với nhau về logic rằng – false versus truth – xảo trá đối diện với sự thật – NHƯNG untrue không phải là false – untrue nghĩa là không phải sự thật – nhưng cũng không có đồng nghĩa với xảo trá (false) – false nó là tuyệt đối còn untrue nó không có nghĩa tuyệt đối vì thế hai cái từ đó không có đồng nghĩa. Từ triết học tôi bắt đầu nói văn chương với tiến sĩ đó – nhưng ở đằng sau nó có triết học ở đó vì có độ phân tích ở đó. Ta làm những câu nói phản biện thì từng khúc nó phải khớp với nhau (logic) – A đi tới B và B đi tới được với C và vv. Nếu ngược lại thì rõ ràng là không có khoa học.
Ở đoạn 3 tôi thấy có 2 cái ý nghĩ không ổn. Trước tiên tiến sĩ nói đến cả lý và tình – tức là hai thứ – nhưng ông đều nêu ra lịch sử để làm dẫn chứng 6. Tôi nêu ra một ví dụ để cho tiến sĩ hiểu. Một người bạn của tôi có công cứu tôi khỏi phải chết đuối. Rồi từ đó tôi trả ơn bằng cách nuôi hắn ta qua hình thức gửi tiền nuôi hàng tháng. Hắn chẳng làm lụng gì nữa – cứ há cái mồm ra mà ăn – rồi tháng nào chậm gửi tiền, thì hắn gọi điện và mỉa mai tôi vong ơn bội nghĩa, quên cái lúc nó cứu mạng tôi. Tiến sĩ đọc thấy nó có lý không và nó có tình không – theo tiến sĩ?
Tôi cũng đã có nói ở trên – quá trình lịch sử chỉ là “cái lý lịch hồ sơ” phẩm chất của một người nào đó nhưng nó không là nguyên tố tuyệt đối để đánh giá người đó. Một nhân viên cống hiến mấy chục năm cho công ty mình, thì lãnh đạo phải ghi nhớ công ơn đó mà sắp xếp việc làm cho đúng chỗ đứng của nhân viên đó, nhưng không vì cái ơn làm mấy chục năm, mà để cho người nhân viên đó làm vật trở ngại đưa đến cái chết của công ty. Làm lãnh đạo như thế là vô trách nhiệm quá!
Từ lãnh đạo đến cá nhân – chẳng hạn chủ tịch nước, thủ tướng hay một tập đoàn chẳng hạn đảng cộng sản Việt Nam – tất cả bao giờ cũng phải qua một lộ trình giám sát và “limited of term” để không có lạm quyền đưa đến tham nhũng.
Tôi cũng dẫn chứng cho tiến sĩ đọc qua câu nói này của cựu tổng thống Abraham Lincoln 7: ” “Nearly all men can stand adversity, but if you want to test a man’s character, give him power.” – đại khái ở câu 2 rằng nếu muốn thử đạo đức của một người, thì chúng ta cho người đó quyền hành. Nói như thế và theo ông Abraham Lincoln – thì không bao giờ – tôi nhấn mạnh không bao giờ quyền hành mà phó thác tuyệt đối cho một người hay một tập thể nào được.
Sau cùng – nếu để đảng cộng sản ở điều bốn – thì tất cả mọi người bảo rằng là nhân dân có quyền từ trên xuống dưới là không đúng. Hiến pháp Việt Nam bây giờ rất là ẩu tả và có nhiều khúc mắc mà chính cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An có nêu ra 7. Nhưng tôi chỉ hỏi – nếu làm những điều đó ở hiến pháp cho rối ren thì dụng ý là làm gì? chẳng hạn – nói là nhân dân giám sát đảng – nhưng nếu quốc hội được bầu từ nhân dân ra thì tôi thấy còn logic. Còn bây giờ quốc hội thì đến 90% là từ đảng viên ra, thì ai giám sát ai?
Cái việc giám sát tôi nêu ra là nghề chính của tôi nữa – tôi là thanh tra/kiểm toán viên – nên học chính về ngành này vì thế tôi nắm rất là rõ. Ở bên Mỹ khủng hoảng kinh tế tài chính là có một nguyên tố phụ và từ nhiều nguyên tố đó là – ông chủ tịch công ty cũng là tổng giám đốc. Chủ tịch thì cũng là vị nắm đa số phiếu cổ phần hoặc có hỗ trợ của những cổ động viên kia – nên vì thế không có sự giám sát độc lập từ hội đồng quản trị đưa đến lạm quyền và phạm pháp.
