Tú Anh_RFI
Nhân dịp Tết Quý Tỵ, giới chiêm tinh Trung Hoa dự báo một năm con rắn
nhiều xáo trộn: xung đột Nhật Bản – Trung Quốc trên biển, thị trường tài
chính thế giới chao đảo như rắn uốn mình. Tuy nhiên cũng như rắn lột
da, Quý Tỵ cũng hứa hẹn nhiều thay đổi sâu rộng. Năm Rắn bắt đầu kể từ
10/02/2013 tốt hay xấu ?
Để “trả lời” câu hỏi này, trong bài tường thuật 07/02/2013 từ Hồng
Kông nhân dịp năm rồng sắp qua, năm rắn sắp đến, AFP tóm lược dự báo của
một số chiêm tinh gia Trung hoa về tương lai trong năm Quý Tỵ. Theo
hãng tin có tiếng nghiêm túc này thì “giới chiêm tinh Á châu tiên đoán
con rắn năm nay là con rắn độc, hành thủy, sẽ mang lại những tai họa lớn
và chuyển đổi quan trọng.
Trong quá khứ, năm Tỵ 2001 nổ ra vụ Al Qaida khủng bố tòa tháp đôi
New York, năm Tỵ 1989 xảy ra phong trào Dân chủ Thiên An Môn và cuộc đàn
áo đẫm máu đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 6, năm rắn 1941 không quân Nhật
Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng. Một chiêm tinh gia họ Châu dự báo
vào tháng 5, xác xuất Nhật Trung đụng độ tại biển Hoa Đông rất cao.
Trên các mạng xã hội tại Việt Nam cũng có nhiều dự báo và ước vọng
trong năm Quý Tỵ. Tại Pháp, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Nguyễn Dư
không tin vào bình luận của giới chiêm tinh nhưng quan tâm nhiều hơn về
giai thoại “rắn” trong dân gian, trong thi ca.
Trong bài “Rồng rắn lên mây”, giáo sư Nguyễn Dư đưa đến độc giả những
nghi vấn rất lý thú về bài thơ “Rắn đầu biếng học”, về những giai thoại
trong vụ án “Lệ Chi Viên”…về một số “chi tiết” đáng ngờ của các nhà
nghiên cứu Tây phương về Nguyễn Trãi.
Giáo sư Nguyễn Dư tại Lyon, Pháp:
Nghe (16:18)
Theo tác giả, dân gian Việt Nam hay Trung Hoa thì con rắn được xem là
biểu tượng của cái “xấu” nhưng dù có “độc” đến đâu vẫn không đáng sợ
bằng chế độ chính trị hà khắc (Liễu Tôn Nguyên). Trước thềm năm Quý Tỵ,
xin gởi đến quý thính giả bài phỏng vấn giáo sư Nguyễn Dư sau đây.
***
Bài viết tham khảo : Rồng rắn lên mây của giáo sư Nguyễn Dư
Nước ta nhiều núi rừng, sông lạch. Lắm thuồng luồng, rắn rết. Rắn bò
vào điện thờ, chui vào sách vở, nấp trong quán ăn. Trẻ con mới tập tễnh
cắp sách đến trường đã phải rùng mình làm quen với họ hàng nhà rắn :
Chẳng phải liu điu, vẫn giống nhà,
Rắn đầu biếng học lẽ không tha.
Thẹn đèn, hổ lửa, đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm, rát cổ cha,
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo,
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba.
Từ nay Châu, Lỗ, xin siêng học,
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
(Rắn đầu biếng học, Quốc văn giáo khoa thư)
Rắn đầu biếng học, có bản chép là Trách mình biếng học, tục truyền là
của Lê Quý Đôn. Bài thơ ghép được nhiều tên rắn như vậy thì ngoài thần
đồng Lê Quý Đôn ra ai mà làm được, phải vậy không thưa các cụ? Lãng Nhân
(Giai thoại làng Nho), Bùi Hạnh Cẩn (Lê Quý Đôn), Tạ Quang Phát (Vân
đài loại ngữ) và nhiều học giả khác kể rằng :
Năm lên tám, một hôm Lê Quý Đôn bị bố mắng là đồ rắn đầu rắn cổ (hay rắn đầu biếng học), bèn xuất khẩu « phun » ra bài thơ!
Rằng hay thì thật là hay, nhưng nghe không ổn, hôm nay xin bàn! Bàn
về Rắn và Rắn. Rắn luồn lách và rắn cứng đờ. Rắn (con rắn) thì cả nước
ta ai cũng biết. Tất cả các tự điển tiếng Việt từ xưa đến nay đều có từ
Rắn này. Khỏi cần bàn thêm.
Rắn (cứng) mới… có vấn đề. Từ điển Alexandre de Rhodes (1651) có từ
Rắn (cứng). Có cả Rắn gan và Rắn mày rắn mặt. Đại Nam quốc âm tự vị
(1895) của Huỳnh Tịnh Của không có Rắn (cứng). Chỉ có Cứng (cứng lòng,
cứng cổ, cứng đầu). Tự điển Génibrel (1898) có Rắn (raide), Rắn mắt
(têtu) và Rắn gan, rắn dạ (audacieux).
