Tôi rời Việt Nam lúc 9 giờ 15 sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975. Một ngày trước khi miền Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm. Lúc đó, tôi là một quân nhân thuộc Sư Ðoàn 5 Không Quân, phục vụ cho xưởng vô tuyến đặc biệt tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Lúc bấy giờ khoảng 6 giờ chiều ngày 28-4. Sau cơn mưa rào, bầu trờI Sàigòn thật trong vớI vài cụm mây trắng lãng đãng trên nền trờI xanh ngắt. Ðột nhiên, tôi nghe những tiếng bom nổ lớn từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất. Những cột khói đen, có thể nhìn thấy từ mấy cây số, bốc cao. Còi báo động hú lên inh ỏi. Từ chiếc radio, ngườI xướng ngô viên cho biết phi trường Tân Sơn Nhất đã bị dội bom bởi hai chiếc khu trục cơ của chính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (một điều thật đáng buồn).
Ăn vội bát cơm và khoác vội bộ quân phục, tôi chào bố mẹ rồi nhảy phóc lên chiếc Yamaha nhắm hướng Lăng Cha Cả trực chỉ. Lúc ấy, tôi không biết đó là lần cuối cùng tôi thưa chuyện cùng bố mẹ tôi cho đến gần hai mươi năm sau.
Tôi là một trong những người đầu tiên vừa tới cổng Phi Hùng thì hai cánh cổng sắt đã được kéo ngang cùng những vòng kẽm gai chắn lối. Lệnh ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ vừa được ban hành. Sau mười lăm phút đợi chờ, hoang mang và không biết phải làm gì, cuối cùng tôi quyết định trở về nhà. Tôi quay lại định trở đầu xe thì mới biết, sau lưng tôi đã có hơn trăm chiếc xe gắn máy đủ loại đã đậu chắn lối tự bao giờ. Chẳng còn một chọn lựa nào khác, tôi đành ngồi yên trên xe tiếp tục chờ đợi…
Khoảng một giờ sau, cánh cổng trại Phi Hùng được mở rộng. Chúng tôi ùa vào như đàn ong vỡ tổ. Ðường đi tối như mực vì không có điện. Ngọn đèn pha của chiếc Yamaha hầu như không đủ soi sáng mặt đường nhựa, ngổn ngang dẫy đầy những mảnh vụn của gạch ngói.
Như đã trình bày ở trên, tôi phục vụ cho xưởng vô tuyến đặc biết (còn được gọi là xưởng Bravo) thuộc Sư Ðoàn 5, Không Quân. Ðây là một căn cứ mật, có nhiệm vụ thâu thập tin tức tình báo, xác định những mục tiêu của địch, rồi cung cấp những dữ kiện này cho các phi đoàn oanh tạc cơ Việt-Mỹ. Xưởng Bravo gồm ba dãy nhà hình chữ U, nằm chơ vơ, biệt lập trên một khu đất rộng. Về phía bên trái cũng như bên phải, là những ụ máy bay, hay cho dễ hiểu, là những chỗ đậu cho những chiếc phi cơ AC-47 thuộc phi đoàn 718. Sau lưng Bravo khoảng nửa cây số là phi đạo chính của phi trường Tân Sơn Nhất. Từ sân sau, chúng tôi có thể quan sát rõ ràng những chiếc phi cơ cất cánh và hạ cánh. Vì lí do an ninh, tôi bắt buộc phải đậu xe cách xưởng nửa cây số, qua một cổng sắt, đi bộ băng ngang qua một dãy phi đạo ‘taxi’ rồi mới tới sở.
Tới xưởng Bravo, tôi thật bàng hoàng vì những cảnh tượng trước mặt. TrờI tối như mực, không một ánh đèn ngoại trừ ánh trăng yếu ớt. Hai chiếc phi cơ AC-47 bên tay trái và phải đều bị trúng bom thiêu hủy hoàn toàn. Dãy nhà hình chữ U đã bị sập một nửa vì sự chấn động và sức ép của bom. Mảnh vụn của gạch ngói vung vãi khắp nơi, đồ đạc đổ vỡ ngổn ngang.
