Thursday, February 28, 2013

Những điều Đảng không muốn thấy

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Pano tuyên truyền cho ngày thành lập ĐCSVN tại Hà Nội được chụp hôm 27/2/2013
AFP photo
Trong chỉ thị 2 của Bộ chính trị ra lệnh không bàn tới luật đất đai trong đợt sửa đổi Hiến Pháp 92 lần này.
Không thể biết được có bao nhiêu nạn nhân trên khắp đất nước đang rên siết vì oan khiên do luật đất đai tạo ra cho gia đình họ mà chính quyền các địa phương đang tận dụng kẽ hở để đàn áp, bóc lột người dân thấp cổ bé họng. Hai nạn nhân đất đai kể về sự lầm than của gia đình họ trong bối cảnh thay đổi Hiến pháp hiện nay cho thấy thêm một góc tối khác đang phủ lên bản Hiến pháp đương thời.

Nỗi đau mất đất

Trong lần sửa đổi Hiến pháp này luật đất đai vẫn dậm chân tại chỗ với tên gọi mỹ miều: “Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”. Bao nhiêu năm qua điều được gọi là nhà nước thống nhất quản lý ấy thật ra nằm gọn trong tay chính quyền địa phương và vì vậy quyền sinh sát của những ông vua này không phải là nhỏ.
Biết bao hình ảnh của người dân mất đất kéo nhau về thành phố Hồ Chí Minh nằm vật vạ tại đường Hoàng Văn Thụ hay Võ Thị Sáu cho thấy mặt trái của sự quản lý yếu kém đã gây uẩn ức cho hàng vạn gia đình từ Bắc vào Nam.
Những hình ảnh đen tối ấy xem ra vẫn chưa đánh động được sự chú ý của Đảng bởi trung ương vẫn cho rằng nếu đất đai thuộc sở hữu thật sự của người dân thì các kế hoạch vĩ mô sẽ bị xáo trộn và quan trọng hơn hết là hàng triệu Đảng viên sẽ rơi vào tâm trạng mất phương hướng khi nguồn lợi đất đai của họ bị đe dọa.
Trong khi nhân sĩ trí thức tập trung vào điều 4, tam quyền phân lập, hay gần gũi hơn là phi chính trị hóa đối với quân đội thì người dân mất đất chỉ đau đớn với mảnh đất của mình. Có từng vỡ đất mới thấy đau khi bị mất đất. Mồ hôi cả dòng họ tưới xuống đất cho nó cứng cáp, phì nhiêu chỉ trong một thời gian ngắn bị mất sạch thì làm sao không đau không xót?
Họ là hàng ngàn người có cái tên chung là dân oan. Mỗi hoàn cảnh mỗi khác nhưng cái đau thì như nhau. Vừa đau thân xác vừa uất ức tinh thần khiến không ít người trở thành cuồng dại. Tiếng rên xiết của những người dân oan ấy bị bao vây bởi những cơ quan gọi là chức năng và công lý vẫn là điều gì không thể vươn tới.
Khi người dân đi khiếu kiện họ không biết rằng do Hiến pháp không cho phép tam quyền phân lập nên không có bất cứ tòa án nào có thể xử lý các bất công từ chính quyền. Họ cũng không hề biết rằng chính điều 4 Hiến pháp đã cho phép Đảng Cộng sản Việt Nam khống chế toàn bộ quyền lực của Hiến pháp để từ đó ban phát cho các địa phương thi hành những luật lệ tùy tiện, những quy định đất đai ngược lại với quyền lợi người dân qua cách trưng thu hay đền bù giải tỏa.

Không cấp nào giải quyết

Dân oan Dương nội túc trực tại trụ sở tiếp dân Thành phố Hà Nội hôm 16/10/2012
Bà Nhan Hương là một trong hàng ngàn người như thế. Nói với chúng tôi vào ngày 25 tháng Hai vừa qua bà cho biết:
Tôi tên là Nguyễn Thị Nhan Hương, năm nay tôi 62 tuổi. Vấn đề của tôi là hiện giờ nhà cửa đất đai hộ khẩu của tôi không có cho nên tôi đã từng đi thưa kiện rất nhiều nơi. Tôi đã ba lần ra tới Hà nội nhưng cũng không đi đến đâu, không ai giải quyết. Thậm chí ban đầu tôi khiếu nại, sau đó tôi tố cáo, rồi đả đảo rồi tôi bị vào tù một năm. Tôi đã ra trại hơn một năm nay rồi nhưng vẫn tiếp tục đi tìm công lý nữa. Cho tới hôm nay tôi làm đơn gửi ra Hà Nội nhưng họ cũng làm thinh chưa có giải quyết gì hết.
Một dân oan khác là bà Lê Thị Nguyệt, sau khi không còn nhà cửa và phải sống vật vưởng như một người vô gia cư nhưng vẫn không yên vì bà liên tiếp khiếu kiện cho tình trạng oan ức của gia đình mình. Bà bị đánh bị giam bị mọi điều sỉ nhục mặc dù không làm gì phạm pháp, bà kể:
Tôi đã ba lần ra tới Hà nội nhưng cũng không đi đến đâu, không ai giải quyết. Thậm chí ban đầu tôi khiếu nại, sau đó tôi tố cáo, rồi đả đảo rồi tôi bị vào tù một năm.
Bà Nhan Hương
Tôi tên Lê Thị Nguyệt, sinh năm 1955 năm nay tôi 59 tuổi. Tôi đi thưa từ Hà Nội cho xã cho tới tới huyện cho tới tỉnh, tới trung ương. Tôi đi Hà nội sáu lần, mỗi lần đi tôi đều bị công an đánh đập tôi rất dã man. Năm 2006 tôi ở Quốc hội, ở đường Hoàng Văn Thụ thành phố HCM biểu tình tại đó hai mươi bảy ngày đêm.
Người dân oan vẫn tin vào một điều gì rất mơ hồ rằng khi ra tới Hà Nội hay về thành phố HCM thì sẽ có cấp cao hơn giải quyết cho họ. Nhưng hàng chục năm trôi qua vẫn không có một ai ra mặt chính thức lên tiếng cho hoàn cảnh của những người dân khốn khổ này. Từ văn phòng Quốc hội đến điểm tiếp dân của chính phủ, tất cả các cánh cửa đều khép kín và người dân vẫn canh cánh với oan ức của mình.