Việt Nam tự điển (1931) của hội Khai Trí Tiến Đức không có Rắn (cứng)
nhưng lại có Dắn (cứng, trái với nát). Ngược lại, Cứng nghĩa là Dắn
(không bẻ được, trái với mềm). Tìm trong tất cả các tự điển xưa không
đâu có rắn đầu và rắn đầu rắn cổ.
Thực tế thì người miền Bắc thường mắng con là đồ Cứng đầu cứng cổ hay
Rắn mày rắn mặt. Người đàng ngoài không nói rắn đầu hay rắn đầu rắn cổ.
Khuyên con chăm học chứ không khuyên siêng học. Đọc truyện Đông Chu
liệt quốc, kính phục cụ Phan Chu Trinh. Châu, Lỗ hơi xa lạ với họ.
Lê Quý Đôn sinh năm 1726 tại Diên Hà (Thái Bình). Mười bốn tuổi mới
rời quê, theo cha lên kinh đô Thăng Long… Rắn đầu biếng học và Châu, Lỗ
xin siêng học, chắc chắn không phải là khẩu khí của cậu bé Lê Quý Đôn.
Bố Lê Quý Đôn mắng con rắn đầu rắn cổ (Lãng Nhân, Bùi Hạnh Cẩn) là… mắng bậy!
Rắn của Quốc văn giáo khoa thư bò lung tung như vậy nhưng vẫn còn kỉ luật hơn rắn của nhà nho rất nhiều.
Sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (thế kỉ 18) có truyện Quan Phục Hầu Nguyễn Trãi :
« Quốc triều Quan Phục hầu Ức Trai tiên sinh người xã Nhị Khê, huyện
Thượng Phúc. Trong khi Thái Tổ Cao Hoàng Đế bình định thiên hạ, các hiệu
lệnh văn thư đều do tay ông thảo cả. Trong bài Bình Ngô đại cáo của ông
có câu rằng :
Toại linh Tuyên Đức chi giảo đồng, độc binh vô yếm.
Nghĩa là : Đến nỗi đứa trẻ con giảo quyệt như Tuyên Đức nhàm võ không chán.
Ông làm câu ấy, là vì ông oán ghét người Minh nhiễu hại nước ta, nên
xỉ vả thẳng đến vua của họ. Người Trung Quốc xem bài Bình Ngô đại cáo
phê rằng : « Người nào làm bài này, con cháu sẽ không được toàn vẹn ».
Về sau vì việc Thị Lộ ông bị giết chết. Người ta cho lời phê của người
Trung Quốc là linh nghiệm.
Ông lấy Nguyễn Thị Lộ làm vợ lẽ. Tục truyền Thị Lộ là yêu tinh rắn hoá thành (…). Sau ông vì nàng mà bị tội » (1).
Vũ Phương Đề là người đầu tiên đem « sấm » Tàu và « yêu tinh rắn »
vào thêu dệt cái chết của Nguyễn Trãi. Vũ Phương Đề đã mở đường cho
phong trào viết… « lẫn lộn thực hư ». Cái chết bi đát của Nguyễn Trãi,
một sự kiện lịch sử có thật, bắt đầu được tô vẽ, thêm bớt.
Đầu thế kỷ 19, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án soạn sách Tang thương ngẫu
lục, chép truyện Ông Lê Trãi. Thực thực hư hư. Trần Nguyên Hãn và Nguyễn
Trãi được thần báo mộng, được Tiên Dung mách bảo vào Lam Sơn phò Lê Lợi
…
Trước khi hiển đạt, Nguyễn Trãi mở trường dạy học ở làng Nhị Khê. Một
hôm ông sai học trò dọn sạch một cái gò để dựng nhà học. Đêm hôm ấy ông
nằm mộng thấy một người đàn bà đến xin ông cho ngừng chặt phá, làm cỏ
trong 3 ngày để mẹ con bà kịp rời đi nơi khác. Tỉnh dậy, ông ra thăm thì
thấy học trò đã làm cỏ xong cái gò. Chúng khoe có đánh cụt đuôi một con
rắn và bắt được hai quả trứng.
« Ông cầm hai quả trứng về nuôi giữ. Đêm hôm ấy giong đèn đọc sách,
ông thấy một con rắn trắng leo trên xà nhà, rỏ giọt máu xuống sách, ướt
chữ « đại » (là đời), vết máu thấm xuống ba tờ giấy. Ông tự hiểu mà rằng
:
- Nó sẽ báo oán ta đến ba đời sau.
Trứng rắn nở ra được hai con, một dài một ngắn, ông sai đem thả xuống sông Tô Lịch ở làng bên, nay những rắn ấy làm thần sông.
