Ngày 14/3/1988 trong một trận hải chiến ác liệt để giữ gìn biển đảo của Tổ quốc (3 bãi đá ngầm Gạc-ma, Len-đao và Cô-lin) 64 chiến sĩ kiên cường của chúng ta đã anh dũng hy sinh trước mũi lê và đạn pháo của quân xâm lược Trung Quốc. Lịch sử đã ghi lại rõ từng chi tiết. Xin trích hai đoạn ngắn trong Wikipedia:
“6h sáng, Hải quân Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết ông đã hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân“.[4]…
Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Vũ Phi Trừ – thuyền trưởng, Trần Đức Thông – lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đảo Gạc Ma”.
Một sự kiện lịch sử đau thương và anh hùng như thế mà Trung ương Đảng và Chính phủ tuyệt nhiên không tổ chức kỷ niệm, giữa lúc đang cần động viên tinh thần đánh giặc cứu nước hơn lúc nào hết! Đã thế khi hội Cựu chiến binh ngành Dầu khí Việt với sự ủng hộ của Tư lệnh quân chủng Hải quân dự định tổ chức lễ vinh danh, tri ân và trao tặng (đợt 1) một số gia đình có thân nhân là Liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 ấy, thì cuối cùng nhận được tin sét đánh: thượng cấp không cho làm!”.
Thượng cấp ấy là ai, phải làm cho rõ! “Thượng cấp” ra lệnh cho Tư lệnh Quân chủng Hải quân phải ở cấp nào? Kẻ chủ trương không kỷ niệm một chiến tích lịch sử của dân tộc phải ở cấp nào?
Nhân dân nhiều người nhắc đến các Liệt sĩ ngày 14 tháng 3 không cầm được nước mắt, nhóm các thanh niên “No-U” đã ra tận vùng biển Quảng Ninh nơi giáp danh giữa Trung Quốc và Việt Nam, thắp lên 64 ngọn nến trên biển để tưởng nhớ 64 liệt sĩ đã bỏ mình vì biển đảo quê hương…
Còn những người lãnh đạo tối cao thì… cấm, cấm, cấm! (Hay là câm, câm, câm?). Sợ kẻ thù đến cỡ đó thì làm sao giữ nước? Với ai đó thì Im lặng này có thể là vàng 16 chữ, chứ với các Liệt sĩ và với Dân tộc thì Im lặng này là sỉ nhục! Một cựu chiến binh đã nói rất đúng: giữ đảo, giữ biển không nằm ở tàu to súng lớn mà nằm ở lòng người. Tiếc thay lòng dân không thiếu.
Hãy cùng nhau giữ một phút mặc niệm trong lời hô của Liệt sĩ Trần Văn Phương trước khi ngã xuống “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho MÁU của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân!
Dòng máu hồng của con em nhân dân Việt Nam mình phải đâu nước lã?
Bauxite Việt Nam
———————————————-
Trước 14-3-2012 gần 2 tháng, hội Cựu chiến binh ngành Dầu khí Việt Nam có kế hoạch hoạch đúng ngày 14-3-2012, sẽ tổ chức lễ vinh danh, tri ân và trao tặng (đợt 1) một số gia đình có thân nhân là Liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 ở Trường Sa, hiện có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền tròn 200 triệu đồng.
Đợt 2 sẽ trao cho các gia đình liệt sĩ 14-3-88 khác, vào 14-3-2013.
Theo kế hoạch phối hợp cùng báo Thanh niên (Văn phòng đại diện tại Nha Trang) và các báo Nông thôn ngày nay, Cựu chiến binh Việt Nam… buổi lễ sẽ diễn ra tại trụ sở Vùng 4 hải quân (bán đảo Cam Ranh) – có đơn vị trực thuộc là Lữ đoàn 146 đang trấn giữ Trường Sa.
Được sự thống nhất và hoan nghênh của lãnh đạo bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân, đại diện các báo trên đã cấp tốc đến Vùng 4, làm việc với chủ nhiệm Chính trị và trưởng ban Chính sách Vùng 4, bàn kế hoạch phối hợp triển khai khá chi tiết. Theo đó, Vùng 4 lo bố trí, trang trí hội trường buổi lễ, phòng ốc và ăn uống cũng như xe đưa đón đại diện gia đình liệt sĩ từ sân bay Cam Ranh, ga Nha Trang về nhà khách Vùng 4, với chi phí do phía Dầu khí đài thọ (khoảng 140 triệu, ngoài 200 triệu quà trao nói trên), kể cả chi phí khẩu hiệu, phông màn,… Các báo lo liên hệ mời, mua vé phương tiện đưa thân nhân liệt sĩ đến nhà khách Vùng 4.
Biết tin, rất nhiều thân nhân liệt sĩ và cựu chiến binh Trường Sa khấp khởi mong đến ngày lễ đầy ý nghĩa này.
Hỡi ôi! Gần đến 14-3-2012, tin sét đánh: thượng cấp không cho làm!
Buồn quá!
Nghĩ mà tủi phận các Liệt sĩ, gần một phần tư thế kỷ vẫn lạnh lẽo trong con tàu 604 nơi dưới đáy biển Gạc Ma xa xôi. Cũng chẳng ai đoái hoài việc yêu cầu Trung Quốc không làm khó Việt Nam ra quy tập các anh về đất liền quê nhà. Gia đình các anh thì nghèo khổ, còn nhân dân, đồng đội muốn vinh danh, tri ân các anh cũng chẳng được. Ngày giỗ các anh, chẳng thấy nhân vật chóp bu nào hé môi nhắc.
Chẳng lẽ máu xương, sinh mệnh các anh hiến dâng cho Tổ quốc thành uổng phí?
V. V. T.
—————————————————-
“Khóc cho anh em hy sinh, cũng không được phép”…
Nhà báo T, Phóng viên báo X kể với mình buổi sáng:
Từ mấy tháng trước, anh T thay mặt Báo, lặn lội tìm đến thăm gia đình 34/64 Liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa (30 gia đình còn lại ở các địa phương khác, sẽ thăm sau).
Báo cũng đã làm việc và thống nhất tổ chức cuộc gặp mặt 34 gia đình Liệt sĩ, tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
Thành phần buổi gặp mặt bao gồm các mẹ của Liệt sĩ (mỗi mẹ được đưa 1 người thân đi cùng), lãnh đạo đại diện Hải quân và cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa…
Cuộc gặp mặt được sự giúp đỡ của Hội Cựu Chiến binh của 1 doanh nghiệp: Đài thọ tiền đi lại cho thân nhân Liệt sĩ; tặng quà cho mỗi gia đình…
Tất cả mọi việc đã hoàn tất, giấy mời đã được phát đi, hẹn ngày 14/3/2012 gặp mặt tại Cam Ranh.
Đùng cái, cách đây 3 ngày (11/3/2012), có lệnh của “trên” yêu cầu hủy cuộc gặp mặt.
Nhà báo T cay đắng: “Anh trở thành người đi phỉnh (lừa) các mẹ Liệt sĩ” và chán nản: “Giỗ anh em hy sinh mà không dám tổ chức. Khóc anh em hy sinh cũng không được phép khóc!”…
Mình nghe xong câu chuyện, cũng chán ặt người: “Tổ quốc có bao giờ HÈN thế này không?
M. T. H.
Nguồn: http://maithanhhaiddk.blogspot.com/2012/03/khoc-cho-anh-em-hy-sinh-cung-khong-uoc.html
0 comments:
Post a Comment