Một người Hmong tại khu đồi bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, Điện Biên
AFP dẫn nguồn tin báo chí tại Việt Nam hôm nay, 14/03/2012, cho biết, 8 người Hmong tham gia vào các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần tại Mường Nhé, Điện Biên hồi cuối tháng Tư, đầu tháng Năm năm 2011, đã bị chính quyền kết án tù giam vì tội « phá rối an ninh».
Hôm qua, Tòa án Nhân dân Ðiện Biên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 8 người Hmong tham gia vào vụ biểu tình hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011, tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên. Theo Thông tấn xã Việt Nam, các bị cáo nói trên bị buộc « tội phá rối an ninh trong vụ tụ tập đông người, gây sức ép với chính quyền, yêu sách đòi thành lập “Vương quốc Mông” ». Hai bị cáo bị kết án 2 năm rưỡi tù giam, 6 người khác lĩnh án 2 năm. Ngoài ra, các bị cáo trên còn bị 2 4 tháng quản chế.
Vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, hàng nghìn người Hmong, đa số theo đạo Tin Lành, đã tụ tập biểu tình tại Mường Nhé. Về nguyên nhân tập hợp của hàng ngàn người Hmong này, nhiều thông tin khác nhau đã được đưa ra. Chính quyền Việt Nam nói, những người Hmong vì mê tín dị đoan, nên đã bị xúi giục kích động. Trong khi đó, theo một số nguồn tin khác, đặc biệt là từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền hay đấu tranh cho quyền lợi của người Hmong, thì những người biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo, quyền sở hữu đất đai.
Tuy nhiên, sự việc xảy ra khi đó đã bị chính quyền tìm cách bịt kín. Báo chí không được phép đến tác nghiệp, địa bàn bị phong tỏa. Cuộc biểu tình với quy mô lớn chưa từng có của người Hmong sau đó đã bị chính quyền giải tán và hàng trăm người bị bắt giữ. Nhiều người Hmong đã chết, theo nguồn tin của một số tổ chức phi chính phủ.
Vào lúc đó, có nguồn tin cho biết, chính quyền đã phải huy động cả lực lượng quân đội can thiệp. Tuy nhiên thông tin này đã bị Hà Nội bác bỏ.
Hôm nay, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch – HRW – lên tiếng cho rằng, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh các bản án đối với những người Hmong này, ví dụ như tội trạng thực sự của họ là gì để có thể bị kết tội.
Phụ trách khu vực châu Á của HRW, ông Phil Robertson tỏ ý lấy làm tiếc vì « chính quyền Việt Nam đã ngăn cản các quan sát viên độc lập đánh giá những gì đã xảy ra ở Mường Nhé hồi năm ngoái ».
0 comments:
Post a Comment