Khi ông hiển đạt, thường mỗi ngày ở triều đình về, qua phố hàng
Chiếu, gặp một người con gái nhan sắc rất đẹp. Hai bên dùng thơ đùa cợt,
rồi ông yêu mến, lấy về làm thiếp. Trong năm Thiệu Bình, người ấy
thường đi lại vào trong cung cấm, vua Thái Tông cho làm chức Nữ học sĩ.
Đến khi vua thăng hà, Triều đình đem nàng ra tra hỏi. Nàng nói là do ông
xúi. Vì thế nên ông phải tội. Khi bị hành hình người con gái ấy hoá làm
con rắn, bò xuống mặt nước mất.
Ông có một người thiếp chạy trốn xuống vùng Sơn Nam, ẩn ở nhà người,
rồi sinh ra được một người con trai là Anh Võ (…). Nhớn lên, Anh Võ làm
quan ở Đài sảnh, rồi phụng mệnh đi sứ Tàu. Khi qua hồ Động Đình, thấy
trên mặt nước xuất hiện một con rắn, rồi sóng gió nổi lên dữ dội, ông
khấn xin cho đi xong việc nước, sóng gió mới im. Sau khi đi chầu vua Tàu
về, đến hồ Động Đình, thuyền bị úp sấp mà chết đuối, được truy tặng
Thái Sư Sùng Quốc Công » (2).
Truyện Ông Lê Trãi của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án được dàn dựng công
phu, có nhiều tình tiết hấp dẫn. Truyện được nhiều tác giả đời sau,
trong đó có cả người Pháp, tiếp tục thêm mắm thêm muối, « xào xáo » lại.
Năm 1886, Landes kể truyện Ông Nguyễn Trại (Nguyễn Trãi được Tây gọi
là Nguyễn Trại). Xin tạm dịch : « Nguyễn Trại là ông tổ thứ nhất của Gia
Long. Ông làm quan kiểm lâm thời Lê. Một hôm ông dẫn lính vào rừng đốn
cây, gặp một tổ rắn, đến đêm nằm mộng thấy một người đàn bà (…).
Sau khi bọn lính giết con rắn cái, trên đường về ông gặp một cô bé
rất xinh đang đứng khóc. Cô bé lúc này đã bị hồn con rắn cái yêu tinh
kia nhập vào. Nguyễn Trại động lòng mang cô bé về nuôi. Lớn lên cô được
tuyển vào cung vua.
Có lần Hoàng thái hậu bị đau mắt, không lang y nào chữa nổi. Cô gái
xin chữa. Cô chỉ liếm nhẹ vào mí mắt, Hoàng thái hậu bèn khỏi.
Một hôm nhà vua bị đau lưỡi, cho vời cô gái vào chữa. Cô gái xin nhà
vua lè lưỡi cho cô xem. Vua lè lưỡi. Cô gái bỗng nhe răng cắn lưỡi vua.
Vua chết tức khắc. Đình thần ra lệnh giết cô gái. Nguyễn Trại và người
lính hầu của ông bị xử tội phải chôn sống.
Vợ người lính biết tin, lên đường đi thăm chồng. Nhưng, lúc bà đến
được cửa ngục thì chồng đã bị hành quyết. Nguyễn Trại nói với vợ người
lính : « Chồng nàng chết vì ta. Ta bị oan, cũng sẽ chết. Chuyện đã rồi !
Nàng hãy chìa tay ra để ta lưu dấu tích lại cho hậu thế ». Người đàn bà
chìa tay ra, Nguyễn Trại liền nhổ nước bọt vào lòng bàn tay.
Trở về nhà, người đàn bà mang thai. Bà sinh được một đứa con trai nối
dõi dòng họ Nguyễn Trại ». Landes chú thích : Có người kể rằng Nguyễn
Trại từ chối những lời dụ dỗ của con yêu tinh nhập vào cô bé. Thậm chí
ông còn đánh cô bé. Con yêu tinh trả thù bằng cách nhập vào con gái của
ông. Lớn lên, con gái của Nguyễn Trại được tuyển vào cung vua, trở thành
hoàng hậu. Về sau, hoàng hậu phạm tội giết vua. Dòng họ Nguyễn Trại bị
giết hết. Lúc sắp chết Nguyễn Trại được vợ một người lính xin được tiếp
tục lưu truyền dòng dõi của ông » (3).
Năm 1898, Nordemann kể Sự tích ông Nguyễn Trãi bằng chữ quốc ngữ. Nordemann cũng nói tên Trại bị trại thành Trãi !
« Đời vua Thái Tổ, nhà Hậu Lê, ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc,
tỉnh Hà Nội, có một người tên là Nguyễn Trại (tục gọi là Nguyễn Trãi)…
Nguyễn Trại nằm mộng thấy một người đàn bà xin cứu cho « mười ba mẹ con
tôi ». Sau đó, người nhà dọn vườn chém con rắn chửa mười hai trứng v.v.
