Sunday, March 25, 2012

ĐẤT NƯỚC CỦA THÁNH THẦN


Tượng Phật và tượng bán thân ông Hồ Chí Minh trên điện thờ ở nhà nguyên TBT Lê Khả Phiêu (nguồn: BBC).

Bẵng đi một thời gian, vì những biến cố của cuộc đời, cuối năm 2010 tôi mới về thăm ba tôi ở Hà Tĩnh.

Như mọi khi, tôi lại thắp hương lên bàn thờ. Tuy nhiên, khác với mọi lần, lần này ba tôi bỗng nhắc tôi: “Đã thắp hương ở chỗ bàn thờ đằng kia chưa? Thánh đó!” Dĩ nhiên là tôi phải thắp hương ở những nơi mà ba tôi vẫn thường thắp rồi. Thánh thần có thật hay không thì chưa biết nhưng có một vị thánh ngự trị trong tâm trí mình thì tốt quá đi chứ. Ông cha ta chẳng bảo “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” đấy là gì.

Nghĩ vậy nên tôi chẳng mấy băn khoăn khi nghe ba tôi nói thế. Song điều khiến tôi ngỡ ngàng đến mức không tin nổi vào mắt mình là khi trèo lên ghế để thắp hương vào chỗ bàn thờ mà ba tôi vừa chỉ: Vị “thánh” đó té ra lại là ông Hồ Chí Minh hoá thân trong một bức tượng bán thân màu đồng cao độ 20cm!

Từ đấy, tôi mớt bắt đầu để ý và nhận thấy là hầu như nhà đảng viên nào cũng có nơi thờ “thánh” cả (3 đứa em tôi đều là đảng viên). Và nhà ai càng “quyền cao chức trọng” thì nơi thờ tự của “Người” lại càng tươm tất. Còn ở các cơ quan công quyền thì khỏi phải nói, bàn thờ “thánh” gần như đã trở thành một thứ “luật bất thành văn” rồi.

Danh xưng “thánh” kia không phải do những người như ba tôi nghĩ ra mà chắc chắn là bắt nguồn từ một chiến lược bài bản của giới lãnh đạo Đảng CSVN.

Báo điện tử Kiến Thức ngày 14/2/2010 đăng bài “Người là bậc thánh nhân”. Báo Năng Lượng Mới ngày 18/11/2011 có bài “Suy ngẫm về lời của Bác”, trong đó viết: “Bác Hồ của chúng ta được coi là bậc Thánh, không chỉ với người Việt mà còn với nhiều dân tộc trên thế giới, bởi đức độ cao cả và công lao to lớn của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phong trào đấu tranh vì hòa bình trên thế giới. Nhân dân ta còn coi Bác là bậc Thánh nhân bởi những dự báo chính xác của Người về vận nước, về con đường của cách mạng… Và cả sự ra đi của Người, khoa học sẽ không thể giải thích nổi rằng, tại sao Người lại từ biệt thế giới này vào đúng ngày Người đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước XHCN đầu tiên ở châu Á.” Báo Pháp Luật & Xã Hội ngày 25/1/2012 đăng bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Vị Thánh nhân của dân tộc”. Khi rước tượng Thánh Gióng lên ngự trên đỉnh núi đá Chồng, người ta đã cố ý chọn đúng ngày 19/5/2010 để có cớ mà thốt lên trong niềm hoan lạc vô biên rằng “đây là một sự trùng hợp đẹp và rất ý nghĩa” (!?).

“Thầy nào trò đó”, lớp hậu bối của Trần Dân Tiên quả không hổ danh là những “học trò xuất sắc” của ông. Khi không còn có thể trưng ra câu: “Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Đông thì không thể sai được” [1], người ta lại cố nhào nặn nên một hình ảnh huyễn hoặc để phát đi cái thông điệp loè bịp rằng: “Ai đó thì có thể sai chứ ‘thánh’ thì không thể sai được! Hãy tin tưởng vào con đường mà ‘thánh’ đã chọn.” (Và phải chăng ở đây còn ẩn chứa cả sự đe nẹt dành cho tầng lớp trí thức nữa: “Chớ có dại dột ‘phản biện’ mà ‘thánh’ lại vật cho thì khốn đấy.”)

Ôi, không biết đến bao giờ bùa phép của “thánh” mới hết thiêng với đất nước này đây? Không biết đến bao giờ người dân Việt Nam mới hết phải đội ơn mưa móc của “thánh” đây?

Lê Anh Hùng

Quảng Trị, 25/03/2012

[1] Lời Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đảng Cộng sản Việt Nam qua những biến động trong Phong trào Cộng sản Quốc tế của Nguyễn Minh Cần.

Trích từ: VANGANH.INFO

0 comments:

Powered By Blogger