Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt | ||||
Ngoài việc gây quỹ hoạt động, thành viên nhóm còn tổ chức nhiều cuộc
xuống đường, tổ chức văn nghệ, biểu tình, triển lãm, để tạo cho công
chúng Hoa Kỳ biết tình trạng người tị nạn trong các trại ở Ðông Nam Á. IRVINE, California (NV) - Nhiều thành viên của nhóm Project Ngọc tụ họp về đại học UCI tối Thứ Ba để ôn lại một thời kỳ công tác dấn thân và đấu tranh cho người Việt tại các trại tị nạn Ðông Nam Á hồi thập niên 1980, kết hợp với một cuộc triển lãm hình ảnh hoạt động của nhóm tại thư viện Langson của trường đại học. “Chúng tôi bắt đầu dự án hồi đó bằng một niềm đam mê,” ông Thomas Wilson, sáng lập viên Project Ngọc, kể lại câu chuyện bắt đầu cách đây 25 năm, khi ông là sinh viên cao học ngành toán của UCI. “Lúc đó, tôi có nhiều bạn người Việt. Một người trong số này, tên Trinh Do, kể với tôi một câu chuyện thương tâm tại trại tị nạn ở Hồng Kông. Rồi anh hỏi tôi: 'Sao anh không làm gì cả? Nhiều người đang bị giết, bị chết, trên đường vượt biển.' Thế là chúng tôi lập ra Project Ngọc. Rồi tôi lên nói chuyện với khoa trưởng.” Thế rồi, ông Wilson xin mở một lớp học vào mùa Xuân năm 1987, để sinh viên vừa học lấy tín chỉ vừa trở thành những nhà hoạt động chính trị đấu tranh cho người tị nạn Việt Nam. “Mục đích của lớp học là tạo ra một sự ủng hộ cho những người tị nạn Việt Nam, lúc đó là nạn nhân của hải tặc Thái Lan, chiến tranh tại Cambodia, bị kẹt trong các trại tị nạn Ðông Nam Á trong nhiều năm,” ông Wilson cho biết. Và Project Ngọc xuất phát từ lớp học này. Ông kể ra một số nhân sự cùng làm việc với ông trong Project Ngọc, bao gồm cựu Dân Biểu Trần Thái Văn, nhà báo Ðinh Quang Anh Thái, anh Anton Vũ, Bác Sĩ Mai Phương Nguyễn, Luật Sư Daniel Ðỗ Khánh và một số người khác. Công tác đầu tiên của Project Ngọc là gây quỹ được $4,000 để gởi bốn thành viên sang Hồng Kông đấu tranh cho quyền lợi của người Việt tị nạn và phản đối chính quyền Anh dự định đóng cửa trại tị nạn. Sau này, ông Wilson cũng sang hoạt động trong các trại tị nạn ở Thái Lan một thời gian. Tận tụy “Những sinh viên tham gia Project Ngọc là những người rất có lòng, làm việc tận tụy và đấu tranh rất mạnh mẽ và hiệu quả cho người Việt tị nạn,” nhà báo Ðinh Quang Anh Thái chia sẻ. Theo lời ông kể, lúc đó, ông sở hữu một nhà in. Trong một lần được mời đến nói chuyện với sinh viên UCI nhân dịp 30 Tháng Tư, ông nghe nói đến Project Ngọc. Sau khi được giới thiệu với ông Thomas Wilson, ông Thái giúp một tay liền. “Chính anh Thái là người in giúp chúng tôi nhiều tài liệu của Project Ngọc mà không lấy đồng nào,” ông Thomas Wilson cho biết. Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên Giáo Dục Học Khu Garden Grove và từng là chủ tịch tổ chức LAVAS, một tổ chức pháp lý trợ giúp người tị nạn, cho rằng những thành viên Project Ngọc là những người rất “phi thường.” “Họ dám gởi người tới Hồng Kông dù không biết gì về Hồng Kông,” Luật Sư Lân nói. “Họ còn đưa người đến Quốc Hội Mỹ và lần đầu tiên vận động được một nghị quyết công nhận người tị nạn. Họ là một tổ chức sinh viên không chỉ thuần túy gây quỹ hoạt động, mà họ có những hoạt động rất phi thường vào thời điểm