Hoài Hương (VOA) - Chiến
tranh Việt Nam đã kết thúc với sự sụp đổ của Sài Gòn cách đây gần 4
thập niên, là một thất bại cay đắng hiếm xảy ra cho người Mỹ, đồng minh
của Việt nam Cộng hòa. Những yếu tố đưa đến kết cuộc đó rất đa dạng, từ
chính sách cho tới đường lối tiến hành chiến tranh. Lại có quan điểm quy
thất bại cuối cùng cho sự thiếu quyết tâm của giới lãnh đạo chính trị ở
Washington vào thời điểm quyết định, trong bối cảnh công chúng Mỹ đã
quay sang chống đối chiến tranh do ảnh hưởng của một số nhà truyền thông
quốc tế nổi bật thời ấy, có lập trường thiên tả.
Tiến sĩ Lewis Sorley, tác giả cuốn “A Better
War” mới xuất bản, quy lỗi phần lớn cho Đại Tướng Westmoreland, Chỉ huy
trưởng MACV, Cơ Quan Viện Trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam, người mà ông
gọi là “Ông Tướng đã để mất Việt Nam”.
Tiến sĩ Lewis Sorley, tốt nghiệp trường Võ Bị West Point của Hoa Kỳ, là một cựu chiến binh Mỹ và là tác giả cuốn “A Better War”
Hoài Hương xin dành Câu Chuyện Việt Nam tuần này
để mang đến quý vị cách nhìn khác biệt của Tiến sĩ Sorley về cuộc chiến
này và về thành tích của quân đội Việt nam Cộng hòa. Tiến sĩ Sorley sẽ
trình bày chi tiết về cuộc nghiên cứu của ông vào ngày thứ Hai 30 tháng
Tư tại Williamsburg, bang Virginia, Hoa Kỳ để đánh dấu 37 năm từ khi
Sàigòn sụp đổ.
Tốt nghiệp trường Võ Bị West Point của Hoa Kỳ,
Tiến sĩ Lewis Sorley là một cựu chiến binh Mỹ và là tác giả một số quyển
tiểu sử đoạt giải thưởng về các tướng lãnh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt
Nam. Một quyển sách của ông xuất bản năm 1999 mang tựa đề “A Better War:
The Unexamined Victories and Final Tragedy of America's Last Years in
Vietnam”, từng được đề cử cho Giải Pulitzer.
Nội dung của sách đề cập tới những thắng lợi
quân sự trong chiến tranh Việt Nam mà theo ông, không được đánh giá đúng
mức, và bi kịch trong những năm cuối Mỹ còn hiện diện ở Việt Nam. Cuốn
sách này vẫn được coi là “sách gối đầu giường” của nhiều chuyên gia
chống nổi dậy và trong giới sĩ quan quân đội Mỹ tham chiến tại
Afghanistan, kể cả Đại Tướng David Petraeus.
Cuốn “A Better War” tập trung vào thời kỳ sau
Tết Mậu Thân 1968, một giai đoạn mà theo tác giả chỉ được nhắc tới qua
loa, không được đa số sách sử chú ý.
Khi xuất bản tiểu sử Tướng Westmoreland hồi cuối
năm ngoái, Tiến sĩ Sorley liệt kê 10 lý do vì sao theo ông, Tướng
Westmoreland đã để mất Việt nam Cộng hòa. Danh sách 10 lý do, theo thứ
tự từ 10 tới 1, được đăng trên trang blog của Thomas Ricks trên Tạp Chí
Chính sách Đối Ngoại. Ông Ricks là một ký giả kỳ cựu từng cộng tác với
các báo có uy tín nhất của Mỹ, và là tác giả của nhiều quyển sách về
chiến tranh Việt Nam. Một cách tóm tắt, 10 lý do ấy là:
Lý do thứ 10. Tướng Westmoreland không có quá
trình đào tạo và kinh nghiệm thích hợp để thấu đáo chiến tranh Việt Nam
và đề ra một hướng tiếp cận để tiến hành cuộc chiến.
Thứ 9. Các phụ tá cấp cao của ông phần lớn đều
có quá trình tương tự, cho nên không có những quan điểm khác biệt và
kinh nghiệm đa dạng để có thể tranh luận hoặc đánh giá đường lối hành
động của ông.
Thứ 8. Tướng Westmoreland không chú ý tới những
khác biệt quan điểm về cách tiến hành cuộc chiến, và thường gạt sang một
bên những ý kiến khác biệt.
Thứ 7. Ông tin rằng ông có thể dành lấy trách
nhiệm cho cuộc chiến từ tay Việt nam Cộng hòa, mang về thắng lợi để cuối
cùng giao đất nước lại cho chế độ miền Nam, rồi ông sẽ về nước trong
vinh quang. Nhưng kịch bản đó không xảy ra.