Sau khi dọn dẹp sơ sài, anh em chúng tôi điểm danh tập họp, trang bị vũ khí và chia nhau canh gác. Ðêm hôm đó, chúng tôi phải trải chiếu ngủ trên nền xi măng ngoài bờ hè vì nhà ngủ đã bị hư hại. Tôi tìm được một góc hè, ngả lưng và thiếp đi lúc nào không biết.
Ðang ngon giấc, bỗng tôi choàng tỉnh vì một tiếng ‘ầm’ vang dội cả một góc trời. Lúc đó khoảng 4 giờ sáng. Có tiếng la lớn: “Pháo kích, pháo kích, chết mẹ, tụi Việt Cộng pháo kích. Xuống hầm mau.”. Tôi bật dậy như một cái lò xo, quơ tay chụp cây M16, lao mình nhảy vội xuống hầm trú ẩn. Những trái đạn pháo kích rớt đều cách nhau vài phút.
Những tiếng rú ghê rợn của đạn pháo kích ‘chiiiuíiiuuu’ rồi “ââầmmm” rồi “chiiiuíiiuuu” rồi “ââầmmm” kéo dài gần ba giờ đồng hồ. Lúc gần, lúc xa.
Có lúc, tôi tưởng chừng như trái đạn rớt chỉ cách chúng tôi vài mét. Những mảnh vụn cùng đất đá bị bắn lên cao, rơi xuống như mưa trên đầu chúng tôi.
Trời hừng sáng, đạn pháo kích thưa dần rồi ngưng hẳn. Chúng tôi bò lên khỏi hầm, duyệt xét lại cơ xưởng và kiểm điểm những hư hại. Tạ ơn Chúa, xưởng Bravo cũng không hư hại hơn, và không ai trong chúng tôi bị thương tích gì cả. Sau khi làm vệ sinh cá nhân dã chiến, chúng tôi chia nhau dọn dẹp. Ðang loay hoay sắp lại những đồ vật, bỗng tôi nghe tiếng nói nhỏ bên tai : “Ê Sỹ, tao với mày “dzọt” về nhà. Tao thấy ở đây không khá được. Tao đang giữ chìa khóa xe pick-up của sở, tụi mình viện cớ đi mua đồ ăn sáng cho anh em, rồi “dzù” luôn.”.
Tôi ngẩng nhìn lên, nhận ra Lễ, một đồng đôi. Lễ ở gần nhà tôi, chỉ cách nhau một khoảng đường. Tôi ngập ngừng, suy nghĩ một lát rồi xiêu lòng đi theo Lễ ra chiếc xe pick-up. Trên đường ra cổng tôi mớI có dịp quan sát kỹ cảnh hoang tàn sau một đêm bị dộI bom và pháo kích. Tôi không tin vào mắt mình nữa. Phi trường Tân Sơn Nhất thật tang thương như vừa trải qua một trận động đất kinh hồn. Ðó đây, những chiếc phi cơ bị trúng đạn pháo kích, thiêu huỷ, cháy rụi, còn lại chỉ là một khối sắt đen sì. Dọc hai bên đường, những ngôi nhà cũng bị đạn pháo kích tàn phá, đổ nát. Một vài xác người chết nằm cong queo, đẫm máu, bên vệ đường. Cảnh đỗ vỡ, chết chóc cùng với mùi khét lẹt trong không khí đã làm cho tôi có một cảm giác rùng mình, ớn lạnh.
Từng đoàn người lũ lượt, tay xách nách mang, bồng bế, dắt dìu nhau nối đuôi nhau ra cổng. Họ là những gia đình quân nhân sinh sống trong khu gia binh đang tản cư ra ngoài để tìm sự an toàn. Sẵn có xe, chúng tôi đã tình nguyện chở giúp một số người, phần đông gồm đàn bà và con nít.
Tới cổng, tôi và Lễ bị quân cảnh đuổi trở vào. Anh quân cảnh với sắc mặt lạnh như tiền, trên tay cây M16, chặn chúng tôi lại và hô lớn: “Dân đi ra, lính đi vô.”. Tôi và Lễ tiu nghỉu, vòng xe trở lại.