Truyện của Nordemann đại khái cũng giống truyện của Landes. Nhưng
Nordemann đưa ra một chi tiết cần được kiểm chứng : « Nghe có người nói
rằng ông Nguyễn Hữu Độ, làm kinh lược Bắc Kỳ, tước là Vĩnh Lại Quận
Công, mới mất năm Đồng Khánh thứ ba, cũng là dòng dõi ông (Nguyễn Trại)
ấy » (4).
Năm 1908, Dumoutier lại đưa thêm vài điều mới vào truyện Vua Lê Lợi và con rắn hồ Động Đình. Xin dịch tóm tắt :
« Ông Phi Khanh dọn vườn sửa soạn đất làm nhà. Ông nằm mộng thấy một
người đàn bà xin ông tha chết cho ba mẹ con v.v. Phi Khanh đọc sách, bị
con rắn trên xà ngang nhỏ một giọt máu xuống sách, thấm ướt 3 tờ giấy…
Con trai Nguyễn Trãi tên là Nguyen Dam được vua Lê Thánh Tôn cử đi sứ
sang Tàu. Thuyền đang đi trong hồ Động Đình thì một con rắn rất lớn nổi
lên vùng vẫy gây sóng gió. Nguyen Dam xin được đi bình yên, lúc trở về
sẽ nộp mình.
Đi sứ xong, lúc trở về Nguyen Dam lại gặp rắn. Ông viết 2 bức thư gửi
vua Tàu và vua ta để giãi bày hoàn cảnh, rồi nhảy xuống sông. Con rắn
cắn ông, lôi xuống đáy hồ. Vua Tàu được tin, bèn sai phù thuỷ dùng bùa
bắt con rắn. Mổ bụng moi xác Nguyen Dam, đem chôn cất. Thân rắn bị chặt
làm 3 đoạn, vứt xuống hồ. Trong hồ bèn nổi lên 3 hòn đảo. Vua Tàu phong
Nguyen Dam làm thần hồ Động Đình » (5).
Dumoutier mời Bố của Nguyễn Trãi nhập cuộc. Nguyen Dam (không biết tên Việt là gì) có liên hệ gì với Anh Võ (hay Anh Vũ) không ?
Ba tác giả Pháp đưa ra nhiều tên mới lạ, không hiểu nhằm mục đích gì ?
Tại sao Nguyễn Trãi bị đổi thành Nguyễn Trại ?
Trường hợp dấu ngã đổi thành dấu nặng chúng ta còn thấy trong một văn
bản khác. Địa danh Vỹ Dã, Tổng Dã Lê, xã Dã Lê thượng, Dã Lê hạ của thời
Lê Quý Đôn (6) đã trở thành thôn Vỹ Dạ, làng Dạ Lê không biết từ lúc
nào.
Rất có thể mấy ông Tây đã được mấy ông thông ngôn trọ trẹ chữ quốc ngữ « gà » cho chăng ?
Truyện Ông Lê Trãi của Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án được Phan Kế Bính đổi tên thành Nguyễn Trãi, đưa vào sách Nam Hải dị nhân.
Phan Kế Bính cho biết « vua Thái Tôn nhân đi chơi qua tỉnh Bắc, vào
chơi trại Tiêu viên, Nguyễn Trãi đi vắng, có nàng hầu là Thị Lộ, ở nhà
pha chè hầu vua, chiều hôm ấy vua mất… » (7).
Ngô Sĩ Liên chép là vua về đến Lệ chi viên (vườn Vải). Phan Kế Bính
chép là trại Tiêu viên (vườn Chuối). Bao giờ thì đến lượt vườn Chà Là,
vườn Sa Bô Chê ?
Nguyễn Đổng Chi đổi hẳn tên truyện thành Rắn báo oán. Ông ngờ rằng
Rắn báo oán của ta chịu ảnh hưởng truyện Phương Chính Học và truyện Ngô
Trân của Tàu.
« (Rắn báo oán) là câu chuyện do tầng lớp nho sĩ gần gũi giai cấp
thống trị bịa đặt ra nhằm huyền thoại hoá tấn thảm kịch của người anh
hùng Nguyễn Trãi, xoá mờ sự thật về tấn thảm kịch ấy, hòng gỡ tội cho
những kẻ đã gây ra cái chết oan khốc của ông và cả họ ông » (8).
Thưa cụ Nguyễn Trãi, vàng thau lẫn lộn của thời xưa chưa phiền bằng «
vàng ta pha vàng tây » của đời sau đâu ạ! Cụ sống khôn thác thiêng, xin
cụ… xí xoá cho !
Thuở bé tôi thích nghe chuyện thần thánh, ma quỷ. Cho đến ngày bị thầy
mắng Nói có sách, mách có chứng, bị cụ Mạnh bắt gặm cục xương Tận tín
thư bất như vô thư mới tỉnh người. Từ đó hết thích truyện « vớ vẩn ».
Dân ta có truyền thống kính trọng các vị anh hùng dân tộc. Thần
thánh, ma quỷ chỉ nên kính nhi viễn chi, xin các sử gia đừng nhập nhằng
đưa vào sử.