Thứ 6. Tướng Westmoreland không giao vũ khí tối
tân, chẳng hạn như súng M-16 cho quân đội Việt nam Cộng hòa, mà thay vào
đó dành ưu tiên cho Mỹ và các đồng minh khác. Binh sĩ Việt nam Cộng hòa
phải sử dụng các thiết bị quân sự phế thải từ thời Đệ nhị Thế chiến
trong khi quân đội miền Bắc được trang bị AK-47 và các thiết bị hiện đại
khác.
Thứ 5. Ông không chia sẻ với các giới chức dân sự cấp cao những dữ kiện chính xác về sức mạnh và thành phần lực lượng địch.
Thứ 4. Chiến tranh tiêu hao và chiến thuật “lùng
và diệt” của Tướng Westmoreland, cũng như cách đánh giá thắng lợi bằng
xác địch, không giúp ông dành được ưu thế trong các làng mạc của miền
Nam, nơi cộng sản Bắc Việt hoạt động mạnh.
Thứ 3. Ông đánh giá quá thấp sự kiên trì của kẻ
thù, ông tin rằng nếu tập trung gây tổn thất cho quân đội miền Bắc, cuối
cùng họ sẽ nản chí và ngưng các hành động gây chiến với miền Nam.
Thứ 2. Ông đánh giá quá cao sự kiên nhẫn của dân
chúng Mỹ cũng như mức độ họ chấp nhận tổn thất nhân mạng vì chiến
tranh. Tác giả đơn cử một ví dụ, khi Thượng nghị sĩ Hollings đại diện
South Carolina, bang nhà của ông đến thăm Việt Nam, Tướng Westmoreland
khoe “Chúng ta tiêu diệt địch theo tỷ lệ 10 đổi 1.” Thượng nghị sĩ
Hollings trả lời: “Dân chúng Mỹ không quan tâm tới 10 quân thù bị ta
tiêu diệt. Họ quan tâm tới 1 người Mỹ bị địch giết.” Tác giả Sorley nói
Tướng Westmoreland không hiểu thâm ý của Thượng nghị sĩ Hollings.
1. Và lý do thứ nhất vì sao Tướng Westmoreland
để mất Việt nam Cộng hòa, theo Tiến sĩ Sorley, là với hướng tiếp cận ấy,
Tướng Westmoreland đã phung phí và đánh mất sự hậu thuẫn của phần lớn
dân chúng, Quốc hội Mỹ và của giới truyền thông.
Đó là ý kiến cá nhân của tác giả Sorley, quy
trách cho Tướng Westmoreland về sự thất bại của Hoa Kỳ trong chiến tranh
Việt Nam, dẫn tới biến cố 30 tháng Tư năm 1975.
Khác với đánh giá của phần lớn các nhà phân
tích, Tiến sĩ Sorley cho rằng sau khi Tướng Creighton Abrams thay thế
Tướng Westmoreland, tình hình chiến cuộc Việt Nam đã xoay chiều, tới mức
có lúc có thể khẳng định lực lượng đồng minh đã thắng.
“Mọi sự diễn tiến tốt đẹp tới mức có lúc tôi đã
mạnh dạn viết trong quyển 'A Better War' rằng có một thời điểm khi có
thể nói thắng lợi đã về tay miền Nam. Tôi viết rằng mặc dù giao tranh
vẫn chưa chấm dứt, nhưng coi chúng ta đã thắng, lý do là bởi vì chính
phủ miền Nam Việt Nam đã đủ khả năng để có thể duy trì độc lập và tự do,
với điều kiện Hoa Kỳ phải giữ những cam kết đã hứa với họ.”
Tiến sĩ Sorley lập luận rằng khi các binh sĩ Mỹ
cuối cùng rời Việt Nam hồi cuối tháng Ba năm 1973, miền Nam đã có một hệ
thống chính phủ và quân đội có khả năng tồn tại lâu dài, với điều kiện
là Hoa Kỳ phải tôn trọng lời hứa sẽ hỗ trợ Sàigòn nếu xảy ra những hành
động gây hấn mới từ miền Bắc.
Theo Tiến sĩ Sorley thì ngay trước đó vào năm
1972,Việt nam Cộng hòa đã vượt qua một thách thức quan trọng khi đẩy lùi
được cuộc tiến quân ồ ạt của lực lượng miền Bắc trong chiến dịch
Xuân-Hè năm 1972, được báo chí gọi là “Mùa Hè Đỏ lửa”.
Ông nhận định: “Cuộc xâm lăng miền Nam, băng qua
khu phi quân sự ở miền Bắc, dẫn tới một trận chiến ác liệt kéo dài
nhiều tháng. Rốt cuộc miền Nam đã thắng thế. Lực lượng bộ binh Mỹ lúc
bấy giờ hầu hết đã ra đi, không đóng vai trò nào trong trận ác chiến,
mặc dù có sự tham gia của Không quân và Hải quân Mỹ. Với sự yểm trợ đó,
người miền Nam đã đẩy lùi được cuộc xâm lăng của một lực lượng hùng hậu
từ miền Bắc có quân số tương đương với 20 sư đoàn.”