Tôi và Lễ trở lại Bravo khoảng 7 giờ rưỡi. Ðây đó, bạn bè tụm năm tụm ba bàn tán. Tôi và một vài ngườI nữa đứng ngoài sân sau xem những chiếc phản lực cơ A-37 và F-5E gầm thét trên không trung, bắn từng quả rocket và thả bom vào những vị trí địch quân, lúc bấy giờ có lẽ đã sát bên phi trường. Một chiếc vận tải cơ C119, chậm chạp bay trên bầu trời. Bỗng nhiên, một vệt khói đen từ chân trờI vút lên. Chiếc hoả tiễn tầm nhiệt SR7 xé gió, trong chớp mắt phá nát đuôi chiếc C119 làm nó chao đảo rồi chúi đầu đâm thẳng xuống đất. Chiếc phi cơ hai cánh quạt rơi như một quả chuối, chạm mặt đất, nổ tung tạo nên một khối lửa màu cam khổng lồ. Tôi không biết là ngườI phi công và những quân nhân trên chiếc phi cơ xấu số đó có kịp bung dù thoát ra ngoài hay không. Thật là một cảnh tượng hãi hùng mà tôi được chứng kiến.
Khoảng gần 8 giờ, đạn pháo kích lại bắt đầu rơi. Một lần nữa, chúng tôi lại lao mình xuống hầm trú ẩn. Lần này, hình như bọn Việt Cộng đã chiếm được đài không lưu, có ‘đề-lô’ chấm toạ độ rõ ràng nên những trái đạn rơi thật chính xác. Từ hầm trú ẩn, tôi đã được mục kích cảnh từng chiếc phi cơ bị thiêu hủy. Một chiếc …, hai chiếc …, ba chiếc … chiếc này theo sau chiếc kia, từng chiếc một, trúng đạn và bốc cháy.
Ðến gần 9 giờ sáng, đạn pháo kích ngừng rơi. Chúng tôi lại bò lên khỏi hầm trú ẩn, hoang mang không biết việc gì sẽ xảy ra kế tiếp. Từ sân sau của sở nhìn ra phi đạo chính, chúng tôi thấy những chiếc A37, những chiếc F5, rồi đến những chiếc C-130 thay phiên nhau cất cánh. Lúc đầu không ai để ý nhưng khi càng ngày càng nhiều phi cơ cất cánh, lúc đó, chúng tôi mới vỡ lẽ là ‘bà con’ đang di tản. Tất cả mọi người đều nhốn nháo. Sau những lời đôi co bất đồng ý kiến, chúng tôi được lệnh bỏ sở, chen nhau trên chiếc xe pick-up, ra phi đạo với hy vọng mong manh sẽ tìm được một chiếc phi cơ.
May thay, cuối một đường của một phi đạo nhỏ, chúng tôi gặp một chiếc C-130 đang quay máy chuẩn bị để ‘taxi’ ra phi đạo chính. Trên phi cơ, đã có hơn 200 người, chen chúc nhau ngồi trên sàn sắt lạnh. Anh em chúng tôi lần lượt lên tàu, cũng ngồi bệt xuống sàn tàu như mọi người khác. 9 giờ 15 phút sáng 29 tháng 4 năm 1975, chiếc C-130 lướt nhanh trên phi đạo rồi nhấc bỗng khỏi mặt đất, vĩnh viễn đưa tôi rời xa thành phố Sài Gòn, nơi tôi đã sống và lớn lên vớI hàng ngàn kỷ niệm buồn vui. Trên 200 gương mặt trầm tư, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau, một nỗi buồn riêng tư của chính mình. Tất cả đã được thể hiện trên gương mặt mỗi người với nét đăm chiêu, tư lự. Riêng tôi, sang hôm đó, tôi cảm thấy buồn và mất mát rất nhiều. Lý do thật giản dị, tất cả những người thân yêu của tôi đều ở lại. Tôi biết lần ra đi này, có thể tôi sẽ không bao giờ gặp lại những gương mặt thân yêu đó nữa.
Bất giác, một giọt nước mắt trào ra từ khoé mắt và lăn dài trên má của tôi.
Trần Quốc Sỹ
0 comments:
Post a Comment