Vẽ rắn thêm chân nên giao cho nghệ nhân dân gian, những người như Thạch Sanh.
Thạch Sanh mồ côi cha mẹ, kết nghĩa với Lý Thông. Trong vùng có con yêu tinh :
Nó là rắn lớn hiện hình,
Nhờ hơi nhật nguyệt thành tinh hại người
Nhà vua treo giải thưởng tìm người giết con Xà tinh. Thạch Sanh vác
búa đi giết được Xà tinh. Nhưng bị Lý Thông lập mưu cướp công. Một hôm,
công chúa bị Mãng Xà Vương « tam đầu cửu vĩ (ba đầu chín đuôi) ai nào
chẳng ghê » hoá thành Đại Bàng bắt mang về hang. Thạch Sanh giết Mãng Xà
vương, cứu được công chúa. Nhưng lại bị Lý Thông cướp công, lấp cửa
nhốt dưới hang (…). Thạch Sanh còn gặp nhiều lận đận. Còn phải giết Trăn
Tinh, đánh hồ tinh. Cuối cùng, Lý Thông cũng bị trừng trị. Thạch Sanh
dẹp được giặc, được vua gả công chúa, truyền ngôi.
Xà của Tàu là rắn của ta. Mãng là con trăn, một giống rắn lớn. Trăn
tinh không biết có họ hàng gì với Chằn tinh không ? Chằn cũng là yêu
quái (Huỳnh Tịnh Của). Bên cạnh mấy con rắn có chân làm trò mua vui, vô
thưởng vô phạt, ta còn có mấy con rắn giúp các ông đồng bà cốt, pháp sư
phù thuỷ kiếm ra tiền.
« Phụ thần Bạch Xà thì dùng một con rắn bằng rơm rồi phù phép vào con
rắn để con rắn bò quanh nhà diệt tà ma. Con rắn thường bò được là nhờ
trong ruột có bộ phận cử động bằng máy, nhưng những người quá tin cho là
thầy phù thuỷ cao tay có phép lạ » (9)
« Tại các điện thờ chư vị, nhất là điện thờ các ông Hoàng, bà Chúa
Thượng Ngàn, ta thường thấy ở hai bên hàng sà kèo có cặp rắn trắng rất
lớn mào đỏ, mà các đệ tử gọi là ngựa ngài, tức là cặp rắn là cặp ngựa để
ngài cưỡi.
Các đệ tử con hương thường thuật lại tại các đền thờ ông Hoàng bà
Chúa ở đường rừng, hay có những cặp rắn có mào thật bò ra quấn lấy kèo
lấy cột ở trong đền, khác hẳn với các đền, điện miền xuôi, cặp rắn chỉ
là đồ mã ».
« Nói về rắn, phải kể tới loại rắn biển, tức là con đẻn cũng được dân
ta ở ven miền duyên hải kính sợ tôn thờ và gọi bằng Ông (…). Cũng là
đẻn, phải kể đến bà Lạch tức là bà Chằng lạch và bà Mộc, được gọi là Mộc
trụ thần xà » (10).
« Đẻn là loại rắn biển có nhiều sắc, nó cắn nhằm ai thì bắt ngủ mê mà
chết. Đẻn cườm là đẻn có hoa lúm đúm, chính là đẻn độc hơn.
Thành ngữ Xông khói đẻn nghĩa là đốt đẻn khô làm cho chủ nhà mắc khói nó mà ngủ mê, ấy là nghề kẻ trộm ». (Huỳnh Tịnh Của).
Có âm thì phải có dương. Có bà thì phải có ông.
« Cấu trúc không gian trong các điện thờ Mẫu, vị trí chư vị thần
thánh được bài trí sắp xếp theo ba tầng : tầng trên không, tầng ngang
trên ban, bệ thờ và tầng trệt. Đây là một điều rất riêng vì không có tôn
giáo tín ngưỡng nào bài trí như vậy. Ở tầng không là sự hiện diện của
đôi mãng xà (còn gọi là Ông Lốt) tượng trưng cho quan lớn Tuần Tranh.
Một con màu trắng, một con màu sẫm quấn trên xà ngang phía trái, bên
trên ban thờ » (11).
Quan lớn tuần Tranh là ai ?
« Ở huyện Vĩnh Lại (Hải Dương), về đời Trần có hai vợ chồng nghèo,
không con cái. Một hôm người chồng làm vườn bắt được hai quả trứng.
Trứng nở ra hai con rắn. Người vợ muốn giết. Người chồng bảo để nuôi.
Rắn một ngày một lớn. Vợ chồng phải đem ném xuống sông. Nước sông bỗng
xoáy lại thành vực.
Một hôm có nàng công chúa qua sông, bị nước xoáy không đi được. Người
vợ ném cơm xuống sông, khấn vái. Sông lặng sóng ngay. Dân sở tại lập
miếu thờ thần Thuồng Luồng của sông. Đến đời Trần Minh Tôn, có vợ quan
phủ Ninh Giang Trịnh Thường Quân là Dương Thị bị mất tích. Thường Quân
phải nhờ Bạch Long Hầu dắt xuống Thuỷ Cung tìm vợ. Vợ chồng gặp lại
nhau. Dương Thị kể cho chồng nghe chuyện bị hoàng tử thứ năm của Thuỷ
Thần Long Vương bắt về làm vợ. Thường Quân đem chuyện khiếu nại với Thuỷ
Thần. Thuỷ Thần xử cho vợ chồng Trịnh Thường Quân được đoàn tụ. Phạt
hoàng tử thứ năm, đày ra sông Tranh cho được đới công chuộc tội.
Thuỷ thần vừa tuyên án xong thì trên trần gian miếu thần Thuồng Luồng
bị đổ nát. Người ta thấy một con rắn dài hơn mười trượng, vảy biếc mào
đỏ nổi trên mặt nước đi về phía sông Tranh, hơn trăm rắn nhỏ theo sau.
Hoàng tử thứ năm hiển linh tại sông Tranh. Dân gian lập đền thờ, gọi là
đền thờ Quan lớn tuần Tranh. Hàng năm mở hội. Các bà các cô lên đồng,
hầu bóng rất đông » (12).
Ông Lốt là… cái gì ?
Lốt nghĩa rộng là vị thần đội lốt rắn thường gọi là ông Lốt. Nghĩa
bóng là mượn bóng mượn tiếng đi doạ nạt lừa đảo. Thí dụ : đội lốt sư đi
khuyến giáo. (Từ điển Khai Trí Tiến Đức).
Lốt là con rắn huyền thoại, một loài rắn nước mà người ta thường mô tả
là có 3 cái đầu người và 9 tấm vẩy ở cuối đuôi. Nó dùng để cho thuỷ thần
cưỡi, theo đạo đồng cốt (Nordemann).
Ông Lốt là « ngựa » của ông Hoàng ba, hoàng tử thứ năm, quan lớn tuần
Tranh. Lốt sống dưới Thuỷ phủ. Lốt cũng có ba đầu chín đuôi, giống Mãng
Xà Vương của truyện Thạch Sanh.
Nhìn sang vườn nhà hàng xóm cũng thấy rắn. Rắn thật !
Liễu Tôn Nguyên kể truyện người bắt rắn :
« Ở Vĩnh Châu có giống rắn lạ, thân đen, vằn trắng chạm vào cây cỏ, thì
cây cỏ chết, cắn phải người, thì không thuốc gì chữa nổi. Song mà bắt
được giống rắn ấy dùng làm thuốc để chữa những bệnh như bệnh trúng
phong, bệnh co quắp chân tay, lại sát được cả trùng.
Cho nên nhà vua có lệ bắt dân gian mỗi năm phải hiến hai con rắn ấy để dành. Ai bắt được rắn thì được trừ thuế ruộng.
Người châu Vĩnh tranh nhau mà làm nghề bắt rắn. Có nhà họ Tương cũng làm nghề ấy đã được ba đời. Hỏi ra thì nhà họ Tương nói :
- Ông tôi chết về nghề bắt rắn, cha tôi cũng chết về nghề bắt rắn. Tôi
nối nghề ông cha tôi mới có mười hai năm, cũng đã mấy lần suýt chết.
Người ấy nói, vẻ mặt rất buồn rầu.
Ta thương và hỏi rằng :
- Nhà ngươi có thật cho nghề bắt rắn là khổ không ? Ta sẽ nói với quan
trên cho nhà ngươi bỏ nghề ấy mà cứ nộp thuế ruộng như thường. Nhà ngươi
tính thế nào ?
Người họ Tương vừa khóc, vừa nói :
- Ông thương tôi, muốn cho tôi sống, thì ông để cho tôi làm nghề bắt rắn
còn hơn. Nếu tôi không làm nghề này thì tôi khốn khổ đã lâu rồi. Nhà
tôi ba đời ở làng kể đã hơn sáu mươi năm, cách sinh nhai trong làng mỗi
ngày một quẫn bách. Người làng phải rút hết cả lợi hoa màu, vét hết cả
của cải trong nhà để mà nộp thuế hết, thậm chí bỏ làng, bỏ xóm, đói
khát, trôi giạt, chết đường, chết chợ kể bao nhiêu người. Những người
vào chạc tuổi ông tôi mười nhà không còn một. Những người vào chạc tuổi
cha tôi, mười nhà còn độ hai, ba. Những người vào chạc tuổi tôi mười nhà
còn độ bốn, năm. Không chết chóc thì lưu lạc cả…
Tôi nhờ nghề bắt rắn mà còn đến bây giờ. Những quan lại tàn ác về làm
thuế làng tôi, xúc hết đầu làng, cuối xóm vơ vét đến cả con gà, con
chó, dân gian phải hãi hùng kinh sợ. Những lúc ấy, về phần tôi, tôi được
yên lặng, trông trong giỏ con rắn vẫn còn là tôi được ăn no, ngủ yên.