Bước đường cùng

Dân oan mất đất khiếu kiện khắp nơi, ảnh minh họa.
Bà Nguyệt không những bị đẩy ra ngoài những cánh cửa ấy mà còn bị đánh đập như một tù nhân, bà kể trong một lần tham gia khiếu kiện:
Thằng công an tỉnh nó biểu hốt mấy bả vụt lên xe. Bắt đầu nó quăng tôi té xiểng niểng luôn. Tôi đứng dậy la lên nó nó bẻ tay tôi nó trói thúc ké tôi lại. Bốn thằng nó khiêng tôi lên xe. Được một khúc thì công can phường 1 thành phố Mỹ Tho nó nhảy lên người tôi nó tống tôi. Mệt quá, nó đánh tôi tôi mới nói tao bị bệnh tim mày đè một lát là tao chết…nó đè tôi xuống, nó đè ngay cái rún tôi, nó nhấn xuống một cái. Cái đầu gối của nó thụt xuống. Tôi đã sáu mươi tuổi đâu còn kinh nguyệt gì nữa nhưng sau khi bị nó chấn tôi về nhà thì tôi bị như con gái có kinh, có suốt từ đó tới bữa nay tôi khám tại bệnh viện Từ Dũ thành phố HCM thì người ta chẩn đoán là tôi bị dập buồng trứng.
Những oan nghiệt này không dễ gì làm Đảng chú ý tới. Tất cả chỉ là việc nhỏ của địa phương và người dân vẫn mơ hồ nghĩ rằng trung ương không bao giờ biết những kẻ giết người dấu mặt này.
Những bất công đày đọa vượt sức chịu đựng khiến người dân oan không còn sợ hãi. Đối với họ khi mảnh đất bị cướp tức là gia đình không còn đất sống. Bà Nguyễn Thị Nhan Hương kể lại câu chuyện khó tin trong chính gia đình mình, đó là con gái bà đang lao động tại Đài Loan do không chịu nỗi cảnh mẹ mình bị đàn áp dã man trong hàng chục năm trời đã viết đơn gửi cho chính quyền yêu cầu cung cấp địa chỉ để cô làm đơn xin gia nhập Đảng Việt Tân, một đảng phái bị nhà nước xem là kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay.
Khi được hỏi chính bản thân bà có biết rằng Đảng Việt Tân đã bị nhà nước xem là tổ chức khủng bố hay không bà Nhan Hương xác định:
Biết chứ, biết. Tại vì tôi có sao những tờ báo của Việt Nam đăng do con gái tôi nó xem, nó xem rồi tình nguyện xin gia nhập đảng Việt Tân. Nó tình nguyện xin gia nhập để làm cảm tử hay gì đó. Khi con gái tôi về thì công an thành phố HCM có đến chỗ nó tạm trú để làm việc với nó thì con gái tôi có nói tại vì Việt Nam đã đàn áp tôi cho nên nó mới làm đơn xin gia nhập đảng Việt Tân.
Vì con gái tôi không biết đảng Việt Tân ở đâu nên nó gửi về đây cho tôi. Tôi đã sao rất nhiều lá đơn đó để gửi cho bộ máy chính quyền tỉnh Tiền Giang cũng như thành phố HCM để họ biết rằng mẹ bị áp bức nên con gái tôi xin gia nhập đảng Việt Tân và chấp nhận truyền tải những tài liệu hay bất cứ điều gì mà đảng Việt Tân giao cho nó thì nó sẵn sàng mang về Việt Nam chấp nhận công tác cảm tử luôn!
Thúc bách hàng ngàn người dân vào đường cùng là cách mà Hiến pháp cho phép hiện nay qua luật đất đai quy định “Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”.
Đảng không muốn thay đổi điều này và nếu ai có ước vọng thay đổi nó là đi ngược lại những gì mà ông Tổng bí thư vừa tuyên bố mới đây: “Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể thì nó là cái gì…?”
Ng. Trọng Lú from Hà Nội Khi nào dân cầu ông Trời, khi nào dân biết trả lời đảng ma, bao lâu chưa biết Chúa là Cha, sức nào đánh thắng quỉ ma giặc tàu? Ước gì dân nước giúp nhau, hòa sẽ đến cùng nhau hưởng hòa bình. 27/02/2013 Công Lý
from Việt Nam

0 comments:

Powered By Blogger