đó.” Nhà văn Nhật Tiến, một người có nhiều hoạt động với sinh viên tại UCI trong thập niên 1980 cũng công nhận tinh thần của Project Ngọc đối với người tị nạn. Ông kể: “Hồi đó, tôi có cộng tác với một nhóm sinh viên quan tâm đến nhiều vấn đề của người tị nạn Việt Nam. Rồi tôi biết đến Project Ngọc, cũng có làm chung với họ một số việc. Mỗi lần họp với họ, tôi thấy họ thảo luận rất sôi nổi. Họ rất nhiệt tình và hết lòng với vận mệnh nổi trôi của dân tộc. Họ có tấm lòng thiết tha với người tị nạn.” Tự hào “Tôi có thể nói rằng đó là một thời kỳ đáng nhớ trong cuộc đời,” Luật Sư Trần Thái Văn, cựu sinh viên UCI và là dân biểu gốc Việt đầu tiên tại California, nói trước cử tọa. “Hồi đó, chúng tôi muốn giới thiệu một cái gì đó cho những người không có tiếng nói. Project Ngọc cũng giống như các tổ chức sinh viên khác tại UCI. Chúng tôi cùng làm việc với nhau, chia sẻ ý kiến, để đạt mục đích chung.” Ông kể, cách đây hai năm, trong lúc đi vận động tranh cử, một nữ luật sư gốc Việt nhận ra ông. Phụ nữ này từng ở trại tị nạn Hồng Kông lúc 5 tuổi và vẫn nhớ lúc ông Văn vào thăm trại, đưa cho cô một trái táo. Ông chia sẻ thêm: “Ðó là lần đầu tiên trong đời cô được cho một trái táo. Sự kiện này nhắc nhở tôi thời kỳ của Project Ngọc. Trong thời gian làm việc với Project Ngọc, tôi học hỏi được rất nhiều điều quý giá.” Anh Anton Vũ, một trong bốn người đầu tiên của Project Ngọc đến thăm trại tị nạn Hồng Kông, tự hào với kinh nghiệm có được khi làm việc với người tị nạn.
Bác Sĩ Mai Phương Nguyễn, một thành viên khác của Project Ngọc, cho rằng những gì cô học trong khi làm việc với người tị nạn là không thể so sánh được. “Thời gian làm việc trong Project Ngọc là vô giá. Tôi từng nói với bạn học của tôi, nếu không làm một điều gì đó giống như Project Ngọc trong lúc ở đại học thì có một điều gì đó không bình thường với cuộc đời sinh viên của quý vị,” nữ bác sĩ này nói. Ðối với Luật Sư Daniel Ðỗ Khánh, ông cảm thấy “rất mạnh” khi hồi tưởng lại những gì Project Ngọc bắt đầu 25 năm trước. Ông kể: “Trên đường lái xe đến đây, tôi hồi tưởng lúc đó mình chỉ là một sinh viên 19 tuổi, nhưng sao mình lại 'mạnh thế.' Lúc đó, dù chưa bao giờ đi khỏi Orange County, nhưng tại sao mình dám giúp người tị nạn, tại sao mình 'mạnh quá.' Việc mình làm tuy nhỏ, nhưng giúp thay đổi số phận một số người. Không ngờ những điều mình chỉ nghe trong lớp, chỉ đọc trên sách, mà làm được, mở mắt cho nhiều người trong cộng đồng.” Triển lãm 'Project Ngọc' Ngay khi bước vào thư viện Langson của UCI, mọi người thấy ngay một khung kiếng lớn trên tường và hai tủ kiếng to hai bên, trưng bày nhiều hình ảnh, bài viết, tranh cổ động, liên quan đến người tị nạn Việt Nam và hoạt động của Project Ngọc. Trên tường là những bức tranh do sinh viên UCI vẽ, nói về tình trạng bi đát của người Việt Nam trong các trại tị nạn. Một tủ kiếng khác là hình ảnh người tị nạn khi mới đến trại, hình ảnh thành viên Project Ngọc họp, tổ chức văn nghệ gây quỹ, xuống đường phản đối chính quyền các nước Châu Á đòi đóng cửa trại tị nạn, biểu tình trước Tổng Lãnh Sự Vương Quốc Anh ở Los Angeles, biểu tình trong khuôn viên UCI để mọi người biết tình trạng của người tị