Đồ chơi Trung Quốc chiếm lĩnh một cửa hàng tại quận 6 TPHCM. Ảnh: THANH TÂM (Dân Trí)
Câu chuyện y hệt như là Trọng Thủy – Mỵ Châu của thế kỷ 21: năm xưa chàng Trọng Thủy từ TQ vào kết thân với Mỵ Châu chỉ để trộm nỏ thần của nước Việt về Tàu, và bây giờ các doanh nghiệp TQ vào Sài Gòn tìm người Việt đứng tên mở kho hàng để nhập hàng TQ vào VN với thuế suất ưu đãi, đè bẹp nhiều công ty Việt.
Bản tin trên báo Sài Gòn Tiếp Thị hôm Thứ Bảy đã nêu lên độc kế này.
Bản tin nói thẳng, rằng các kho hàng Trung Quốc tại TP. Sài Gòn đang gây quan ngại rằng doanh nghiệp Việt ngày càng yếu thế…
Nguy cấp là hiện tượng, theo báo này:
“…Trên thực tế, đã có doanh nghiệp buộc phải chuyển từ sản xuất sang… buôn bán hàng Trung Quốc…”
Bản tin ghi lời Ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty Vinamit, người vừa thực hiện chuyến khảo sát thị trường và tìm kiếm khách hàng tại Trung Quốc về trong tháng 3.2012, kể rằng chính phủ Trung Quốc dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đưa hàng sang Việt Nam. Theo ông Viên, “Vinamit hiện nay đang xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi tháng 30 – 50 container trái cây sấy. Nếu Vinamit tham gia mua hàng từ Trung Quốc mang về bán ở Việt Nam đạt trị giá khoảng 5 triệu USD/năm, thì sẽ được hoàn 100% thuế VAT (ở mức 17%), được cho vay khoảng 1,5 triệu USD với lãi suất bằng 0%, được ưu đãi mua máy móc thiết bị giá rẻ… Còn nếu là doanh nghiệp của Trung Quốc thì khoản ưu đãi còn nhiều hơn nữa…”
Tình hình doanh nghiệp Việt nguy ngập vì bị các kho hàng TQ ép được báo SGTT ghi lời của bà Nguyễn Thị Ánh, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên kinh doanh hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, có trụ sở tại quận Tân Bình nhận xét:
“Cùng nhập từ Trung Quốc, nhưng nếu nhập khẩu chính ngạch, kinh doanh đàng hoàng, chịu các loại thuế với đầy đủ chứng từ, thì không cạnh tranh lại với hàng bán ra từ các kho.”
Do vậy, công ty của bà Ánh cạnh tranh hết nổi với hàng TQ.
Bản tin cho biết:
“Công ty của bà Ánh nếu nhập hàng trực tiếp từ Trung Quốc, phải chịu thuế từ 25 – 40% tuỳ mặt hàng, bán hàng xuất hoá đơn 10% VAT, chi phí đầu ra trừ chi phí đầu vào phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, đóng các loại bảo hiểm cho nhân viên… Còn những kho hàng mà bà Ánh biết, dưới hình thức cửa hàng hay shop, chỉ chịu thuế theo mức thuế thu nhập cá nhân. Chủ cửa hàng lãi nhiều hơn, cạnh tranh cũng tốt hơn vì giá bán từ các kho này thấp hơn khoảng 30 – 50% so với nơi khác.
Trước năm 2011, bà Ánh từ chỗ nhà sản xuất, đã chuyển sang thương mại vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập từ Trung Quốc…”
Vấn đề được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mô tả là “Mối nguy cho nền kinh tế.”
Báo này cũng ghi lời ông Trần Vinh Nhung, phó giám đốc sở Công thương TP.SG, rằng cho đến nay hầu như chưa có thương nhân Trung Quốc nào đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về việc mở kho hàng tại TP.SG. “Theo ông Nhung, đa phần đều rơi vào tình trạng “núp bóng”, tức cửa hàng hay doanh nghiệp đều do người Việt Nam đứng tên, thành lập và chịu trách nhiệm điều hành quản lý trên giấy tờ…”
Source: Vietbao.com
0 comments:
Post a Comment