Nếu không hiểu được khái niệm giám sát thì làm sao mà làm được một trung tâm độc lập để giám sát, thì dĩ nhiên sẽ không có chuyện giám sát. Như thế tiến sĩ thấy chưa – việc đó không có khả thi.
Bây giờ tôi còn được đọc một chuyện ở báo Lao Động rằng – có một ông nghị sĩ đề nghị rằng viện kiểm sát vào giám sát công việc của chính phủ. Trời đất ơi – chẳng hiểu mô tê về “separation of power” và lý thuyết về pháp quyền của Montesquieu. Viện kiểm sát là cơ quan tố tụng của nhà nước và trên lý thuyết trực thuộc về bộ tư pháp. Tôi không rõ nhưng ở đây tôi nhớ không lầm là bộ công an. Cả hai bộ đều thuộc về chính phủ thì không có độc lập và giám sát được ai cả. Đó là dẫn chứng cho thấy rất nhiều người ở Việt Nam làm về luật và lãnh đạo qua luật – mà cũng chẳng hiểu gì cả nên có những câu nói đó.
Ở bên Đan mạch – thưở trước người ta nghĩ rằng một quan toà bao giờ cũng khách quan như Bao Công. Sự suy nghĩ đó từ cái câu “Bonus Pater” tiếng la tinh nghĩa là người cha công minh có từ thời chế độ la mã bên Ý mấy ngàn năm trước. Nhưng đùng một cái một ông quan tòa ở bên Đan mạch cho bỏ tù thêm ngày một công dân rồi sau đó cũng đứng chủ tọa một phiên xử về người công dân này. Công dân này kiện lên tòa án nhân quyền ở Hội Đồng Âu Châu. Tòa án nhân quyền Hội Đồng Âu Châu xử theo ý của người công dân này. Một ông chánh án thì cũng như bao nhiêu người dân thường, vẫn không tránh khỏi sự suy nghĩ riêng của mình, và như thế có thể lạm quyền và hành xử không có nhân quyền/công bằng với công dân đó – “đã bỏ tù thêm nhiều ngày thì nghĩ người ta có thể có tội nên làm thế để cơ quan điều tra có thêm thì giờ kiếm tin tức, bây giờ chủ tọa phiên xử, viên chánh án đó vì thế có thế sẽ không thay đổi lập trường”. Tòa án nhân quyền Hội Đồng Châu Âu vì thế quyết định phải bồi thường cho người dân đó. Tức là ngay ở tòa án – là phải công minh – mà cũng sợ một chánh án không công minh vì là con người, nên bắt buộc phải đổi ngay một chánh án mới. Theo tiến sĩ – một chánh án Việt Nam giỏi hơn những chánh án ở Âu Châu à mà không phải rời vị trí. Rồi đến lãnh đạo ở cơ quan hành pháp tức là chính phủ cũng vậy hoặc là đảng – tất cả đều là những người tối thượng và được ở vị trí quyền hành vĩnh viễn/mãi mãi?
Cách đây vài hôm tôi có đọc bài của ông tiến sĩ Cao Đức Thái cũng ở trang Quân Đội Nhân Dân. Ông ấy viết về nhân quyền nhưng tôi cũng không đồng tình với ông ấy về vấn đề này. Tôi cũng nêu ở đây vì rằng TS Thái và ông đặt nhân dân ở dưới đảng và nhà nước khi chúng ta nói tới hiến pháp của Việt Nam. TS Thái đề nghị sửa hiến pháp và viết nhân dân “có quyền tham gia quản lý nhà nước”. TS Thái lý giải rằng không xin nhà nước cái quyền mà nhân dân có, nhưng cần xác định rằng có quyền. Bây giờ tôi đăng nguyên văn tôi viết cái ý của tôi, vì rằng tiến sĩ vẫn để nhân dân ngồi bên lề hiến pháp chứ không có đứng ở một vị trí quan trọng nào cả ở hiến pháp. Tiến sĩ có biết rằng ở hiến pháp cộng hòa liên bang Mỹ không có một câu nói gì đến tổng thống tức là bên hành pháp. Những người cha đẻ của hiến pháp Mỹ không quan tâm tới. Họ chỉ quan tâm tới nhân dân nên khi đặt bút họ bắt đầu từ câu “We the People ………”
Một lần nữa và cũng là lần cuối cùng tôi xin được phép dùng ông Abraham Lincoln để được kết thúc câu chuyện 9″ “Those who write clearly have readers, those who write obscurely have commentators.”
Nguồn: Hưng Quốc Nguyễn/ phamvietdao

0 comments:

Powered By Blogger