Thế mà trước thắng lợi đó, vẫn có người chỉ
trích rằng miền Nam đã không lấy lại được ưu thế nếu không có sự yểm trợ
của không quân và hải quân Mỹ. Tiến sĩ Sorley nói lời chỉ trích đó
không công bằng.
“Đó là một lời chỉ trích lạ lùng, bởi vì thời
ấy, chúng ta cũng có hàng trăm ngàn binh sĩ Mỹ trú đóng ở Âu Châu để
giúp các đồng minh trong trường hợp họ cần được giúp đỡ, như chúng ta đã
giúp Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta còn có 50,000 binh sĩ trên bán đảo
Triều Tiên để giúp người Nam Triều Tiên nếu họ cần tới chúng ta. Không
có ai chỉ trích người Âu Châu hay người Triều Tiên vì họ không có khả
năng tự bảo vệ nếu không được Hoa Kỳ tiếp tay, vậy mà Việt nam Cộng hòa
lại bị chỉ trích. Tôi cho rằng lời chỉ trích đó rất là bất công.”
Tiến sĩ Sorley nói lúc ấy Tướng Creighton Abrams
đã ca ngợi thành tích của quân đội miền Nam, ông nói tuy không lực Mỹ
đóng một vai trò quan trọng, nhưng nếu các binh sĩ miền Nam không đứng
lên chiến đấu quyết liệt như họ đã làm, thì hỏa lực Mỹ dù mạnh gấp 10
lần, cũng không giúp họ dành được thắng lợi.
Tuy nhiên, lúc đó dư luận Mỹ được sự khích lệ
của giới truyền thông thiên tả đã quay sang chống đối chiến tranh, bẻ
gãy ý chí chính trị của giới lãnh đạo tại Washington.
Đoạn kết của chiến tranh Việt Nam, theo lời Tiến sĩ Sorley, là một giai đoạn hết sức bi thảm.
“Không có cách nói nào khác để giải thích nguyên
do đưa đến kết cuộc bi thảm đó. Rốt cuộc chúng ta đã bỏ rơi miền Nam.
Chúng ta đã hứa nếu giao tranh mới xảy ra, nếu miền Bắc vi phạm hiệp
định Paris thì Hoa Kỳ sẽ trừng phạt những hành động vi phạm đó, ở đây
tôi muốn nói tới việc dùng hỏa lực của không quân và hải quân. Ngoài ra
theo tinh thần hiệp định Paris, Hoa Kỳ đã hứa sẽ thay thế các hệ thống,
các thiết bị quân sự cho miền Nam trên căn bản một đổi một, kể cả xe
tăng, súng ống, chiến đấu cơ vv… Ngoài ra, Hoa Kỳ hứa sẽ duy trì nguồn
tài trợ dồi dào cho miền Nam. Tại một cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc giữa Tổng
Thống Thiệu và Tổng Thống Nixon, con số được nhắc tới là 1 tỉ đôla một
năm, vô thời hạn. Thế nhưng tới thời điểm quyết định, tôi lấy làm tiếc
là chúng ta đã không giữ cả 3 cam kết đó, trong khi sự giúp đỡ của các
quan thầy Nga và Trung Quốc dành cho Cộng sản miền Bắc tiếp tục gia
tăng.”
Tiến sĩ Sorley kết luận rằng số phận của chế độ
miền Nam đã được định đoạt ngay từ quan điểm lệch lạc và lối lãnh đạo
của Đại tướng Westmoreland, và tình hình không thể nào lật ngược lại
được vì Hoa Kỳ không giữ những cam kết đã hứa với Nam Việt Nam. Quan
điểm của Tiến sĩ Sorley chắc chắn sẽ bị đả phá, kéo dài thêm cuộc tranh
luận vô tận về chiến tranh Việt Nam.
Tiến sĩ Sorley sẽ trao đổi kết quả công trình
nghiên cứu của ông tại Thư viện thành phố Williamsburg, bang Virginia,
hôm Thứ hai, 30 Tháng Tư sắp tới. Buổi nói chuyện miễn phí và không cần
vé. Muốn biết thêm chi tiết, quý vị có thể truy cập địa chỉ wrl.org để
biết thêm thông tin.
‘Câu chuyện Việt Nam’ do Hoài Hương phụ trách
đến đây đã kết thúc, mời quý vị đón nghe chương trình này, được phát
thanh vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy mỗi tuần. Quý vị có thể góp ý về đề tài
hôm nay, đọc các tin mới nhất, xem phóng sự video, bình luận, và trao
đổi với các độc giả khác trên trang web của chúng tôi ở địa chỉ
www.voatiengviet.com hoặc các trang web xã hội Facebook, Twitter và
Yahoo 360 plus. Hoài Hương xin cám ơn sự theo dõi của quý thính giả và
xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình tuần tới.
0 comments:
Post a Comment