Tôi làm nghề bắt rắn một năm sợ chết chỉ có hai lần, ngoài ra là vui vẻ,
không phải lo thuế má, không đến nỗi như người làng xóm tôi hết ngày
này, sang tháng khác khốn khổ về quan lại tàn ác. Giá tôi có chết về
nghề bắt rắn, ví với người làng xóm tôi cũng đã là chậm, đâu dám cho là
rắn độc mà xin thôi.
Ta nghe câu chuyện, lại càng thương lắm. Xưa Đức Khổng nói : « Chính
sách hà khắc độc hơn hổ dữ » ta vẫn ngờ, bây giờ xem chuyện họ Tương mới
cho là thật. Than ôi ! cái độc quan lại tàn ác làm thuế ở dân gian dữ
hơn con rắn độc, cho nên nói ra đây để người xem xét phong tục thấu được
tình cảnh đau khổ của dân ! » (13).
Kinh Thi có câu : « Duy huỷ duy xà nữ tử chi tường ; duy hùng duy bi nam
tử chi tường » (Mộng thấy rắn là điềm sinh con gái, mộng thấy gấu là
điềm sinh con trai).
Điềm lành hùng huỷ hiện thân
Kể đã ba đời sinh được phu nhân (Thiên Nam ngữ lục) (14).
Tục truyền là bà ngoại Khổng Tử một hôm nằm mộng thấy một con rắn be bé
xinh xinh bò vào giường, chui xuống dưới chăn. Mẹ Khổng Tử nằm mộng thấy
một con gấu trúc to tướng vén màn leo vào giường. Người Tàu cho rằng đó
là điềm thánh nhân sắp ra đời !
Nói chung, loài người không thích rắn. Thậm chí sợ rắn.
Sợ từ ngày bà E-Và bị Rắn dụ dỗ ăn trái cấm. Bà mời ông A-Dong cùng ăn.
Thượng đế hay tin bèn nổi giận, đuổi ông bà ra khỏi vườn Địa Đàng. Phạt
ông bà và con cháu đời sau phải sống… như chúng ta bây giờ !
Rắn trở thành kẻ thù của loài người từ ngày đó.
Người phương Tây gọi những kẻ hay nói xấu, chụp mũ người khác là bọn
rắn độc (langue de serpent, langue de vipère). Cứu giúp kẻ vô ơn, sẵn
sàng quay lại hại chính mình là ấp rắn trong ngực (Réchauffer un serpent
dans son sein). Ta gọi bọn khua môi múa mép là nói rắn trong lỗ bò ra.
Dân ta căm thù, nguyền rủa bọn cõng rắn về cắn gà nhà. Nói đúng hơn là
bọn bắt rắn về cắn gà nhà (Léopold Cadière).
Tuy nhiên, rắn phương Tây cũng có khi được cưng. Ngày nay chúng ta
thấy nhan nhản rắn trên bảng hiệu của bác sĩ, tiệm thuốc tây. Ồ, lạ nhỉ ?
Vì sao vậy ?
Thần thoại Hi Lạp suy tôn Asclépios là ông thần đứng đầu ngành y. Ông có
tài chữa lành cho người mù, người tàn tật. Ông cải tử hoàn sinh cho
Glaucos, Tyndare, Hippolyte. Tâm nguyện của Asclépios là cứu nhân độ
thế… hoàn toàn miễn phí.
Không ngờ, việc làm của Asclépios đã gây bất mãn cho vị thần cai quản
Địa ngục Hadès. Hadès lo ngại… thiếu dân để hành hạ. Hadès khiếu nại
với Zeus. Zeus mủi lòng trước cảnh đất rộng người thưa của Địa ngục, bèn
tung sét đánh chết Asclépios.
Sinh thời, Asclépios rất thích rắn vì rắn là con vật biết thay da đổi
thịt, biết đổi mới hàng năm. Rắn lột xác giống như bệnh tật được chữa
khỏi, sức khoẻ được phục hồi.
Lúc đi hành nghề, Asclépios bao giờ cũng mang theo chiếc gậy có chạm trổ
một con rắn. Vì vậy mà các bác sĩ, dược sĩ đã chọn Rắn quấn gậy làm
biểu tượng của ngành nghề và mời rắn bò lên bảng hiệu.
Rắn của người lớn rắc rối quá.
Rốt cuộc chỉ có Rồng rắn của trẻ con là dễ thương nhất !
Lũ trẻ thật là… rắn gan (de Rhodes, Génibrel). Dám để cho rắn chơi trèo
với rồng. Chúng mày cho dân đen được dòm mặt vua à? Không coi tôn ti
trật tự ra cái quái gì.
Trò chơi Rồng rắn chia làm hai phe. Ít đứa chơi (chuyện khó tin!) thì
chọn một đứa làm thầy thuốc, đám còn lại ôm nhau làm rồng rắn. Thầy
thuốc phải đuổi bắt cái đuôi rồng rắn. Nếu có nhiều đứa chơi thì chia
làm hai phe, mỗi phe là một rồng rắn. Đứa đứng đầu vừa phải bảo vệ, che
chắn cho cái đuôi khỏi bị đối phương bắt, vừa phải tìm cách bắt cái đuôi
của đối phương. Vào trò, rồng rắn uốn éo hát :
Rồng rắn lên mây
Có cây núc nác
Có nhà điểm binh
- Thầy thuốc có nhà không?
- Thầy thuốc không có nhà
(…)
- Xin khúc đuôi
- Tha hồ mà đuổi.
Thế là tha hồ đuổi bắt nhau. Vui nhộn, ồn ào. Người lớn bực mình thì mặc kệ người lớn !
Gần đây bên Âu Tây nảy sinh mốt chơi rắn cảnh. Đẹp… dễ sợ ! Nhưng chưa
đáng sợ bằng mốt ẩm thực đầy « tâm huyết » của đại gia nước ta. Hôm nay
mời ông món lạ. Ít hiệu có.
Khách chuyện trò mới hết nửa đĩa lạc rang thì từ nhà bếp một « thích
khách » mặt lạnh như tiền bước ra. Tay cầm dao, nách kẹp chiếc gậy nhỏ.
Một thằng tiểu đồng xách giỏ rắn theo sau. Thầy trò đến trước mặt khách
ẩm thực chờ lệnh. Ông khách quen của hiệu liếc nhìn giỏ rắn rồi hất hàm,
chỉ tay. « Thích khách » liền thò chiếc gậy gắn móc sắt vào giỏ, khoắng
một vòng, lôi con rắn được chọn ra ngoài. Tay còn lại múa một đường, cổ
rắn bị kẹp chặt. Dao loè sáng. Tiết rắn phọt ra. Tiểu đồng nhanh tay
giơ tách hứng. Không một giọt rơi xuống mặt bàn. Thêm một đường dao. Tim
rắn bị móc ra, thả vào tách. Tiểu đồng mở chai Quốc Lủi, rót đầy tách,
đặt trước mặt khách.
Khách mỉm cười, gật đầu ra hiệu cho « thích khách » biểu diễn thêm một lần nữa…
Tâm, huyết đã sẵn sàng. Hồ trường ! Hồ trường ! Ta biết rót về đâu
?(Nguyễn Bá Trác). Rót vào họng chứ còn rót vào đâu nữa? Định rót vào
túi à? Lộc trời cho, ta cứ nốc. Làng Lệ Mật « có hàng trăm hộ nuôi rắn,
hàng chục nhà hàng đặc sản rắn và có nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật
về rắn được tổ chức rầm rộ hàng năm. Lệ Mật được đánh giá là trung tâm
giao dịch về rắn của toàn miền Bắc, đồng thời là làng rắn nổi tiếng ở
Việt Nam và trên thế giới » (15). Lại thêm một thành tích nổi… da gà!
Rắn được giới ẩm thực khen là loài có tâm, huyết. Bổ thận, cường dương. Bảy món khề khà. Ngộ độc, chết có người chôn, lo gì !
Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Con Rắn 2013)
1- Vũ Phương Đề, Công dư tiệp ký, bản dịch của Đoàn Thăng, Văn Học, 2001, tr. 275.
2- Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, Tang thương ngẫu lục, bản dịch của Đạm Nguyên, 1962, Đại Nam tái bản, tr. 112-128.
3- A. Landes, Contes et Légendes annamites, Imprimerie Coloniale, 1886, tr. 63.
4- Edmond Nordemann, Quảng tập viêm văn (1898), Nguyễn Bá Mão biên dịch và chú thích bổ sung, Hội Nhà Văn, 2006, tr. 26-28.
5- Gustave Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, IDEO, 1908, tr. 300-304.
6- Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch của nhóm Đỗ Mộng Khương, Đào Duy Anh
hiệu đính, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 79.
7- Phan Kế Bính, Nam Hải dị nhân liệt truyện (1912), Mặc Lâm tái bản, 1969, tr.33-39.
8- Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4, Khoa Học Xã Hội, 1975,
tr. 451-461.
9- Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nam Chi tùng thư, 1965, Xuân Thu
tái bản, tr. 211.
10- Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển hạ, tr. 260 -261.
11- Bùi Xuân Mỹ, Tục thờ cúng của người Việt, Văn Hoá Thông Tin, 2001, tr. 181.
12- Nguyên Tử Năng, Thần thoại Việt Nam, 1966, Zieleks tái bản 1980, tr. 96-104.
13- Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa, quyển 2, Thọ Xuân, 1962,
tr. 133-135.
14- Đinh Gia Khánh chủ biên, Điển cố văn học, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 193.
15- Quốc Văn, Làng nghề Hà Nội, Thanh Niên, 2010, tr. 127.
0 comments:
Post a Comment