Trọng Nghĩa_RFI
Phát biểu vào hôm qua, 06/02/2013 tại đại học Georgetown (Washington
D.C), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta xác nhận rằng ông đã kêu gọi
các đối tác của mình ở Bắc Kinh mở đàm phán về các hiệp định khu vực
nhăm giải tỏa một loạt các bất đồng về chủ quyền biển đảo.
Nhân vật sắp rời bỏ vai trò đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng chính quyền
Trung Quốc nên tránh dùng biện pháp đối đầu để tìm kiếm giải pháp đối
thoại hòa bình với Nhật Bản cũng như các láng giềng khác trên vấn đề
tranh chấp lãnh thổ.
Sau bài nói chuyện trước các sinh viên tại đại học Georgetown, khi
được hỏi về những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên quần đảo
Senkaku/Điếu Ngư, ông Panetta đã tỏ ý lo ngại rằng « đấy là loại tình
huống mà các đòi hỏi chủ quyền có thể vuột khỏi tầm kiểm soát » của các
bên. Ông nói thêm : « Bất kỳ một quốc gia nào cũng có thể phản ứng theo
một cách có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn. »
Tranh chấp Trung-Nhật về chủ quyền khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
ngoài biển Hoa Đông trong những ngày gần đây đã căng thẳng hẳn lên sau
khi Tokyo công khai tố cáo Trung Quốc là đã cho chiến hạm dùng radar
định hướng tên lửa ‘nhắm bắn’ tàu chiến cũng như trực thăng của Nhật Bản
tại vùng biển Hoa Đông Trung Quốc. Thậm chí, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo
Abe còn đánh giá rằng đó là những động thái « nguy hiểm » và mang tính
chất « khiêu khích ».
Bên cạnh đó, Trung Quốc hôm 01/02 vừa còn loan báo tung chiến hạm vào
« tuần tra và tập trận » tại khu vực Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh cho là
thuộc lãnh thổ Trung Quốc, ngang nhiên bác bỏ tuyên bố chủ quyền của các
nước khác. Theo Tân Hoa Xã, hạm đội cử xuống Biển Đông bao gồm khu trục
hạm mang tên lửa Thanh Đảo và hai hộ tống hạm Yên Đài và Diêm Thành,
mang theo 3 chiếc trực thăng.
Hành động thị uy của Trung Quốc đã làm tăng tình hình căng thẳng
trong vùng Biển Đông. Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, thì Trung Quốc,
Hoa Kỳ và các nước khác nên làm việc với nhau để giải quyết « những
thách thức chung », trong đó có vấn đề hải tặc, thiên tai và tranh chấp
lãnh thổ.
Ông Panetta xác nhận nội dung căn bản của những gì ông đã nói với
phía Trung Quốc : « Vì lợi ích của chính quý vị, quý vị nên làm việc với
các nước khác để giải quyết những vấn đề đó, bởi vì nếu lợi ích của quý
vị nằm ở một khu vực Thái Bình Dương hòa bình và phát triển thịnh vượng
trong tương lai, thì quý vị phải góp phần vào… Trung Quốc không thể nào
là một nước đi đe dọa người khác, đi đòi đất đai của nước khác và tạo
ra các tranh chấp lãnh thổ. »
0 comments:
Post a Comment