nạn... Nhiều người cảm động khi nhìn lại những hình ảnh này, nhất là nhân viên Văn Khố Ðông Nam Á của thư viện. Cô Andra Yun, một chuyên viên lưu trữ của thư viện, chia sẻ: “Sắp xếp những hình ảnh của Project Ngọc là một việc không dễ và đầy cảm xúc. Khi nhìn những tấm hình, đọc những lá thư của sinh viên, mới cảm nhận được khó khăn của người tị nạn và những gì Project Ngọc đã làm.” “Tôi nghĩ mọi người nên đến xem triển lãm này để trân trọng những gì họ trải qua và những gì sinh viên UCI làm qua Project Ngọc. Biết đâu, họ có thể tìm thấy mình, hoặc người thân của mình, qua những tấm hình này,” cô Andra nói thêm. Bà Christina Woo, giám đốc Văn Khố Ðông Nam Á, nói: “Tôi từng gặp những sinh viên Việt Nam cho biết họ sinh ra trong trại tị nạn, hoặc gia đình họ từng sống trong trại tị nạn. Tôi nghĩ cuộc đời mỗi người rồi sẽ qua đi, nhưng những hình ảnh về cuộc đời người tị nạn, cũng như công tác của Project Ngọc, sẽ còn mãi, từ thế hệ này qua thế hệ khác.” “Nhiệm vụ của chúng tôi là lưu giữ những tài liệu quý giá này, những câu chuyện lịch sử người tị nạn đến Mỹ, họ đi học ra sao, kiếm việc làm như thế nào, bảo lãnh thân nhân mất bao lâu và nhiều chuyện khác nữa liên quan đến người tị nạn. Ðây là những tài liệu rất quý giá,” bà nói thêm.
Trong bài diễn văn đọc tại buổi họp mặt, Tiến Sĩ Manuel Gomez, cựu phó viện trưởng UCI, cho biết nếu không trải qua kinh nghiệm của người tị nạn, người ta không thể hiểu giá trị của tự do. “Không ai tin vào lý tưởng mạnh hơn và thuần túy hơn so với người tị nạn sống tại Hoa Kỳ,” ông tuyên bố. “Khi đọc câu chuyện về người tị nạn, do Project Ngọc cung cấp, quý vị phải choáng váng khi biết mình có đặc ân là công dân được sinh ra tại Hoa Kỳ. Mặc dù quyền lợi công dân không được phân bổ đồng đều, sinh ra tại Mỹ có một quyền lợi rất lớn không thể chối cãi. Ðó là chúng ta không phải trốn khỏi quê hương với hy vọng tìm quy chế tị nạn, hoặc không phải bỏ trốn để đi tìm cái không có tại quê hương mình.” “Những gì người tị nạn trải qua để đến Hoa Kỳ thường rất kinh khủng và nguy hiểm. Chính những điều này là một đóng góp đầy hứa hẹn cho đất nước này,” Tiến Sĩ Manuel Gomez nói thêm. 'Project Ngọc' Dự án được đặt tên Project Ngọc, theo ông Wilson giải thích, xuất phát từ truyện “Thuy and Ngoc Lan,” do ông viết, kể về trường hợp hai cô gái Việt Nam vượt biên, nhưng chỉ có Thuy đến được bến bờ tự do. Ngoài việc gây quỹ hoạt động, thành viên nhóm còn tổ chức nhiều cuộc xuống đường, tổ chức văn nghệ, biểu tình, triển lãm, để tạo cho công chúng Hoa Kỳ biết tình trạng người tị nạn trong các trại ở Ðông Nam Á. Thành viên Project Ngọc đến các trại tị nạn, chụp hình, phỏng vấn, viết báo cáo, rồi vận động chính quyền các cấp ở Mỹ và các chính phủ khác để can thiệp giúp đỡ người Việt tị nạn để không bị cưỡng bách hồi hương. Các bản báo cáo về người tị nạn Việt Nam cũng gây chú ý cho Cao Ủy Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc. Năm 1997, Project Ngọc chấm dứt hoạt động sau khi các trại tị nạn Ðông Nam Á hoàn toàn đóng cửa. |
Thursday, April 26, 2012
25 năm 'Project Ngọc': Tranh đấu cho người tị nạn là vô giá
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment